Pages

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Bóp Méo Lịch Sử!

Hành động che giấu quá khứ của Trung Cộng có thể sẽ bóp nghẹt tương lai của họ

Sergey Radchenko – PBD dịch
Mao Trạch Đông và Lâm Bưu
TRỮBA
Khi Trung Cộng dấn bước cương quyết trên trường quốc tế, người ta có thể nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ cởi mở, ngay cả rộng lượng, về quá khứ của nước này. Ngược lại, lịch sử vẫn là một đề tài hết sức nhạy cảm tại đây, khiến nhà cầm quyền để ý theo dõi thật sát vì họ muốn che đậy để giấu kỹ tất cả những việc làm xấu xa ô nhục của họ.

Là một giáo sư đại học tại Trung Cộng, tôi chứng kiến tình trạng lo âu này của nhà cầm quyền mỗi ngày. Các sinh viên trẻ, thông minh của tôi hầu như không biết gì về lịch sử cận đại của nước họ(1). Những gì mà họ biết thường là luận điệu giáo điều của nhà cầm quyền về niềm hãnh diện và vinh quang của việc Trung Cộng vươn lên sau một thế kỷ chịu nhục nhã dưới tay các cường quốc Tây Phương. Những kệ sách tại thư viện và tiệm sách cũng chứa đựng toàn những chuyện cùng nội dung hùng tráng được tin chắc là như vậy của nước này. Và cũng khó mà tránh né được câu chuyện bịa đặt được nhà cầm quyền phê chuẩn đó. Một số giáo sư như chúng tôi tại Viện Đại Học ở Trữ Ba mới đây đã thử đặt mua một quyển sách tiêu chuẩn của Tây Phương về lịch sử Trung Hoa, “Tìm Hiểu về Trung Hoa Ngày Nay” của Jonathan Spence(2). Nhưng các nỗ lực của chúng tôi đã thất bại khi các viên chức quan thuế không cho nhập cảng sách này vào nước. Đại lý cung cấp sách đã nhã nhặn đề nghị mở từng quyển ra mà cắt đi những đoạn bị kiểm duyệt — kể cả hình ảnh của vụ tàn sát tại Công Trường Thiên An Môn và phần tường thuật của Spence về Cuộc Cách Mạng Văn Hóa — để được các viên chức quan thuế cho phép đem vào nước. Đây là những việc mà người dân tại Trung Cộng không được phép biết.
Các nhà sử học về Trung Hoa đi đâu cũng gặp chuyện giữ bí mật và hạn chế hoặc cấm đoán vì vẫn không được xem phần lớn thư khố chính, dù luật thư khố của Trung Cộng quy định cho phép công chúng xem các văn kiện chính thức sau 30 năm. Có một phần tiến bộ về việc giải mật hồ sơ, nhất là tại Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, để xoa dịu các học giả quốc tế. Các nhà nghiên cứu văn hóa học thuật nay có thể đọc, nhưng không được in ra, các thông tư và điện tín từ năm 1949 đến 1965 đã được điện tử hóa. Nhưng ngay cả các văn kiện này cũng đã được lọc lựa trước để tránh trình tạng có thể gây bẽ mặt cho nhà cầm quyền. Thư khố của đảng, có các hồ sơ của cơ quan quyền lực tối thượng bí mật nhất của Đảng Cộng Sản — Bộ Chính Trị — thì vẫn hoàn toàn khóa kín. Bất cứ người nào tại Trung Cộng muốn nghiên cứu nguồn gốc Chiến Tranh Triều Tiên cách đây hơn 60 năm sẽ không đi đến đâu. Bước Tiến Nhảy Vọt? Cuộc Cách Mạng Văn Hóa? Cũng vô ích. Những vụ lấn cấn gây khó chịu trong lịch sử cận đại của Trung Cộng đã trở thành căn bệnh quên chính thức và là nạn nhân của tình trạng nhà cầm quyền giữ độc quyền về sự thật.
Hãy xét đến trường hợp Lâm Bưu, một nhân vật được xem là anh hùng trong Cuộc Nội Chiến Trung Hoa, và sau trở thành đồng chí của Mao Trạch Đông trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, đã chết vào năm 1971. Họ Lâm, vốn được nhiều người nhớ tới những lần ông ta xuất hiện trên Công Trường Thiên An Môn, tay cầm Hồng Bảo Thư(3), mà nghe nói là đã âm mưu hạ sát lãnh tụ Trung Cộng tuy ông ta là người được tôn xưng là sẽ kế vị Mao. Khi bị phát giác âm mưu, ông ta đào tẩu sang Liên Xô, lúc đó là kẻ thù không đội trời chung của Trung Cộng, nhưng không thoát nổi: Máy bay của ông ta rớt tại Mông Cổ sau khi nghe nói bị cạn nhiên liệu.
Đây là câu chuyện được chính thức thuật lại; và nhà cầm quyền Trung Cộng cũng chỉ nói có thế sau 40 năm qua. Chuyện bất đồng giữa hai nhân vật này có thể là thù hận cá nhân hay, như lời chủ tịch Mao sau đó, là bất đồng về chính sách. (Nghe nói Lâm Bưu chống đối việc mở cửa liên lạc giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ).
Vào năm 2003, phúc trình về vụ rớt máy bay này, gồm cả hình ảnh các nạn nhân bị chết cháy, được tiết lộ từ thư khố tình báo Mông Cổ. Trái với lời giải thích chính thức của Trung Cộng, phúc trình này (mà tôi được xem) cho thấy là chiếc phi cơ vẫn còn nhiều nhiên liệu khi rớt. Không hề có nỗ lực hạ cánh và điều kiện thời tiết lúc đó vẫn tốt. Các nhân viên điều tra của Mông Cổ kết luận rằng phi cơ rớt là lỗi của phi công. Nhưng họ không có hộp ghi dữ kiện kỹ thuật của phi cơ này; giới quân sự của Liên Xô đã đem đi cùng với một trong các động cơ của phi cơ. Sau đó Liên Xô trở lại lấy đi thủ cấp của hai nạn nhân có răng vàng mà sau đó được biết là răng của Lâm Bưu và vợ ông ta.
Nghe nói hai chiếc thủ cấp này vẫn để tại thư khố của Dịch Vụ An Ninh Liên Bang Nga. Moscow chưa tiết lộ kết quả điều tra của họ về vụ rớt máy bay này, và Trung Cộng thì vẫn im lặng. Tuy chúng ta không biết nhiều về cái chết của Lâm Bưu, nhưng cũng biết đủ để kết luận là ít nhất một phần trong lời giải thích của Bắc Kinh là ngụy tạo. Nếu không mở thư khố cho mọi người xem xét công khai và một khi vẫn không cho phép tự do tìm hiểu về lịch sử, những loại chuyện bí ẩn và ngụy tạo này vẫn là nền tảng của lịch sử Trung Cộng do nhà cầm quyền đưa ra — do đó mà họ cần ngăn cấm sách báo ngoại quốc. Dù các sử gia có hết lòng tận tụy tìm hiểu thêm mà bất chấp các lệnh cấm (và chấp nhận nguy cơ phải vào tù) của chính quyền, lịch sử Trung Hoa vẫn bị bàn tay sắt của nhà cầm quyền bóp chặt giấu giếm.
Đã đến lúc một nước Trung Cộng cường thịnh và hãnh diện phải dẹp bỏ nỗi lo sợ về quá khứ này, vốn hoàn toàn không tương xứng với việc Bắc Kinh muốn tăng cường uy tín và muốn được quốc tế trọng vọng. Đúng vậy, lịch sử Trung Hoa có đẫm máu và nhiều thảm kịch, thường là do cách cai trị sai lầm của các lãnh tụ trực tiếp gây ra. Lịch sử nước này cũng có nhiều kỳ công và phát minh đáng nể trên đường canh tân. Cả hai mặt lịch sử nước này, cũng như họ vẫn thường nói về hai phần âm dương, là những gì đưa đến một nước Trung Hoa ngày nay. Các biến cố trên thế giới cho thấy rằng các nỗ lực của chính quyền nhằm kiểm soát những cách tìm hiểu và giảng dạy lịch sử chắc chắn rồi sẽ thất bại. Câu hỏi là khi nào thì Trung Cộng ngày nay sẽ nhận ra được là họ không nên khư khư ôm chặt những cách kiểm soát tin tức thừa hưởng từ một hệ thống độc tài chuyên chế.
Sergey Radchenko is a lecturer in history of American-Asian relations at the University of Nottingham in Ningbo, China, and the author of “Two Suns in the Heavens: The Sino-Soviet Struggle for Supremacy, 1962-1967″.
Source: http://www.washingtonpost.com/opinions/chinas-secrecy-about-its-past-could-stifle-its-future/2011/12/21/gIQAd9FORP_story.html
_____________
Chú thích của người dịch:
(1) cộng con ở phương nam cũng học cùng một sách luôn luôn giấu giếm sự thật và gian dối muôn năm.
(2) “The Search for Modern China” by Jonathan Spence, là cựu giáo sư sử học tại Viện Đại Học Yale. Quyển “The Search for Modern China” đã trở thành một trong những sách giáo khoa tiêu chuẩn về lịch sử Trung Hoa trong mấy trăm năm qua.
(3) “The Little Red Book” là quyển sách đỏ trích lời Mao Trạch Đông.

Không có nhận xét nào: