Pages

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Tết Nhâm Thìn 2012 Tại VN: Pháo Bông, Lễ Hội Hoa...

Hình những ngày trước Giao Thừa Tết Nhâm Thìn tại Sài Gòn.

Dân Việt Nam đón Tết Nhâm Thìn ra sao? Với hơn 3 triệu người Việt hải ngoaị và gần 90 triệu dân trong nước, đón Tết đã trở thành một phong tục cổ truyền nhưng vẫn đa dạng tùy địa phương, trang nghiêm nhưng vẫn kèm theo nhiều lễ hội vui chơi.
Đài RFA ghi nhận về tình hình đón Tết Nhâm Thìn 2012 trích như sau:
“...Đất nước ngày càng mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài, kinh tế tăng trưởng khả quan, thiên tai ít tàn phá hơn những năm trước… người Việt năm nay vì thế nhìn chung cũng có được cái Tết đầm ấm hơn...
...Và trong số hàng triệu triệu người về sum họp với gia đình trong những ngày Tết, dịp này Việt Nam cũng đón chào hàng trăm ngàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới về quê đón Tết. Họ là những người Việt định cư ở nước ngoài, là những người công nhân lao động xuất khẩu, là những du học sinh,v.v…
Theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng nửa triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ăn Tết; trong đó, số người nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất vẫn chiếm đa số...”
Báo Nhà Đẹp từ quốc nội ghi nhận dưới khía cạnh tâm linh... thí dụ, như chuyện xông nhà, xông đất.
Có bao nhiêu người Việt Nam thực sự còn quan tâm chuyện xông nhà, xông đất? Báo quốc nội không ghi nhận về số lượng, nhưng trang web này nhắc lại niềm tin này:
“...Theo ý thức tâm linh, người Việt thường chọn lựa kĩ người xông đất đầu năm để gia đình được một năm may mắn...
...Theo quan niệm của người Á Đông, buổi sáng đầu năm mới là một thời khắc đặc biệt mà ở đó những việc diễn ra đều có thể ảnh hưởng tới cả năm. Trong đó, tục xông đất, xông nhà đầu năm được rất nhiều người đặc biệt chú trọng.
Theo ý thức tâm linh, người Việt thường chọn lựa kĩ người xông đất đầu năm để gia đình được một năm may mắn. Người xông đất nhà khác cũng sẽ sung sướng khi mang được điềm may cho gia chủ, nhưng nếu vô tình xông đất không hợp tuổi thì cả người xông đất và gia chủ đều mất vui...”(hết trích)
Trong khi đó, báo VnExpress trong bản tin nhan đề “Người Sài Gòn du xuân trong nắng đẹp” ghi nhận:
“Xúng xính váy áo đẹp, hàng nghìn người, đặc biệt là các cặp nam thanh nữ tú... đổ về các hội hoa xuân trong thành phố để dạo chơi, chụp ảnh dưới tiết trời nắng vàng...
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đường phố Sài Gòn lại ngập tràn sắc hoa tươi từ nhiều nơi hội tụ. Hoa hiện diện ở khắp nơi từ trong nhà, ngoài phố, đến công viên... Tất cả đều tạo nên một không khí mùa xuân tươi mới.
Còn người dân thì sau một năm lao động vất vả, đa phần đã gác lại những công việc thường nhật để dành thời gian cho việc sắm Tết, vui xuân. Bên cạnh việc tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cho những ngày Tết thật sung túc, nhiều người cũng không quên lên kế hoạch dạo phố ngắm hoa.
Ngày Tết, những hội hoa trong thành phố lúc nào cũng tấp nập. Đông vui nhất vẫn là chợ hoa, hội hoa nằm trong trung tâm thành phố như: Tao Đàn, Công viên 23/9, đường Hoa Nguyễn Huệ...
* Đua nhau chụp ảnh cùng hoa xuân
Là nơi hội tụ hàng trăm loại hoa tươi, được bài trí trong không gian đầy cây xanh kết hợp với nhiều loại sinh vật cảnh, triển lãm, sân khấu ca nhạc... hội hoa Tao Đàn luôn là không gian lý tưởng thu hút nhiều gia đình đến du xuân...
...Nằm trong khu sầm uất nhất thành phố, đường hoa Nguyễn Huệ khai mạc vào đêm 20/1, đã đón đông đảo người dân và du khách. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi được ngắm những hình ảnh của miền quê Việt Nam như khóm tre, cánh đồng, cầu khỉ, làng chài, dàn bầu trĩu quả... được tái hiện giữa đường phố với hai bên là nhà cao tầng...”(hết trích)
Báo Dân Trí qua bản tin “Cả nước hân hoan gõ cửa mùa xuân mới” đã ghi nhận chung về tình hình đồng bào ăn Tết:
“...Tại Hà Nội, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, những hạt mưa bụi lây phây đậm chất xuân rơi trong cái rét đậm 12 độ C không làm giảm nhiệt ở những điểm bắn pháo hoa như khu vực Hồ Gươm. Bờ Hồ được trang hoàng lỗng lẫy với muôn vàn những chùm đèn, những quả cầu ánh sáng nhiều màu sắc, đồng thời, cũng là nơi có 2 địa điểm bắn pháo hoa tầm cao của Thủ đô. Để bảo đảm an ninh, các tuyến phố xung quanh hồ Gươm được “phong tỏa” phương tiện giao thông. Người đi xe máy, ô tô phải gửi ở “vòng ngoài” đi bộ vào trong.
Dòng người đổ về chật cứng quanh bờ hồ, háo hức chờ đón những chùm pháo hoa chào đón xuân mới. Những điểm xem bắn pháo hoa đẹp nhất đều đông kín người. Từ các góc phố, tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay… hàng vạn người đứng, ngồi, tản bộ chờ đợi giây phút giao thừa...
... Tại TP Huế, từ 18h30’ tối bắt đầu có mưa phùn lạnh, các nẻo đường vẫn đông người qua lại mua sắm. Các nẻo đường dẫn về quảng trường Ngọ Môn, nơi có chương trình ca nhạc mừng năm mới và bắn pháo hoa tấp nập, nhiều tốp thanh niên đã kéo về quảng trường sớm để vui chơi, chụp ảnh.
Nhiều cửa hàng đã tranh thủ cúng Giao thừa sớm. Mùi khói, hương nghi ngút tạo không khí Giao thừa sớm thật rộn rã. Các nhà tại Huế đã sum vầy, tụ họp bên bàn ăn, vừa xem tivi, chờ giao thừa đến.
Tại Hội An, Quảng Nam, người dân và du khách chờ đón giao thừa đổ về khu vực vườn tượng bên bờ sông Hoài, nơi đặt sân khấu chính chương trình văn hóa nghệ thuật Hội Tết Nhâm Thìn...
...Tại Phố núi Pleiku, Gia Lai, từ 7 giờ tối, nhiều gia đình đã xong việc cúng rước tổ tiên, thu gác mọi công việc để đi xem bắn pháo hoa. Hàng vạn người đã kéo nhau về Quảng trường của thành phố chật như nêm để chờ cùng nhau đón chờ những giờ phút thiêng liêng nhất của năm mới, đó là những màn pháo hoa rực rỡ báo hiệu một năm Tân Mão đã kết thúc, nhường chỗ cho năm con rồng Nhâm Thìn. Cũng như nhiều nơi khác trên cả nước, khai hội cho chương trình là những màn múa lân, những màn ca nhạc đậm sắc xuân. Không chỉ vậy, một “đặc sản” không thể thiếu mà dường như chỉ có ở Tây Nguyên đó là những màn nhảy xoang của các cô gái, chàng trai J’rai và Bahnar; theo nhịp là rộn ràng tiếng cồng chiêng lão luyện của các già làng...”(hết trích)

Không có nhận xét nào: