Pages

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Khủng hoảng quyền lực trên thế giới trong năm 2011

Đại Dương
2011 khép lại với sự qua đời của Chủ tịch Kim Chính Nhật của Bắc Hàn cũng là năm vận hạn đối với các nhà độc tài khắp thế giới. Suốt năm, các thế lực tại mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế đã kèn cựa quyết liệt mà vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng quyền lực.

Ánh lửa tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong trên đường phố Tunis, đã bùng lên thành Mùa Xuân Á Rập, đánh thức dân chúng thầm lặng và chịu đựng dưới các chế độ độc tài, ăn cắp nhân danh Đạo Hồi.
Sức mạnh quần chúng, đa số không vũ trang, đã buộc Tổng thống Zine Ben Ali lên cầm quyền từ năm 1987 phải lưu vong từ 14-01-2011.
Tiếp theo, cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào tháng 11 được quan sát viên đánh giá trong sạch và công bình. Đảng Ennahda Hồi giáo ôn hòa, bị cấm dưới thời Ben Ali, lên cầm quyền hứa xây dựng một nền dân chủ Hồi giáo bảo đảm quyền bình đẳng và tự do dân sự, nhưng, một số nhà thế tục nghi ngờ vì Luật Sharia sẽ bao trùm xã hội.

Tổng thống Hosni Mubarak cầm quyền từ năm 1981 phải từ chức hồi tháng 2 vì áp lực quần chúng đã trao quyền cho Hội đồng Quân lực Tối cao. Ai Cập đã tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến thành 3 đợt kể từ cuối tháng 11 đến 10-01-2012 mới kết thúc, được coi như khá trong sạch.
Nền chính trị Ai Cập vẫn còn ẩn số khi Hồi giáo ôn hòa và quá khích chiếm 60% phiếu bầu trong 2 đợt so với 29% của phe thế tục từng nắm vai trò chính trong chiến dịch lật đổ Tổng thống Mubarak. Phe thế tục liên tiếp tổ chức biểu tình đòi Quân đội trao quyền lập tức cho dân sự.
Quân đội vẫn giữ vai trò chi phối nền chính trị Ai Cập suốt năm 2011 và chưa chắc chịu về doanh trại sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6-2012.
Lãnh tụ không ngai Moammar Gaddafi đã đàn áp quyết liệt sức mạnh quần chúng nên tạo ra cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 2 đến 23-10-2011.
Dựa theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ về bảo vệ thường dân Libya nên Anh, Pháp, Mỹ và NATO đã can thiệp và yểm trợ cho quân nổi dậy lật đổ và sát hại Gaddafi vào ngày 20 tháng 10. Súng đã ngừng nổ, nhưng, cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe Hồi giáo bắt đầu.
Sau 9 tháng đàn áp phe chống đối bằng xe tăng và đại bác làm chết hơn 5,000 người, Tổng thống Bashar al-Assad đã đưa Syria trôi dần vào nội chiến buộc phải chấp nhận kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Á Rập. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế chưa tính tới biện pháp quân sự.
Với 150 quan sátviên quân sự từ Liên đoàn khó mà ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Chính quyền Damascus.
Tuy Mùa Xuân Á Rập bị dập tắt tại Á Rập Saudi, Bahrain, Jordan, Iran, nhưng, đã làm gia tăng vị thế Đạo Hồi trong nền chính trị, bộc lộ sức mạnh quần chúng và Hoa Kỳ bị mất đi một số đồng minh trong thế giới Á Rập.
Cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng tại Châu Âu đã tạo ra sự xung đột thường xuyên giữa các nghiệp đoàn và Chính quyền mà chưa tìm được giải pháp thỏa đáng.
Khối Euro có 17 quốc gia làm chiếc đầu máy kinh tế kéo 27 toa xe Liên Âu đã khựng lại từ đầu năm 2011 và tiếp tục lao dốc.
Các chính quyền ở Châu Âu vừa áp dụng kế hoạch thắt lưng buộc bụng vừa phải lo cứu nguy cho Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha làm phát sinh ra nhiều cuộc đình công rầm rộ của giới nghiệp đoàn. Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi đang mõi cổ chờ cứu vớt làm cho tình thế nguy ngập hơn.
Nền kinh tế trì trệ của khu Euro có thể trượt hoặc đã rơi vào cơn suy trầm lần thứ hai dẫn tới nguy cơ sụp đổ.
Châu Âu chưa thoát khỏi căn bệnh xã hội chủ nghĩa từ thời Chiến Tranh Lạnh nên giới chính trị gia bị hệ thống nghiệp đoàn bắt làm con tin trong chi tiêu khiến cho nợ công quanh con số 100% GDP so với quy định 60%.
Chính quyền không tăng phúc lợi bị nghiệp đoàn đình công làm thiệt hại cho nền kinh tế. Tăng phúc lợi xã hội lại đội nợ công ngày càng lên cao đến toát mồ hôi. Chiếc vòng lẩn quẩn này làm cho hàng hóa của Châu Âu không thể cạnh tranh với “nhà máy thế giới” Trung Quốc.
Không riêng các quốc gia trong Liên Âu mà khắp thế giới đều lo rào chắn hầu tránh vụ khủng hoảng tài chính lây lan.
Hoa Kỳ, nền kinh tế số 1 trên thế giới vẫn lê từng bước nhỏ trên đường hồi phục trong sự phân liệt chính trị nên khó làm đầu tàu để kéo kinh tế toàn cầu vọt lên.
Vài tia sáng kinh tế le lói khiến cho Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ cố tình quên nhìn chiếc đồng hồ nợ công đã vọt với tốc độ hỏa tiễn, hiện đã hơn 15,000 tỉ USD mà nhất quyết không nhượng bộ đối với việc cắt giảm thâm thủng ngân sách.
Obama đặt sự nghiệp chính trị trên tương lai của các thế hệ trẻ nên chi tiêu mà không cần đến hiệu quả, do đó, hơn 2 năm cầm quyền đã dồn 4,000 tỉ vào khối nơ công.
Mô hình xã hội chủ nghĩa đã đẩy các nước Châu Âu rơi vào tình cảnh bị phá sản hoặc ở bên bờ vực mà vẫn được Tổng thống Obama trân trọng đặt lên đầu người Mỹ.
Châu Á-Thái Bình Dương chiếm 40% dân số thế giới, 44% mậu dịch toàn cầu vẫn giữ mức phát triển kinh tế cao hơn bình quân quốc tế làm nảy sinh sự tranh giành quyền lãnh đạo và mưu đồ chiếm hữu tài nguyên, lãnh thổ.
Đầu năm 2011, Bắc Kinh phái các tàu Ngư Chính tuần tra thường xuyên tại Nam Hải (tức Biển Đông, tức Biển Đông Nam Á) vì thuộc “quyền lợi cốt lõi”.
Lập tức, Hoa Kỳ tuyên bố có “quyền lợi quốc gia” tại Biển Đông. Một số quốc gia Đông Nam Á cũng chỉ trích gay gắt đòi hỏi chủ quyền Lưỡi Bò của Trung Quốc.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc nhân lúc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu đang lún sâu vào vụ suy trầm kinh tế đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang tại Đông Á, nơi có 6,500 tỉ USD trữ tệ.
Trung Quốc chạy thử hàng không mẫu hạm Thi Lang và dự trù đóng thêm nhiều chiếc nữa trong khi bắn thử hỏa tiễn DF-21 có biệt danh sát thủ của hàng không mẫu hạm. Ấn Độ và Nhật Bản cũng tuyên bố đóng một số hàng không mẫu hạm.
Các tiểu quốc Đông Nam Á mua thêm tiềm thủy đỉnh, chiến hạm, phi cơ, hỏa tiễn địa-hải, không-hải, hải-hải. Không thừa trữ tệ như Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng phải dùng tài nguyên để vay mượn mà mua chiến cụ, kể cả 2 hệ thống hỏa tiễn phòng thủ duyên hải tối tân Bastion của Nga.
Từ lâu, Hoa Kỳ đã chuyển 2/3 lực lượng tác chiến vào Châu Á-Thái Bình Dương hợp cùng với Nhật Bản, Ân Độ, Úc Đại Lợi thành một lực lượng răn đe tại Đông Á.
Các cường quốc này cũng thường xuyên thao dượt chung với các quốc gia trong vùng để nâng cao khả năng tác chiến hỗn hợp.
Cuối năm 2011, Bắc Kinh trở lại khẩu hiệu “trỗi dậy trong hòa bình” nên phái Phó chủ tịch Tâp Cận Bình công du một vòng Đông Nam Á, đặc biệt chú trọng vào Việt Nam, với các hợp đồng kinh tế, văn hóa và hứa hẹn cắt giảm thâm thủng mậu dịch.
Tiến không được buộc Bắc Kinh phải lùi để chờ thời cơ thực hiện chủ nghĩa bành trướng bằng các phương tiện quân sự, kinh tế, văn hóa xuất phát từ giấc mộng ngàn đời của Hán tộc.
Tình hình trên bán Triều Tiên căng thẳng suốt năm có cơ thay đổi khi Chủ tịch Kim Chính Nhật vốn chủ trương biện pháp quân sự hàng đầu đã qua đời ngày 17-12-2011.
Chiến lược “bên bờ vực nguyên tử” được Kim Chính Nhật vận dụng triệt để làm cho quốc tế phải nuôi sống hàng triệu dân Bắc Hàn cũng là gián tiếp dung dưỡng 1.2 triệu quân dưới cờ trong khi Bình Nhưỡng tiếp tục các chương trình nguyên tử.
Đại tướng 4 sao Kim Chính Ân được phong danh hiệu “Lãnh đạo Tối cao” hôm 29-12-2011 được dượng Chang Sung Taek làm nhiếp chính sẽ đưa Bắc Hàn theo hướng nào chưa biết được trong tương lai gần.
Dù sao, Bán đảo Triều Tiên cũng có một giai đoạn lắng dịu trong sự cảnh giác.
Năm 2011 trôi qua với những thay đổi bất ngờ trên các phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và đọng lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải sẽ đè nặng lên thế giới năm 2012.
ĐẠI-DƯƠNG

Không có nhận xét nào: