Hãng tin Bloomberg nói tiền đồng đã mất giá nhiều nhất trong năm 2011 kể từ năm 2008 do lạm phát cao và nhập khẩu nhiều hơn hẳn so với xuất khẩu.
Bloomberg nói trong số các ngoại tệ được mua bán nhiều nhất ở Châu Á, mức trượt giá của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ chỉ đứng sau đồng rupee của Ấn Độ.
Hãng tin này nhắc lại rằng hôm 11/2/2011, Việt Nam đã phá giá tiền đồng 7% so với đô la Mỹ để giảm thâm hụt mậu dịch và rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và giá chợ đen.
Tỷ giá chính thức hôm 30/12 là một đô la Mỹ đổi được 20.828 đồng trong khi Bloomberg nói giá giao dịch thực tế là một đô đổi 21.049 đồng.
Hãng tin kinh tế của Hoa Kỳ cũng dẫn lời các quan chức Việt Nam nói Hà Nội vẫn "quyết tâm" giảm lạm phát trong năm 2012.
Lãnh đạo Tổng cục thống kê trong khi đó nói Việt Nam có thể giảm lạm phát xuống dưới 10% trong năm 2012 nếu tăng trưởng tín dụng không vượt quá 16%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn BBC hồi giữa tháng Mười Hai rằng việc giảm lạm phát xuống một con số trong năm 2012 "sẽ là kỳ tích".
Ông cũng nói tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 chỉ ở mức khoảng 9% so với con số 30-40% của các năm trước đó.
Cựu lãnh đạo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định tiền đưa vào lưu thông trong một số năm đã "bốc hơi" khi các doanh nghiệp nhà nước nhận 100 đồng thì chỉ tạo ra 40 tới 50 đồng của cải vật chất.
Ông cho rằng kinh tế Việt Nam có thể khấm khá lên trong những năm tới nếu Hà Nội xử lý được những điều mà ông gọi là "căn bệnh trầm kha" của kinh tế Việt Nam mà chính lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng đã nêu ra.
Đó là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ và đầu tư công kém hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét