Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Chiến tranh lạnh giữa Nga và Canada

Vụ án Halifax : sĩ quan Jeffrey Paul Delisle bị tình nghi
 bán thông tin "nhạy cảm" cho Nga (DR)
Minh Anh

Vừa qua, chính quyền Canada đã cho trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, bị cho là có liên can đến một vụ gián điệp. Trong bài viết nói về quan hệ Nga - Canada đang bị "đóng băng", báo Le Figaro nhận định bang giao song phương ngày càng xấu đi kể từ khi phe bảo thủ Canada lên nắm quyền vào năm 2006.
Những ngày vừa qua báo chí Canada không ngừng đề cập đến đề tài này. Các báo đều cùng chung nhận định là giữa Nga và Canada đang diễn ra một cuộc « chiến tranh lạnh nhẹ ». Sự việc bắt đầu từ vụ sĩ quan Jeffrey Paul Delisle, làm việc tại Trung tâm thông tin của Thủy quân hoàng gia Halifax, bị bắt giữ vì tội làm gián điệp.

Ông Jeffrey Paul Delisle bị nghi ngờ đã bán những thông tin « nhạy cảm » cho một « thế lực nước ngoài », mà chính quyền Ottawa nghi rằng thế lực này chính là nước Nga. Sự việc tiếp diễn với việc Canada ra lệnh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga. Ngay lập tức, Nga đã lên tiếng phủ nhận.
Trên thực tế, vụ án gián điệp chỉ là móc xích cuối cùng trong một chuỗi các vụ chạm trán giữa hai nước. Tờ nhật báo The Vancouver Sun nhận định rằng kể từ khi ông Stephen Harper lên cầm quyền vào năm 2006, quan hệ song phương giữa hai nước vẫn không tiến triển. « Chính quyền Canada vẫn duy trì thái độ chiến tranh lạnh. Quan hệ này chỉ dừng ở cấp Bộ chứ không hề có các bước kế tiếp ». Nhiều lần, ông Harper đã có những lời lẽ khiêu khích với nước Nga. Ông khẳng định muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tại vùng Bắc cực và nguồn dự trữ thiên nhiên dồi dào của mình.
Ngoài ra, Nga thường xuyên gởi các máy bay tiêm kích đến chọc giận không quân Canada. Nhờ vào các vụ đột nhập này, mà ông Harper có thể hợp pháp hóa cho đơn đặt các máy bay tiêm kích F35 đắt tiền của Mỹ , để thay thế cho các chiếc CF 18 đã hết tuổi đời.
Vào tháng 8 năm 2011, Canada đã cho tiến hành các đợt tập trận chưa từng có tại vùng Bắc Cực. Cùng với thời điểm này, Nga cũng tuyên bố cho thành lập đội đặc nhiệm Bắc cực. Vài tuần sau đó, Vladimir Putin tiết lộ sẽ cho đóng 3 chiếc tàu phá băng hạt nhân và 6 chiếc khác chạy bằng dầu diesel từ đây cho đến năm 2020.
Chính phủ Ottawa không hề bỏ qua cơ hội nào để trêu tức Nga. Canada đã từng nhìn nhận nhiều vụ diệt chủng dưới thời Staline. Đặc biệt là vụ Holodomor trong giai đoạn 1932-1933, gây ra nạn đói lớn, đã làm cho hàng triệu người Ukraina thiệt mạng. Le Figaro cho biết rõ, phần đông cử tri bảo thủ tại vùng phía Tây Canada đều có nguồn gốc từ Liên Xô cũ.
Quân đội Syria tàn sát thường dân tại Homs
Cũng liên quan đến thời sự quốc tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến tình hình bất ổn tại Syria. Trong bài viết « Tại Homs, quân đội tàn sát dân thường », tờ báo cho biết nhiều khu phố do phe đối lập kiểm soát đã trở thành mục tiêu của vụ dội bom và tấn công của quân đội chính quyền.
Một lần nữa, bạo lực lại xảy ra tại Homs với cường độ mạnh hơn vào hôm thứ năm vừa qua. Tại khu phố Karam Al-Zaitoun, các vụ chạm súng liên tục xảy ra từ nhiều tháng nay giữa những người dân tự trang bị vũ khí với các lực lượng dân quân và quân đội chính phủ, khiến nhiều thường dân thiệt mạng.
Theo lời thuật lại của một số nhân chứng, quân đội và dân quân tự vệ của chính phủ nhằm cố sức bẻ gãy làn sóng phản đối, đã dùng sức mạnh để vào được khu phố Karam, dưới sự hỗ trợ của xe bọc thép. Cũng theo những nhân chứng này, trước khi rút lui, một loạt các vụ bắt bớ đã xảy ra.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở vùng Nasihine, cạnh Karam, một vụ thảm sát thật sự vừa được phát hiện. Theo lời một người đã chứng kiến tận mắt cho biết, 11 người đã thiệt mạng sau khi một vụ tấn công vào một tòa nhà xảy ra. Lúc xảy ra thảm sát, trong tòa nhà này có hai gia đình sinh sống. Trong số các nạn nhân, có 4 trẻ bị hành quyết man rợ trong đó có 3 em là bị cắt cổ. Duy chỉ có một trẻ 3 tuổi và một trẻ 4 tháng tuổi là sống sót. Các nhân chứng cho biết những kẻ tấn công này mặc quân phục quân đội, dưới sự yểm trợ của xe tăng.
Theo Le Monde, bạo lực không chỉ dừng ở các vụ nổ súng, quân đội còn dội bom vào các khu vực khác. Theo thống kê của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, bạo lực xảy ra tại Homs hôm thứ năm vừa qua đã làm thiệt mạng tổng cộng 26 người. Nếu tính thêm tại các vùng khác như Deraa và Hama thì con số thương vong lên đến 34 người.
Sự trỗi dậy không ngừng của Samsung
« Sự trỗi dậy không ngừng của Samsung » là nhận định của Le Monde trên trang kinh tế. Từ đây cho đến năm 2020, tập đoàn này sẽ có những biến đổi cơ bản về chiến lược nhằm đạt đến mục tiêu trở thành « tập đoàn hàng đầu thế giới có khả năng chống chọi đến 100 năm ».
Hiện tại, Samsung là một trong những nhà cung cấp thế giới trong nhiều lãnh vực như màn hình TV, điện thoại di động, linh kiện điện tử và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác nữa… Nhưng có lẽ tập đoàn này không có ý định dừng lại ở đó. Nguyên tắc của tập đoàn này là một khi tất cả đã chạy tốt hay gần như vậy, thì cũng nên nghĩ đến chuyện đi xa hơn một chút. Ông Lee Kun-hee chủ tịch hãng Samsung kêu gọi hơn 80 doanh nghiệp thuộc tập đoàn phải đưa ra những chương trình hoạt động mới từ đây cho đến năm 2020.
Le Monde cho biết, trong nhiều loại sản phẩm do tập đoàn sản xuất, có lẽ thành công nhất là mảng sản phẩm điện thoại di động, nhất là loại điện thoại thông minh và các bán dẫn điện tử. Doanh thu năm rồi tăng 6,7% đạt 165 000 tỷ won (tương đương với 112 tỷ euro).
Samsung đã bán ra hơn 300 triệu chiếc trong năm nay. Nếu xu hướng này vẫn được duy trì thì có thể Samsung sẽ vượt qua mặt hãng Nokia, để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lãnh vực điện thoại cầm tay trước cuối năm 2012. Còn trong lãnh vực bán dẫn, Samsung hiện chiếm vị trí thứ hai trên thế giới chỉ đứng sau hãng Intel của Mỹ.
Liên quan đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp giải trí, nhất là mảng sản xuất màn hình TV, Samsung cho biết tuy rằng giá màn hình TV đã sụt xuống 20% , nhưng tập đoàn vẫn tỏ ra khá lạc quan cho tương lai. Cuối năm 2011, Samsung đã mua lại cổ phần của Sony trong công ty liên doanh S-LCD, chuyên sản xuất các loại màn hình tinh thể lỏng. Sự phát triển công nghệ trong các lãnh vực hình ảnh 3 chiều (3D), các dịch vụ trên mạng Internet, các kiểu màn hình OLED hay màn hình trong suốt cho phép lượng bán ra tập đoàn này tăng vọt từ 43 triệu chiến lên 50 triệu chiếc trong năm 2012 này.
Như vậy, theo chiến lược đề ra, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế thế giới, Samsung dự định trong năm 2012 này sẽ có những đầu tư hàng loạt trị giá 47 800 tỷ won (32,4 tỷ euro), tức tăng thêm 12% so với năm 2011. Trước mắt, nhằm phục vụ cho kế họach lâu dài, Samsung sẽ dành ra 13 600 tỷ won (9,2 tỷ euro) cho nghiên cứu và phát triển. Và 3200 tỷ won (2,2 tỷ euro) cho đầu tư vốn.
Bởi lẽ, để ngồi vững trên chiến lược đa dạng hóa, Samsung cố gắng nắm bắt sang nhiều lãnh vực mới như y tế, pin năng lượng mặt trời hay các loại pin cho các loại xe chạy bằng điện. Chiến lược sát nhập – nắm bắt phải được dẫn dắt với sự táo bạo và quả quyết vì nó cho phép Samsung nắm bắt được một cách nhanh chóng các công nghệ mũi nhọn
Khai thác dầu hỏa : thật sự đã chạm đáy ?
Một lần nữa, tranh luận về chủ đề « Khai thác dầu hỏa đã chạm đến đáy » lại nổi lên. Liberation cho biết theo khẳng định của hai nhà khoa học sản xuất dầu hỏa thế giới đã đạt đến đỉnh điểm. Một sự khẳng định đi ngược lại với những các tuyên bố của các nhà khai thác công nghiệp.
Liberation cho biết, trong một bài viết đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Nature, hôm thứ năm vừa qua, hai nhà khoa học James Murray, nhà đại dương học thuộc trường Đại học Washington, và David King, một nhà vật lý học, từng là cố vấn của hai ông Tony Blair và Gordon Brow đã cùng đi đến một kết luận là việc khai thác dầu đã đạt đến « đỉnh điểm Hubbert ». Thuật ngữ này xuất phát từ lời tuyên bố của một người Mỹ tên Marion Hubbert cho rằng khai thác dầu hỏa một ngày nào đó sẽ suy sụp và sẽ chấm dứt vào những năm 1950.
Một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra là « dầu hỏa : sẽ còn cho bao lâu nữa ? ». Câu hỏi này đã trở thành chủ đề cho các cuộc tranh cãi giữa giới khoa học, các tập đoàn dầu khí và các nước khai thác dầu. Các nhà khoa học lên án các tập đoàn dầu khí và các nước xuất khẩu dầu đã nói dối về việc giảm sản lượng khai thác.
Theo các nhà khai thác thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEP), mức khai thác được xác định một phần thông qua mức dự trữ mà quốc gia đó sở hữu. Tuy nhiên, vấn đề là không một quốc gia nào dựa trên các nghiên cứu địa chất để đánh giá mức dự trữ. Hầu hết các quốc gia này đều đóng kín cánh cửa đối với các chuyên gia nước ngoài. Vì vậy, khoảng cách giữa các thông báo chính thức và các phân tích địa chất độc lập ngày càng nhân đôi.
Còn đối với các tập đoàn dầu khí, giá trị cổ phiểu trên sàn chứng khóan lại phụ thuộc nhiều vào khả năng khai thác tiềm tàng trong tương lại hơn là doanh thu từng năm. Do đó, họ cần phải chăm sóc kỹ hình ảnh của mình cho dù là những gì họ tuyên bố không hề có sự kiểm chứng nào.
Thế thì « Làm thế nào đánh giá được trữ lượng dầu có sẵn ? ». Liberation cho biết, các nhà khoa học phải sử dụng những kiến thức có được về tầng lớp ngầm, công nghệ định vị và quan sát đường cong biểu thị sản lượng khai thác từ các giếng dầu. Nhưng hai nhà khoa học James Murray và David King đụng phải « bí mật » do chính các tập đoàn dầu khí và các quốc gia xuất khẩu dầu áp đặt.
Để thực hiện các phép tính, hai nhà khoa học đã sử dụng giải pháp đơn giản nhất là so sánh sự tiến triển của tổng sản lượng sản xuất và giá dầu thô theo quy định kể từ cuối những năm 1990 để khẳng định rằng việc khai thác dầu đã đi đến « đỉnh điểm Hubbert ».
Trang nhất các báo Pháp
Tranh cử tổng thống Pháp năm 2012 là chủ đề chính trên các trang báo Pháp số ra hôm nay. « Nicolas Sarkozy, những gì ông hối tiếc » là tựa đề chính trên trang nhất nhật báo Le Monde. Tổng thống Pháp đương nhiệm đang tìm những phương cách tốt nhất để trình bày trước người dân Pháp những sai lầm mà ông phạm phải trong nhiệm kỳ năm năm vừa qua.
Le Figaro thì chạt tít « Bayrou chỉ ra các mối nguy hiểm trong chương trình của Hollande ». Theo nhật báo, ông Francois Bayrou cho rằng chương trình tranh cử của ứng viên Francois Hollande không phù hợp với « các đòi hỏi hiện tại » và một vài đề nghị còn mang tính nguy hiểm.
Trong khi đó, báo Liberation thì lại quan tâm đến mảng giải phẫu thẩm mỹ. Bất chấp vụ tai tiếng liên quan đến các túi silicone hiệu PIP dùng để nâng ngực, nhưng nhiều phụ nữ Pháp vẫn tiếp tục mong muốn có một bộ ngực to hơn.

Không có nhận xét nào: