Pages

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Dụng nhân như dụng mộc

Lê Hoàng
(bài viết riêng cho NXD-Blog)

“… câu truyện ngụ ngôn dân gian khi một ông lão khuyên một người dân hỏi đường “Đi chậm thì đến kịp, đi nhanh thì không kịp” xem ra rất cần thiết với ông Đinh La Thăng lúc này. Giao thông là vấn đề luôn nóng bỏng nhưng không có nghĩa dùng những biện pháp duy ý chí, không có căn cứ khoa học và thực tiễn một cách nóng vội để sớm đạt kết quả.”
Trong hàng loạt sự kiện nóng dồn dập cuối năm Tân Mão 2011 như việc xảy ra hàng loạt vụ cháy xe chưa rõ nguyên nhân, vụ chìm tàu Vinalines, vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng….v.v cộng với hàng loạt chính sách bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/1/2012. Có lẽ đề xuất thu phí giao thông đối với xe mô tô, ô tô của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau cú sốc tăng lệ phí cấp biển và phí trước bạ nhận được rất nhiều quan tâm của đông đảo dân chúng. Cũng dễ hiểu vì nếu đề xuất này được thường vụ Quốc hội thông qua nó sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền vốn đã eo hẹp của mấy chục triệu dân Việt Nam.

Dân chúng lâu nay vốn chịu nhiều hệ lụy từ những “bài ca không quên” tiếp diễn hết năm này sang năm khác về tình trạng ách tắc giao thông lẫn đào đường “đến tết lại đào” nên dành nhiều tình cảm và hy vọng cho ông Tân Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng khi mới lên nhậm chức. Một số hành động tiếp theo của ông mà báo chí gọi là “trảm tướng” cũng được vỗ tay khen ngợi.
Tiếc thay niềm vui và hy vọng ấy chưa được trọn vẹn khi sau đợt rầm rộ vận động cán bộ Bộ giao thông lẫn dân chúng đi xe buýt mà bản thân ông hứa sẽ thường xuyên đi để làm gương thì mới đây, chính ông thừa nhận rằng ông cũng không thể nào đi nổi xe buýt nói gì đến người dân!
Chưa hết, công trình nhà ga hành khách Đà Nẵng hôm trước báo chí rầm rộ đưa tin nhờ có ông quyết liệt “trảm tướng” nên hoàn thành sớm tiến độ 2 tháng. Hôm sau chính báo chí lại ngậm ngùi đưa tin nhà ga mới khánh thành đã bị dột!
Người viết bài này tin rằng mình cũng như đa số dân chúng đều ủng hộ ông Thăng, tuy ban đầu có sự nghi ngại vì biết động vào vấn đề giao thông luôn là bài toán hóc búa mà chưa có lời giải hữu hiệu. Ủng hộ vì ít ra ông dám nói (hơn các vị tiền nhiệm) và ban đầu có một số hành động cụ thể để thực hiện lời nói của mình. Nói không quá lời, người dân hàng ngày dắt xe ra đường đi làm phập phồng đối diện với bao khó khăn nguy hiểm như tắc đường, tai nạn và gần đây là hàng loạt xe bỗng dưng bốc cháy mà chưa rõ nguyên nhân.
Cũng không phải là không có dư luận ì xèo qua những hành động của ông Thăng. Nào là gán cho ông sự bốc đồng của một anh cán bộ đoàn thời ông còn ở Tổng Sông Đà, nào là ngành GTVT rất phức tạp không phải là tập đoàn dầu khí nơi ông là chúa tể, nào là ông làm thế vì muốn nhắm đến những mục tiêu chính trị cao hơn…vv.
Có lẽ còn quá sớm để đưa ra những nhận xét xác đáng về các hành động của ông Thăng. Công bằng mà nói cho đến thời điểm này thì ít nhất ông cũng làm được một việc là thổi một luồng sinh khí rất “máu lửa” vào không gian giao thông đô thị vốn đầy u ám bới nạn kẹt xe, đào đường vô tội vạ.
Tuy nhiên với đề xuất mới nhất của ông là thu phí giao thông mô tô và ô tô với các mức lần lượt là mô tô: 500 nghìn-1triệu đồng/ năm; ô tô từ 20-50 triệu đồng/ năm thì có vẻ người dân đã không còn ủng hộ ông như trước. Thống kê thăm dò ý kiến bạn đọc trên báo điện tử dân trí cho thấy ( cho đến thời điểm viết bài này,ngày 10/1/2012) thì có tới 89% phản đối đề xuất của ông, chỉ có 9% ủng hộ và 7% là ý kiến khác.
Đồng ý là số đông không hẳn đã đúng (nhất là trong nghiên cứu khoa học) nhưng một vấn đề xã hội dân sinh liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân thì kết quả trên hẳn có giá trị rất lớn khi cần đưa ra quyết sách.
Với một năm 2011 vừa trải qua đầy biến động, mức sống người dân đi xuống bởi lạm phát thuộc điện cao nhất thế giới lên đến 18,5% thì sức chịu đựng của người dân quả là có hạn. Dù ông Thăng đã “ khôn ngoan “ khi đưa vấn đề này ra vào lúc người dân mải chạy lo kiếm cái tết cho mình, dĩ nhiên sẽ phần nào xao nhãng những chuyện quốc gia đại sự khác.
Chính ông cũng thừa nhận và không dám hứa thu phí sẽ giải quyết được vấn nạn tắc đường và ông cho rằng mức phí thu như vậy là “ hợp lý “. Lý do chính đưa ra ở đây là đã tham gia giao thông thì phải thu phí, rằng kinh phí tu sửa đường chỉ đáp ứng được 75% còn thiếu đến 25%. Rằng các nước tiên tiến trên thế giới đều có thu phí đường bộ.
Ông nói đúng, nhưng chưa đủ. Có lẽ ông quên rằng giá xe máy, ô tô ở Việt Nam cao nhất thế giới và đang phải chịu tới 8 loại thuế phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế Vat, phí lưu thông….vv) chưa kể việc mới tăng lệ phí cấp biển và trước bạ lên kịch trần. Thật là nghịch lý khi Việt Nam nghèo hơn Anh, Mỹ, Singapor… rất nhiều chục lần mà giá thành xe ô tô lại cao hơn họ từ 2,5 đến 3 lần!
Cũng chưa có ai lý giải được việc thu thuế xe máy ô tô cao như vậy thì số tiền thu được ấy ở đâu và dùng vào việc gì? Nói cách khác người dân bất kỳ mua xe máy, ô tô với giá cao như vậy là họ đã “đóng một cục “ phí lưu hành trên đường rồi. Hoàn toàn không có chuyện họ chưa đóng tiền mà đã đi như ông giải trình.
Còn một vấn đề gốc rễ mà ông Thăng cũng như các quân sư ở Bộ GTVT đều hiểu rõ, việc tắc đường trầm trọng như hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ quy hoạch hạ tầng, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Không có một giáo trình quy hoạch nào trên thế giới cũng như ở VN mà diện tích đường giao thông chỉ chiếm có 5%-7% (thực tế tại Hà Nội). Diện tích hợp lý phải là 18-20% và thậm chí có thể lên đến 25%.
Ông cũng cho rằng việc thu phí giao thông là để tạo công bằng cho xã hội. Nhưng ngay trong đề xuất của ông cũng đã bộc lộ rõ sự bất hợp lý khi thu phí giao thông theo dung tích xy lanh. Một chiếc ô tô 5 chỗ có dung tích 2.0 trở xuống thì chiều dài và rộng xe không khác gì một chiếc xe có dung tích 3.0…vv. Như vậy có thể nói diện tích chiếm đường của hai xe là như nhau, cớ gì mức thu lại khác? Còn nếu ông giải thích lượng khí thải khác nhau thì nên chăng thu phí môi trường mới là hợp lý? Và phí môi trường chả liên quan gì đến phí giao thông của ông.
Chưa hết, phương án của ông còn cào bằng giữa việc xe di chuyển hàng ngày với việc người có xe ô tô một năm về quê vài ba lần. Như vậy thu phí khác nào khuyến khích họ phải lôi xe ra sử dụng cho bõ tiền đóng phí?
Quan niệm về “ người giàu “ mới có xe ô tô là quan niệm hết sức phiến diện. Xe ô tô loại hàng chục tỷ cũng có mà loại hơn trăm triệu cũng không thiếu. Tôi chắt chiu để dành, tôi mua một chiếc xe matiz cũ để chở con đi học cho đỡ mưa nắng chẳng hạn, hoàn toàn không thể coi là người giàu. Ngược lại tôi phải cắt bớt những khoản chi tiêu khác để “ nuôi “ xe. Tôi vẫn nghèo, thậm chí nghèo hơn những người đi xe máy có giá trị còn cao hơn nhiều chiếc xe của tôi.
Và hơn hết, việc lỗi quy hoạch, lỗi chính sai sai lầm không phải do người dân mà do chính quyền. Vậy công bằng được thực thi ở đâu khi ông trút cái sai lầm ấy của cơ quan quản lý lên đầu người dân? Bài học về việc chi hàng chục tỷ đồng trong việc thực hiện phân làn ở Hà Nội đang diễn ra mà không mang lại một kết quả gì hãy còn đó. Vậy người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ số tiền khổng lồ từ thu phí giao thông có được sử dụng có hiệu quả?
Còn nhớ câu truyện ngụ ngôn dân gian khi một ông lão khuyên một người dân hỏi đường “Đi chậm thì đến kịp, đi nhanh thì không kịp” xem ra rất cần thiết với ông Đinh La Thăng lúc này. Giao thông là vấn đề luôn nóng bỏng nhưng không có nghĩa dùng những biện pháp duy ý chí, không có căn cứ khoa học và thực tiễn một cách nóng vội để sớm đạt kết quả. Biện pháp ấy lại đánh trực tiếp vào tuí tiền vốn đã eo hẹp đủ đường của toàn thể người dân thì thật quá sức chịu đựng. Và những ý kiến về phong cách lãnh đạo của một anh “cán bộ Đoàn” cũng không hẳn không có lý cho đến lúc này.
Để kết thúc bài viết tôi mượn câu nói của cổ nhân “Dụng nhân như dụng mộc”. Người nào cũng có ích nếu ta biết cách sử dụng tài năng của họ. Ông Đinh La Thăng có tài, nhưng vấn đề đất nước đã sử dụng đúng tài năng của ông chưa thì lại là chuyện khác.
L.H

Không có nhận xét nào: