Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đầu năm chào hòa hợp, cuối năm vái dollar

Phạm Trần

“…đảng CSVN đã nuôi hận thù với những người còn sống mà cả những người đã chết cũng bị trả thù từ đời cha đến đời con, cháu thì làm sao đảng này còn có can đảm chià tay ra bắt tay với người Việt đã ra đi…”
Tại sao đã 8 năm trôi qua mà “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” của đảng Cộng sản Việt Nam làm theo Nghị quyết 36 ngày 26 tháng 3 năm 2004 vẫn chưa thực hiện nổi chủ trương “kiều bào là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, bà con phải là bộ phận được Nhà nước bảo hộ như đối với người trong nước”?
Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã về thả câu thử nước nhưng xem ra không thành, nhất là giới trì thức vì đảng và “trí thức đảng” không có cùng một suy nghĩ và hành động giống nhau.

Tại sao?
Hãy nghe lời giải thích của nguyên Bộ trưởng Ngọai giao Nguyễn Dy Niên nói với báo điện tử VietnamNet ngày 23/01/2012: “Điểm lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc, dù đã có những bước đi mạnh dạn song vẫn chưa thực sự trọn vẹn…”.
“…Bối cảnh Nghị quyết 36 ra đời cách đây gần 10 năm, tôi nghĩ đó là thời điểm mà khi đất nước mang diện mạo mới bắt đầu định hình sau tái thiết, Trung ương đã thấy cần phải đưa ra những quyết định mạnh mẽ cho vấn đề này như một sự bức thiết. Dù khi làm công tác kiều bào thời điểm những năm thập niên 1990, khi đi đến các địa phương, tôi cảm nhận vấn đề này thực sự khó khăn. Chiến tranh ác liệt qua đi, có những vết thương vẫn còn đó, để nói chuyện ngồi lại với nhau, tha thứ là điều thực sự khó khăn. Ngay cả thời điểm bây giờ cũng vậy, không phải vết thương nào cũng lành, cũng vơi bớt. Tâm lý con người là vậy, khó có thể nói nhận thức ý chí lắm. Bởi lẽ đó, yếu tố thời gian là quan trọng”.
Nhưng tại sao vết thương chưa lành ?
Bởi vì đảng CSVN chỉ muốn “hòa hợp” mà không muốn thật lòng “hòa giải dân tộc”. Đảng chỉ muốn người Việt ở nước ngoài về nước để “hòa” vào với đảng, chịu sự chỉ huy, lãnh đạo theo ý muốn và đường lối của đảng. Tuyệt nhiên đảng không muốn người bỏ nước quay về ngồi vào bàn nói chuyện phải trái để cùng chung lưng, đấu cật tái thiết đất nước trong tinh thần dân tộc huynh đệ.
Bằng chứng của một số người Việt đã quay về đầu tư vật chất và tinh thần phải “bỏ của chạy lấy người” trong những năm gần đây cho thấy đảng chỉ muốn nghe “yes” và quyết chống những ai có tư tưởng khác mình hay nói “no”, dù những kẻ có chức có quyền, học hành chẳng bao nhiêu hay kiến thức hẹp hòi. Tinh thần “chủ – tớ”, quan liêu, tham nhũng, hống hách, độc tài, thiển cận nhưng lại muốn được ăn trên ngồi trốc của những cán bộ, đảng viên đã phơi trắng ra giữa ban ngày với chiếc “áo đảng” là thần hộ mạng.
Chúng ta hãy nghe tiếp lời ông Nguyễn Dy Niên: “Cốt lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc. Nhưng muốn làm thì các mặt triển khai như thế nào? Điều này đòi hỏi không chỉ một cơ quan nhà nước như UB về người Việt Nam ở nước ngoài mà cả các cấp, các ngành, địa phương. Có thể nói cả hệ thống chính trị phải sẵn sàng và cùng tham gia mới thực hiện được. Đó là những điều đã tính tới khi Nghị quyết 36 ra đời.
Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới, bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải chấn chỉnh và quyết liệt hơn”.
Nói như ông Niên cũng chỉ đúng một phần về phía đảng đối với nhiệm vụ phải làm theo tinh thần Nghị quyết 36. Bởi lẽ, khi nói đến “hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc” thì ông Niên phải nhìn lại gáy đảng xem đảng của ông đã “hòa hợp” và “đòan kết” được đồng bào đang sống ở trong nước chưa?
Nguyên Bộ trường Ngọai giao Niên hãy hỏi đảng xem họ đã đối xử với người Việt miền Nam từ sau năm 1975 như thế nào? Và bây giờ, gần 37 năm sau, những người miền Nam còn sống sót, nhất là những thành phần quân nhân, thương phế binh, cán bộ, công chức, các đảng viên đảng chính trị và các nhà tu hành đi tù về có được đối xử công bằng như những “công dân Cộng sản” hay “cảm tình viên Cộng sản” không?
Không những đảng CSVN đã nuôi hận thù với những người còn sống mà cả những người đã chết cũng bị trả thù từ đời cha đến đời con, cháu thì làm sao đảng này còn có can đảm chià tay ra bắt tay với người Việt đã ra đi vì chạy Cộng sản?
Chủ trương kỳ thị, hận thù đến tận xương tủy của người Cộng sản đới với các chiến sỹ anh hùng Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong trận chống quân Tàu xâm lăng quần đảo Hòang Sa tháng 1/1974 là một bằng chứng vạch trần mặt trái khác của những câu chữ “đòan kết dân tộc” trên môi miệng của lãnh đạo Việt Nam.
Vì vậy, tổ tiên ta mới nói “một sự bất tin, vạn sự bất tín” là như thế.
Sự thất tín của đảng CSVN sau khi chiếm được miền Nam còn được minh chứng với hàng trăm ngàn người miền Nam đi tù “cải tạo”, tuy không bi thảm như ác mộng “tắm máu”, nhưng sự chết dần, chết mòn và chết lâu dài cho đến hôm nay, sau 37 năm kết thúc chiến tranh giữa người Việt với nhau, sẽ tồn tại mãi mãi chừng nào những người CSVN vẫn còn “say men chiến thắng với cành Nguyệt Quế” như Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh giác khi ông còn sống.
Bài học của những sai phạm nghiêm trọng từ chủ trương cho đến chính sách trong suốt 10 năm khi đảng CSVN biến miền Nam trù phú thành một “Địa ngục miền Bắc” từ 1975 đến 1985 đã khiến đảng này phải “Đổi mới hay là chết” tại Đại hội đảng VI năm 1986 là một bằng chứng khác.
Cũng trong cuộc phỏng vấn đầu năm của VietNamNet, ông Niên còn góp ý làm sao để lôi kéo được “trí thức kiều bào” về giúp nước.
Ông nói: “Lĩnh vực thứ hai rất quan trọng là làm thế nào cho trí thức kiều bào về trong nước, họ tham gia công việc giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi với các nhà khoa học trong nước. Hiện nay đã làm được một vài việc được nhưng phần lớn những nhà trí thức chưa thật hiểu nhau lắm đâu. Sức mạnh của kiều bào, theo tôi, đó là chất xám. Với môi trường khoa học, văn hóa thuận lợi, nhiều người gốc Việt đã học tập và rất thành đạt.
Làm thế nào để kéo họ về? Nhất là trong bối cảnh giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề, làm thế nào thu hút được trí thức Việt kiều về để họ chia sẻ kinh nghiệm. Chúng ta làm còn ít, còn dè dặt. Dù ngay việc đưa một giáo sư Việt kiều về tham gia các công trình trong nước cũng khó khăn lắm, rất vất vả, công phu. Tôi nghĩ muốn đẩy hơn nữa, cơ quan chức năng phải tích cực hơn, đầu tư hơn”.
Ông Niên ở trong nước, một đảng viên kỳ cựu, từng là Bộ trưởng Ngọai giao đã đóng góp vào sự ra đời của Nghị quyết 36 mà dường như ông chưa biết tại sao đảng của ông đã thất bại trong kế họach chiêu dụ trên 300 ngàn trí chức, chuyên gia “Việt kiều” về giúp nước?
Đảng và nhà nước vẫn thường đề cao vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhưng Lãnh đạo chỉ thích nghe những trí thức nịnh hót mình và những kẻ chỉ biết gọi dạ bảo vâng, đôi khi có cả bằng gỉa, học dổm.
Trong khi đó nhiều trí thức “chính hiệu” muốn đóng góp khả năng cho đảng, muốn góp ý với nhà nước làm việc đúng và trúng thì đảng lại gạt phăng đi chỉ vì không phù hợp với ý muốn của đảng.
Điển hình như vụ hàng ngàn trí thức, chuyên viên hầm mỏ thượng thặng trong và ngoài nước, kể cả nguyên Phó Chủ tịch Nước bà Nguyễn Thị Bình và Giám mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Cộng giáo Việt Nam đã gửi Kiến nghị can ngăn đảng dừng ngay Dự án khai thác Bauxite trên Tây nguyên vì lợi kinh tế thì ít mà hại đến con người và sự an nguy của Tổ quốc thì nhiều mà Bộ Chính trị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bác bỏ thẳng tay.
Đối với trí thức trong nước, nhiều người từng dậy lãnh đạo đảng mà đảng còn đối xử như người dưng nước lã thì trí thức hải ngoại có kí lô nào với nhà nước không?
Bài học Dương Trung Quốc
Cũng trong đợt phỏng vấn đầu năm về vấn đề “Kiều bào”, VietNamNet còn nói chuyện với Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc.
Đề cập đến sự hạn chế đóng góp “chất xám” cho đất nước của người Việt ở nước ngòai, ông Quốc nói: “Đúng là kiều hối đem lại cho nước ta một nguồn lực kinh tế không nhỏ, góp phần giải quyết khó khăn cho một bộ phận dân cư. Nhưng điều ta mong muốn hơn cả là sự đóng góp của họ trong lĩnh vực kinh tế, hiểu theo nghĩa đầu tư và chất xám. Đây là một nguồn lực to lớn, ta phải biết thu hút bằng những chính sách tốt.
Khi đất nước còn vô cùng khó khăn gian khổ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi được rất nhiều kiều bào về cống hiến lâu bền cho đất nước, sao ta không học ngay bài học đó, đâu cần đi tìm đâu xa.
Bên cạnh những chế độ chính sách bảo đảm đời sống vật chất, điều quan trọng hơn đối với người trí thức, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, chính là tinh thần, cách ứng xử, sự tôn trọng thực sự.
Câu trả lời của Đại biểu Quốc hội “ngoài đảng” Dương Trung Quốc dường như không nói rõ ra một điều cơ bản và then chốt khiến trí thức hải ngọai dè dặt vì họ biết họ sẽ bị hạn chế về tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, có thể mất cả tự do di chuyển, hội họp và lập hội nếu họ về “giúp nước”.
Bài học Giáo sư Phạm Minh Hoàng, đảng viên đảng Việt Tân (Việt Nam Tân Cách Mạng Đảng) từ 1988 mới được ra tù sau 17 tháng là một bằng chứng của sự trở về dạy học giúp nước và sự hạn chế quyền tự do phát biểu quan điểm của mình, dù chỉ có nội dung xây dựng, không chủ trương chống đảng, chống chế độ!
Trước khi bị bắt ngày 13 tháng 8 năm 2010 và bị cáo buộc có “âm mưu lật đổ chế độ”, ông Phạm Minh Hòang là giảng viên tại Đại học Bách khoa Sài Gòn.
Bằng chứng nhãn tiền
Để trả lời cho hai ông Nguyễn Dy Niên và Dương Trung Quốc, chúng ta hãy cùng đọc lời tâm huyết và thẳng thắn của Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng của Đại học Kỹ thuật và Thiết kế danh tiếng RMIT tại Melbourne, Úc Đại Lợi.
Ông Vọng viết ngày 09/07/2010 : “Tại sao cho đến nay vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ? Qua thực tiễn hai năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:
► Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;
► Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên…) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;
► Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;
► Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;
► Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;
► Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.
Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.”
Ai nhồi sọ ai?
Đấy là kinh nghiệm thực tế của Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng sau 2 năm kiên nhẫn “nếm mùi” Việt Nam.
Vậy thái độ của những kẻ có quyền trong đảng CSVN đối với “Việt kiều” như trường hợp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài như thế nào?
Ông Sơn nói với Báo chí tại Hà Nội ngày 02/11/2010, trong dịp Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36:
(Hỏi): Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?
(Đ) Nguyễn Thanh Sơn: “Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù….”
“….Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút.
Không có lý gì mà chúng ta không giành thế chủ động, chìa bàn tay với những người còn hiểu lầm về đất nước, còn mơ hồ về việc họ có thể lật đổ chế độ chúng ta. Chúng tôi đã quyết định có đoàn liên ngành cùng với các cơ quan báo chí trong nước đi công khai, gặp gỡ những phần tử còn chống đối quyết liệt nhất, cố tình không hiểu tình hình trong nước. Chúng tôi đã nêu công khai với Đại sứ quán Mỹ, thông qua cơ quan đại diện Ngoại giao ở các quốc gia như Mỹ, Canada… để có thông tin đến các tổ chức, cá nhân này. Họ rất bất ngờ trước kế hoạch này và lúng túng, cố tình không gặp.
Khi nào họ thực sự muốn gặp công khai như họ nói (nhưng thực ra khi yêu cầu gặp công khai họ lại không dám gặp), thì chúng tôi sẽ sẵn sàng gặp. Chúng tôi đang muốn gặp họ công khai với sự chứng kiến của phóng viên trong và ngoài nước, bà con kiều bào để tìm hiểu xem vì sao họ còn hận thù với đất nước. Và cũng để họ hiểu rõ rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đối với họ, nếu họ thực sự muốn hướng về Tổ quốc, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho đất nước”. (Trích Đài Tiếng Nói Việt Nam, VOV)
Câu trả lời của ông Sơn phản ảnh một thái độ gay gắt vì bị những người Việt ở nước ngoài được CSVN tiếp xúc tẩy chay không muốn đối thọai với một chính quyền độc tài, đảng trị.
Mặc dù ông Sơn có nói đến hai chữ “hòa giải” trong câu trả lời, nhưng trong hành động, đảng CSVN chưa bào giờ muốn thật lòng “hòa giải” mà chỉ muốn người Việt ở nước ngòai về nước “hợp” vào chiếc lồng phản dân chủ để phục vụ đảng.
Đó là lý do tại sao Nghị quyết 36 đã thất bại như lời hai ông Nguyễn Dy Niên và Dương Trung Quốc nói với VietnamNet trong những ngày đầu năm 2012.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 02/11/2010, Nguyễn Thanh Sơn còn nói về việc cấp Visa vào Việt Nam như sau:
(H): Qua một số kênh báo chí quốc tế, một số đối tượng Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về việc khó khăn trong xin visa về nước. Xin ông cho biết đối tượng nào không được giải quyết và chúng ta có công bố rõ ràng không?
(Đ): Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trước hết, những đối tượng bị cấm nhập cảnh Việt Nam, chúng ta đã có danh sách cụ thể. Đó là những đối tượng công khai tham gia các tổ chức hoạt động chống lại Chính phủ và Nhà nước Việt Nam với âm mưu lật đổ chính quyền. Phần lớn đây là những người chủ chốt, cầm đầu các Đảng phái phản động đang tìm cách chống đối lại chúng ta, đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước ngoài nắm danh sách cụ thể của từng người.
Số còn lại không nằm trong danh sách chủ chốt, chúng ta vẫn cho về bình thường, để họ không thể bao biện rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hay cư trú đi lại. Con số này chúng ta cũng đã có con số thống kê chính xác và biết rõ họ về nước làm gì.
Có thể khẳng định, số người đến cơ quan đại diện nhận được visa hoặc không nhận được visa là do có tham gia hay không vào các tổ chức phản động chống phá đất nước”.
Có lẽ khi trả lời báo chí năm 2010, ông Sơn không ngờ đến năm 2011, nhà nước cũng đã cấm xuất cảnh nhiều Công dân Việt Nam chỉ vì họ đạ dám lên tiếng chông nhà nước chiếm đất tôn giáo, chiếm nhà và tài sản của dân, và cả những công dân yêu nước xuống đường biểu tình chống Trung Cộng âm mưu lấn chiếm lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam.
Vái kiều hối
Thái độ “hòa hợp” một chiếu của đảng CSVN cũng thay đổi với “Việt kiều” khi có dính đến đồng Dollar của họ gửi về cho gia đình. Nhà nước CSVN đã không đổ công sức lao động mà hàng năm vẫn được hưởng gần 10 tỷ dollars. Riêng trong năm 2011 số tiền này là 9 tỷ.
Với tựa đề “Thu hút kiều hối năm 2011: Một mùa vàng bội thu”, Việt Nam Thông Tấn Xã viết trong Báo điện tử Vietkieu.info ngày 27/12/2011: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, VN tiếp tục là 1 trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất với 9 tỷ USD năm 2011.
Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2011 có thể là một “mùa vàng” kiều hối chuyển về Việt Nam, với doanh số ước đạt 9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là một trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Theo các ngân hàng thương mại, những năm trước, phổ biến tình trạng kiều hối chuyển qua các kênh không chính thức gây rủi ro cho người chuyển và khó thống kê được lượng kiều hối thực sự. Nhưng năm nay, lượng kiều hối chuyển về kênh chính thức qua ngân hàng đã tăng lên rõ rệt.
Doanh số chuyển tiền kiều hối tại Công ty Kiều hối Sacomrex năm 2011 ước đạt 1,65 tỷ USD; tại DongA Bank, ước tính đến tháng 12 thu hút khoảng 1,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái; VietinBank dự kiến cả năm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước; Eximbank cũng cho biết lượng kiều hối qua ngân hàng này đạt trên 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ai cũng muốn biết khi nhận được số tiền khổng lồ “không làm mà có” này của “kiều bào”, Nhà nước Việt Nam đã đối xử ra sao với người gửi và người nhận?
Liệu họ có thời giờ phân biệt tiền của ai gửi về không hay cứ thấy tiền là đút túi dù đồng tiền đó có thể là của những “kiều bào” vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động chống Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài?
Thiết tưởng mỗi khi Thứ trưởng Ngọai giao Nguyễn Thanh Sơn mở miệng chỉ trích cay đắng người Việt chống đảng ở nước ngoài thì cũng đừng quên vái những đồng tiền Dollar đã “biết bay” về Việt Nam vào mỗi dịp Tết cuối năm.

Không có nhận xét nào: