Pages

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

SỰ ĐỐI ĐẦU MỸ-IRAN CÓ THỂ DẪN ĐẾN CUỘC CHIẾN TRANH TOÀN CẦU


Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 16/1/2012
TTXVN (Niu Yoóc 4/1)
Theo AnhBaSam
Mạng tin “Voltair Network” ngày 4/1 cho biết hiện nay cuộc chiến tranh lạnh giữa Oasinhtơn và Têhêran ngày càng gia tăng. Các nhân viên tình báo, máy bay trinh sát điện tử không người lái, các vụ ám sát và những lời buộc tội Iran của Mỹ là một bộ phận của cuộc chiến tranh lạnh. Oasinhtơn và các nước đồng minh tay sai đã và đang sử dụng mọi phương tiện có thể, kể cả các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, để hình thành một mặt trận chống Têhêran trong cuộc chiến tranh lạnh. Các chiến dịch gây mất ổn định do Mỹ phát động để chống lại Xyri và Libăng cũng là một mặt trận quan trọng của cuộc chiến tranh lạnh.


Chính quyền Obama sử dụng năm 2011 để thúc đẩy cái gọi là “Liên minh Ôn hòa” do Oasinhtơn thành lập năm 2007 tại hội nghị của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh + 2 (GCC+2) ở Cairô, Ai Cập, gồm các nước Arập Xêút, Cata, Baranh, Côoét, Các Tiểu vương quốc Arập (UAE), Ôman, cộng với Ai Cập và Gioócđani để chống lại Khối kháng chiến gồm Iran, Xyri và các nước đồng minh của hai nước ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA). Tại Xyri, từ cuối tháng 11/2011 đến đầu tháng 12/2011, để ngăn chặn các lực lượng chống chính phủ thâm nhập về nước gây bạo loạn và ám sát các quan chức chính quyền, an ninh và lực lượng vũ trang, quân đội Xyri bắt đầu thiết lập các địa điểm đóng quân sát biên giới Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi quân đội Xyri đưa lực lượng đến sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng không quân Mỹ và NATO liên tục xâm phạm không phận Xyri. Các máy bay Mỹ và NATO tiến vào không phận Xyri từ căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Adana của Thổ Nhĩ Kỳ để thả các phương tiện tình báo điện tử nhằm theo dõi các hoạt động quân sự của quân đội Xyri bên trong lãnh thổ. Đây là một bộ phận của cuộc chiến tranh gián điệp và theo dõi điện tử rộng lớn hơn của Mỹ đã và đang được triển khai tại Libăng và Iran. Gần đây, Chính quyền Libăng bắt giữ một số gián điệp Ixraen và Mỹ có quan hệ trực tiếp với Sứ quán Mỹ tại Bâyrút. Tương tự, Cơ quan An ninh Iran cũng bắt giữ nhiều nhân viên trong các mạng lưới gián điệp của Mỹ tại Iran. Cuộc chiến tranh gián điệp này được gắn với các nỗ lực của Oasinhtơn nhằm đưa lực lượng thâm nhập sâu lãnh thổ Iran để thu thập tin tức liên quan đến các cơ sở hạ tầng hạt nhân cũng như thực hiện kế hoạch ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran. Hiện nay, Oasinhtơn đã mở thêm một văn phòng quan tâm đặc biệt đến Iran tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất để trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chống phá bên trong Iran.
Hệ thống quốc tế ra đời sau Chiến tranh Thế giới Thứ II đang ngày càng mất vai trò. Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh giữa hai phe toàn cầu mới nổi: một bên là Mỹ và khối phương Tây và bên kia là tất cả các nước không lệ thuộc và chống lại bá quyền Mỹ. Hai phe này ngày càng thể hiện quan điểm khác nhau trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc ở Giơnevơ, có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề Xyri, trong đó các nước như Êcuađo, Cuba, Nga và Trung Quốc ủng hộ Xyri phản đối quan điểm của Mỹ, Arập Xêút, Cata và Baranh. Đáng chú ý, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng trở thành một trong những công cụ của Mỹ chống Iran. Thực tế, các báo cáo của tổ chức này thường dựa vào thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ để khẳng định chương trình năng lượng hạt nhân của Iran nhằm mục đích quân sự chứ không phục vụ mục đích dân sự. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, một cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản, thậm chí đã vi phạm các quy định của IAEA trong việc soạn thảo báo cáo và bí mật cung cấp cho một vài thành viên IAEA. Báo cáo của ông Amano còn đưa ra một danh sách các nhà khoa học Iran đang thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân để biến họ thành mục tiêu trong các vụ ám sát của cơ quan tình báo Mỹ và Ixraen. Được sự hỗ trợ của Chính quyền Arập Xêút, Oasinhtơn đã cổ gắng thu hút sự ủng hộ của quốc tế trong tháng 10/2011 bằng cách dựng lên sự kiện Iran âm mưu sát hại Đại sứ Arập Xêút tại Oasinhtơn. Sau khi sửa đổi tình tiết ý đồ ám sát của Iran vài lần, giữa tháng 10/2011, Mỹ và Arập Xêút đã đưa vấn đề ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Kết quả, 106 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi Iran hợp tác và lên án âm mưu ám sát của Têhêran; 40 nước bỏ phiếu trắng và 9 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Tiếp đó, Mỹ cũng chớp cơ hội tăng cường các biện pháp cấm vận mới chống Iran và coi Iran như một mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới. Một tháng sau, một đơn vị của Lực lượng Vũ trang Iran đã chặn bắt một máy bay trinh sát không người lái RQ-170 do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Ban đầu Lầu Năm Góc phủ nhận việc Mỹ vi phạm không phận Iran và quả quyết Iran không thể bắt được máy bay không người lái Mỹ, nhưng cuối cùng Oasinhtơn buộc phải thú nhận khi Iran công bố hình ảnh chiếc máy bay không người lái do Iran đang quản lý. Cũng trong tháng 10/2011, một tòa án ở Niu Yoóc tuyên bố Iran và Hezbollah của Libăng đã giúp đỡ Al- Qaeda trong các cuộc tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001 và buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại của các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 lên tới nhiều trăm tỷ USD.
Cuối năm 2011, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã vài lần tuyên bố quân đội Mỹ chuẩn bị tấn công Iran. Người Iran đã bác bỏ khả năng Mỹ phát động một cuộc chiến tranh, nhưng không loại trừ Mỹ hoặc Ixraen đang âm mưu phát động các cuộc tấn công chớp nhoáng. Trước tình hình đó, lực lượng hải quân Iran đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn ở eo biển Hormuz và các vùng biển thuộc Vùng Vịnh, Vịnh ôman, Vịnh Aden và biển Arập. Do đó, bản chất của từ ngữ chiến tranh lạnh có thể được hiểu không đúng, bởi vì nhiều sự kiện nóng có thể xảy ra trong bối cảnh thù địch như vậy. Cuộc Chiến tranh Lạnh thực sự giữa Liên Xô và Mỹ trước đây đã diễn ra qua nhiều cuộc chiến tranh nóng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới như Ănggôla, Việt Nam và bán đảo Triều Tiên. Do vậy, cuộc chiến tranh lạnh ở Trung Đông giữa Têhêran và Oasinhtơn có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh nóng thực sự và nguy hiểm ở nhiều điểm trên toàn cầu. Ngày 14/12/2011, các phương tiện truyền thông của Nga cho biết Mátxcơva đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng quân sự của nước này ở Cộng hòa Ácmênia-nước có tầm quan trọng địa chính trị rất lớn để Nga có thể can dự vào Trung Đông trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh của Mỹ hoặc NATO, Có tin ông Dmitry Rogozin, Đại sứ Nga tại NATO và hiện là một trong những Phó Thủ tướng Nga, sẽ đến thăm Bắc Kinh và Têhêran vào giữa tháng 1/2012 để thảo luận các kế hoạch hợp tác với các nước này nhằm chống lại chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng như cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ hoặc Ixraen và Iran.
Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh Mỹ-Iran, các cuộc xung đột ở khu vực Cápcadơ giữa Ápkhadia, Nam Ôxêtia, Grudia, Nagono-Karabak, Ácmênia và Cộng hòa Adécbaigian cũng sẽ bùng phát. Ácmênia, đồng minh của Mátxcơva và Têhêran, cũng tuyên bố rõ rằng nước này buộc phải đứng về phía Nga và Iran. Từ Trung Á và Cápcadơ đến Pakixtan và Trung Đông sẽ có những biến động lớn. Nga cũng như Trung Quốc sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn Mỹ hoặc Ixraen phát động chiến tranh chống Iran. Bằng cách này hay cách khác, nếu Nga tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ và NATO, lúc đó tất cả các nước như Bêlarút, Ucraina, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Tátgikixtan và Mônđôva sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng sẽ can dự tập thể vào cuộc chiến tranh. Như Phó Đô đốc Trương Triệu Trung, một quan chức quân sự cấp cao và Giám đốc Đại học Tổng hợp Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố gần đây rằng, Trung Quốc sẽ không ngần ngại tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ nếu Oasinhtơn tấn công Iran, ông Trương Triệu Trung cũng đề cập đến tầm quan trọng của Pakixtan như một cầu nối giữa Bắc Kinh với Iran khi xảy ra chiến tranh và mất ổn định ở Pakixtan cũng sẽ được xem xét trong bối cảnh giá trị của nước này đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng một cuộc chiến tranh lạnh ở Trung Đông có khả năng sẽ gây nên một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn liên quan đến khu vực Âu-Á, từ đó phát triển thành một thảm họa trên toàn cầu./.

Không có nhận xét nào: