Lê Sơn (nghiencuubiendong) - Trong bài viết đăng trên Tuần báo “Tin tức Trung Quốc", Trịnh Vĩnh Niên, trưởng phòng nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học công lập Xinhgapo, cho rằng trên thực tế, Biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền, mà còn là sinh mệnh của Trung Quốc. Một khi đánh mất Biển Đông, ưu thế địa hải dương của Trung Quốc có thể không tồn tại, sẽ không thể tránh khỏi phải trở thành một quốc gia lục địa.
Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của Biển Đông là điều không phải nghi ngờ. Một số người nói Biển Đông là lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hoặc nói ở mức độ cao hơn là lợi ích quốc gia cốt lõi, vì nó liên quan tới vấn đề chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền, mà còn là sinh mệnh của Trung Quốc. Một khi đánh mất Biển Đông, ưu thế địa hải dương của Trung Quốc có thể không tồn tại, sẽ không thể tránh khỏi phải trở thành một quốc gia lục địa. Vì sao có thể nói như vậy? Mặt phía Đông của Trung Quốc đã có khối đồng minh vững chắc Mỹ-Nhật-Hàn. Liên minh này lấy Mỹ làm thủ lĩnh, đã trở thành cơ chế hoá cao độ. Sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản lên cầm quyền (năm 2009), Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama khi đó đã tính toán theo đuổi quan hệ tương đối cân bằng với Mỹ, tuy nhiên đã sớm thất bại. Thất bại của Chính quyền Hatoyama đã cho thấy bất cứ một Chính phủ Nhật Bản nào cũng khó có thể thay đổi hiện trạng cơ chế hiện nay trong quan hệ Nhật-Mỹ. Sau sự kiện “tàu Cheonan” của Hàn Quốc bị đánh chìm tại vùng biển Hoàng Hải, xu hướng liên minh Mỹ-Nhật-Hàn được tăng cường. Liên minh này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc? Thứ nhất, Trung Quốc rất khó có thể thông qua phía Đông để trở thành quốc gia hải dương. Thứ hai, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể lợi dụng liên minh này để tăng cường lợi ích bản thân, từ đó làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Ví dụ Nhật Bản có thể tăng cường năng lực đàm phán của mình trong vấn đề Đông Hải. Nhật Bản quyết định tiến hành “quốc hữu hoá” những vùng biển có tính tranh chấp như đảo Điếu Ngư (Senkaku) chính là nhằm tranh thủ liên minh Mỹ-Nhật-Hàn hiện nay đang có lợi cho cục diện của Nhật Bản. Sau khi xảy ra sự kiện đảo Điếu Ngư gần đây, quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ cũng cho thấy rõ ý đồ của Nhật Bản trong vấn đề này. Thứ ba, liên minh này cũng có thể cấu thành mối đe doạ an ninh trực tiếp đối với Trung Quốc. Trong thời kỳ Chính quyền Bush (con), Mỹ đã hoàn thành ý đồ bố trí “tiểu NATO” tại châu Á, thông qua sự điều chỉnh lớn về chiến lược để nâng cao năng lực tấn công và phá hoại “các quốc gia thù địch” trên phạm vi toàn thế giới.
Mặt phía Tây Nam của Trung Quốc có Ấn Độ Dương. Ấn Độ Dương là phạm vi thế lực tranh chấp tất yếu của Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ Dương không có đường giao thông trực tiếp, hiện nay Trung Quốc muốn thông qua Mianma để mở đường qua Ấn Độ Dương. Điều này cho thấy Trung Quốc hầu như không có hy vọng thông qua Ấn Độ Dương để trở thành quốc gia hải dương. Vì tại vùng biển này tồn tại quá nhiều nhân tố không xác định. Thứ nhất, quan hệ giữa Trung Quốc và Mianma. Mianma là một quốc gia chủ quyền cũng mong muốn tìm kiếm lợi ích quốc gia lớn nhất, vì vậy Mianma duy trì quan hệ qua lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí cả Mỹ. Thứ hai, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nước lớn đang trỗi dậy, đồng thời có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ. Phái cứng rắn trong nước luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và “kẻ thù tiềm tàng”. Ấn Độ không dễ dàng cho phép Trung Quốc biến Ấn Độ Dương thành tuyến đường biển quốc gia. Thứ ba, quan hệ Ấn-Mỹ. Một khi Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ, vậy thì Ấn Độ rất dễ ngả theo Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ mấy năm gần đây có những tiến triển mang tính thực chất, hơn nữa hợp tác và phối hợp quân sự đa phương cũng bắt đầu được thúc đẩy, trong đó có hợp tác quân sự Mỹ, Nhật, Ấn. Vì vậy, đối với Trung Quốc, hy vọng duy nhất trở thành quốc gia hải dương nằm ở Biển Đông. Vì sao nói Biển Đông là sinh mệnh của Trung Quốc trong tương lai? Hiện nay, khi người Mỹ đề cập đến vấn đề an ninh và ổn định hàng hải tại Biển Đông, hầu như quyền phát ngôn đều nghiêng về phía Mỹ. Trên thực tế, điều này lẽ ra phải thuộc quyền phát ngôn của Trung Quốc. Bất luận được coi là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu hay là một nước lớn phụ thuộc cao độ vào nhập khẩu tài nguyên, an ninh hàng hải tại Biển Đông đã quyết định vấn đề kinh tế Trung Quốc có thể vận hành bình thường hay không. Trong vấn đề Biển Đông, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” là nhằm tạo ra một môi trường quốc tế hoà bình cho xây dựng kinh tế trong nước của Trung Quốc. Trong môi trường quốc tế hiện nay, cách đề cập này lại có những hàm nghĩa mới, thậm chí còn quan trọng hơn. Rõ ràng, mối đe dọa đối với việc vận hành hệ thống nền kinh tế có thể trực tiếp đe dọa đến đời sống thường nhật của mỗi người dân Trung Quốc, vì vậy nó có hàm nghĩa xã hội và chính trị hết sức sâu sắc.
Mặc dù, tình hình Biển Đông hiện nay không hoàn toàn đến mức như một số người nói là “gươm súng sẵn sàng”, nhưng nếu không thể nhìn thẳng vào hiện thực, tình hình tương lai tất yếu sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đối phó với thách thức này như thế nào? Đây chính là câu hỏi đầu tiên: Tình hình Biển Đông bắt nguồn từ đâu? Chỉ có lý giải nguồn gốc, mới có thể tìm được phương pháp để kiểm soát và giải quyết vấn đề. Rõ ràng, cục diện Biển Đôn ghiện nay không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của quá trình lịch sử. Trên thực tế, đối với các nhà quan sát cục diện Biển Đông, xuất hiện tình hình hiện nay hoàn toàn không bất ngờ, mà đều nằm trong dự báo. Mọi người đều rõ tính phức tạp lịch sử của vấn đề Biển Đông. Hiện nay, các nước đều đang tìm kiếm chứng cứ lịch sử có lợi cho mình, nhưng khách quan mà nói, nếu giải quyết vấn đề xuất phát từ căn cứ lịch sử có thể là một sứ mệnh không thể thực hiện. Đặc điểm chủ yếu của vấn đề Biển Đông là chỉ có thể giữ quyền kiểm soát và quản lý, chứ không thể giải quyết. Chính vì vậy, khi đó Đặng Tiểu Bình mới đưa ra ý tưởng hiện thực chủ nghĩa là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng này, Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn trong bình diện song phương với các nước có liên quan khác trên vấn đề Biển Đông, nhưng hiệu quả không lớn. Các nước liên quan hầu như không có động lực và động cơ lớn để thực hiện hợp tác với Trung Quốc. Trong quá trình này, Trung Quốc đã quên mất một vấn đề đưa ra: vì sao các nước liên quan không có động lực và động cơ hợp tác? Nguyên nhân có lẽ cũng rất rõ ràng, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước này chưa đủ, hoặc có thể nói, các quốc gia này cho rằng không cần thiết phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Thật ra, so với Trung Quốc, những nước liên quan đến Biển Đông khác có thể nói là nước nhỏ. Lo lắng bản năng của các nước nhỏ này lại chính là đơn độc đối diện với một nước lớn, cho dù nước lớn đó có nhiều thiện ý. Vì thế, những nước này đã chuyển hướng sang chủ nghĩa đa phương. Đối với những nước này, mong muốn đa phương hoá là nhằm ràng buộc hành vi của Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến một số nước nhỏ luôn cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào khung đa phương của ASEAN trong nhiều năm qua. Lần này, dưới sự ủng hộ của Mỹ, những nước này bắt đầu được toại nguyện. Mặc dù, Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận chủ nghĩa đa phương trong vấn đề này, nhưng phân tích cụ thể, cách làm này cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Cho dù đa phương không thể giúp giải quyết vấn đề, nhưng đa phương là một sự ràng buộc đối với tất cả các nước liên quan. Hoặc có thể nói, nếu đa phương trói buộc Trung Quốc, vậy thì các quốc gia liên quan khác cũng bị trói buộc. Trong bối cảnh song phương không thể giải quyết, quan hệ đa phương chính là cơ chế hữu hiệu duy trì cục diện hoà bình tại Biển Đông. Trung Quốc hoàn toàn không muốn đa phương hoá vấn đề Biển Đông, cho rằng đa phương hoá có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp. Mặc dù lo ngại của Trung Quốc không hẳn không có lý nhưng vấn đề ở chỗ quan hệ song phương không có tiến triển trong suốt thời gian dài.
Ngoài đa phương hoá, các quốc gia liên quan cũng cố gắng khiến vấn đề Biển Đông trở thành “quốc tế hoá”, một số nước (Việt Nam và Malaixia) đã đưa khu vực tranh chấp lên Toà án quốc tế, hy vọng thông qua sự can thiệp của tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề. Trung Quốc đương nhiên cũng không mong muốn đi theo con đường này. Trong bối cảnh song phương không giải quyết được vấn đề, Trung Quốc lại không chấp nhận “đa phương” và “quốc tế hoá”, vậy phải giải quyết thế nào? Vấn đề này đã phát triển thành “chính trị hoá nước lớn” như hiện nay, tức sự can dự của Mỹ. Một khi “chính trị hoá nước lớn” xuất hiện, sẽ đẩy cục diện Biển Đông trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Bất luận là quan hệ song phương, quan hệ đa phương hay là quốc tế hoá, nếu có thể giải quyết vấn đề, các quốc gia Đông Nam Á đều có thể chấp nhận. Mặc dù, không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, song Việt Nam, Malaixia, Philíppin… đều là thành viên của ASEAN, các nước thành viên khác có nghĩa vụ và trách nhiệm phải quan tâm. Nhưng “chính trị hoá nước lớn” lại không như vậy. Rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đều có quan hệ rất khăng khít với cả Trung Quốc và Mỹ, hai nước Trung-Mỹ cùng chung sống hoà bình là lợi ích lớn nhất của các quốc gia này, nhưng một khi hai nước Trung-Mỹ xảy ra xung đột, một số nước sẽ đứng trước vấn đề là ngả về bên nào, điều này sẽ diễn ra giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính vì vậy, trong vấn đề Biển Đông, “chính trị hoá nước lớn” hoàn toàn không phải là lợi ích lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á./.
Theo Tuần báo “Tin tức Trung Quốc”
Lê Sơn (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét