Pages

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Chuyện nhà báo !


Cuối cùng thì phóng viên Hoàng Khương - báo Tuổi Trẻ cũng bị khởi tố và bị bắt tạm giam vào trưa nay, ngày 2/01/2012.


Cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra lý do "để điều tra, làm rõ hành vi đưa hối lộ".

Mặc dù trước đó có nhiều lời đồn đoán và bàn tán về việc bắt hay không bắt giam anh Nguyễn Văn Khương (tức phóng viên Hoàng Khương).

Trong buổi họp giao ban với báo chí ở tuần trước, ông Phan Anh Minh - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã tuyên bố sẽ khởi tố.Nhưng kết quả cuối cùng hôm nay mới có.
Blogger Cô Gái Đồ Long viết:
DẬY SÓNG LÀNG BÁO NGÀY ĐẦU NĂM!

Ồn ào bắt đầu từ tuần trước, sau khi các Tổng biên tập họp giao ban báo chí về và thông báo cho biết: thiếu tướng Phan Anh Minh – phó giám đốc Công An TP.HCM đã tuyên bố trước cuộc họp là “sẽ khởi tố Hoàng Khương”.


Ngày 30.12 giới báo chí cả nước sốc trước thông tin “Hoàng Khương đã bị bắt”, nhưng thật ra đó chỉ là 4 công an mặc thường phục và một CA Phường mặc sắc phục; đến nhà tìm Hoàng Khương và sau đó sang báo Tuổi Trẻ đưa thư mời triệu tập làm việc - theo lịch là vào sáng thứ ba, tức ngày mai.

Tuy nhiên, đó chỉ là một động tác giả.

Bất ngờ diễn ra vào lúc 12h00 trưa nay, Phòng CSĐT CA TP.HCM đã ập đến nhà tiến hành khám xét và tống đạt quyết định bắt khẩn cấp Hoàng Khương.

Có rất nhiều công an bao quanh khu nhà anh; nhiều giấy tờ, máy móc làm nghề và tài liệu bị thu giữ.

Lúc 2h00 Hoàng Khương bị đưa đi có đại diện báo Tuổi Trẻ và luật sư Phan Trung Hoài.

Bắt khẩn cấp một con người có hành vi bị cho là "đưa hối lộ" cho những người trong ngành nhận hối lộ đã quen tay, là cách mà cơ quan an ninh điều tra hôm nay đã sử dụng.

Có thể biện pháp nghiệp vụ mà phóng viên Hoàng Khương sử dụng là sai như nhận định của một số người, nhưng cái cách người ta bắt giam và dẫn giải một người ít nhiều góp phần vạch rõ bản chất sai trái, nhũng nhiễu của lực lượng Cảnh sát Giao thông khiến người ta nghi ngờ thêm về việc bảo kê, bọc lót cho những sai phạm của ngành công an hơn.
Nhà báo Hoàng Khương
Còn có quá nhiều điều phía trước để nói, nhưng nếu báo Tuổi Trẻ, đơn vị chủ quản của phóng viên Hoàng Khương vẫn im lặng không khẳng định trên mặt báo điều mà Hoàng Khương đã tường trình: “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải”. (trích từ Facebook Osin Huy Đức), thì có lẽ, sẽ có thêm rất nhiều giọt nước mắt cho lề phải (*), hôm nay.


Status cuối cùng mà tôi đọc được trên Facebook của anh Hoàng Khương có nội dung sau:


Một hôm, đồng nghiệp của HK... an ủi thế này: "Làm điều tra chống tiêu cực mà lại là tiêu cực trong ngành công an mà không bị các chú công an nay mời, mai doạ bắt mới lạ. Viết làng nhàng như tui chờ hoài không thấy chú công an nào "hỏi thăm sức khoẻ" thì nhục lắm". Không ham chút nào.


Cầu mong anh luôn bình an và vững vàng trước thử thách khắc nghiệt này, bởi dù thế nào đi nữa thì tôi biết, anh đã chọn cách viết để bóc trần nạn mãi lộ vẫn hoành hành nhức nhối từ rất lâu.


Xin mượn lời của blogger Cô Gái Đồ Long để kết thúc entry này:
..."Hoàng Khương "cố tình gài bẫy công an" hay việc "đưa/cầm tiền" chỉ là một sơ xuất trong quá trình điều tra, tác nghiệp khi tình huống nảy sinh bất ngờ buộc phải ứng phó với hoàn cảnh; vẫn còn là việc mà người ngoài chưa tỏ hết. Mong các đồng nghiệp báo chí hết sức bình tĩnh và cẩn trọng cách đưa tin, phân tích và nhìn nhận vấn đề trong vụ này; tránh cảnh giậu đổ bìm leo và nhụt chí anh em còn máu lửa với nghề!"
Tôi cũng mong rằng, những nhà báo chân chính, sẽ tìm ra cách hữu hiệu nhất để bảo vệ đồng nghiệp mình bởi không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”. (**)

Mẹ Nấm

(*) Mượn ý từ entry "Giọt nước mắt của lề phải" - Đoan Trang.

(**) “Suối nguồn” - Ayn Rand

Không có nhận xét nào: