Pages

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Rung Rinh Sắp Sập?

Nền Tảng Kinh Tế Lung Lay của Trung Cộng

Joshua Muldavin – PBD dịch
Cách đây hai tuần, nông dân tại Ô Khảm, một ngôi làng đánh cá tại tỉnh Quảng Đông phát đạt ở phía nam Trung Cộng, đã chiếm cứ ngôi làng của họ, tống khứ các lãnh tụ địa phương. Vì nỗi phẫn uất lâu năm không được giải quyết, họ đã bất kể tính mạng mà ngăn chặn các nẻo đường vào làng và ra mặt đối đầu với công an. Mối quan tâm chính của họ là việc bán đất tập thể của làng cho các nhà phát triển bất động sản, khiến hầu hết dân làng trở nên nghèo khổ trong khi lại làm giàu cho các lãnh tụ của họ.
Cư dân tại Ô Khảm, Trung Cộng, tại một phiên họp của làng
ngày 21 Tháng Mười Hai. Bích chương là hình của Tiết Kim Ba,
người đã bị thiệt mạng trong lúc công an bắt giữ ông ta sau khi ông ta
được chọn ra để thương thuyết về các vụ giao dịch đất đai với
 nhà cầm quyền
Khi các cuộc biểu tình phản đối tại Ô Khảm trở thành một biến cố đối với giới truyền thông quốc tế, một viên chức đảng tại tỉnh này, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã phải can thiệp và nhanh chóng thương thuyết với dân làng một giải pháp được chấp nhận để họ ngưng biểu tình. Tuần này Thủ Tướng Ôn Gia Bảo khẳng định là “Trung Quốc không còn có thể hy sinh các quyền của nông dân về đất đai để giảm bớt phí tổn thành thị hóa và kỹ nghệ hóa được nữa.”
Một lần nữa, giới lãnh đạo Trung Cộng đã thành công trong công việc kiểm soát tình trạng bất ổn xã hội thật phức tạp. Thế giới nay nhìn sang hướng khác.

Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Cũng như giới lãnh đạo của Trung Cộng, thế giới phải tiếp tục chú ý kỹ đến Ô Khảm và hàng chục ngàn vụ bất ổn xảy ra mỗi năm ở miền quê Trung Cộng, đại đa số xuất phát từ những vụ cướp đất. Tại sao? Vì những gì xảy ra cho nông dân của Trung Cộng thật quan trọng cho tương lai chung của chúng ta.
Dân quê tại Trung Cộng xếp hạng sau cùng trong thứ tự tiến trình sản xuất hàng hóa toàn cầu của cả các công ty Trung Cộng lẫn các công ty liên quốc. Không bị điều lệ nào chi phối, các công ty này tận dụng đất đai và sức lao động của dân quê để sản xuất hàng hóa bất kể tác hại đến môi trường và xã hội như thế nào cho toàn thế giới tiêu thụ. Trong khi giới tiêu thụ khắp nơi hưởng lợi từ các sản phẩm rẻ tiền và lợi nhuận công ty, cái giá thực sự phải trả lại do giới yếu kém nhất của Trung Cộng gánh chịu.
Vụ Ô Khảm cho thấy được nền tảng lung lay của Trung Cộng khi ngoi lên vị trí siêu cường kinh tế: vị thế này được củng cố trên cuộc tranh giành đất đai chưa giải quyết được với hàng trăm triệu người bị đe dọa cuộc sống. Bất cứ điều gì tác hại đến phẩm chất cuộc sống của dân quê chiếm đa số tại Trung Cộng đều có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu hiện đang ở trong tình trạng mong manh, làm rúng động cả thế giới.
Như tôi đã chứng kiến tận mắt trong gần 30 năm khảo cứu tại miền quê Trung Cộng, những vụ cướp đất là yếu tố chính đưa đến “phép lạ” kinh tế của Trung Cộng. Các chính quyền địa phương tịch thu đất để phát triển bất động sản, mở rộng kỹ nghệ, đường lộ, đập nước và nhà máy điện.
Nhờ móc nối với nhà cầm quyền và đảng để lấy được bất động sản tốt nhất trong những khu vực thành thị chính và vùng ngoại ô xung quanh mà giới phát triển bất động sản đã trở thành những nhà đại phú. Cứ 10 nhà tỷ phú hàng đầu của Trung Cộng thì hết 8 người giàu đến mức này là nhờ những vụ cướp đất.
Những vụ cướp đất tương tự cũng xảy ra tại các vùng quê xa hơn nữa, nơi nhà cầm quyền trung ương ít để mắt đến. Theo Quốc Vụ Viện Trung Cộng(1) thì trong số 1,1 triệu hectares đất bị trưng thu trong năm 2011, thì có 700.000 hectares là trưng thu bất hợp pháp. Hậu quả là hoàn toàn mất hẳn đất cho 75 triệu nông dân, và số này cùng với hơn 200 triệu dân quê di cư mỗi ngày sang những nơi khác tại Trung Cộng để tìm việc.
Tình trạng mất đất khiến cho nhiều gia đình dân quê, vẫn chiếm đa số trong dân số Trung Cộng, không có đủ đất để sản xuất thực phẩm của họ. Dân làng Ô Khảm không những bị trưng thu 400 hectares đất chung để bán cho một nhà phát triển bất động sản, mà các khu đánh cá chung của họ cũng bị bán cho một công ty hải sản lớn. Tình trạng này lại càng gây thêm nhiều khó khăn chật vật cho đời sống vốn đã nghèo khổ của nhiều người dân tại làng này. Nỗi phẫn uất và tuyệt vọng ngày càng dâng cao của họ cũng xảy ra tại các vùng thôn dã khác trên toàn quốc.
Những vụ cướp đất là một phần đi liền với tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng tại Trung Cộng. Dù chính quyền có đưa ra nhiều lời tuyên bố bênh vực dân chúng mạnh mẽ hơn, cùng với những khoản đầu tư đáng kể tại vùng quê để đối phó với nỗi bất mãn ngày càng tăng, Trung Cộng ngày nay không thua gì những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới. Vấn đề sống còn của 400 người dân ở hạng cùng đinh tại Trung Cộng vẫn bị đe dọa liên tục vì mất đất.
Việc Bắc Kinh dẹp được những vụ bất ổn hàng ngày trong nước, phần chính là bằng cách đem các viên chức địa phương ra làm vật thế mạng, vẫn không giải quyết vấn đề cơ bản: một con đường phát triển dựa trên nền tảng đang bị lở dần vì những vụ cướp đất bất công, phá hủy môi trường, chia rẽ xã hội và số dân nghèo nhất và bị bỏ lơ nhất của nước này vì thế lại càng sa sút yếu thế hơn nữa. Nếu không giải quyết các vấn đề nền tảng này thì vụ Ô Khảm sẽ chỉ là dấu hiệu báo trước những gì sắp đến.
Joshua Muldavin is professor of human geography at Sarah Lawrence College.
Source: http://www.nytimes.com/2011/12/31/opinion/chinas-shaky-economic-foundation.html?_r=1
___________________________
Chú thích của người dịch:
(1) còn gọi là Hội Đồng Chính Phủ, tức Nội Các, hay chính phủ, gồm Thủ Tướng và các bộ trưởng

Không có nhận xét nào: