Huy Phương/Người Việt
Chúng ta đã được đọc, nghe nhiều về trận chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974, nhưng có những sự thật bên trong dần dần qua thời gian, rõ ràng người Mỹ đã tạo ra cơ hội cho tàu chiến HQVN có mặt tại Hoàng Sa, trong khi tàu Trung Cộng đã chờ sẵn, khiêu khích và chờ cho HQVN nổ súng để tấn công chiếm đảo. Về các lực lượng bộ binh trên đảo, nhiều tháng trước đó, trinh sát Trung Cộng đã giả dạng ngư phủ gặp bão dạt lên Hoàng Sa, sống trên đảo, chơi đùa, ăn uống với toán ÐPQ Quảng Nam trú đóng tại đây, thậm chí còn bày ra trò chơi “trốn tìm” chung với nhau (mục đích là để thám sát địa thế của đảo).
Thiếu Tá Phạm Văn Hồng, người kể chuyện Hoàng Sa, trong bức ảnh chụp năm 1974. (Hình: Phạm Văn Hồng cung cấp) |
Bốn ngày sau khi Hoàng Sa của Việt Nam thất thủ, 6:15 chiều Thứ Tư, 23 tháng 1, 1974, Ngoại Trưởng Mỹ Kissinger đã có thể thanh thản tiếp Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Trung Cộng tại Mỹ và chỉ nhắc đến số phận của một công dân Mỹ bị bắt làm tù binh.
Từ năm 1972, Henry Kissinger đã nói với Chu Ân Lai: “Tại sao chúng tôi lại muốn một chính quyền thân Mỹ ở Sài Gòn khi chúng tôi có thể sống với những chính quyền không thân Mỹ tại các quốc gia to lớn hơn nhiều ở Á Châu?”
Hoàng Sa là bước đầu tiên của việc bán đứng miền Nam cho cộng sản.
Người kể chuyện Hoàng Sa là Cựu Thiếu Tá Phạm Văn Hồng, trưởng phái đoàn đi nghiên cứ việc xây dựng một phi trường ở Hoàng Sa, do Mỹ dàn dựng, tạo lý do để đưa chiếc tàu HQ đầu tiên ra Hoàng Sa: tuần dương hạm HQ. 16.
Nhân vật Gerald E. Kosh và chuyện thiết lập một phi đạo cho Hoàng Sa?
Cuối tháng 1, 1974, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng, sĩ quan lãnh thổ thuộc Phòng 3 Quân Ðoàn I, được lệnh hướng dẫn một đoàn công binh ra Hoàng Sa để thiết lập một phi trường tại đảo Hoàng Sa (trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm). Toán công tác của ông gồm có ông là trưởng đoàn cùng với hai sĩ quan, hai hạ sĩ quan công binh (thuộc Liên Ðoàn 8 Công Binh Kiến Tạo và Liên Ðoàn 10 Công Binh Chiến Ðấu), cùng với một cố vấn dân sự Mỹ là Gerald Emil Kosh. Qua một thời gian bị Trung Cộng cầm tù và sau khi chúng ta mất Hoàng Sa, rồi tiếp đến việc miền Nam thất thủ, theo Thiếu Tá Hồng việc thiết lập một phi trường trên đảo không có thật mà chỉ là một cái cớ để điều động một tàu Hải Quân VNCH ra đảo. Việc thiết lập phi trường trên đảo Hoàng Sa nghe rất hợp lý vì có phi trường này chúng ta có thể kiểm soát hết được các hải trình quan trọng, vì vậy quân đoàn mới cử sĩ quan phòng 3, và buộc lòng phải có một chiến hạm đưa phái đoàn ra đảo. Việc trong phái đoàn có mặt một người Mỹ cố vấn để người Mỹ có thể yểm trợ phương tiện cho chúng ta, nhưng sau này chúng ta mới thấy rõ, vì ngay khi tàu mới ra đảo ngay ngày đầu tiên, tàu Trung Cộng đã chờ sẵn và bắt đầu tỏ thái độ khiêu khích. Sợ đụng đến một vấn đề tế nhị là chủ quyền, nhiều giới chức cao cấp của HQVN cho rằng Kosh chỉ là một nhân-viên dân-sự xin quá giang, Kosh không có một trách-vụ liên-hệ gì đến hành quân hay bất cứ nhiệm-vụ gì khác. Nhưng Thiếu Tá Phạm Văn Hồng là người đã đi, sống và bị bắt làm tù binh chung với Kosh, và chúng tôi có trong tay một bản báo cáo của Kosh gởi cho cơ quan DAO ở Sài Gon về vụ Hoàng Sa sau khi ở tù về, thì lại có nhận định về nhân vật này một cách khác.
Chiều ngày 16 tháng 1, 1974, một chiếc Falcon màu đen của tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng, trên đó có Kosh, ghé qua BTL Quân Ðoàn đón Thiếu Tá Hồng, để cùng ra Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ. 16 do Trung Tá HQ Lê Văn Thự làm hạm trưởng đã chờ để đưa phái đoàn ra đảo. Chương trình đo đạc nghiên cứu của phái đoàn công binh dự trù trong một ngày sau đó, và khi công tác xong, HQ. 16 sẽ đưa phái đoàn trở lại đất liền. (Sau này Kissinger nói với Han Hsu nhiệm vụ của Kosh chỉ có hai ngày). Cố vấn Kosk là một cựu sĩ quan Bộ Binh Hoa Kỳ được huấn luyện về lực lượng đặc biệt, nhảy dù và biệt động, đã phục vụ tại Việt Nam hai năm, đi Hoàng Sa dưới danh nghĩa là nhân viên Tòa Lãnh Sự Mỹ Ðà Nẵng. Một câu hỏi thoáng qua trong đầu Thiếu Tá Hồng là trong phái đoàn nghiên cứu thực địa làm phi trường lại có sự hiện diện của một nhân viên tòa lãnh sự, nhưng ông lại nghĩ người Mỹ cần có mặt trong chuyến đi này để tương lai có thể yểm trợ phương tiện cho việc xây dựng phi trường.
HQ. 16 rời cảng Tiên Sa vào khoảng 6 giờ chiều, sớm ngày 17, tàu mới đến Hoàng Sa. Sau một đêm say sóng nằm mê mệt trong phòng, sáng đó Thiếu Tá Hồng thức dậy trễ. Ðiều ngạc nhiên là trước mũi tàu HQ. 16 đã hiện diện hai chiếc tàu nhỏ của Trung Cộng, loại Kronstad sơn màu olive, ngang nhiên chờn vờn qua lại. Trên tàu này có súng, chúng ta có thể trông thấy những người mặc quần cụt, đi lại hay đang buông cần câu như câu cá.
HQ Trung Tá Lê Văn Thự đã cho bắc loa gọi những tàu này phải ra khỏi vùng vì “đây là lãnh hải của VNCH” thì chúng cũng đáp lại “ Ðây là lãnh hải của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc!”
Ngày thứ nhất: Sáng ngày 17 tháng 1, 1974, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng, cố vấn Kosh và phái đoàn công binh được xuống cao su đưa vào bờ, lên đảo tiếp xúc với Trung Úy Hy, trung đội trưởng Trung Ðội ÐPQ Quảng Nam đóng trên đảo. Các công binh bắt đầu đo đạc và nhiệm vụ của Thiếu Tá Hồng chỉ là giám sát. Ðứng trên tòa nhà cao nơi trú đóng của Trung Ðội ÐPQ, Thiếu Tá Hồng có thể thấy nhiều tàu nhỏ của Hải Quân Trung Cộng, điều này chắc chắn HQ.16 phải báo cáo về Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải và Bộ Tư Lệnh Hải Quân và chúng ta đã có những chiếc tàu khác ra tiếp ứng cũng như phía Trung Cộng càng ngày càng đưa tàu đến, khiến tình hình mỗi lúc càng nóng. Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa rút trở lên tàu.
Ngày thứ hai: Lực lượng hành quân Hoàng Sa được tăng cường thêm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10).
Ðúng ra phái đoàn phải được trở lên tàu HQ 16 ngay tối hôm đó vì công tác đã xong, nhưng mãi sáng ngày 18 tháng 1, phái đoàn mới được đưa trở lại tàu.
Nhưng một điều lạ xẩy ra là 6 giờ chiều hôm đó (18 tháng 1), phái đoàn lại được lệnh di chuyển sang Tuần Dương Hạm HQ. 5 cũng là Soái Hạm, vì ở đó đặt Bộ Chỉ huy của Ðại Tá Hà Văn Ngạc, không nói rõ lý do nhưng có lẽ lý do là để bảo vệ cho cố vấn Kosh chăng? Tối cùng ngày, sau khi cơm nước xong, chuẩn bị đi ngủ, thì lại có lệnh cho phái đoàn phải xuống xuồng cao su trở lại đảo. Anh em ÐPQ trên đảo đã đi ngủ, ngạc nhiên khi thấy phái đoàn lếch thếch trở về. Sau này mới vỡ lẽ ra là, chắc chắn sẽ có đụng độ lớn trên biển, ở trên tàu có thể nguy hiểm đến tính mệnh, nên phải đưa nhân viên tòa lãnh sự Kosh xuống đất liền cho an toàn. Việc ngày 19 tháng 1 khi Trung Cộng tấn công vào đảo, chỉ bắn ở tầm cao, các lực lượng trên đảo không hề có ai chết hay bị thương (cũng là để tránh nguy hiểm cho người Mỹ này), đã chứng minh giả thuyết này là đúng, nghĩa là cố vấn Kosh phải có được an toàn 100%.
Kỳ sau: Ngày Thứ Ba, Nổ Súng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét