Pages

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Ngoái nhìn năm 2011

Lê Phú Khải, nhà báo
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
 
Năm 2011 có rất nhiều sự kiện sống động
Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô và khối XHCN Đông Âu tan rã cho đến nay, có lẽ năm 2011 vừa qua là năm nhân loại chứng kiến nhiều biến động nhất. Từ thế giới dân chủ văn minh đến những quốc gia độc tài man rợ còn sót lại trên hành tinh, con người đều lo âu, hoảng hốt, run rẩy trên đôi chân của mình. Cả bơ vơ nữa!
Ngoái nhìn năm 2011, tôi bỗng nhớ đến Sartre, hiện thân của chủ nghĩa hiện sinh, hiện thân của nỗi lo âu về than phận con người sau hai cuộc đại chiến chém giết nhau ở thế kỷ 20. Sartre viết: Con người từ đâu đến và anh ta đi về đâu? Trái đất này không phải là nơi cư trú của con người?!

Năm 2011, vâng đúng năm 2011, cả nhân loại đang rơi vào tâm trạng của Sartre.
Trước hết nói về thế giới văn minh dân chủ phương Tây. Cuộc bạo loạn ở Anh khiến người ta phải sửng sốt. Mượn cớ một tên cảnh sát bắn chết một người da màu, dân Anh, chủ yếu là thanh niên, đã “bức xúc” và thi nhau đập phá các cửa hàng, cửa hiệu sang trọng để cướp đi thứ họ thèm muốn như tivi đời mới, điện thoại di động thời trang, máy vi tính loại đắt tiền, v.v. và v.v.
Thật là buồn cho nước Anh, thì ra sau nhiều năm xây dựng nền dân chủ tư sản văn minh, người ta đã tạo ra một lớp người chỉ say sưa hưởng thụ, tiêu dùng… ngoài ra không có… gì nữa! Trong khi đó thì ở Nhật, trong cơn hoạn nạn động đất, sóng thần, rò rỉ lò phản ứng hạt nhân… tiền trôi ra từ những căn nhà sụp đổ… Nhưng không phải tiền của mình thì không ai nhặt cả.

Năm 2011 người Nhật đã dạy cho cả loài người thế nào là nhân phẩm. Dĩ nhiên là có cả Việt Nam chúng ta, nơi đã diễn ra cảnh một người bị cướp túi tiền trên đường phố ở Sài Gòn, tiền của ông ta vung vãi ra… và mọi người đã xông vào cướp tiền của người bị cướp… Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã khái quát tình hình của đất nước hôm nay như sau:
Ngoảnh mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!
Nói tiếp về xã hội dân chủ phương Tây ngày nay. Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, sau 27 năm sống ở Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bị trục xuất về nước. 27 năm sống giữa kinh thành hoa lệ Paris, về nước, nhà trí thức tên tuổi này vẫn mặc những đồ tuềnh toàng chẳng mấy khi là ủi… Ông than phiền với chúng tôi, họ – tức tây đầm – mua một lúc một tá sơmi, rồi chỉ mặc một chiếc, rồi vứt đi, rồi lại đi sắm một tá sơmi khác cho “à la mode”. Trái đất này hết chịu nổi cách tiêu xài phá hoại môi sinh đến thế. Ngày trả giá của xã hội tiêu dùng phương Tây không còn bao xa nữa!
"Nước Mỹ phải đem tiền đóng thuế của dân để cứu các ngân hàng tư nhân phá sản vì cho vay bạt mạng để thiên hạ mua sắm vila, biệt thự. Đau đớn cho nước Mỹ là Quốc hội phải thông qua việc làm phản dân chủ này không thì… chết cả nút!"
Lời tiên đoán của “ông đồ nghệ” Nguyễn Khắc Viện đã thành sự thật. Nước Mỹ phải đem tiền đóng thuế của dân để cứu các ngân hàng tư nhân phá sản vì cho vay bạt mạng để thiên hạ mua sắm vila, biệt thự. Đau đớn cho nước Mỹ là Quốc hội phải thông qua việc làm phản dân chủ này không thì… chết cả nút!
Đồng Euro mất giá nghiêm trọng. Người ta đã phải họp bàn để xoá 50% nợ cho Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… đang khốn đốn về tài chính. Đồng Euro chạy đi đâu? Nó chạy vào túi người Tàu đã bán hàng rẻ cho các nước EU. Sau những năm phè phỡn tiêu xài hàng rẻ, chính phủ các nước phương Tây đang kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng dân chúng quen tiêu xài, quen mua một tá sơmi rồi chỉ mặc một chiếc, vứt đi 11 chiếc, lại xuống đường phản đối chính phủ. Thật là một “trò hề văn minh” đang diễn ra trên trái đất này.
Hò hét “kích cầu” rồi lại hò hét “thắt lưng buộc bụng”! Oái oăm là phải kêu gọi người Tàu cứu vãn đồng Euro! Những ông chủ tư bản đỏ Trung Quốc nhờ vắt kiệt mồ hôi và nước mắt của dân chúng mình để xuất khẩu hàng rẻ và trở thành những ông chủ nợ lớn của phương Tây. Thật trớ trêu cho nhân loại tiến bộ ở đầu thế kỷ 21 này, là những quốc gia tự nhận mình là dân chủ văn minh lại phải “nhờ cậy” vào túi tiền bẩn thỉu của một nhà nước độc tài toàn trị đang trên đường phát xít hoá là Trung Quốc.
Môi trường xã hội thì như thế, còn môi trường tự nhiên thì ra sao? Các nhà khoa học đã cho biết, từ năm 1860 và trong vòng 100 năm lại đây, trung bình nhiệt độ toàn cầu tăng 0,8 độ C. Còn sắp tới, nếu tầng ozone bao quanh trái đất chúng ta vẫn bị tổn thương như hiện nay, trái đất sẽ nóng lên 3 độ C trong vòng 100 năm tới! Các tảng băng khổng lồ Iceland, Norway, Rhone (núi Anpes), Lemon Creek (Alaska)… ngày càng ngắn đi, ở Bắc Cực ngày càng mỏng đi… Rồi sẽ ra sao
Bạo loạn ở London làm nhiều người bị sốc
Cũng may là đến 2011, nhân loại đã nhận ra mối rủi ro ở tầm thảm hoạ đang rình rập con người ở phía trước. Phải thay đổi cách sống, lối sống, lối cư xử với thiên nhiên khi chưa quá muộn.
Long trời lở đất
Cũng năm 2011, lần đầu tiên nhân loại chứng kiến một người bình thường đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, làm thay đổi lịch sử thế giới hiện đại. Nói đúng hơn là, ngọn lửa tự thiêu của anh sinh viên thất nghiệp Bouazizi ở Tunisia đã làm bùng cháy cả một châu lục. Cái mà người ta gọi là sự “ổn định”, và hùa nhau cố giữ cái “ổn định” chết người này, chỉ cần một tia lửa điện bật lên là cái pít-tông khổng lồ Bắc Phi đã nén đầy chất cháy nổ nửa thế kỷ qua đùng đùng khởi động. Hàng triệu con sư tử Châu Phi đã lồng lên rung động cả thế giới.
Sau Thiên An Môn, đây là lần thứ hai có một chính quyền nã súng vào nhân dân biểu tình tay không một cách cực kỳ dã man – khi họ vừa tan lễ nhà thờ ra ở Tripoli. Và cái điện thoại di động của những người biểu tình phản đối ông Gaddafi đã báo cho cả loài người biết, cái dã man đã hết thời! Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một ông vua có cả trăm tỷ đôla phải chui xuống cống để chết nhục nhã.
"Dân chủ, công bằng tự do là khát vọng có thật của loài người tiến bộ. Không gì đảo ngược được . Đó là thông điệp lớn lao của năm 2011."
Cách mạng hoa lài ở Bắc Phi diễn ra suốt năm 2011 đã soi rọi mọi chân tướng. Những quốc gia độc tài, những kẻ muốn làm tổng thống suốt đời đã không ngừng phản đối mọi “can thiệp” và họ trở nên bẽ bàng khi ngài Gaddafi chết trong cống rãnh trên chính quê hương minh!. Hương hoa lài “cuốn theo chiều gió” đã phảng phất bay tới các khu rừng núi hoang vu Châu Á. Và nó đã toả hương trên những cánh đồng màu mỡ nhưng luôn thất mùa ở Miến Điện. Hy vọng và hy vọng cho những khu rừng Châu Á âm u…
Ngoái nhìn những gì diễn ra ở năm 2011 tôi không khỏi nhớ đến nỗi u hoài của Sartre về thân phận con người. Nhưng cũng những gì diễn ra ở năm 2011 cũng đã thức tỉnh nhân loại, rằng không thể đối xử với thiên nhiên như con người đã làm những năm tháng qua. Không thể cứ tiêu xài bạt mạng, cứ điên rồ “kích cầu” mãi mãi…
Trái đất đang nóng lên, nước biển sẽ dâng cao, càng nhiều điện hạt nhân bao nhiêu thì càng sớm đến ngày diệt vong. “Thiên nhiên trả thù đấy!”, lời cảnh báo của Engel năm xưa còn nguyên tính thời sự ở thế kỷ 21 này!
Rằng, không thể bất chấp số phận của những người nghèo khó, thấp cổ bé miệng như anh sinh viên Bouazizi, như hàng triệu quần chúng lao khổ… chỉ để duy trì quyền lực của bạo quyền.
Sự hy sinh không tiếc xương máu, không khiếp sợ trước họng súng cường quyền của hàng ngàn, hàng vạn nhân dân Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria… để đổi lấy tự do và công lý là đều bất ngờ vĩ đại của năm 2011 mà những người cầm quyền chỉ tin vào súng đạn, dùi cui, nhà tù, cảnh sát, mật vụ… chưa bao giờ nghĩ tới. Dân chủ, công bằng tự do là khát vọng có thật của loài người tiến bộ. Không gì đảo ngược được . Đó là thông điệp lớn lao của năm 2011.
Trái đất này vẫn là nơi cư trú của con người, xin văn hào Jean Paul Sartre hãy ngậm cười nơi chín suối.
Bài viết do tác giả gửi đến diễn đàn của BBC và đã được biên tập lại. Độc giả cũng có thể đọc Bấm bản gốc ở đây.

Không có nhận xét nào: