Pages

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Mô hình Trung Quốc, con rồng đỏ phun lửa

Việt Nguyên /Nguoiviet

LTSTừ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

Ðầu năm dương lịch 2012, Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào đã chào mừng năm mới bằng lời kêu gọi dân Trung Hoa đồng lòng giữ vững truyền thống 5,000 năm chống lại làn sóng văn hóa Tây phương đang lan tràn khắp nước. Mặt trận văn hóa được ông Hồ đặt nặng từ tháng 10, 2011 khi Ðảng CSTQ ấn định làn ranh rõ rệt giữa văn hóa Tây phương và Trung Hoa. Ðảng CS đặt nặng vấn đề kiểm duyệt thông tin báo chí và mạng lưới, ngăn chận tự do dân chủ. Ðầu năm ngoái, ông Hồ Cẩm Ðào đi thăm Hoa Kỳ, viếng Viện Khổng Tử lớn nhất ở hải ngoại tại Chicago, tự hào về “xã hội hài hòa” của CSTQ, nay chương trình của Ðảng CS nhắm vào phát triển các viện Khổng Tử cùng với thông tin tuyên truyền của Tân Hoa Xã và Ðài Truyền hình CCTV khắp nơi trên thế giới trong khi ngân sách các đài BBC Anh quốc và VOA bị cắt giảm tối đa. Trong khi cả thế giới đang nhìn về Bắc Hàn với ông hoàng bé Kim Chánh Ân lên ngôi thì ông Hồ Cẩm Ðào âm thầm chuẩn bị cho Hoàng Ðế Tập Cận Bình lên ngôi thống trị thiên hạ thiết lập một “xã hội hài hòa” giả tạo nguy hiểm cho thế giới trong năm 2012.


Xây dựng xã hội hài hòa?

Xã hội hài hòa của Ðảng CSTQ đang được quảng cáo rầm rộ là một xã hội đang tự hủy. Con rồng Trung Hoa cũng như những con rồng Á Châu phun nước (khác với con rồng Âu Châu phun lửa) đem lại phúc lợi cho mùa màng và hạnh phúc cho người dân nay đã trở thành con rồng phun lửa độc hại. Từ người Trung Hoa cho đến mọi người trên thế giới đều tự thấy phải cần Thánh George ra tay cầm ngọn giáo tiêu diệt con “rồng đỏ” vào năm Nhâm Thìn đang đến.

Người Trung Hoa ngày nay đang sống trong một quốc gia thiếu đạo lý. Ngày 20 tháng 11, 2011, cả thế giới chứng kiến cảnh em bé hai tuổi bị chiếc xe minivan cán qua cán lại 2 lần, khách bàng quan đi qua nhìn không can thiệp cho đến khi có người kéo em bé lên (4 ngày sau đó em chết). Thông tin cộng sản cố giấu nhẹm nhưng Youtube đã cho thấy những cảnh khác như một ông lão té ở chợ, người đi chợ đứng dửng dưng không ai đỡ ông dậy. Xã hội thiếu lòng nhân là kết quả của xã hội pháp trị, luật pháp khắc nghiệt từ thời Thượng Ưởng che chở cho người quyền thế. Năm 2006, tòa án ở Bắc Kinh đã phán xét một trường hợp về một người ra tay cứu giúp kẻ bị nạn ở giữa đường, ông phải trả tất cả chi phí bệnh viện và xe cứu thương cho nạn nhân! Từ đó người Trung Hoa không giúp người lâm nạn, Trung Hoa không có luật “Good Samaritan” như ở Hoa Kỳ để che chở cho những người tốt bụng giúp người lâm nạn. CSTQ tự hào với Trung Quốc, vương quốc ở giữa thế giới, cái rốn của thiên hạ, của vũ trụ, nay “Trung Quốc” đã mất chữ “Trung.” Nguyên nhân của sự tự hủy bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19 khi Trung Hoa bị tổn thương nặng từ chiến tranh quân sự đến kinh tế với Tây phương và Nhật. Khoa học và kinh tế của xã hội phong kiến Khổng Tử giả tạo nhắm chữ “Trung Hiếu” đễ tự bảo vệ chế độ thiếu tính dân chủ thật của Khổng Mạnh đã thua kỹ thuật Tây phương. Các cuộc cải tổ đã thất bại vì không thay đổi từ nền móng. Ðến thời cộng sản sau năm 1949, Ðảng CS xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, con người mới XHCN đập phá tất cả tàn tích chế độ cũ phong kiến và tư bản, xóa sạch những cái đẹp kể cả ngôn ngữ, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, y phục, âm nhạc v.v… Xây dựng xã hội mới dựa trên hận thù và dối trá cũng như trên sự ngu dốt trên 60 năm, nay Ðảng CSTQ lại đang khoe đảng bảo vệ văn hóa cổ truyền Trung Hoa!

Thành công sau cuộc cách mạng năm 1949, Ðảng CS phản bội giai cấp công nhân, xây dựng các đô thị, bỏ quên các vùng thôn quê. Mỗi năm có 10 triệu người đổ về các thành phố lớn. Nhưng Bắc Kinh và các thành phố lớn là nguồn gốc của những bất ổn xã hội trong 20 năm qua. Trong những năm gần đây, giá nhà giá đất gia tăng, những người dân thường chỉ có thể ở trong các chung cư lớn. Giá nhà và vật giá leo thang giờ đây trở thành những câu chuyện hằng ngày của người dân Bắc Kinh. Bắt chước Tây Phương, dân Trung Hoa bắt đầu thưa kiện tập thể, trong năm qua hơn 10,000 vụ kiện, chính quyền CS phải ra lệnh cấm nhưng họ thiếu hẳn cái nhìn hiện đại hóa đất nước ngoài chuyện phô trương bên ngoài.

Năm 2003, ông Wang trong cuốn sách xã hội nổi tiếng “Hồ sơ thành phố” nay trở thành “Hồ sơ Bắc Kinh” bán chạy nhất trong 8 năm qua, gọi kiến trúc Bắc Kinh là kết quả của sự tấn công từ các “lãnh chúa” cộng sản. Dân chúng không còn tin vào cán bộ “chiếm đất giành nhà.” Thành phố cổ không được bảo tồn. Cơ quan chính quyền dọn xa ra về phía Tây, ra xa Cấm thành, xây đại lộ Trường An. Khi mới bắt đầu xây lại Bắc Kinh, ông Mao Trạch Ðông không nghe lời cố vấn Xô Viết giữ văn phòng, cơ sở chánh quyền ở khu Bắc Kinh cổ, đảng CSTQ muốn xây tất cả cơ sở “vĩ đại” như sự “vĩ đại của Ðảng CS.” Quảng trường Thiên An Môn phải được xây dựng, đại lộ Trường An và 10 tòa nhà đảng và chính quyền phải được xây “nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn” để kịp mừng ngày 10 năm chiến thắng. Các di tích lịch sử được phá nhanh, phá chùa, phá cổng Tây Môn nổi tiếng trong truyện Tây Môn ký, phá khu hẻm nổi tiếng “Hutong.” Chuyên gia về Trung Hoa, GS Simon Ley phê bình nặng: “tên tuổi của chế độ CSTQ gắn liền với những phá hủy Bắc Kinh, di sản của nhân loại.” Sự phá hủy vẫn tiếp tục không ngừng vì đối với CS kiến trúc không quan trọng. Ðô thị ở Trung Hoa xây lên thiếu một tình người khác với những thành phố ở Ba Lan, với những câu thơ của thi sĩ đối kháng thời CS Zagajewski:

“Tôi nghĩ, thành phố được xây dựng,
Không bằng những căn nhà, những công trường,
Những đại lộ, những công viên
Mà bằng những gương mặt rạng rỡ như những ngọn đèn
những ngọn đuốc, của con người…”

Bắc Kinh trở thành một địa điểm “đấu tranh giai cấp” mới, thành phố toàn cầu của Ðảng CS và con ông cháu cha ở trung tâm và thường dân ở ngoại ô. Chính quyền đổ 70% ngân quỹ điều nghiên ngoại ô. Các tòa nhà đồ sộ của chính quyền có mục đích tuyên truyền vinh quang cho chế độ như những xây cất cho Thế vận hội năm 2008 nay bị bỏ hoang. Dân Bắc Kinh tự hỏi, “nếu chính quyền quan tâm đến họ tại sao không tân trang nhà của họ thay vì đuổi họ ra khỏi thành phố?” Kết quả của xã hội hài hòa trong mấy năm qua là dân mất đất mất nhà và các thành phố cổ bị hủy hoại vì lòng tham của cán bộ đảng.

Văn hóa ô nhiễm?

Ông Hồ Cẩm Ðào cảnh cáo dân Trung Hoa về một nền văn hóa ô nhiễm Tây phương khiến người ta nghĩ lời cảnh báo của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel “Ông Hồ Cẩm Ðào và Ðảng CS là một Hitler và Nazi mới của thế kỷ thứ 21,” họ Hồ xem người Hán ưu chủng, dân Hán siêu việt giống như quan niệm của chế độ phong kiến Trung Hoa trong 5 ngàn năm, tự xem mình là Trung Quốc văn minh còn các nước lân bang là man rợ “Bắc Rợ, Nam man.”

Chữ Rợ nguyên từ chữ Hy Lạp, Barbarian, xuất từ chữ barbaros những người ngoại quốc không nói được tiếng Hy Lạp bập bẹ: bar-bar-bar như những người Việt lúc mới đến Mỹ. Chữ được sử gia đầu tiên trên thế giới Herodotus dùng 2,500 năm trước không có nghĩa kỳ thị như những người Hán dùng cho dân tộc ngoài biên cương của họ. Ông Hồ Cẩm Ðào đi ngược thời gian ngược cả thời sử gia Herodotus “phong tục giống như sản phẩm trong thị trường, con người có quyền chọn lựa,” dĩ nhiên là dân tộc nào cũng thích chọn phong tục tập quán của xứ sở quê hương mình nhưng ở vào thời đại nào, nhất là thời đại toàn cầu hóa này, vấn đề ô nhiễm là điều không thể tránh và văn minh Trung Hoa trong suốt dòng lịch sử 5,000 năm không bao giờ “thuần túy,” chính họ đã học được những bài học chua cay.

Trong các năm qua, các lãnh tụ Ðảng CSTQ đã cố trở về phong tục cổ truyền, mỗi năm đi lễ bái tổ tiên, lên ngọn Hoàng Lĩnh tế hoàng đế. Trên núi Hoàng Lĩnh vẫn còn bia tưởng niệm hoàng đế, bia đề: “Nơi đây hoàng đế lập ra triều đại nhà Hán, ngài từ đâu đến không ai biết, chỉ biết ngài đến từ phương Tây.” Tổ tiên, nguồn gốc của người Hán chính họ cũng không biết rõ!

Tục lệ thờ cúng tổ tiên từ mấy ngàn năm được Khổng Tử làm sáng lại. Ngài chỉ có công san định lại Ngũ Kinh chứ chính Khổng Tử không viết. Luận ngữ được học trò ghi chép lại. Chính quyền cộng sản muốn dùng Khổng Tử để dạy dân. “Trung với đảng” “Hiếu với Hoàng Ðế Tập Cận Bình” bỏ đi những lời dạy dân chủ, “dân vi quý” không khác gì nền dân chủ Tây phương. Khổng Tử của Ðảng CSTQ là Khổng Tử nguyên tắc, cùm kẹp, hạn chế tự do cá nhân của con người vì vậy lịch sử Trung Hoa khác với lịch sử Hoa Kỳ, dân đi ra ngoài làm ăn buôn bán không về nhiều hơn là số di dân đến Trung Hoa. Khổng Tử của đảng CSTQ là Khổng Tử của thời quân chủ chuyên chế, một Khổng Tử bị Lão Tử phê bình “cái sắc của ông ngạo mạn, cái lòng của ông đầy dục.”

Khổng giáo và Lão giáo (500 năm trước Thiên Chúa) ở Trung Hoa sau bị đạo Phật từ Ấn Ðộ tràn qua lấn át. Những người dân bị áp bức tìm được lối thoát qua đạo Phật. Những người Trung Hoa hiện nay muốn phục hưng lại tinh thần đời nhà Ðường. Thời đại kéo dài gần 3 thế kỷ từ năm 618 đến 907. Thời đại thịnh vượng, hòa đồng tôn giáo Khổng, Lão, Phật. Thời đại của văn học với thơ đường Ðỗ Phủ, Lý Bạch. Thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất Trung Hoa. Thời mà cái đạo của Khổng Tử “thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” con người sống hòa với trời đất. Trung Hoa sống hòa bình với các nước láng giềng nhất là với Hàn Quốc và Việt Nam. Thời đại nhân tài được trọng dụng qua các kỳ thi chứ không lấy thúng đong tiền mua quan bán chức như trong thời cộng sản.

Chính ở thời đại huy hoàng của đời nhà Ðường, văn hóa Trung Hoa cũng bị ô nhiễm. Con đường tơ lụa đem văn hóa Trung Ðông và Trung Á đến. Ngày nay người Trung Hoa ăn mặc, cắt tóc như Tây phương còn ở thời nhà Ðường phụ nữ từ bỏ y phục bó sát thay vào những xiêm y lộng lẫy, ghế trường kỷ nhập cảng từ Trung Ðông, dụng cụ âm nhạc, đàn tì bà, đàn dây đến từ Khotan, Trung Á. Vua Ðường Minh Hoàng mê “vũ khúc Nghê thường,” mơ lên cung Quảng, yêu Dương Quý Phi bốn mươi phần trăm quan trong triều là người Trung Ðông, Trung Á đưa đến loạn tướng An Lộc Sơn (gốc Trung Á, Ubekistan hiện nay) vua phải chạy về hướng Tây, Dương Quý Phi treo cổ tự vẫn giữa đường.

Tự hào với dòng Hán, xem các nước ngoài biên cương là bọn rợ nhưng những bức Ðại Thành không ngăn được rợ, các triều nhà Nguyên, nhà Thanh gốc từ bọn rợ Mông cổ đến cai trị. Người Trung Hoa tự hào phát minh ra giấy cùng với chữ viết nên giỏi tuyên truyền. Giấy do ông Thái Luân phát minh năm 105 (được xem là phát minh của người Hán đang được tranh cãi, Thái Luân quê ở Quế Dương phần đất Việt Nam cũ) quan trọng cho sự tuyên truyền của người Hán, giấy nhẹ hơn tre, hơn gỗ để truyền bá được người Trung Hoa giữ bí mật nghề nghiệp trên 600 năm, nhưng ở trong Vạn Phật Ðộng trên con đường lụa các nhà khoa học đã tìm thấy kinh Phật in trên giấy 100 năm trước khi người Hoa phát minh.

Ðến thế kỷ 20, Trung Hoa lại bị văn hóa ô nhiễm từ phương Tây, lần này văn hóa Marx độc hại hơn, tiêu hủy tất cả truyền thống của quốc gia họ.

Mùa Thu năm 2011, Trung Cộng kỷ niệm Cách Mạng Tân Hợi 1911, 100 năm sau khi nhà Thanh, chính quyền quân chủ cuối cùng, sụp đổ. Cuộc cách mạng ấy dẫn đến sự chiến thắng của CS năm 1949. 100 năm này đánh dấu sự sụp đổ tinh thần của người Trung Hoa. Tinh thần tôn giáo, đạo thờ cúng ông bà Tổ tiên, bắt đầu từ ngày Tết, ngày mồng một bắt đầu một năm mới, ngày mà trời đất hài hòa, con người sống tử tế với nhau, nhân hòa, đất trời mở rộng, mùa màng gặt hái bị triệt từ đời nhà Thanh. Cuối thế kỷ 19, Trung Hoa có hơn một triệu chùa và miếu. Bắt đầu năm 1898, bà Từ Hy Thái Hậu thấy “bọn thầy chùa lười biếng” đã phá tất cả chùa để biến thành trường học. Triều nhà Thanh biện minh: “Tôn giáo phải bị hủy bỏ vì Trung Hoa cần hiện đại hóa.” Ðến khi ông vua cuối cùng Phổ Nghi mất ngôi, Trung Hoa bước qua những thập niên khủng hoảng, người Trung Hoa theo văn hóa Tây phương, hệ thống cũ không còn giá trị để đối đầu với kỹ nghệ và quân sự của Tây phương. Trung Hoa bị Ngũ cường chia cắt. Ðến thời CS sau 1949, tôn giáo lại bị đàn áp, một triệu chùa, miếu bị đập đổ, nhất là sau cách mạng văn hóa, đến năm 1982, Trung Hoa chỉ còn ít chùa, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo trong một quốc gia hơn 1 tỷ người. Tinh thần quốc gia được Tổng thống Tưởng Giới Thạch xây dựng trong chương trình “Ðời sống mới” qua sinh hoạt Hướng Ðạo bị cấm ngay sau khi CS cầm quyền.

Ðời sống tinh thần của người Trung Hoa hiện nay trong chế độ CS đang được dân phục hồi bằng các tôn giáo khác hơn Khổng giáo. Cái đời sống tinh thần trống rỗng ấy được nhà văn Fiel Xiaotong mô tả: “Từ đầu thế kỷ 20, người dân quê chỉ còn biết và quan tâm đến chính gia đình và bạn bè của họ, họ không hề quan tâm và lo lắng đến người ngoài.” Những người trẻ tuổi sống và lớn lên trong chế độ hiện nay lại xem: “Những người già không thể tin được, các ông ấy lớn lên trong xã hội CS chẳng biết lễ giáo, luân lý là gì!”

Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào năm 2007, đi ngược về thời nhà Thanh, bắt đầu cho phép các tổ chức từ thiện giải quyết những vấn nạn xã hội. Tôn giáo là chỗ nương tựa cho 10 triệu người bỏ quê lên tỉnh. Tôn chỉ “Tôn giáo là thuốc độc của quần chúng” nay được Ðảng CS thay đổi, họ dùng “độc dược” này để dân chúng quên đấu tranh chính trị chống bất công đặc quyền đặc lợi. CS chủ trương khi vật chất đầy đủ, kinh tế phát triển dân không cần tôn giáo nhưng trong 30 năm qua, trường hợp Trung Hoa đã cho thấy quan niệm ấy sai. Hiện nay Ðảng CS chấp nhận 5 tôn giáo Phật, Lão, Hồi, Công Giáo và Tin Lành. Dân Trung Hoa tập khí công ở các công viên chỉ có Pháp Luân Công bị cấm, bắt và tra tấn vì chính quyền CSTQ cho rằng Pháp Luân Công đã chỉ trích đảng qua tập Cửu Bình, 9 bài bình luận về Ðảng CSTQ. Tôn giáo bùng phát ở Trung Hoa, hiện nay Trung Hoa là quốc gia có nhiều Phật tử nhất trên thế giới, là nước in Thánh Kinh nhiều nhất trên thế giới với hàng ngàn linh mục và mục sư mới. Ðền thờ Hồi giáo mọc lên nhiều nơi. Mỗi Chúa Nhật có từ 60 đến 80 triệu người đi nhà thờ. Ðạo Lão cũng trở lại với những đoàn hát dạo đi khắp Bắc Kinh, chỉ có Ðảng CS và Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào nói chuyện Khổng Tử!

Hồ Cẩm Ðào đang sửa soạn con đường lên ngôi cho Hoàng Ðế Tập Cận Bình, họ đang muốn con rồng Trung Hoa phun lửa, đe dọa các nước láng giềng. Con rồng độc hại của mô hình Trung Quốc ấy giống như lời phê bình của nhà độc tài CS Xô Viết Stalin, khi là người tù trẻ tuổi, đã phê bình chế độ Sa Hoàng: “Con rồng đen ấy đã đánh cắp mặt trời từ tay nhân loại!”

Ngày 9 tháng 1, 2012

Không có nhận xét nào: