Pages

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Giáo dục Việt nam nên bắt đầu từ sự trung thực

Học sinh Việt Nam
Nguyễn Trọng Bình
1. “Bệnh thành tích” – nguyên nhân và hệ quả của sự không trung thực trong giáo dục
Nói về “bệnh thành tích” nhiều người đã nói rồi và những người “có trách nhiệm” trong ngành giáo dục dĩ nhiên cũng quá rõ rồi tuy nhiên để khắc chế và loại bỏ nó thì vẫn chỉ mới dừng lại trên cửa miệng và trên giấy. Cho nên, nếu ai đó nói rằng nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang rơi vào “khủng hoảng” thì theo tôi sự khủng hoảng đó có nguyên nhân trước hết là do sự không trung thực của cả một hệ thống giáo dục. Thời còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có phát động phong trào hay chính xác hơn là cuộc vận động “hai không” rất rầm rộ và nổi tiếng, là: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy trung thực là cái gì đó rất xa lạ đối với ngành giáo dục nước nhà.

Trước hết, có thể thấy, nghề giáo và cuộc sống của đại bộ phận các thầy cô giáo hiện nay (nhất là ở bậc mầm non và phổ thông) đều rất bấp bênh thế nhưng cả một hệ thống xã hội vẫn cứ sĩ diện… hão khi không biết ngượng miệng thốt ra những lời “có cánh” tôn vinh các thầy cô giáo vào đúng một lần duy nhất trong năm (ngày 20/11). Nào là thầy cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn”; hay nghề giáo là nghề “thiêng liêng và cao quý” nhất… Thử hỏi “thiêng liêng và cao quý” gì mà các thầy cô giáo buộc lòng phải mở lớp dạy thêm để có thêm thu nhập mà tồn tại và để được sống với nghề; hoặc tệ hơn nữa là nhận phong bì “bồi dưỡng” từ phụ huynh mà “bưng tai giả điếc” trước những điều tiếng thị phi của người đời? Đây phải chăng là sự giả dối và thiếu trung thực của toàn xã hội khi đổ tất cả lên vai các thầy cô giáo nhiệm vụ “trồng người” rất nặng nề thế nhưng để trả công cho họ thì rất thiếu trách nhiệm đến khi những chuyện không hay xảy ra thì lại không tiếc lời mai mĩa?
Một vấn đề nổi cộm khác – vấn đề tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học, vấn đề mà gần như năm nào dư luận báo chí cũng đặt dấu chấm hỏi với ngành giáo dục cũng là một trong những nguyên nhân và hệ quả của “căn bệnh thành tích” đáng xấu hổ hiện nay. Có ai ngờ chỉ một con số phần trăm chỉ tiêu làm sao cho đẹp mắt lãnh đạo trong bản kế hoạch đầu năm học của các ông, bà giám đốc Sở giáo dục lại trở thành nổi ám ảnh khủng khiếp đối với cả một hệ thống giáo dục; là niềm uất ức và nghẹn ngào của biết bao thầy cô giáo phụ trách khối lớp 12 cùng các em học sinh ở các trường phổ thông. Vì sao như vậy? Vì sau mỗi kì thi tốt nghiệp giáo viên nào không đảm bảo chỉ tiêu sẽ “biết tay” với hiệu trưởng, trường phổ thông nào không đạt chỉ tiêu thì hiệu trưởng sẽ “biết tay” với lãnh đạo Sở…
Chưa dừng lại ở đó, thử hỏi những danh xưng, danh hiệu như: “trường chuẩn” (gọi tắt của trường đạt chuẩn quốc gia), “trường điểm”, “trường quốc tế”; hay những cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh… trong ngành giáo dục hiện nay suy cho cùng để làm gì? Thật ra, cũng chẳng để làm gì cả nếu như đạt được những danh xưng, danh hiệu mỹ miều ấy rồi mà “sản phẩm giáo dục” (học sinh sinh viên khi ra trường) không đạt chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn của xã hội! Thế nhưng điều đáng nói là, để đạt danh hiệu trên có khi người ta đành phải ngậm ngùi… hi sinh sự trung thực của mình đi.
Tệ hơn nữa cũng vì những danh xưng mỹ miều này mà có ai ngờ một đứa trẻ mới đến tuổi mẫu giáo hay vào lớp 1 để được vào học ở những ngôi “trường điểm”, “trường chuẩn”, “trường quốc tế”… giờ đây người thân của chúng buộc phải tham gia vào hành trình có tên gọi rất ngộ nghĩnh là… “chạy”. Dĩ nhiên ở đây không phải chạy… bộ mà là “chạy trường” và “chạy điểm”. Và như một lẽ tất yếu nếu đã tham gia vào hành trình “chạy” này rồi thì đừng nói gì đến hai chữ trung thực. (Vì nếu trung thực thì chẳng ai “chạy” làm gì cho vừa mất tiền vừa mất thời gian.) Như thế sự không trung thực ở đây một lần nữa lại diễn ra ở cả hai phía: phía phụ huynh học sinh và phía nhà trường.
Các sinh viên đang học ở Singapore
Đó là chuyện ở những cấp học bấc dưới, nhìn lên những cấp bậc học cao hơn như: cao đẳng, đại học hay thậm chí là sau đại học sẽ thấy sự thiếu trung thực của ngành giáo dục còn trầm trọng và bức xúc hơn. Dễ thấy nhất là thực trạng dạy và học rất chiếu lệ ở các cơ sở đào tạo liên thông, tại chức hay liên kết với các cơ sở nước ngoài để “lấy bằng quốc tế”… mà dư luận báo chí đã nhiều lần phản ánh. Có thể thấy, với những loại hình và cơ sở đào tạo này trong khi người học chủ yếu với tâm thế làm sao nhanh chóng cầm trên tay tấm bằng còn người dạy thì để chiều lòng người học, chiều lòng lãnh đạo trường nên không ngần ngại cắt xén chương trình, rút ngắn thời gian, ra đề dễ dãi, cho điểm thoải mái… Dĩ nhiên kết quả (hay hậu quả) của việc đào tạo này là“mọi kiến thức đều sẽ nhanh chóng qua đi chỉ có bằng cấp là ở lại”. Nhưng nếu như học liên thông, tại chức ở hệ đại học dù sao cũng có đến lớp để học thì khi học cao học hay nghiên cứu sinh (để được công nhận là Thạc sĩ hay Tiến sĩ) có khi chẳng cần đến lớp bởi lẽ giờ đây có thể thuê người làm hoặc không thì bỏ tiền ra… mua cho nó lẹ. Đến đây có thể nói căn “bệnh thành tích” trong giáo dục giờ đây đã nhanh chóng “bắt tay” với một “căn bệnh trầm kha” khác của xã hội có tên là: “bệnh trọng bằng cấp”. Vì thành tích học tập của mỗi cá nhân trong xã hội giờ đây có khi chỉ được đánh giá qua thước đo là những tấm bằng xanh, đỏ mà thôi.
Như vậy, có thể nói một đứa trẻ ngay từ khi tập tễnh bước vào cấp học mẫu giáo cho đến khi trở thành một ông Tiến sĩ, ông Giáo sư nào đó có khi vô tình phải “làm quen” để rồi cuối cùng “buộc phải quen” với sự không trung thực của cả một hệ thống giáo dục.
2. Và những hệ lụy xã hội
Giáo dục là nền tảng của xã hội. Một nền giáo dục (không ngờ rằng chính nó) là nguyên nhân làm cho xã hội thêm phần trì trệ là một nền giáo dục phi nhân tính. Có thể thấy rằng, những yếu kém nói chung của nền giáo dục hiện nay đều có chung một nguyên nhân mang tính cốt lõi đó là xã hội đang có sự nhầm lẫn rất lớn trong việc lựa chọn người vào làm việc trong ngành giáo dục thể hiện ở 2 khâu rất quan trọng, đó là: con người điều hành, quản lý (người trong các cơ quan quản lý giáo dục) và con người đào tạo (đội ngũ các thầy cô giáo). Nói cách khác, hiện nay cái khủng hoảng nhất của không chỉ riêng ngành giáo dục mà rộng hơn là của xã hội ta hiện nay đó là sự trung thực của mỗi người trong các mối quan hệ của cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân xâu xa và căn bản nhất ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể nói, không hiểu sao từ rất lâu rồi xã hội ta lại tồn tại câu thành ngữ rất quen thuộc như thể đã ăn vào máu thịt của con người vậy – câu “thẳng thắng thật thà thường thua thiệt; lọc lừa lương lẹo lại lên lương”? Phải chăng đây cũng là một bằng chứng cho thấy sự trung thực không còn là tiêu chí để đánh giá và chuẩn mực để phấn đấu của con người trong cuộc sống nữa? Một hệ lụy đáng buồn do chính nền giáo dục không trung thực tạo ra?
Hay một ví dụ cụ thể, tại sao người dân hiện nay rất hay phàn nàn và bất bình trước việc một lãnh đạo nào đó khi không hoàn thành nhiệm vụ; để xảy ra những tiêu cực trong đơn vị hay rộng hơn là là địa phương mình phụ trách nhưng lại cứ tránh né, đá “quả bóng trách nhiệm” sang cho người khác; hay tệ hơn nữa là vẫn không chịu từ chức để nhường “ghế” lại cho những người xứng đáng hơn? Tại sao như vậy? Ngẫm lại, suy cho cùng tất cả đều do sự không trung thực của con người mà ra. Bởi vì sự trung thực của một con người được thể hiện trước hết ở khả năng tự nhận thức và đánh giá đúng mức về bản thân mình. Cho nên, lẽ ra, trước khi tự ứng cử hay được đề cử (đề bạt) vào một vị trí nào đó trước hết bản thân anh phải trung thực nhìn lại xem mình có thể đảm nhận được hay không chứ không phải để đến sau này khi xảy ra “hậu quả nghiêm trọng” rồi nhưng vẫn “chấp mê bất ngộ” tiếp tục đùng đẩy trách nhiệm cho người khác!
Ngoài ra, không khó để chúng ta dễ dàng nhận ra sự thiếu trung thực của con người trong rất nhiều mối quan hệ xã hội hiện nay. Xin dẫn ra đây vài hiện tượng tiêu biểu mà mỗi người trong chúng ta có lẽ ít nhiều đã nghe hoặc chứng kiến ở đâu đó quanh mình:
Một đứa trẻ nói với cha mẹ rằng đến nhà thầy cô để học thêm nhưng rồi lại vào tiệm nét để chơi game online. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một cơ quan quản lý văn hóa bảo rằng game online có tác động xấu đến giới trẻ nhưng lại cho phép các phương tiện truyền thông quảng cáo rầm rộ các trò chơi online. Đây là gì nếu không phải là sự thiếu trung thực của con người?
Một vị giáo sư khi phát biểu trước sinh viên hoặc dư luận báo chí luôn miệng lên án những tiêu cực trong giáo dục thế nhưng sau đó không ngần ngại nhận phong bì để châm chước và thông qua luận án tiến sĩ của người nào đó. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một bác sĩ luôn miệng bảo rằng “lương y như từ mẫu” thế nhưng lại cấu kết với các nhà thuốc để kê toa với giá trên trời hoặc không thì bỏ mặc bệnh nhân gây nên những cái chết tức tưởi. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một anh cảnh sát giao thông miệng lúc nào cũng nói “vì dân phục vụ” nhưng lại không ngần ngại nhận tiền hối lộ từ giới tài xế. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một báo cáo cho rằng người nông dân làm lúa mỗi mùa lãi 30% nhưng thực tế đời sống người nông dân thì khốn khó vất vả; phải bỏ quê, bỏ ruộng lên thành phố sống tha hương hoặc không thì nhắm mắt lấy đại một ông chồng Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó để đổi đời… Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một đơn vị lúc nào cũng kêu ca việc kinh doanh thua lỗ, lúc nào cũng đòi tăng giá bán điện cho người dân thế nhưng lại trả lương cho người của mình mỗi tháng trên 30 triệu – cao hơn rất nhiều thu nhập của những ngành nghề khác trong xã hội. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một chủ trương yêu cầu cán bộ phải kê khai tài sản nhằm kiểm tra giám sát ngăn chặn tệ tham nhũng thế nhưng có bao nhiêu cán bộ kê khai và kê khai thật đầy đủ? Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Một địa phương cuối năm bao giờ cũng đưa ra bản tổng kết với những chỉ số tăng trưởng và phát triển rất đẹp; hầu hết các đơn vị cơ sở trực thuộc đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; và bao giờ cũng là “năm sau cao hơn năm trước”… thế nhưng trên thực tế cuộc sống của người dân nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung vẫn bị đánh giá là nghèo nàn và lạc hậu. Đây là gì nếu không phải là sự không trung thực của con người?
Tóm lại, có thể nói một người có đạo đức trước hết phải là một người trung thực và nhất là phải trung thực với bản thân mình trước. Thử hỏi trong xã hội hiện nay có được bao nhiêu phần trăm những người như thế này? Tuy không bi quan nhưng tôi cho rằng tỉ lệ này là rất ít. Và như thế, thử hỏi liệu chúng ta có thể xây dựng và phát triển bền vững được không nếu khắp nơi trong xã hội đầy dẫy những việc làm giả dối và không trung thực của con người? Thế mới biết hệ quả ghê gớm của nền giáo dục không trung thực quả là rất khủng khiếp!
3. Triết lý về sự trung thực – tại sao không?
Nhiều người khi bàn về vấn đề cải cách và đổi mới toàn diện nền giáo dục hiện nay cho rằng cần phải phải xác định cho ngành giáo một triết lý giáo dục cụ thể. Tuy nhiên, triết lý như thế nào thì đó là vấn đề vẫn còn đang bỏ ngõ.
Bên cạnh đó, có không ít người sau khi nhận ra tư duy giáo điều và rập khuôn trong đào tạo con người của ngành giáo dục hiện nay nên đề xuất phải làm sao “tạo ra những con người có suy nghĩ độc lập và tự do”. Điều này là rất đúng và cần thiết, tuy nhiên với quan điểm cá nhân tôi cho rằng, việc tạo ra “con người biết suy nghĩ độc lập và tự do” thật ra chỉ một thao tác, một khâu trong quá trình đào tạo con người thôi chứ không thể nâng lên thành một một triết lý. Từ thực trạng của nền giáo dục hay rộng hơn là của xã hội và đất nước hiện nay, qua những phân tích ở trên, tôi cho rằng việc tạo ra “một sản phẩm giáo” dục trong tương lai – những con người trung thực là một vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận nếu cho rằng cần thiết phải có một thứ triết lý giáo dục nào đó để làm nền tảng nhằm hướng đến việc cải tổ toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới. Bởi nói gì thì nói, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay để phát triển đất nước chúng ta không thể cứ tránh né; hay không dám nhìn thẳng vào những sự thật về những khiếm khuyết, những dị tật mà chúng ta đã và đang mắc phải. Chúng ta có thể nói lời dối gian với “người trong nhà” mình thì được nhưng một khi đã bước ra sân chơi rộng lớn cùng với bạn bè thế giới thì nhất định là không thể. Vì nói cho cùng chẳng ai muốn kết bạn với những người không trung thực cả.
Nói tóm lại, để có thể xây dựng và phát triển đất nước, làm cho đất nước ngày một giàu mạnh thì nhất định chúng ta phải có được đội ngũ những con người (trước hết là phải) trung thực. Trung thực trong suy nghĩ, trong lời nói và trong tất cả mọi việc làm dù là nhỏ nhất. Và lẽ tất nhiên để làm được điều này thì vai trò và trách nhiệm của ngành giáo dục là quan trọng nhất.
Cần Thơ, 29/12/2001
Nguyễn Trọng Bình.

Không có nhận xét nào: