“Từ Số 1 Hùng Vương sang tới số 1 Bách Thảo, cách nhau mấy trăm mét mà những điều bức xúc do TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị nêu đã giảm nhiệt, bay hơi đi gần hết? Vậy thì sức mạnh của Đảng còn không? Ý chí của Đảng còn không? Sự đoàn kết nhất trí trong Đảng còn không ? Hay Đảng nói để an dân còn làm hay không là chuyện của Chính quyền, chính phủ?”
Xưa nay sự lãnh đạo nhà nước của Đảng thường thông qua việc đề ra chủ trương, đường lối, ban hành các nghị quyết, các báo cáo chính trị; còn cấp thừa hành, chính quyền, đảng viên căn cứ vào các văn bản nghị quyết, các chủ trương mà đề ra các biện pháp cụ thể, các nhóm giải pháp cụ thể để hoàn thành chủ trương đó theo cương vị và trách nhiệm được giao. Theo như Cụ Hồ có lần nói: Chủ trương 1, biện pháp phải mười… có như vậy may ra chủ trương kia mới vào được cuộc sống
Đọc 7 nhóm giải pháp do Chính phủ nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, người đọc bình thường không thể coi đây là nhóm giải pháp tầm Chính phủ nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của đất nước; văn bản Nghị quyết của Chính phủ tiếp tục dừng lại như một thứ văn bản với những câu chữ, chung chung, sáo mòn…
Xin nêu ví dụ vền nhóm giải pháp 1:
“Một là, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.”
Không thể coi đoạn văn trên là tổ hợp các giải pháp quản lý tầm Chính phủ mà đây cũng chỉ là định hướng chung chung; thậm chí có thể coi là một cách “nói lồi” kiểu dân Nghệ…Trong khi đó người dân đòi hỏi Chính phủ phải đề ra các giải pháp cụ thể, khả tín, nhìn thấy được; vì đây là nhóm giải pháp chủ yếu để qua nó người dân bình thường và các cơ quan, đầu mối Chính phủ hiểu trong năm 2012 Chính phủ sẽ bắt tay vào việc gì trước, việc gì là sau, việc gì là ưu tiên, việc gì là rốt ráo?
Ví dụ để ổn định kinh tế vĩ mô dứt khoát không tăng gia mặt hàng A, B, C, D…; sẽ rà soát kỹ càng các dự án đầu tư công của các loại A, B,C, D, gia tăng sự kiểm soát để tránh thất thoát, lãng phí, tham ô, tham những ở các lĩnh vực A,B,C,Đ… để xem cái nào cần triển khai, cái nào thấy chưa cần thiết thì phải cho dừng hoãn để cân đối chính sách tài khóa.v.v. Còn năm nào mà Chính phủ chẳng “tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu” mà rồi có kiểm soát được đâu ? Thế thì viết ra để làm gì? Người viết bài này là dân ngoại đạo về lĩnh vực này nhưng hiểu rằng đã là nhóm giai pháp thì phải có các gạch đầu dòng A, B, C, D…
Đọc các nhóm giải pháp 2,3,4,5 thấy cũng rưa rứa như nhóm giải pháp 1: chung chung, không có gì cụ thể, không hề thấy “mùi vị” quản lý của một văn bản hệ thống giải pháp tầm Chính phủ; ở đây khi Chính phủ ban hành ra một Nghị quyết thì không phải để mục đích đăng báo, để yên dân mà chủ yếu là để ra nhiệm vụ, và yêu cầu các cấp thừa hành phải bắt tay theo chức trách nhiệm vụ được giao. Nếu đọc văn bản Nghị quyết của Chính phủ sẽ không thấy trách nhiệm, phạm vi quyền hạn cúa các Bộ quản lý chuyên ngành đến đâu để nếu họ không động binh, nếu họ trễ nải thì sẽ bị kỷ luật gì? Viết như văn bản nghị quyết vừa nêu thì các bộ, ngành sẽ thấy chẳng liên quan tới mình, văn bản ban hành ra chỉ để đọc cho vui, vô bổ, vô hại, vô ích…
Điều tệ nhất đó là nhóm giải pháp thứ 6, xin trích ra tại đây để bàn:” Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.”
Xin nêu bài học lịch sử giải phóng miền nam năm 1975, để tạo bước ngoặt chiến tranh, Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương, Hội đồng tướng lĩnh đã họp bàn hàng tháng tìm giải pháp chiến tranh: chọn mũi đột phá nào để mở màn chiến dịch, cuối cùng quyết định đánh vào Buôn Ma Thuột…Để mở được đột phá khẩu này thì Bộ Tổng tham mưu phải điều quân, cài thế, nghi binh như thế nào để đánh lừa đối phương; sau khi bài binh, bố trận, dàn quân xong mới nổ súng và kết quả chiến trường đã diễn ra đúng như bàn thảo, dự đoán. Đạt được thành công là do Bộ tham mưu đã biết vạch ra hàng loạt giải pháp quân sự hữu hiệu, chính xác…
Trong khi Hội nghị Trung ương XI đưa ra các kết luận nặng nề, mang tính cấp báo về tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên do tham nhũng:” Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu…”
Trong báo cáo của TBT thậm chí còn nêu ra các biện pháp cụ thể:”Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm…”
Trong khi đó thì Ban cán sự Đảng Chính phủ là một đầu mối trực thuộc sự quản lý của Ban chấp hành trung ương; Đảng bộ Chính phủ có tới 4 ủy viên Bộ chính trị, trong đó Thủ tướng là ủy viên thường vụ thì lại đề ra rất chung chung, sơ sài hơn các báo cáo của Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị; về cái gọi là 7 nhóm các giải pháp thì chỉ toàn là các nội dung chung chung, mang tính chất hô hào trong khi đó thì về nguyên tắc pháp lý: đã là nhóm giải pháp thì phải chứa đựng các nội dung mang tính kỹ thuật quản lý chuyên sâu tầm chính phủ?
Về cái gọi là nhóm giải pháp thứ 6 trong văn bản Nghị quyết của Chính phủ là nhóm giải pháp cẩu thả, tệ hại nhất trước một vấn đề liên quan tới sự sống còn của chế độ như báo cáo của TBT nêu; Nhóm giải pháp thứ 6 này vẫn dừng lại những câu chữ chung chung, sáo mòn thậm chì còn chung chung, sơ sài, nhiều nội dung quan trọng còn bị né tránh, lược lẩn đi so với báo cáo của TBT Nguyễn Phú Trọng và 3 kiến nghị của Bộ Chính trị đã nêu.Thành ra đọc văn bản Nghị quyết của Chính phủ thấy trước đó TBT và Bộ Chính trị hô, kêu gào, vò đầu bứt tai về những tồn tại trong Đảng, trong bộ máy công quyền; cán bộ đảng viên, nhân dân hy vọng những điều trong Hội nghị Trung ương XI khai mạc ngày 26/12 sẽ được 4 ông Bộ chính trị cùng tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ, các thành viên Chính phủ chụm đầu lại, cụ thể hóa ra bằng các biện pháp, giải pháp mang tính giải pháp quản lý để cứu Đảng, cứu nền kinh tế, cứu dân? Nhưng không, có vẻ cái hơi nóng của các vấn đề đặt ra tại Hội nghị Trung ương XI khai mạc ngày 26/12/2011 khi đến sân Chính phủ thì mọi chuyện lại được làm nhẹ đi, bay hơi đi, bật tường trở lại…
Từ Số 1 Hùng Vương sang tới số 1 Bách Thảo, cách nhau mấy trăm mét mà những điều bức xúc do TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị nêu đã giảm nhiệt, bay hơi đi gần hết? Vậy thì sức mạnh của Đảng còn không? Ý chí của Đảng còn không? Sự đoàn kết nhất trí trong Đảng còn không ? Hay Đảng nói để an dân còn làm hay không là chuyện của Chính quyền, chính phủ?
P.V.Đ.
P.V.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét