Pages

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

2012: Bàn cờ chính trị thế giới mới


Nguyễn Hưng Quốc
Theo VOA
Năm 2012 này sẽ đánh dấu nhiều sự thay đổi
 quan trọng trên thế giới, trong đó, quan trọng
 nhất là sự thay đổi của bàn cờ chính trị toàn cầu.

Trước, từ đầu thế kỷ 20, và đặc biệt, từ 1945, suốt thời chiến tranh lạnh (1945-1990), trung tâm của bàn cờ chính trị thế giới là châu Âu. Lúc ấy, mâu thuẫn chính trị chính của thế giới là mâu thuẫn giữa khối tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Mỹ, và khối xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Tuy có lúc, điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh ấy là Việt Nam, nhưng sân khấu chính trị vẫn thuộc về Mỹ và Âu châu. Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh, qua Kế hoạch Marshall, chính phủ Mỹ đã đổ ra 18 tỉ đô-la để giúp 16 quốc gia Âu châu phát triển cơ sở kinh tế, xã hội và kỹ thuật để có thể đương đầu với Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa. Từ đó, quan hệ với châu Âu trở thành cột xương sống trong mọi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tất cả những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của họ đều ở châu Âu. Lực lượng quân sự quan trọng nhất của họ nằm ở châu Âu. Kho vũ khí nguyên tử lớn nhất ở ngoài Mỹ cũng nằm ở châu Âu. Người ta đo lường thời tiết chính trị thế giới qua từng cơn ho và từng cơn sổ mũi ở châu Âu. Chứ không phải ở Việt Nam, nơi có lúc có đến nửa triệu quân lính Mỹ và đồng minh tham chiến.


Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, thế giới lại đối diện với một nguy cơ mới: nguy cơ khủng bố toàn cầu, chủ yếu xuất phát từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Thế là Trung Đông biến thành trung tâm của bàn cờ chính trị thế giới. Mỹ đổ quân vào đánh Afghanistan và Iraq, mở đầu cho hai cuộc chiến tranh dài đằng đẵng kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Quan hệ giữa Israel và một số quốc gia láng giềng có lúc sôi lên sùng sục. Súng ống đạn dược được đổ vào Trung Đông. Tiền bạc cũng đổ vào Trung Đông. Mọi con mắt đều tập trung vào Trung Đông. Mỹ không còn khả năng để giải quyết bất cứ một mâu thuẫn nào khác ngoài hai cuộc chiến họ đang tiến hành.

Cuối cùng, năm 2011, chiến tranh ở Iraq kết thúc. Chưa ai biết sau này số phận của Iraq sẽ ra sao, nhưng, về phía Mỹ, ít nhất cuộc chiến tranh kéo suốt tám năm của họ đã khép lại. Saddam Hussein bị bắt và bị treo cổ. Iraq có chính phủ mới và có vẻ như có thể tự đứng vững được. Trong khi đó, chiến tranh ở Afghanistan vẫn tiếp tục. Nhưng Mỹ cũng đang cố gắng giảm dần các gánh nặng của họ. Đó là chưa kể sau cái chết của Osama bin Laden (ngày 2 tháng 5 năm 2011), Mỹ có thể có lý do để rút dần ra khỏi một cuộc chiến mà càng ngày chiến thắng càng trở nên mù mịt.

Thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Mỹ bắt đầu trở về thực tế với những mâu thuẫn mới nảy sinh từ sự xuất hiện của một siêu cường mới: Trung Quốc. Liên tục trong nhiều tháng cuối năm 2011, giới lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống đến Bộ trưởng Ngoại giao đều tuyên bố: Mỹ sẽ trở lại châu Á. Và sẽ ở lại châu Á.

Châu Á, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới thời hiện đại, trở thành trung tâm của bàn cờ chính trị. Thế cờ này đã manh nha từ cuối 2011 và chắc chắn sẽ là hiện thực vào năm 2012.

Đó là điều không thể tránh được. Trước hết là về phương diện kinh tế. Trong khi kinh tế Mỹ vẫn ngổn ngang đầy những khó khăn, kinh tế châu Âu ngập chìm trong khủng hoảng không biết lúc nào mới thoát, kinh tế của phần lớn các nước Á châu vẫn tiếp tục phát triển, trung bình hơn 5% trong suốt ba mươi năm qua. Dự đoán của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) vào tháng 9 năm 2011 cho biết đà phát triển ở Á châu, không kể Nhật Bản, trong năm nay sẽ vào khoảng 7.5%. Theo cái đà này, vào năm 2050, tức chưa tới 40 năm nữa, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở châu Á sẽ tăng từ 30 ngàn tỉ đô-la hiện nay lên đến khoảng 230 ngàn tỉ đô-la ($234 trillion), chiếm hơn một nửa tổng thu nhập nội địa trên toàn thế giới.

Gắn liền với kinh tế là con người. Cũng theo dự đoán, năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 8 tỉ người, trong đó có 5 tỉ sống ở châu Á.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều học giả gọi thế kỷ 21 là “thế kỷ Á châu”. Cách đây hơn 10 năm, vào buổi rạng đông của thế kỷ 21, nói thế, nhiều người còn thấy nghi hoặc. Bây giờ thì chuyện đã thành hiển nhiên. Không thể nào khác được.

Ở châu Á, phát triển với tốc độ nhanh nhất là Trung Quốc. Không những nhanh mà còn khá liên tục. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, từ kinh tế Á châu đến kinh tế toàn cầu hầu như không ảnh hưởng gì mấy đến sự phát triển của Trung Quốc. Nhiều người đã nói đến những nguy cơ rình rập bên trong nền kinh tế Trung Quốc, từ việc xây dựng, nhất là nhà cửa quá nhiều và quá nhanh, đến việc duy trì trị giá đồng nguyên quá thấp, khoảng cách chênh lệch càng lúc càng lớn giữa người giàu và người nghèo cũng như giữa thành thị và nông thôn, nạn tham nhũng cũng như bộ máy hành chính quan liêu, v.v… sẽ dẫn Trung Quốc đến khủng hoảng. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự tiên đoán. Lịch sử không phải lúc nào cũng đi đúng quy luật.

Nếu đà phát triển này cứ tiếp tục thì không bao lâu nữa kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cách đây vài ba chục năm, một số người cũng đã tiên đoán kinh tế Nhật sẽ qua mặt Mỹ. Cuối cùng, điều đó không thành sự thật. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là: ở thời điểm ấy, không mấy người xem sự phát triển của Nhật là một đe dọa lớn. Lý do: Nhật, dù sao cũng là một đồng minh thân cận của Mỹ và Tây phương. Kể từ sau đệ nhị thế chiến, Nhật hầu như từ bỏ hẳn mọi tham vọng chính trị trên sân khấu thế giới. Không có quốc gia nào, kể cả những nước vốn là nạn nhân của Nhật trong thập niên 1940, lo ngại về sự bành trướng của Nhật.

Bây giờ, với Trung Quốc thì khác.

Khác về ý thức hệ. Khác về thể chế chính trị. Và đặc biệt, khác về tham vọng. Trước, Nhật Bản chỉ muốn cạnh tranh với Mỹ về kinh tế; còn về quân sự và chính trị thì vẫn tiếp tục nằm trong quỹ đạo của Mỹ. Bây giờ Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng cạnh tranh với Mỹ về mọi phương diện. Mà không những với Mỹ. Với các nước láng giềng ở châu Á, Trung Quốc cũng sẵn sàng giơ nanh vuốt ra đe dọa. Trong cuộc hội nghị của East Asian Cooperation ở Bali cách đây mấy tháng, 15 trong tổng số 18 nước hội viên thẳng thắn tuyên bố là họ lo lắng trước cách hành xử của Trung Quốc ở Nam Hải.

Các nước Đông Á lo lắng. Mỹ cũng không thể không lo lắng.

Phản ứng trước sự lo lắng ấy là một thế trận mới bắt đầu được manh nha từ năm 2011 và sẽ triển khai dần dần trong năm 2012 này với sự hình thành của các khối liên minh mới.

Thứ nhất là liên minh giữa Mỹ, Úc và Ấn Độ với việc chính phủ Úc đồng ý cho lính Mỹ đến tập trận và đồn trú trên lãnh thổ Úc cùng lúc với việc bãi bỏ lên cấm xuất cảng uranium sang Ấn Độ vốn có hiệu lực từ lúc Ấn Độ, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân.

Thứ hai là liên minh quân sự giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Trước, quan hệ giữa Nhật và Ấn Độ khá lạnh lẽo. Bây giờ, hai nước đã bắt đầu bàn đến việc hợp tác về an ninh trên biển, hơn nữa, còn dự định tập trận chung lần đầu tiên vào năm 2012. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tổ chức các cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng (Japan-India Defense Policy Dialogue) trong năm nay.

Tất cả những liên minh chiến lược mới ấy đều nhắm vào một mục tiêu chính: Trung Quốc.

Với tư cách là người Việt Nam, điều đáng cho chúng ta lo nghĩ nhất là điểm này: Khi châu Á biến thành trung tâm của bàn cờ chính trị mới, không chừng một lúc nào đó, Việt Nam sẽ trở thành một điểm nóng trên bàn cờ ấy. Nơi bùng nổ của các mâu thuẫn chết người trên thế giới.

Như những gì đã xảy ra trong thời chiến tranh lạnh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

của thế giới là mâu thuẫn giữa khối tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Mỹ, và khối xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Tuy có lúc, điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh ấy là Việt Nam, nhưng sân khấu chính trị vẫn thuộc về Mỹ và Âu châu. Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh, qua Kế hoạch Marshall, chính phủ Mỹ đã đổ ra 18 tỉ đô-la để giúp 16 quốc gia Âu châu phát triển cơ sở kinh tế, xã hội và kỹ thuật để có thể đương đầu với Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa. Từ đó, quan hệ với châu Âu trở thành cột xương sống trong mọi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tất cả những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của họ đều ở châu Âu. Lực lượng quân sự quan trọng nhất của họ nằm ở châu Âu. Kho vũ khí nguyên tử lớn nhất ở ngoài Mỹ cũng nằm ở châu Âu. Người ta đo lường thời tiết chính trị thế giới qua từng cơn ho và từng cơn sổ mũi ở châu Âu. Chứ không phải ở Việt Nam, nơi có lúc có đến nửa triệu quân lính Mỹ và đồng minh tham chiến.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, thế giới lại đối diện với một nguy cơ mới: nguy cơ khủng bố toàn cầu, chủ yếu xuất phát từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Thế là Trung Đông biến thành trung tâm của bàn cờ chính trị thế giới. Mỹ đổ quân vào đánh Afghanistan và Iraq, mở đầu cho hai cuộc chiến tranh dài đằng đẵng kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Quan hệ giữa Israel và một số quốc gia láng giềng có lúc sôi lên sùng sục. Súng ống đạn dược được đổ vào Trung Đông. Tiền bạc cũng đổ vào Trung Đông. Mọi con mắt đều tập trung vào Trung Đông. Mỹ không còn khả năng để giải quyết bất cứ một mâu thuẫn nào khác ngoài hai cuộc chiến họ đang tiến hành.

Cuối cùng, năm 2011, chiến tranh ở Iraq kết thúc. Chưa ai biết sau này số phận của Iraq sẽ ra sao, nhưng, về phía Mỹ, ít nhất cuộc chiến tranh kéo suốt tám năm của họ đã khép lại. Saddam Hussein bị bắt và bị treo cổ. Iraq có chính phủ mới và có vẻ như có thể tự đứng vững được. Trong khi đó, chiến tranh ở Afghanistan vẫn tiếp tục. Nhưng Mỹ cũng đang cố gắng giảm dần các gánh nặng của họ. Đó là chưa kể sau cái chết của Osama bin Laden (ngày 2 tháng 5 năm 2011), Mỹ có thể có lý do để rút dần ra khỏi một cuộc chiến mà càng ngày chiến thắng càng trở nên mù mịt.

Thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Mỹ bắt đầu trở về thực tế với những mâu thuẫn mới nảy sinh từ sự xuất hiện của một siêu cường mới: Trung Quốc. Liên tục trong nhiều tháng cuối năm 2011, giới lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống đến Bộ trưởng Ngoại giao đều tuyên bố: Mỹ sẽ trở lại châu Á. Và sẽ ở lại châu Á.

Châu Á, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới thời hiện đại, trở thành trung tâm của bàn cờ chính trị. Thế cờ này đã manh nha từ cuối 2011 và chắc chắn sẽ là hiện thực vào năm 2012.

Đó là điều không thể tránh được. Trước hết là về phương diện kinh tế. Trong khi kinh tế Mỹ vẫn ngổn ngang đầy những khó khăn, kinh tế châu Âu ngập chìm trong khủng hoảng không biết lúc nào mới thoát, kinh tế của phần lớn các nước Á châu vẫn tiếp tục phát triển, trung bình hơn 5% trong suốt ba mươi năm qua. Dự đoán của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) vào tháng 9 năm 2011 cho biết đà phát triển ở Á châu, không kể Nhật Bản, trong năm nay sẽ vào khoảng 7.5%. Theo cái đà này, vào năm 2050, tức chưa tới 40 năm nữa, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở châu Á sẽ tăng từ 30 ngàn tỉ đô-la hiện nay lên đến khoảng 230 ngàn tỉ đô-la ($234 trillion), chiếm hơn một nửa tổng thu nhập nội địa trên toàn thế giới.

Gắn liền với kinh tế là con người. Cũng theo dự đoán, năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 8 tỉ người, trong đó có 5 tỉ sống ở châu Á.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều học giả gọi thế kỷ 21 là “thế kỷ Á châu”. Cách đây hơn 10 năm, vào buổi rạng đông của thế kỷ 21, nói thế, nhiều người còn thấy nghi hoặc. Bây giờ thì chuyện đã thành hiển nhiên. Không thể nào khác được.

Ở châu Á, phát triển với tốc độ nhanh nhất là Trung Quốc. Không những nhanh mà còn khá liên tục. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, từ kinh tế Á châu đến kinh tế toàn cầu hầu như không ảnh hưởng gì mấy đến sự phát triển của Trung Quốc. Nhiều người đã nói đến những nguy cơ rình rập bên trong nền kinh tế Trung Quốc, từ việc xây dựng, nhất là nhà cửa quá nhiều và quá nhanh, đến việc duy trì trị giá đồng nguyên quá thấp, khoảng cách chênh lệch càng lúc càng lớn giữa người giàu và người nghèo cũng như giữa thành thị và nông thôn, nạn tham nhũng cũng như bộ máy hành chính quan liêu, v.v… sẽ dẫn Trung Quốc đến khủng hoảng. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự tiên đoán. Lịch sử không phải lúc nào cũng đi đúng quy luật.

Nếu đà phát triển này cứ tiếp tục thì không bao lâu nữa kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cách đây vài ba chục năm, một số người cũng đã tiên đoán kinh tế Nhật sẽ qua mặt Mỹ. Cuối cùng, điều đó không thành sự thật. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là: ở thời điểm ấy, không mấy người xem sự phát triển của Nhật là một đe dọa lớn. Lý do: Nhật, dù sao cũng là một đồng minh thân cận của Mỹ và Tây phương. Kể từ sau đệ nhị thế chiến, Nhật hầu như từ bỏ hẳn mọi tham vọng chính trị trên sân khấu thế giới. Không có quốc gia nào, kể cả những nước vốn là nạn nhân của Nhật trong thập niên 1940, lo ngại về sự bành trướng của Nhật.

Bây giờ, với Trung Quốc thì khác.

Khác về ý thức hệ. Khác về thể chế chính trị. Và đặc biệt, khác về tham vọng. Trước, Nhật Bản chỉ muốn cạnh tranh với Mỹ về kinh tế; còn về quân sự và chính trị thì vẫn tiếp tục nằm trong quỹ đạo của Mỹ. Bây giờ Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng cạnh tranh với Mỹ về mọi phương diện. Mà không những với Mỹ. Với các nước láng giềng ở châu Á, Trung Quốc cũng sẵn sàng giơ nanh vuốt ra đe dọa. Trong cuộc hội nghị của East Asian Cooperation ở Bali cách đây mấy tháng, 15 trong tổng số 18 nước hội viên thẳng thắn tuyên bố là họ lo lắng trước cách hành xử của Trung Quốc ở Nam Hải.

Các nước Đông Á lo lắng. Mỹ cũng không thể không lo lắng.

Phản ứng trước sự lo lắng ấy là một thế trận mới bắt đầu được manh nha từ năm 2011 và sẽ triển khai dần dần trong năm 2012 này với sự hình thành của các khối liên minh mới.

Thứ nhất là liên minh giữa Mỹ, Úc và Ấn Độ với việc chính phủ Úc đồng ý cho lính Mỹ đến tập trận và đồn trú trên lãnh thổ Úc cùng lúc với việc bãi bỏ lên cấm xuất cảng uranium sang Ấn Độ vốn có hiệu lực từ lúc Ấn Độ, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân.

Thứ hai là liên minh quân sự giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Trước, quan hệ giữa Nhật và Ấn Độ khá lạnh lẽo. Bây giờ, hai nước đã bắt đầu bàn đến việc hợp tác về an ninh trên biển, hơn nữa, còn dự định tập trận chung lần đầu tiên vào năm 2012. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tổ chức các cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng (Japan-India Defense Policy Dialogue) trong năm nay.

Tất cả những liên minh chiến lược mới ấy đều nhắm vào một mục tiêu chính: Trung Quốc.

Với tư cách là người Việt Nam, điều đáng cho chúng ta lo nghĩ nhất là điểm này: Khi châu Á biến thành trung tâm của bàn cờ chính trị mới, không chừng một lúc nào đó, Việt Nam sẽ trở thành một điểm nóng trên bàn cờ ấy. Nơi bùng nổ của các mâu thuẫn chết người trên thế giới.

Như những gì đã xảy ra trong thời chiến tranh lạnh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: