Pages

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Myanmar thả tự do cho 651 nhân vật đối kháng

ABC/bayvut
Việc chính phủ Myanmar trao trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị được đánh giá là một bước ngoặt mang tính lịch sử trên con đường hướng tới dân chủ của quốc gia này.
[title]
Blogger Nay Phone Latt (thứ hai từ trái sang) trong vòng tay người thân sau khi được thả tự do. (Reuters)
Động thái mới của Myanmar diễn ra ngay sau khi chính phủ nước này kí kết thỏa thuận ngừng bắn với phiến quân Karen vào hôm thứ Sáu tuần trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ hơn sáu thập kỉ qua.
Myanmar cho biết trong số 651 nhân vật đối kháng được trao trả tự do lần này có 302 tù nhân chính trị.

Theo ông Aung Khaing Min,người đứng đầu Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị Myanmar, một số nhân vật quan trọng như lãnh đạo các tổ chức dân tộc thiểu số, tôn giáo, sinh viên… cũng nằm trong danh sách phóng thích.
Ông Min cho rằng những người được thả sẽ phải mất thời gian, ít nhất là sáu tháng, để có thể tái hòa nhập vào xã hội và cuộc sống thường nhật với sự trợ giúp của cộng đồng.
Trước câu hỏi liệu họ sẽ rút lui khỏi chính trường bởi sợ rủi ro hay không, ông Min bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục quay trở lại chính trường.

Phản ứng của quốc tế

Cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh chính sách mới của Myanmar. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử và mở ra hy vọng. Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố bắt đầu tiến trình trao đổi đại sứ với Myanmar. Quyết định này của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc dần bình thường hóa quan hệ với Myanmar.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pháp và Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch hiện đang đến thăm Myanmar. Theo đó, Đan Mạch hứa hẹn sẽ gia tăng gấp đôi viện trợ cho quốc gia này trong thời gian tới.

Luật pháp Myanmar cần rõ ràng hơn

Theo ông Min, quyết định trao trả tự do cho các nhân vật đối kháng là một phần nỗ lực của chính phủ Myanmar nhằm mục đích thay đổi hình ảnh đất nước trong con mắt quốc tế. Bên cạnh đó, nó cũng có thể là một phần kế hoạch cải tổ của Myanmar.
Mặc dù bày tỏ sự ủng hộ động thái của chính phủ Myanmar nhưng ông Min cho biết nước này có tổng số 1551 tù nhân chính trị, vì vậy, con số 302 tù nhân chính trị được thả chưa thực sự chiếm một phần lớn. Trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều nhân vật thuộc nhóm đối tượng này đang phải ngồi tù.
Ông Gary Woodard, cựu Đại sứ Australia tại Myanmar, hiện là giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học Melbourne, cho biết mặc dù tình hình hiện tại ở Myanmar có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa rõ ràng về mặt luật pháp.
Theo đó, các tù nhân chính trị được thả dưới điều khoản 402 theo luật lệ của Myanmar. Đây là một vấn đề đáng lưu ý bởi điều khoản này có một số hạn chế và nó quy định rằng trong một số trường hợp, những tù nhân vẫn có thể bị bắt giữ trở lại. Do đó, Giáo sư Woodard nhận định nó như một chiếc ‘tròng’ treo lơ lửng trên đầu các tù nhân chính trị vừa mới được phóng thích.
Trước câu hỏi với việc thả hàng trăm tù nhân chính trị lần này, liệu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng và giành được vị thế chính trị cao hơn hay không, ông Woodard cho biết: “Tôi hy vọng là như thế vì chắc chắn chính trường sẽ cần thêm những nhân vật trẻ hơn các tù nhân chính trị đã được thả”.

Không có nhận xét nào: