Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Có phải nước Nga đã biết đến một « mùa Xuân Ả Rập

Dân Nga xuống đường phản đối kết quả bầu cử
21/12/2011 (REUTERS)
Lê Phước

Tháng 12 vừa qua, người dân Nga rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối ông Putin. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền, có nhiều người dân lên tiếng phản đối ông một cách công khai và quy mô đến thế. Le Figaro đăng bài phân tích của sử gia Hélène Carrrère d’Encausse, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, đề tựa : "Có phải đó là một mùa xuân theo kiểu Nga".
Tác giả nhắc lại, trước cuộc bầu cử Hạ viện Nga diễn ra ngày 4/12, ông Putin đã từng hứa sẽ cho tiến hành hiệp thương để công bố tên ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng ông sau cuộc bầu cử hạ viện. Thế mà, đột nhiên ông đã tuyên bố là ứng viên trước cuộc bầu cử nói trên nhiều tuần. Ông và tổng thống Medvedev còn chính thức tuyên bố sẽ đổi vị trí cho nhau sau khi ông Putin thắng cử năm 2012.

Tức nước vỡ bờ, người Nga kéo nhau xuống đường biểu tình tố cáo gian lận bầu cử, và thậm chí còn chính thức phản đối ông Putin đeo bám quyền lực. Theo tác giả, hai vụ biểu tình hồi tháng 12 của người Nga có ba đặc điểm đáng ghi nhận, đó là cách tổ chức hoàn hảo, thái độ ôn hòa của người biểu tình, và nhất là thành phần xã hội tham gia biểu tình.
Theo kết quả thăm dò, 70% trong số họ dưới 40 tuổi, hơn 70% đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học, 25% là chủ doanh nghiệp hoặc đang giữ vị trí lãnh đạo ở các công ty, 70% không đảng phái, 24% thiên tả và 6% là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Số liệu trên cho thấy, người biểu tình không phải là những người bị đẩy ra bên lề xã hội, cũng không phải là tuổi trẻ thất vọng về tương lai, mà hoàn toàn ngược lại, họ là « đội tiên phong của xã hội trí thức Nga », một thành phần mà nếu thiếu nó, bất kỳ xã hội nào cũng không thể tồn tại lâu dài.
Đa phần người biểu tình thuộc thế hệ hậu Liên Xô, thuộc thành phần trung lưu, có điều kiện vật chất khá tốt. Nói về những người thuộc thế hệ trước, tức thế hệ cha mẹ ông bà của những người biểu tình, họ không xuống đường, nhưng vẫn tuyên bố đồng lòng với người biểu tình. Như vậy, tuổi trẻ xuống đường để yêu cầu sự cải tổ, trong khi thế hệ trước vẫn ủng hộ ý nguyện cải tổ đó, nhưng đồng thời cũng giữ thái độ e dè do muốn duy trì sự ổn định đất nước và những thành quả xây dựng của mười năm qua.
Người biểu tình thật sự muốn gì ? Theo tác giả, họ muốn cải tổ hệ thống hiện tại, muốn xã hội dân sự được tôn trọng và được tham gia thật sự vào đời sống chính trị của đất nước. Họ không thiên về một đảng phái nào, bằng chứng là trong những cuộc biểu tình, một vài gương mặt thuộc hàng cộm cán của phe đối lập đã đăng đàng diễn thuyết, nhưng đám đông biểu tình chẳng mấy quan tâm.
Trước làn sóng biểu tình, chính quyền Nga đã có phản ứng khôn ngoan là « lấy tỉnh chế động » và tránh mọi cuộc đối đầu không cần thiết. Đối với thủ tướng Putin, tác giả cho rằng, ông này đã có phản ứng đáng ngạc nhiên là vẫn sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống, đó là xuất hiện trên truyền hình để diễn thuyết theo lối quen thuộc của ông. Tổng thống Medvedev, khi thông báo muốn cải tổ, cũng thông qua các kiểu truyền thông truyền thống. Điều đó cho thấy sự không hiểu nhau giữa tầng lớp lãnh đạo và thành phần năng động nhất của xã hội, một thành phần đã tiếp thu công nghệ mới là thảo luận và tìm kiếm thông tin qua Internet.
Ba bài học rút ra từ các cuộc biểu tình
Tác giả rút ra ba bài học lớn từ các cuộc biểu tình vừa qua tại Nga. Bài học thứ nhất cho thấy, người Nga không phải tuýp người thụ động trước chế độ, nhất là thế hệ trẻ, họ được học hành và có điều kiện vật chất, họ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Bài học thứ nhì, theo tác giả, làn sóng biểu tình vừa qua không phải là biểu hiện của sự thất vọng của những thành phần xã hội không thể kiểm soát, mà nó cho thấy ý nguyện đổi mới mà không làm phương hại đến những thành quả đạt được bấy lâu nay. Bởi thế, làn sóng này không chấp nhận những hành động theo kiểu tự phát và tránh mọi hành động cực đoan.
Bài học thứ ba, theo tác giả, đó là, dù ông Putin có vẻ bất động, nhưng sự thay đổi dường như đã được thông báo trước. Trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, có lẻ ông Putin đã nắm chắc phần thắng. Nhưng dù ông có được tái đắc cử, thì việc ngự trị điện Kremlin lần này của ông sẽ hoàn toàn khác so với hai lần trước. Đó sẽ là một cuộc bầu cử có tranh cãi, chứ không còn là « một sự tôn thờ thần tượng » theo kiểu trước kia.
Chỉ số tín nhiệm của người dân đối với ông Putin cũng sẽ không còn ở mức 60-70% mà sẽ tuộc dốc còn khoản từ 35 đến 40%. Như vậy, ông sẽ không còn ở thế « độc quyền », mà sẽ phải chia xẻ số phận với những lãnh đạo khác. Đặc biệt, theo tác giả, không ai dám chắc rằng ông sẽ tiếp tục được hai nhiệm kì tổng thống nữa, và những tiếng kêu phản đối Putin vừa qua đã phát họa trước viễn cảnh đó.
Còn đối với tổng thống Medvedev, tác giả cho rằng ông sẽ được xem là một vị tổng thống của một thời kì quá độ của nước Nga về phía một hệ thống chính trị mới, về phía những nhà chính trị mới biết hòa nhập với thế hệ xuống đường vào tháng 12 vừa qua. Với ý nghĩa đó, tác giả nhận định : « Tháng 12/2011 đã thật sự là một mùa Xuân Ả Rập theo kiểu Nga ».
Ai Cập : các tổ chức phi chính phủ trong tầm ngắm của quân đội
Ngày 29/12/2011 vừa qua, tại Ai Cập, có đến 17 tổ chức phi lợi nhuận, trong đó một vài tổ chức có trách nhiệm giám sát bầu cử Quốc hội đang diễn ra ở nước này, đã bị cảnh sát tịch thu tài sản và phong tỏa nơi làm việc. Libération có bài phóng sự với hàng tựa : « Bị xem là gián điệp của nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ đang trong tầm ngắm của quân đội Ai Cập».
Lí do mà cảnh sát đưa ra là các tổ chức có liên quan đã tài trợ tiền một cách phi pháp và là người ngoại quốc. Thậm chí, có người còn lên tiếng yêu cầu « Mỹ không nên can thiệp vào chuyện của chúng tôi ». Nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng phản đối, nhất là các tổ chức của Hoa Kỳ. Họ cho rằng đó là « một sự vi phạm không thể tha thứ được ». Một thành viên của tổ chức Human Rights Watch còn cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã can thiệp với tướng Tantaoui và hăm dọa sẽ đình chỉ nguồn tài trợ (khoảng 750 triệu euro một năm) dành cho Ai Cập.
Người điều hành một tổ chức khác bức xúc : « Việc cảnh sát đến tịch thu này hoàn toàn đi ngược tinh thần của cuộc cách mạng vừa qua. Quân đội (Ai Cập) đang tìm cách bịt miệng các tổ chức phi chính phủ bởi họ cho rằng những tổ chức này là gián điệp của nước ngoài và có hoạt động tài trợ tiền bất hợp pháp. Thế nhưng, họ lại cố tình quên việc Qatar, Koweit hay Ả Rập Xê Út đã tài trợ tiền cho các đảng phái tôn giáo ».
Tờ báo cũng dẫn một số lời chứng khác trong ý nhấn mạnh việc tịch thu phương tiện làm việc, như máy vi tính chẳng hạn, là để hạn chế khả năng giám sát bầu cử của các tổ chức phi chính phủ.
Libya : nội chiến tiếp diễn sau nội chiến ?
Đến với Libya hai tháng sau khi nhà lãnh đạo Kadhafi bị quân nổi dậy hạ sát, Le Figaro có bà ghi nhận tình hình mang dòng tựa : « Dân quân hoành hành tại Libya ».
Một nhiệm vụ trọng yếu của chính quyền mới tại Libya thời hậu Kadhafi là thành lập cho được một quân đội quốc gia thống nhất thời kì mới bao gồm những thành phần thuộc chế độ củ và những quân nhân thuộc phe nổi dậy. Thế nhưng, giai đoạn đầu tiên của quá trình này hiện vẫn chưa được thực hiện thành công do chia rẻ bộ tộc và vùng miền trong hàng ngũ phe nổi dậy.
Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra ở một số thành phố, trong đó nghiêm trọng nhất là ở thủ đô Tripoli. Đầu tuần này, một cuộc đụng độ đã diễn ra làm ít nhất bốn người thiệt mạng. Hồi giữa tháng 12, quân nổi dậy đến từ Zenten và các chiến binh gốc thủ đô đã bắn nhau để giành quyền kiểm soát sân bay thủ đô. Tóm lại, tình hình rất phức tạp bởi ở thủ đô quân nổi dậy đến từ các vùng miền khác nhau, họ bắt đầu tranh giành quyền lợi thời hậu chiến.
Tình hình nghiêm trọng đến mức mà ông Moustapha Abdeljalil, chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (CNT) đã phải thừa nhận có chạm tráng vũ trang, và cảnh báo nguy cơ « chia rẻ », thậm chí là « nội chiến ». Tờ báo ghi nhận, chưa bao giờ nhân vật số một quân nổi dậy này lại có thái độ báo động đến thế.
Sau khi cảnh báo, ông Abdeljalil cũng có ý định bổ nhiệm ông Youssef al-Mankouch làm tổng tư lệnh mới của các lực lượng vũ trang Libya, một vị trí trống kể từ khi tướng Abdel Fattah Younès bị ám sát vào tháng 7 rồi. Ngay lập tức, các chiến binh Benghazi và Cynénaique đã lên tiếng phản đối.
Nguyên nhân sâu xa của sự phản đối khả, theo Le Figaro, đò là vì ông Youssef al-Mankouch là người đến từ thành phố Misrata. Tóm lại, hai tháng sau nội chiến, đất nước Libya lại có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến mới.
Syria : nghi ngờ xung quanh vụ tấn công tự sát ở Damas
Hôm qua, một vụ tấn công tự sát đã diễn tại thủ đô Damas của Syria làm 26 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương. Ai là thủ phạm ? Le Figaro có bài thông tin chạy tựa : «Những nghi vấn về tác giả của vụ tấn công tự sát ». Tờ báo cho biết, đài truyền hình quốc gia Syria đã chính thức cho phát hình ảnh hiện trường và cho đó là hành động của « bọn khủng bố ». Đài này cũng phát hình ảnh một số người Syria bức xúc lên án kẻ khủng bố.
Thế nhưng, Le Figaro nêu lên một số chi tiết đáng ngờ. Những vụ tấn công tự sát ở Damas hồi tháng 12, chính phủ cho rằng là do tổ chức Al Qaida thực hiện, thế nhưng, đến hiện tại tổ chức này vẫn chưa lên tiếng thừa nhận chính thức. Khi đó, một trang web lấy danh nghĩa là của tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm. Thế nhưng, ngay sau đó, phe đối lập Syria đã truy tận nguồn và biết rằng đó là một trang web giả danh.
Hồi tháng 12, vụ tấn công tự sát đã xảy đến ngay hôm trước sự việc các quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập đến Syria. Còn vụ tấn công hôm qua lại chỉ cách hai ngày trước khi các nhà quan sát này có báo cáo sơ bộ tình hình tại Syria. Địa điểm tấn công hôm qua thuộc khu vực được xem là trung tâm của các cuộc biểu tình chống chế độ. Tất cả dẫn đến nghi ngờ cho rằng chính phủ Damas đã đứng sau vụ tấn công này. Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo cũng đã lên tiếng chỉ trích chế độ Damas và kêu gọi quốc tế cho tiến hành điều tra vụ việc.

Không có nhận xét nào: