Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Việt Nam: Bắt đầu một chuyển đổi kinh tế mới?

Đoàn Hồng Quang - Diễn đàn Đông Á

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

“… 2012 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Việt Nam. Đất nước này vẫn phải đối phó với một nền kinh tế quá nóng, và áp lực lạm phát vẫn là một đe doạ thật sự đối với sự ổn định kinh tế quốc gia. Lĩnh vực ngân hàng vẫn dễ bị yếu thế với thành phần những món nợ xấu ngày càng tăng, kết quả từ sự tăng trưởng tín dụng bất thường trong một thời gian dài”
Việc soạn thảo chính sách trên cơ sở đồng thuận là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, nơi những quyết định quan trọng được tập thể đưa ra.
Đồng thuận là sự cần thiết không chỉ cho việc đưa ra giải pháp của một viễn kiến đổi mới mà còn cho việc soạn thảo và tiến hành viễn kiến này. Đổi mới, quá trình cách tân kinh tế thành công nhất từ trước đến nay, đã chắc chắn không thể xảy ra được vào năm 1986 nếu không đạt được sự đồng thuận từ Đại hội Đảng lần VI.

Một loạt các sự kiện trong năm 2011 cho thấy rằng đã có được một đồng thuận quan trọng cho việc tăng tốc cải cách kinh tế. Sự kiện kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2011 là Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng Giêng, trong đó đã đưa ra chiến lược phát triển cho Việt Nam trong 10 năm tới. Như những kế hoạch trước, Chiến lược 2011-2020 do Đại hội Đảng thông qua chú trọng phần lớn vào việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, với mục tiêu trung bình GDP hằng năm từ 7-8% trong thập niên tới. Chiến lược này đặt mối quan tâm nhiều hơn về chất lượng tăng trưởng, bao gồm những mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô và những yêu cầu làm sáng tỏ hơn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tham vọng về mục tiêu số lượng tăng trưởng cho thấy đây là một sự tiếp nối hơn là một thay đổi căn bản so với những kế hoạc trước đấy.
.

Tuy nhiên đã có những sự kiện thay đổi quan trọng chỉ vài tuần lễ sau Đại hội. Vào cuối tháng Hai chính quyền đã đưa ra Nghị quyết 11, nhắm vào việc thái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô và giảm nhiệt một nền kinh tế đang quá nóng. Đặc biệt là nghị quyết này đã tìm cách giải quyết tỉ lệ lạm phát tăng cao, căng thẳng trong thị trường ngoại hối, tỉ lệ lãi suất cao và sự giảm sút của quỹ dự trữ ngoại tệ. Việc thi hành Nghị quyết 11 vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm 2011, và việc xem xét quá trình thi hành vẫn diễn ra liên tục. Nghị quyết 11 cho thấy một chuyển đổi dứt khoát từ tăng trưởng sang ổn định. Lần đầu tiên, có một văn bản chính thức của chính phủ hoàn toàn bỏ lơ khái niệm “tăng trưởng” trong những mục tiêu của mình. Sự trường tồn của nó báo hiệu một thay đổi quan trọng trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo Việt Nam.
Những dấu hiệu của một chuyển đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh tế đã trở nên rõ rệt hơn khi chính phủ mới lên nắm quyền vào tháng Bảy. Một số cuộc hội thảo từ những nhóm trọng điểm được tiến hành nhằm tạo điều kiện cho những đối thoại chính sách liên quan đến việc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam để tăng cường tính hiệu quả và cạnh tranh. Qua quá trình này, sự đồng thuận đã đạt được về những ưu tiên phát triển chiến lược của Việt Nam, nhận diện những khu vực quan trọng để đổi mới trong những năm tới. Sự đồng thuận này kêu gọi việc thay đổi mạnh mẽ trong ba khu vực: doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực tài chính và đầu tư công. Sự cần thiết cho cải cách cũng đã được ghi chú trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2011-2015, đã được Quốc hội phê duyệt trong tháng Mười một.
Theo sau những sự kiện này, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2011, với ước đoán tỉ lệ tăng trưởng GDP vào mức 5,8%. Ngành xuất khẩu làm việc rất tốt, tăng 33% bất chấp nhu cầu trên thế giới bi suy giảm. Tỉ lệ tăng trưởng GDP và xuất khẩu mạnh mẽ đã chiếm ưu thế trước việc cắt giảm quan trọng trong chính sách về tiền tệ và ngân sách, và tỉ lệ xuất khẩu mạnh của Việt Nam đã đóng góp đáng kể trong việc giảm thiểu thâm thủng mậu dịch và ổn định thị trường ngoại hối. Tỉ lệ lạm phát cũng chậm lại trong bốn tháng cuối năm, đa phần là nhờ việc thực thi Nghị quyết 11.
Việc thông qua Nghị quyết 11 và cụ thể là Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội cho thấy Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận trong việc tăng cường những cải cách thiên thị trường trong những khu vực cải cách “khó khăn”, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực tài chính và đầu tư công. Đề xuất đầy tham vọng vừa được đưa ra gần đây trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước do Uỷ ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp Quốc gia soạn thảo đã cho thấy bằng chứng rõ rệt hơn của sự đồng thuận này. Theo đề xuất này, khoảng 44% trong số 1300 doanh nghiệp nhà nước toàn phần còn lại sẽ được cổ phần hoá trong bốn năm tới.
Trong ngữ cảnh này, 2012 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Việt Nam. Đất nước này vẫn phải đối phó với một nền kinh tế quá nóng, và áp lực lạm phát vẫn là một đe doạ thật sự đối với sự ổn định kinh tế quốc gia. Lĩnh vực ngân hàng vẫn dễ bị yếu thế với thành phần những món nợ xấu ngày càng tăng, kết quả từ sự tăng trưởng tín dụng bất thường trong một thời gian dài. Cũng có những thử thách trong việc biến tầm nhìn Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội thành những hành động thiết thực. Kế hoạch này kêu gọi việc tái cấu trúc căn bản nền kinh tế, và trong khi nhiều người đồng ý với tầm nhìn của việc cải cách, công thức cho một hành động khả dĩ sẽ cần phải có thời gian vì chắc chắn sẽ có sự chống đối từ những nhóm lợi ích kinh tế vai vế.
Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo một chương trình hoạt động chi tiết cho chiến lược tái cấu trúc đầy tham vọng của mình. Dự tính rằng kế hoạch này sẽ được thông qua vào cuối quí đầu của năm 2012. Thời hạn này hơi mang tính tham vọng vì sự đồng thuận về các hành động cụ thể vẫn cần được xây dựng. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng có thể tăng tốc quá trình thực thi: trong khi nền kinh tế thị trường đã từng là một khái niệm không quen thuộc trong những thời điểm trước đây, giờ đây nó đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ đại đa số người dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào: