Pages

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Viết về một người bạn tù: Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế

Chào các bạn,
Có nhiều bạn gửi thư hỏi về Bác sĩ Nguyễn Đan Quế mà tôi đã đăng trong bài trước. Trong khi tìm kiếm thêm thông tin để có một cái nhìn toàn diện hơn về con người và quá trình tranh đấu của ông, tôi thấy có bài viết này của ông Võ Long Triều, một trí thức Pháp có thời làm bộ trưởng thanh niên thời chính phủ cố thủ tướng Nguyền Cao Kỳ, viết về Bác sĩ Quế trong thời gian ở tù ở Khám Chí Hòa. Sau năm 1993, ông Võ Long Triều được Pháp can thiệp và sang định cư ở Pháp từ đó đến nay.

Bác sĩ Quế bị tù từ 1977-1988 vì lúc đó ông là trưởng khoa y học nguyên tử (nuclear medicine) ở bệnh viện Chợ Rẫy và đã chỉ trích chính sách đối xử phân biệt trong y tế của cộng sản sau 30/4/1975.

Bài của ông Võ Long Triều cho ta thêm một vài thông tin về tư cách của Bác sĩ Quế trong môi trường tù ngục.
Tôi sẽ đăng thêm những thông tin tôi về tìm được về Bác sĩ Quế và tổ chức Cao Trào Nhân Bản do ông sáng lập.

Trần V. A.
U S A
4/1/2012
—————————————————-
Theo:
http://www.rallyingfordemocracy.org
Viết về một người bạn tù
Võ Long Triều

Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đưa ra “lời kêu gọi toàn dân xuống đường cứu nước”, làm tôi nghĩ tới anh bạn tù cùng sống với tôi gần 5 năm, trong trại giam Chí Hòa, phòng 12 khu ED.
Dù ở tù chung với nhau lâu năm, nhưng tôi không phải là người thân với anh Quế. Điều đó cho phép tôi viết về anh một cách tương đối khách quan, qua những gì tôi viết về anh trong những năm cùng chịu gian khổ.
Nếu tôi có đề cao anh ta, thì cũng không bị mang tiếng “mèo khen mèo dài đuôi, chuột khen chuột nhỏ mình” hay là chê anh ít kinh nghiệm chính trị vì anh du học mới về nước, chưa kịp tiếp xúc với xã hội và chính trường bên ngoài thì cũng không có gì lạ.
Đối với một người đã xả thân, lao vào chính trường đấu tranh với cộng sản, chấp nhận lao tù gần 20 năm thì khen chê không thành vấn đề. Kẻ viết bài này, không có mục đích bốc thơm hay phê phán, mà chỉ muốn phân tích một trường hợp khó kiếm trong chính trường Việt Nam. Tôi chỉ muốn tìm hiểu tâm tư thái độ của một người tự dấn thân vào con đường chính trị với lý tưởng, lập trường, ý chí, thuận lý tới cùng với chính mình, trong hoàn cảnh tù rạc khó khăn nguy hiểm, cũng như tự do ngoài đời.
Nói sơ qua, ngày đầu tiên tôi gặp anh tại trại giam Phan Đăng Lưu, năm 1977. Chiều hôm đó, tôi đứng gần song sắt cửa phòng 1, thấy một công an dẫn người mặt áo trắng, giao cho lính gác khu. Thấy hai người vừa đi qua, tôi huýt gió gần như muốn kêu gọi người vào. Cả phòng lớn tiếng, kêu la trách móc. “Phòng chật như nêm, nóng như lủa đốt mà anh còn huýt gió gọi vào, thật là vô ý thức”. Công an đưa anh bạn tù mới, vô phòng 6. Tôi quay ra chế giễu cả làng “dị đoan vô lý”, rồi cười ha hả. Tôi cố ý huýt gió, tại vì trong phòng nhiều người nói, trong tù hễ huýt gió là có người vô. Tôi cho là dị đoan phi lý, nên tôi cố tình trêu ghẹo một cách rắn mắt cho vui.
Khoảng mười phút sau, cửa sắt mở leng keng, cán bộ xô anh tù mới hồi nãy vào, làm tôi bỡ ngỡ và lãnh một tràn trách móc không ngừng. Rồi cả đám bu quanh hỏi anh tên gì? Tội gì? Hóa ra là Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, tội chống cách mạng.
Ngủ hết đêm đó, ngày hôm sau công an gác tù đưa anh Quế đi đâu, phòng nào, tôi không biết. Mãi đến năm 1983, chúng tôi mới gặp lại tại phòng 12, khu ED, khám Chí Hòa. Trong phòng có 3 người làm việc cho CIA chính hiệu, còn bao nhiêu bị tình nghi, hoặc vài tên cộng sản chiêu hồi phản bội.
Lâu ngày dài tháng, chúng tôi quen nhau, biết quá khứ của nhau, tìm hiểu lập trường, thảo luận tương lai. Và từ đó, anh Quế trao đổi với tôi về thuyết Nhân Bản của anh. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể công khai và tự nhiên nói chuyện chính trị với nhau, vì trong phòng có ăng-ten nổi, ăng ten chìm.
Mỗi đêm trước khi ngủ, trong khi mọi người xôn xao, ồn ào bàn tán chuyện cũ chuyện mới, ước vọng, ngả lòng, chuyện gia-đình, hay than thở bệnh tình và đói khổ, anh Quế và tôi, hẹn nhau nằm trở trái trả, giao đầu gần nhau, to nhỏ như tâm sự vắn dài. Anh mê say giải thích lý thuyết anh tin tưởng như một người mộ đạo.
Điều làm tôi buồn cười là, mỗi khi tôi chận hỏi, thì anh không cho, bảo rằng điều gì không hiểu, để anh trình bày hết rồi sẽ giảng lại đoạn đó. Anh cho tôi cảm giác như một ông giáo sư thuộc lòng bài giảng, chứ không phải hai người thảo luận, tìm hiểu vấn đề.
Bất cứ lý thuyết nào, cũng có cái hay cái khuyết của nó; điều đó, chúng tôi thông qua dễ dàng. Chỉ có vấn đề phân vùng của thế giới trong tương lai, làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười, vì cho rằng phi lý. Nhưng chúng tôi không cãi lý, chỉ trao đổi ý kiến với nhau thôi. Cũng như anh quan niệm tổ chức xã hội và chính trị một cách ngây thơ, vì anh chưa chung đụng nhiều với thực tế xã hội ngoài đời.
Tóm lại, tôi nhận xét anh Quế có bầu nhiệt huyết tràn đầy, có ý chí xây dựng một xã hội công bằng và lý tưởng. Tôi thầm nghĩ, một khi anh có cơ hội nắm quyền trong tay, anh sẽ suy nghĩ lại nhiều điều anh tin chắc như bắp.
Bây giờ, chắc chắn anh có kinh nghiệm hơn nhiều người, vì anh đã sống trong chế độ ác nghiệt, chung đụng với những con người an phận có, can đảm có, hèn nhát có, … trong xã hội của Việt Nam ngày nay.
Hai chuyện tôi ghi nhận về Nguyễn Đan Quế:
Thứ nhứt, khi anh bị chấp phát gọi ra làm việc, khác với mọi người thường hay nói quanh co, đẩy đưa cho có lệ, nói sao cho không bị bắt bẻ, cho chúng nó tin mình không còn chủ trương chống đối nữa. Ngược lại, mỗi lần anh Quế về phòng, tôi hỏi:
-Tụi nó tra khảo anh điều gì?
-Thì cũng bao nhiêu đó thôi, tôi đã làm gì để chống phá cách mạng?
-Rồi anh trả lời sao với tụi nó?
-…, tôi lợi dụng giảng cho tụi nó một bài, mấy anh sai rồi! Phải như thế này, thế này mới đúng.
Tôi bật cười nói:
- Lại thuyết Nhân Bản nữa chớ gì?
-Vậy, chứ nói gì bây giờ? Tội của mình, tụi nó khẳng định trong đầu tụi nó rồi. Nói lôi thôi làm chi vô ích.
Lời lẽ chúng tôi trao đổi với nhau, không đúng nguyên văn như trên, nhưng tinh thần câu chuyện vẫn là thế.
Chuyện thứ hai, có một ngày, y tá của nhà tù đến phòng gọi BS. Quế, yêu cầu ra khám bệnh giùm cho Trung Úy Trưởng Khu. Anh Quế cười khỉnh, trả lời: “Tôi là tù nhân, không có tư cách để khám bệnh cho cán bộ Trưởng Khu. Khi nào tôi ra tù, tự do rồi, thì tôi sẵn sàng khám cho bất cứ bệnh nhân nào”. Một vài người trong phòng muốn nịnh hót, kiếm chút ân huệ, xúi anh Quế không nên làm căng quá. Quế không trả lời, trở về ngồi yên tại chỗ.
Năm 1988, cả phòng được trả tự do, Đoàn Viết Hoạt và Nguyễn Đan Quế ra buổi sáng; Đại Tá Nhan Minh Trang và tôi ra buổi chiều. Từ đó, tôi không hề biết anh Quế ở đâu, làm gì, cho đến khi tiếng đồn Nguyễn Đan Quế bị bắt lại, vì anh phân phát truyền đơn tuyên truyền cho Cao Trào Nhân Bản trước nhà thờ Đức Bà. Tin tức đó có đúng không, tôi cũng không cần kiểm chứng làm gì, chỉ thầm nghĩ, anh này kiên trường phục vụ lý tưởng, bất chấp nguy nan.
Anh ta còn lạ gì đám tù Z2 của chúng tôi, tự ví mình ở hạng trên tù chung thân (có nghĩa là không được gặp mặt gia-đình mỗi tháng, chỉ gặp được một lần mỗi năm, với thời gian ngắn ngủi tối đa 15 phút) nhưng dưới tử hình, vì đêm ngày không bị còng chân.
Ra tù, định cư tại Pháp năm 1993, tôi cùng một ông bạn khác, chủ tọa phiên họp, bàn việc yêu cầu chính quyền Pháp can thiệp cho Nguyễn Đan Quế và Đoàn Viết Hoạt được trả tự do. Có kẻ dám đứng ra, lớn giọng nói: “Bác Sĩ Quế thân cộng sản, đang giả dạng chịu khổ nhục kế”. Không may cho anh ta, vì không biết tôi đã ngồi tù chung với anh Quế lâu năm. Tôi hỏi lại, anh biết gì về Nguyễn Đan Quế? Anh ta trả lời lung tung. Tôi bèn thuật cho anh nghe, thái độ của Nguyễn Đan Quế về vụ khám bệnh Trưởng Khu và thêm rằng, tôi tin chắc nếu là anh thì 90% anh sẽ chấp nhận để lấy điểm. Đương sự xấu hổ, bẽn lẽn biến mất.
Về sau nhờ sự can thiệp của nhiều cơ quan quốc tế, Hà Nội trả tự do cho hai anh Hoạt và Quế, đồng thời cho phép hai anh xuất ngoại. Anh Hoạt chọn con đường tự do ở nước Mỹ. Riêng Nguyễn Đan Quế quyết định ở lại tại “nhà tù rộng lớn cả nước”. Anh chọn con đường trực diện đấu tranh với guồng máy độc tài.
Đôi khi tôi thành thật tự hỏi, mình đứng vào vị thế của anh Quế, có can đảm chọn con đường gian nan nguy hiểm đó sau mười mấy năm tù gian truân không? Biết rằng, muốn đấu tranh có hiệu quả là phải trực diện. Muốn huy động quần chúng cùng phụ lực với mình, thì phải hy sinh dẫn đầu.
Anh Nguyễn Đan Quế đã thuận lý với chính anh, giữ vững lý tưởng, lập trường, tư cách của mình, ngay từ lúc ngồi trong ngục tù cũng như khi được trả tự do. Anh muốn trực diện đấu tranh, giống như anh đã lợi dụng cơ hội lúc bị tra hỏi, dạy cho cán bộ cộng sản một bài Nhân Bản, và khẳng định “các anh sai rồi!”
Trong chính trường, khó thấy có người thuận lý với chính mình, trung thành với lý tưởng, can đảm chấp nhận gian lao nguy hiểm như anh Quế.
Người ta thường thấy chính trị gia “sa-lông”, đánh võ mồm, chủ trương những điều ảo tưởng, hô hào những công thức trống rỗng, tranh giành, ganh tị, háo danh, thật đáng buồn.
Ngày nay, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế không bỏ qua cơ hội dẫn đường, đi trước, biết rằng sẽ đi thẳng vào tù khi anh phổ biến lời kêu gọi xuống đường. Anh không ngại chấp nhận hy sinh vì dân tộc vì đất nước. Anh khẳng định phải xóa bỏ độc tài cộng sản, phải xây dựng lại xã hội Nhân Bản của anh.
Thành công hay không, tương lai sẽ trả lời.
Tiếng đời thường nói “Không thành công thì cũng thành nhân”.
Đọc lại bài thơ “IF” của đại văn hào Rudyard Kipling, tôi trầm ngâm nghĩ đến anh Nguyễn Đan Quế, cầu chúc anh mau đạt thành chí nguyện – (VLT)
Võ Long Triều
03/03/2011

Nguồn: Viễn Đông Daily News
___________
IF
Rudyard Kipling (1865 – 1936)
If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you;
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
If you can wait and not be tired by waiting,
Or, being lied about, don’t deal in lies,
Or, being hated, don’t give way to hating,
And yet don’t look too good, nor talk too wise;
If you can dream – and not make dreams your master;
If you can think – and not make thoughts your aim;
If you can meet with triumph and disaster
And treat those two imposters just the same;
If you can bear to hear the truth you’ve spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools,
Or watch the things you gave your life to broken,
And stoop and build ‘em up with wornout tools;
If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss,
And lose, and start again at your beginnings
And never breath a word about your loss;
If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone,
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which says to them: “Hold on”;
If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with kings – nor lose the common touch;
If neither foes nor loving friends can hurt you;
If all men count with you, but none too much;
If you can fill the unforgiving minute
With sixty seconds’ worth of distance run -
Yours is the Earth and everything that’s in it,
And – which is more – you’ll be a Man my son!
NẾU
Bài dịch Việt ngữ của David Lý Lãng Nhân
Nếu anh vẫn bình tâm, không xao xuyến
Khi quanh mình thiên hạ trách mắng anh
Néu tự tin khi tất cả hoang mang
Cũng dành để chút nghi nan tồn tại
Nếu chờ lâu mà bình chân như vại
Hay bị người lừa dối chẳng nói gian
Bị ghét thù không oán hận thở than
Không đổi sắc, khôn ngoan trong lời nói
Nếu có mơ, mơ không là chủ soái
Nếu nghĩ suy, đừng để nghĩ suy suông
Nếu thành công hay thất bại, lẽ thường
Xem Thua, Thắng như kẻ ưa lừa phĩnh
Nghe xuyên tạc lời mình nhưng bình tỉnh
Tránh lầm mưu vướng bẫy bởi ngu khờ
Hay phải nhìn sụp đổ cả cơ đồ
Để cuối xuống lấy xẻng cùn xây lại
Nếu sắp của được thành chồng vĩ đại
Để cầu-âu đánh cá một canh bài
Và thua luôn, rồi trở lại cuộc chơi
Mà chẳng hé một lời về thua lỗ
Nếu tận dụng đuợc tim và cân não
Để hoãn trì và sữ dụng đến cùng
Để cố lên, khi tất cả chẳng còn
Trừ Ý Chí Quyết Tâm, lời “Cố gắng”
Trước quần chúng không mị dân, xu hướng
Cận Quân Vương mà chẳng chút kiêu căng
Nếu Bạn,Thù đều chẳng hãm hại anh
Nếu quí trọng con người không phân biệt
Nếu lấp được một phút đời cay nghiệt
Bằng sáu mươi giây chạy khoảng cách xa
Địa cầu nầy tất cả thuộc về ta
Hơn nữa, con sẽ Thành Nhân, con ạ!
Bài dịch Việt ngữ của David Lý Lãng Nhân
Madison, AL, August 8, 2007

Không có nhận xét nào: