Pages

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Báo Đảng ca ngợi Miến Điện 'dân chủ hóa'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong tháng 12/2011
Việt Nam và Miến Điện đang xích lại gần nhau?
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa có bài ca ngợi tiến trình dân chủ và hòa giải dân tộc ở Miến Điện.
Trong bài viết ngắn mang tựa đề 'Hòa giải dân tộc', tác giả Nguyễn Đức nhận định rằng "Tiến trình dân chủ và hòa giải dân tộc ở Myanmar (Miến Điện) đã có những bước đột phá quan trọng trong năm 2011".

Cây bút của báo Nhân Dân nói tiến trình này mới đây lại có thêm 'bước tiến mới', là việc ngay đầu năm 2012, chính quyền Miến Điện đã chính thức công nhận đảng đối lập - Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
"Việc công nhận NLD mở đường cho đảng này có thể tham gia cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung dự kiến vào ngày 1/4 tới."

Theo tác giả Nguyễn Đức, đây là "bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc và xây dựng chính quyền dân sự thực thụ ở Myanmar".
Đây là lần đầu tiên trên tờ báo Đảng mang tính chính danh, có ý kiến khen ngợi một cách trực tiếp và công khai quá trình dân chủ, đa đảng ở quốc gia Asean vốn bị cô lập này.
Cũng là lần đầu tiên, báo Nhân Dân khen ngợi các động thái của một số quốc gia phương Tây trong quan hệ với Miến Điện, mà bài viết gọi là "để cổ vũ tiến trình" dân chủ ở nước này.
Bài báo còn nhận định rằng những chuyển biến ở quốc gia sẽ giữ ghế Chủ tịch Asean vào năm 2014 "đang mở ra giai đoạn phát triển mới không chỉ ở nước này mà còn cả trong khu vực Asean".
Tuy nhiên tác giả không đi sâu phân tích giai đoạn phát triển mới của Asean, trong đó có Việt Nam, như thế nào.
Bài viết của báo Nhân Dân kết thúc bằng kêu gọi: "Trước hết, các nước phương Tây cần sớm bãi bỏ cấm vận đối với nước này".

Thắt chặt quan hệ

Cùng hôm thứ Tư 11/1, khối Asean cũng lên tiếng kêu gọi phương Tây bỏ cấm vận với Miến Điện.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong nói với các phóng viên sau cuộc họp bộ trưởng ngoại giao Asean tại Siem Reap rằng toàn bộ các quốc gia trong khối đều thống nhất ủng hộ việc chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Myanmar.
Campuchia là chủ tịch Asean trong năm 2012.
Tuy năm 2011, Asean cũng từng kêu gọi phương Tây bỏ cấm vận đối với Miến Điện, bối cảnh chính trị trong nước Miến Điện lúc đó chưa có các thay đổi mạnh mẽ như hiện nay.
Những diễn tiến mới đây, như trả tự do cho tù chính trị hay công nhận đảng đối lập NLD, đã mang lại nhiều hy vọng, trong đó có việc năm 2014 Miến Điện đủ tự tin nhận chiếc ghế chủ tịch từ tay Campuchia.
Việt Nam và Miến Điện gần đây đã có nhiều cử chỉ xích lại gần nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Miến Điện nhân dịp tham gia Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong hồi giữa tháng 12/2011.
Các công ty Việt Nam đang dự kiến đầu tư nhiều triệu đôla vào kinh tế Miến Điện.

Không có nhận xét nào: