Mahdi Darius Nazemroaya – Người dịch: Đỗ Quyên – Ngày 8-1-2012
Sau nhiều năm bị Mỹ đe dọa, Iran đang tiến hành những bước cho thấy họ vừa mong muốn lại vừa có khả năng đóng cửa Eo biển Hormuz. Vào ngày 24-12-2011, Iran bắt đầu tiến hành cuộc tập trận hải quân Velayat-90 trong và xung quanh Eo biển Hormuz, kéo dài từ vịnh Pecxic (vịnh Ba Tư) và vịnh Oman (trên biển Oman) tới vịnh Aden và biển Ảrập.
Kể từ khi Iran tổ chức những cuộc tập trận này, khẩu chiến giữa Washington và Tehran ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Obama và Lầu Năm Góc chưa nói gì, cũng chưa làm gì để ngăn cản Tehran tiếp tục tập trận hải quân.
Tính chất địa chính trị của Eo biển Hormuz
Bên cạnh việc đây là điểm quá cảnh (transit) sống còn cho các nguồn năng lượng toàn cầu và là điểm kiểm soát chiến lược, thì còn có hai vấn đề cần phải nêu khi nói về Eo biển Hormuz và quan hệ giữa nó với Iran. Thứ nhất là địa hình Eo Hormuz. Thứ hai là vai trò của Iran trong việc đồng quản lý eo biển chiến lược này cho phù hợp với luật quốc tế và các quyền quốc gia tự quyết của họ.
Lượng tàu bè đi xuyên qua Eo biển Hormuz đã luôn luôn có mối liên quan với hải quân Iran – chủ yếu bao gồm Hải quân thường trực và Hải quân du kích cách mạng Iran. Trên thực tế, hải quân Iran kiểm soát và quản lý Eo biển Hormuz cùng với Vương quốc Oman, do có bán đảo Musandam của Oman ở đây (bán đảo Musandam là một phần lãnh thổ tách rời của Oman – ND). Quan trọng hơn, để quá cảnh qua Eo biển Hormuz, tất cả tàu bè, kể cả của Hải quân Mỹ, cũng phải đi qua vùng biển thuộc chủ quyền Iran. Gần như tất cả đường vào Vịnh Ba Tư đều đi xuyên qua biển của Iran và đường ra thì đi qua biển của Oman.
Iran cho phép tàu nước ngoài sử dụng vùng biển thuộc chủ quyền của họ, do thiện ý và dựa trên cơ sở Phần III trong Công ước LHQ về Luật Biển, phần quy định các điều khoản về quá cảnh trên biển. Theo đó, tàu bè được tự do đi qua Eo biển Hormuz và các vùng biển tương tự, trên nguyên tắc đảm bảo hàng hải nhanh chóng và liên tục giữa một cảng mở với biển cả (high sea). Mặc dù Tehran, theo thông lệ, vẫn tuân thủ các tập tục hàng hải quy định trong Luật Biển, nhưng họ không chịu sự ràng buộc mang tính pháp lý nào của các tập tục đó. Cũng giống như Washington, Tehran ký công ước quốc tế này nhưng chưa bao giờ phê chuẩn.
Căng thẳng Mỹ-Iran trên vịnh Ba Tư
Trong các diễn biến gần đây, Quốc hội Iran đang xem xét lại việc tàu bè nước ngoài sử dụng biển của Iran trên Eo Hormuz.
Cơ quan lập pháp đang đề xuất luật phong tỏa bất kỳ chiến hạm nước ngoài nào, không cho họ sử dụng vùng biển thuộc chủ quyền của Iran để đi qua Eo Hormuz nếu không được Iran cho phép. Còn Hội đồng An ninh Quốc gia và Chính sách Ngoại giao của Iran thì đang nghiên cứu luật để tạo lập một vị thế chính thức cho Iran. Luật này sẽ xoay quanh vấn đề lợi ích chiến lược và an ninh quốc gia của Iran.
Ngày 30-12-2011, tàu sân bay John C. Stennis của Mỹ đi qua vùng biển nơi Iran đang tổ chức tập trận hải quân. Tư lệnh lực lượng Thường trực của Iran, Đại tướng Ataollah Salehi, yêu cầu tàu John C. Stennis và các tàu khác của hải quân Mỹ không nên quay lại vịnh Ba Tư trong khi Iran đang tập trận, nói rằng Iran không có thói quen nhắc lại một lời cảnh báo tới hai lần. Ngay sau khi lời cảnh cáo nghiêm khắc đó của Iran tới Washington, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc phản ứng lại bằng việc đưa ra tuyên bố: “Không ai trong chính quyền Mỹ muốn đối đầu [với Iran] về vấn đề Eo biển Hormuz. Việc cần làm là phải hạ hỏa”.
Trong một kịch bản xung đột quân sự thật sự với Iran, rất có thể các tàu sân bay (hàng không mẫu hạm) Mỹ sẽ hoạt động thật ở phía ngoài vịnh Ba Tư, phía nam vịnh Oman và biển Ảrập. Nếu hệ thống tên lửa mà Washington đang phát triển ở vùng lãnh thổ xăng dầu (petro-sheikhdoms) phía nam vịnh Ba Tư không hoạt động, thì việc triển khai tàu chiến lớn của Mỹ ở vịnh Ba Tư sẽ ít có khả năng được thực hiện. Lý do nằm ở đặc điểm địa hình và năng lực phòng thủ của Iran.
Địa hình đang là vấn đề chống lại Lầu Năm Góc: Sức mạnh trên biển của Mỹ vấp phải những giới hạn trên vịnh Ba Tư.
Sức mạnh trên biển của Mỹ – bao gồm Hải quân Mỹ và lính Tuần duyên Mỹ – có ưu thế vượt trội so với tất cả những lực lượng hải quân, hàng hải khác trên thế giới. Năng lực trên biển cả, trên đại dương của họ là vô đối so với bất kỳ lực lượng hải quân nào khác. Vượt trội không có nghĩa là không thể bị đánh bại. Hải quân Mỹ trên Eo biển Hormuz và tại vịnh Ba Tư rất dễ bị tấn công.
Bất chấp sức mạnh và sự bền bỉ (nguyên văn: shear strength, tức là độ bền) của Hải quân Mỹ, địa hình vùng Eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư đúng là chống lại họ, theo nghĩa đen. Diện tích tương đối hẹp của vịnh Ba Tư khiến cho nó giống như một con kênh, ít nhất cũng ở khía cạnh quân sự và chiến lược. Theo nghĩa bóng, các tàu sân bay và chiến hạm của Hoa Kỳ bị hạn chế trong vùng biển hẹp hoặc bị khép kín trong vùng nước ven bờ vịnh Ba Tư. [Xem bản đồ ở trên]
Đây là nơi hỏa tiễn cao cấp của quân đội Iran phát huy khả năng. Tên lửa và ngư lôi của Iran sẽ giải quyết nhanh chóng các vũ khí của hải quân Mỹ trên vịnh Ba Tư, nơi tàu của Mỹ bị hạn chế. Đó là lý do tại sao trong số các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Mỹ đã phải rất bận rộn thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa trên vịnh Ba Tư suốt mấy năm qua.
Thậm chí tàu tuần tra nhỏ của Iran trong vịnh Ba Tư, có vẻ rất thảm hại và chẳng có ý nghĩa gì khi đối chọi với hàng không mẫu hạm hoặc tàu khu trục Mỹ, cũng là mối đe dọa đối với chiến hạm Mỹ. Hình thức có thể không phản ánh đúng nội dung: những tàu tuần tra Iran này có thể dễ dàng phóng ra một hàng rào tên lửa có khả năng phá hoại đáng kể và đánh chìm những chiến hạm lớn của Mỹ. Tàu tuần tra nhỏ của Iran cũng rất khó bị phát hiện, rất khó bị ngắm bắn.
Quân đội Iraqn còn có thể tấn công hải quân Mỹ chỉ bằng cách phóng tên lửa từ lục địa Iran, ở bờ bắc vịnh Ba Tư. Thậm chí vào năm 2008, Viện Chính sách Cận Đông của Washington đã thừa nhận mối đe dọa từ những tên lửa cơ động ven biển, tên lửa chống hạm, và tàu nhỏ trang bị tên lửa. Các vũ khí hải quân khác của Iran, như máy bay không người lái, tàu thủy đệm khí (hovercraft), mìn, đội thợ lặn, và tàu ngầm loại nhỏ, cũng có thể được huy động trong cuộc chiến tranh hàng hải không cân xứng chống lại Hạm đội 5 của Mỹ.
Thậm chí những chương trình mô phỏng chiến tranh của Lầu Năm Góc cũng cho thấy một cuộc chiến với Iran ở vịnh Ba Tư có thể trở thành thảm họa cho Mỹ và quân đội của họ. Ví dụ tiêu biểu là mô hình giả tưởng Thách thức Thiên niên kỷ 2002 (Millenium Challenge 2002, MC02) ở vịnh Ba Tư, được thực hiện từ ngày 24/7/2003 đến ngày 15/8/2002, khâu chuẩn bị mất gần hai năm. Mô hình giả tưởng này là một trong số những game chiến tranh lớn nhất và tốn kém nhất mà Lầu Năm Góc từng làm. Thách thức Thiên niên kỷ 2002 được tiến hành ngay sau khi Lầu Năm Góc quyết định tiếp tục đà chiến đấu ở Afghanistan bằng việc đánh sang Iraq, Somalia, Sudan, Lybia, Libăng (Lebanon), Syria, và kết thúc với giải thưởng lớn là Iran, trong một chiến dịch quân sự đồ sộ nhằm mục đích đảm bảo vị trí đi đầu của Mỹ trong thiên niên kỷ mới.
Sau khi Thách thức Thiên niên kỷ 2002 kết thúc, nó được chính thức coi là bản mô phỏng một cuộc chiến tranh chống lại Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, nhưng trên thực tế các chương trình mô phỏng chiến tranh kiểu này là nhằm liên hệ tới Iran. Mỹ đã có những đánh giá trước về cuộc xâm lược của Anh-Mỹ vào Iraq. Hơn nữa, Iraq không có năng lực hải quân tương xứng với việc Mỹ huy động một lực lượng hải quân quy mô lớn đến như thế.
Thách thức Thiên niên kỷ 2002 được thực hiện để mô phỏng một cuộc chiến tranh với Iran – mang mật danh “Red” (Đỏ). Chương trình nhắc đến một nhà nước thù địch xấu xa nào đó ở Trung Đông, trong vùng Vịnh. Ngoài Iran ra, chẳng còn nước nào khớp với các thông số và đặc điểm đó của “Red” và quân đội của nó, ở mọi khía cạnh, từ tàu tuần tra đến các đơn vị mô-tô. Sở dĩ có mô hình chiến tranh này là vì Washington đã có kế hoạch tấn công Iran sớm, sau khi xâm lược Iraq vào năm 2003.
Kịch bản trong Thách thức Thiên niên kỷ 2002 bắt đầu với việc Mỹ, mật danh là “Blue” (Xanh), ra một tối hậu thư cho Iran đầu hàng trong năm 2007. Ngày hẹn trong năm 2007 phù hợp về thời gian với kế hoạch tấn công của Mỹ vào Iran sau khi Israel đánh Libăng năm 2006 – chiến dịch này của Israel, theo kế hoạch, sẽ mở rộng thành một cuộc chiến tranh với Syria. Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm vào Libăng đã không diễn ra như kế hoạch, và Mỹ cùng Israel đã nhận ra rằng nếu Hezbollah có thể đương đầu với họ ở Libăng thì mở rộng chiến tranh với Syria và Iran sẽ trở thành thảm họa.
Theo kịch bản chiến tranh của Thách thức Thiên niên kỷ 2002 thì Iran sẽ phản ứng lại với cuộc tấn công của Mỹ bằng cách tổ chức bắn một hàng rào tên lửa vượt trội Mỹ và sẽ phá hủy 16 tàu hải quân của Mỹ – gồm một tàu sân bay, 10 tàu tuần dương (cruiser), và 5 tàu đổ bộ (amphibious ship). Ước tính, nếu điều này xảy ra trong một cuộc chiến thực, hơn 20.000 lính Mỹ sẽ thiệt mạng trong ngày đầu tiên sau vụ tấn công.
Tiếp theo đó, Iran sẽ đưa các tàu tuần tra nhỏ tới – tàu trông bề ngoài có vẻ kém cỏi so với tàu sân bay John C. Stennis và các chiến hạm lớn khác của Hoa Kỳ – để đè bẹp phần lực lượng hải quân còn lại của Lầu Năm Góc ở vùng Vịnh. Điều này đưa đến việc phần lớn Hạm đội 5 của Mỹ sẽ bị phá hủy, bị đánh chìm, và Mỹ bị bại trận. Sau thất bại của Mỹ, chương trình game chiến tranh lại bắt đầu lại, nhưng quân “Red” (Iran) phải chịu nhường (chấp) quân Mỹ, để cho quân Mỹ có thể thắng. Kết quả của cuộc chiến xóa đi một thực tế rằng Mỹ có thể bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh quy ước thật sự với Iran trên vùng Vịnh.
Như thế là, sức mạnh hải quân ghê gớm của Washington bị cản trở vừa bởi địa hình vừa bởi năng lực quân sự của Iran, một khi đôi bên giao tranh trong vùng Vịnh hoặc thậm chí ở nơi nào đó trong vịnh Oman. Nếu không phải ở vùng biển mở như Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương thì Mỹ sẽ phải chiến đấu trong điều kiện thời gian phản ứng bị rút ngắn đáng kể, và quan trọng hơn là, sẽ không thể chiến đấu từ một khoảng cách xa (nghĩa là an toàn về mặt quân sự). Do vậy, toàn bộ các công cụ của hệ thống phòng thủ của hải quân Mỹ, vốn được thiết kế để chiến đấu trong vùng biển mở, sử dụng đạn tầm xa, sẽ trở nên vô ích trong vùng vịnh.
Vô hiệu hóa Eo biển Hormuz để làm suy yếu Iran?
Cả thế giới đều hiểu tầm quan trọng của Eo biển Hormuz, Washington và các đồng minh của họ cũng ý thức rất rõ rằng Iran có thể đóng eo này lại, trên phương diện quân sự, trong một khoảng thời gian đáng kể. Đó là lý do tại sao Mỹ đã và đang hợp tác với các nước GCC – gồm Ảrập Xêút, Qatar, Bahrain, Kuwait, Oman và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) – để chỉnh lại đường đi của dầu mỏ, thông qua những đường ống vòng tránh Eo Hormuz và dẫn dầu của GCC đến thẳng Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, hoặc Địa Trung Hải. Washington cũng đã và đang buộc Iraq phải tìm các tuyến đường thay thế cho đường đi cũ, trong những cuộc đàm phán của Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ảrập Xêút.
Cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều rất quan tâm đến dự án chiến lược này. Ankara đã đàm phán với Qatar về việc lập ra một trạm chung chuyển dầu mà từ đó dầu có thể đi qua Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ nỗ lực buộc Iraq phải kết nối các mỏ dầu ở phía nam cũng như phía bắc Iraq tới các tuyến đường quá cảnh (transit) chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có liên quan đến chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành một hành lang về năng lượng, một điểm quá cảnh có ý nghĩa quan trọng.
Việc điều chỉnh lại đường đi của dầu từ vịnh Ba Tư ra ngoài sẽ nhằm mục đích xóa đi một yếu tố chiến lược mà Iran đang nắm giữ để chống lại Washington cùng các đồng minh. Việc làm này sẽ hạ thấp một cách đáng kể tầm quan trọng của Eo biển Hormuz. Đó có thể là một điều kiện tiên quyết để chuẩn bị cho chiến tranh, một cuộc chiến do Mỹ cầm đầu, chống lại Tehran và các đồng minh của họ.
Đây chính là khuôn khổ để UAE ủng hộ dự án Đường ống dầu thô Abu Dhabi, hay Đường ống dẫn dầu Hashan-Fujairah, nhằm đi đường vòng để tránh tuyến thông thương trong vùng Vịnh vốn chạy xuyên qua Eo biển Hormuz. Đề cương dự án được lập năm 2006, hợp đồng ban hành năm 2007, và công trình được bắt đầu thi công vào năm 2008. Đường ống này sẽ chạy thẳng từ Abdu Dhabi đến cảng Fujairah trên bờ vịnh Oman ở biển Ảrập.
Nói cách khác, nhờ dự án này, dầu xuất khẩu từ UAE sẽ được vận chuyển trực tiếp sang Ấn Độ Dương. Dự án được trình bày công khai như là một cách để đảm bảo an ninh năng lượng nhờ đi đường vòng, tránh phải qua Hormuz, và tránh quân đội Iran. Cùng với việc thi công đường ống dẫn dầu này, một kho chứa dầu dự trữ chiến lược cũng sẽ được thiết kế để đảm bảo duy trì dòng dầu vào thị trường quốc tế một khi vịnh Ba Tư bị đóng cửa.
Ngoài Petroline (Đường ống dẫn dầu Đông-Tây của Ảrập Xêút), thì Ảrập Xêút cũng đã và đang tìm kiếm một vài tuyến đường quá cảnh thay thế, và họ đang xem xét các cảng ở những nước láng giềng trong bán đảo Ảrập, Oman và Yemen. Cảng Mukalla của Yemen, nằm trên bờ vịnh Aden, được Riyadh quan tâm đặc biệt. Vào năm 2007, các nguồn tin của Israel rộ lên rằng có một dự án làm đường ống dẫn dầu đang được triển khai, sẽ nối các mỏ dầu của Ảrập Xêút với cảng Fujairah ở U.A.E., cảng Muscat ở Oman, rồi cuối cùng là cảng Mukalla ở Yemen. Việc mở trở lại đường ống dẫn dầu Iraq-Ảrập Xêút (IPSA) – mà trớ trêu thay, lại do chính Saddam Hussein tiến hành để tránh phải đi qua Eo biển Hormuz và Iran – cũng đã là một chủ đề thảo luận của Ảrập Xêút với chính quyền Iraq ở Baghdad.
Nếu Syria và Libăng trở thành khách hàng của Washington, thì Đường ống dẫn dầu xuyên khối Ảrập (Tapline) vốn đã bị đóng cửa cũng có thể được mở trở lại, cùng với các tuyến đường thay thế khác từ bán đảo Ảrập đến bờ Địa Trung Hải, thông qua Levant. Xét về thứ tự thời gian thì việc này cũng phù hợp với ý định của Washington nhằm chiến thắng Libăng và Syria, trong nỗ lực cô lập Iran trước khi có thể có một trận chiến cuối cùng với Tehran.
Cuộc tập trận hải quân Velayat-90 của Iran đã mở rộng đến vị trí rất gần đường vào Biển Đỏ trên vịnh Aden, bên ngoài vùng biển thuộc chủ quyền Yemen. Cuộc tập trạng cũng diễn ra trên vịnh Oman, đối diện bờ biển Oman và bờ phía đông của UAE. Ngoài ra, cũng nên coi Velayat-90 là một dấu hiệu cho thấy Tehran đang sẵn sàng hoạt động ngoài vùng Vịnh và thậm chí có thể tấn công, hoặc phong tỏa mọi đường ống dẫn dầu đi vòng tránh Eo biển Hormuz.
Địa hình lại ủng hộ Iran trong trường hợp này. Đi đường vòng để tránh Eo biển Hormuz vẫn không làm thay đổi một thực tế rằng phần lớn các mỏ dầu thuộc khối các nước GCC đều nằm trong vịnh Ba Tư hoặc gần các bờ biển của vịnh. Điều đó có nghĩa là chúng nằm hoàn toàn trong một khu vực rất gần với Iran và do đó nằm trong tầm tấn công của Iran. Giống như chuyện xảy ra với Đường ống dẫn dầu Hashan-Fujairah, Iran có thể dễ dàng vô hiệu hóa dòng dầu chảy từ điểm xuất phát. Họ có thể bắn tên lửa và tấn công từ trên không, hoặc triển khai các lực lượng quân đội trên bộ, trên biển, trên không, hoặc kết hợp, vào những địa điểm đó. Họ không nhất thiết phải phong tỏa Eo biển Hormuz, vì suy cho cùng ngăn chặn dòng nhiên liệu mới là mục đích chính của Iran.
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Iran
Washington vốn đã ở thế tấn công Iran, sử dụng mọi phương tiện có sẵn. Căng thẳng ở Eo biển Hormuz và ở vịnh Ba Tư chỉ là một mặt trận trong cuộc chiến tranh lạnh nguy hiểm, diễn ra trên nhiều mặt trận, giữa Tehran và Washington trong một Trung Đông rộng lớn. Kể từ năm 2001, Lầu Năm Góc đã tái cấu trúc quân đội để tổ chức chiến tranh phi quy ước với một đối thủ như Iran. Tuy nhiên, địa hình đã luôn là yếu tố chống lại Lầu Năm Góc, và Mỹ chưa tìm được giải pháp nào cho thế lưỡng nan về hải quân của họ ở vùng vịnh. Thay vì tiến hành chiến tranh quy ước, Washington đã phải viện đến chiến tranh ngoại giao và kinh tế bí mật để chống Iran.
Mahdi Darius Nazemroaya là một nhà xã hội học, một tác giả từng được giải thưởng. Ông là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (CRG), Montreal. Ông chuyên về Trung Đông và Trung Á. Ông từng là cộng tác viên, khách mời, thảo luận về Trung Đông trên rất nhiều chương trình của các đài truyền hình quốc tế như Al Jazeera, Press TV và Russia Today. Nazemroaya cũng là nhân chứng của “Mùa xuân Ảrập” ngay tại Bắc Phi. Trong thời gian ở Lybia trong chiến dịch ném bom của NATO, ông đã đưa tin về Tripoli cho vài cơ quan truyền thông. Ông gửi nhiều bài viết quan trọng từ hiện trường ở Lybia cho Global Research và là phóng viên đặc biệt của chương trình nghiên cứu-điều tra Flashpoints của Pacifica, phát sóng từ Berkeley, California. Các tác phẩm của ông từng được xuất bản bằng hơn 10 thứ tiếng. Ông cũng viết cho Quỹ Văn hóa Chiến lược (SCF) ở Matxcơva, Nga.
Nguồn: Global Research
Photo: locknload.foxnwolf.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét