Pages

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Lời Chúc Năm Mới

Trần Khải


Một năm cũ trôi qua, một năm mới đang tới. Đất nước sẽ đi về đâu trên chuyến xe lửa kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Và dân tộc sẽ đi về đâu khi những người yêu nước vẫn liên tục bị chính phủ trấn áp, bắt giam, bôi xấu…? Và quê nhà có thể gặp những hung hiểm nào trong năm mới, khi nhu cầu sinh tồn vẫn liên tục bị lấn ép từ phương Bắc?
Điều chúng ta vẫn ước mơ cho quê nhà trước tiên là hòa bình. Bởi vì, chiến tranh luôn luôn nên là biện pháp cuối cùng, khi những đòi hỏi tới hy sinh sinh mạng của nhiều thế hệ và cả sự đổ vỡ vừa tinh thần, vừa vật chất.
Tàn phá là dễ, nhưng xây dựng mới là khó. Tuy nhiên, những lựa chọn có khi không nhiều, và đó sẽ là những cơ may nếu có thể lưạ chọn. Bởi vì nhu nhược, Việt Nam sẽ có cơ nguy trở thành một Tây Tạng mới, một Tân Cương mới…

Đất nước vẫn còn đang đối mặt với những sóng gió Biển Đông, và không tình cờ khi Trung Quốc vẽ một bản đồ bao trùm chủ quyền giành nhiều diện tích ở vùng biển Việt Nam như thế. Một ngôi sao trên lá cờ khi đón Tập Cận Bình là lời cảnh báo về nội gián, có thể ngờ vực như thế không?
Ước mơ thứ nhì là dân chủ hóa quê nhà. Bởi vì, dân chủ mới thực sự là chìa khóa để có nhiều cơ may hơn trong nỗ lực tiến bộ về kinh tế, về xã hội, về pháp trị — hãy nhớ, quê nhà chỉ còn là một trong vài con khủng long xã hội chủ nghĩa, tuy không còn giữ tâm thức “xã hội chủ nghĩa tiền sử” như Bắc Hàn và Cuba, nhưng vẫn là một kiểu phong kiến, nơi đó vị vua tập thể là Bộ Chính Trị đang nhìn dân chúng “như những con bò,” theo lời Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi nói trên Đài BBC khi Giáo Sư giải thích về Thư Ngỏ của nhiều vị trí thức, nhân sĩ, yêu cầu trả tự do tức khắc cho chị Bùi Thị Minh Hằng, người bị đẩy vào trại cải huấn xã hội mà không có tòa nào xét xử.
Nhìn sang năm mới vẫn chỉ thấy một hung hiểm lớn là cơ nguy, theo phân tích của nhiều nhà bình luận Hoa Kỳ trong bản tin G2: Trung Quốc trong năm 2012 có thể sẽ đột ngột đưa quân tấn công Ấn Độ vì (1) chiếm những vùng đất biên giới TQ-Ấn còn giành chủ quyền; và (2) đẩy Ấn Độ ra khỏi Biển Đông của Việt Nam, chuyện khai thác dầu chung giữa Ấn-VN là điều mà Bắc Kinh đã cảnh cáo từ lâu.
Chúng ta không biết chính xác 2012 sẽ diễn biến ra sao. Nhưng năm 2011 đã trải qua đầy những điều bất như ý cho VN.
Bản tin VOA hôm Chủ Nhật 1-1-2012 đã nhìn về VN, trích lược như sau:
“Năm 2011 chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong các quan hệ Việt-Mỹ.Trong những đề tài “nóng” liên quan tới Việt Nam trong năm 2011, phải kể đến các cuộc bầu cử trong nước để chọn lãnh đạo mới. Đầu năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam bầu Ban Chấp Hành Trung ương. Nhân vật được chọn vào chức Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản là ông Nguyễn Phú Trọng, một sự chọn lựa gây ngạc nhiên cho một số chuyên gia nước ngoài, trong đó có Giáo sự Carl Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc. …
…Trong khi đó, có nhiều lời đồn rằng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể trở thành một Yeltsin hay một Gorbachev của Việt Nam….
… Nhưng đề tài nóng nhất trong năm, là cuộc tranh chấp tại Biển Đông. Một tổ chức nghiên cứu và cố vấn chiến lược tại Úc, Viện nghiên cứu Lowy, nhận định rằng sự kiện nhiều quốc gia trong khu vực tăng cường khả năng quân sự đã biến Châu Á thành một điểm nóng, nơi dễ xảy ra đụng độ giữa các thế lực đối nghịch tại những khu vực “nhạy cảm”.
…Năm 2011 chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong các quan hệ Việt-Mỹ. Và chính cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là yếu tố quan trọng đã đưa hai nước cựu thù xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên với một loạt vụ bắt bớ và giam cầm các nhân vật đấu tranh cho dân chủ, các blogger, trí thức, luật sư, giáo sư vv…, thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục là một cái gai trong các quan hệ nở rộ mọi mặt của hai nước, gây bực bội cho cả đôi bên…”(hết trích)
Cũng trên trang nhà của VOA, bài viết “Câu thơ chúc đầu năm” của nhà báo Bùi Tín đã mượn lời nhà thơ Tú Xương để chúc:
“Đọc lại những bài thơ chúc Tết xa xưa và hiện tại, tôi nghĩ nên nhắc lại mấy câu thơ đầu năm của nhà thơ dân tộc và dân dã Tú Xương. Thơ rằng:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời,
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua, quan, sỹ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
… sao mà 4 câu thơ của cụ Tú Xương cũng thích hợp đến thế. Cụ nhắn nhà Vua – cứ như là nhắm thẳng vào nhà vua tập thể 14 vị trong Bộ Chính trị CS, theo cách gọi của chính nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Năm nay, họ vẫn giữ những bản án cực kỳ nặng nề với các công dân tận trung với nước, tận hiếu với dân như Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung… lại còn bắt cóc giam giữ không xét xử nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và cô Bùi Minh Hằng…”(hết trích)
Thực tế, ở một mặt khác phải thấy: nhân quyền không hề được tôn trọng tại VN. Không hẳn là bị xem như “con bò,” như lời Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi đã mượn cách quá lời để cảnh báo, nhưng tất cả những người kêu gọi nhân quyền đều bị đẩy vào nhà tù — chính phủ Hà Nội đã hiện thân là kẻ thù của nhân quyền, khi bắt giam những người đòi hỏi nhân quyền.
Sau cùng, những dòng chữ này trân trọng gửi lời chúc, hy vọng rằng nhân quyền sẽ được tôn trọng đối với tất cả mọi ngườøi tại Việt Nam. Và tận cùng, đối với tất cả mọi người trên trần gian này.

Không có nhận xét nào: