Pages

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran

Ông Ali Asghar Soltanieh, đại diện cuả Iran tại IAEA .
Ảnh chụp ở Vienna ngày 18/11/2011
Trọng Thành

Sau thông báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày hôm qua, 9/1/2012, về việc Iran bắt đầu hoạt động làm giàu nhiên liệu uranium ở mức 20%, Hoa Kỳ và nhiều nước Châu Âu đã lên án hành động này và coi đây là một bước leo thang mới của chính quyền Teheran, trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hôm nay (10/1), đại diện của Iran tại IAEA khẳng định, việc làm giàu uranium chỉ nhằm mục tiêu hòa bình, và cho rằng các phản ứng kể trên là “thái quá và mang động cơ chính trị”.

Ngày hôm qua, IAEA khẳng định Teheran đã khởi sự việc làm giàu uranium ở mức 20% tại một nhà máy ở Fordo. Đây là một địa điểm có thể chứa được đến 3.000 lò phản ứng, nằm trong lòng núi, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt và rất khó bị tấn công. Thứ Bảy tuần trước, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran thông báo, nhà máy này sẽ được khánh thành trong nay mai.
Được biết, nhiên liệu uranium được làm giàu ở mức dưới 20% được sử dụng chủ yếu cho mục tiêu dân sự. Nhiên liệu uranium được làm giàu tới 90% có thể được dùng để sản xuất bom nguyên tử. Hoa Kỳ khẳng định, việc Iran đưa uranium được làm giàu lên mức 20% tại Fordo, là vi phạm các cam kết với quốc tế.
Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), có trụ sở tại Luân Đôn, “thông tin về Fordo rất đáng lo ngại, vì (việc làm giàu) đến mức 20% là rất gần với mục tiêu quân sự, và bởi vì hiện tại hoàn toàn không có bất cứ nhu cầu dân sự nào cần đến một hàm lượng cao như vậy”.
Về nguyên tắc, các hoạt động liên quan đến việc làm giàu nhiên liệu nguyên tử ở Iran tại hai địa điểm chính là Natanz và Fordo, được đặt dưới sự giám sát liên tục của IAEA, với các máy camera tại chỗ hoạt động 24/24 giờ. Đây là một lý do khiến Teheran phủ nhận các cáo buộc của cộng đồng quốc tế.
Ngày Chủ nhật 8/1, tổng thống Iran đã đến Venezuela, chặng đầu tiên trong chuyến công du tới một số quốc gia Châu Mỹ, như Nicaragua, Cuba và Ecuador, nhằm củng cố các quan hệ đồng minh trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng.
Xin nhắc lại là, từ nhiều năm nay, việc làm giàu uranium đã là chủ đề mâu thuẫn giữa Iran và cộng đồng quốc tế, vốn lo ngại Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua 6 nghị quyết, với nhiều đợt trừng phạt để buộc Teheran phải từ bỏ việc làm giàu uranium. Sau thất bại trong đàm phán với các cường quốc trong nhóm 5+1, để nhận được các nhiên liệu giúp cho việc chế tạo đồng vị phóng xạ dùng để chữa ung thư, Teheran quyết định tự mình làm giàu uranium 20% từ đầu năm 2010 để phục vụ cho công việc này.
Diễn biến đặc biệt nghiêm trọng là ngày 17/11/2011, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế công bố bản báo cáo, kết quả của 8 năm điều tra, cho thấy trên thực tế, Teheran đang triển khai một chương trình hạt nhân quân sự. Sau một loạt các căng thẳng với phương Tây trong tháng 12, từ cuối tháng 12/2011, Teheran đưa ra đề nghị sẵn sàng nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tuy nhiên, người đứng đầu ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton, tuyên bố bà chờ đợi một lá thư chính thức của Tổng thống Iran.
Nguy cơ xung đột tại eo biển Ormuz
Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại eo biển Ormuz, ngày hôm qua, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định, trái ngược với các phát biểu hết sức cứng rắn, trên thực tế không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Iran tìm cách phong tỏa huyết mạch hàng hải quốc tế này. Trước đó, ngày 8/1, các quan chức cao cấp nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định, Hoa Kỳ sẽ không khoan thứ cho các hành động của Iran, phong tỏa eo biển Ormuz.

Không có nhận xét nào: