Pages

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Bộ mặt thật của Bắc Kinh: Lòng dân đã rõ, còn đảng?


Mới cách đây chừng một vài năm thôi, báo chí chính thức ở Việt Nam còn rất dè dặt khi đưa những thông tin trung thực về mối quan hệ bất cân xứng mọi mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay sự lấn lướt, bắt nạt Việt Nam của Trung Quốc trên Biển Ðông.
Khi Bắc Kinh xua 23,000 tàu cá xuống Biển Ðông, Hội Nghề Cá Việt Namgọi hành động này là “xâm lược.” (Hình: Tân Hoa Xã)
Vả lại, nếu báo chí Việt Nam có đưa tin, thì ngay lập tức, nếu “nhà nước ta” không nhắc nhở thì “nhà nước bạn” cũng tỏ ý không bằng lòng!
Một trong những ví dụ như vậy là khi những ngư dân Việt Nam lên tiếng về cách đối xử thiếu nhân đạo và trái luật pháp quốc tế của tàu hải giám, tuần tra trên biển Trung Quốc. Như đánh đập, cướp phá tài sản, ngư cụ… của ngư dân Việt Nam, lúc họ chạy vào trú bão tại quần đảo Hoàng Sa. (“Chuyện kể của những ngư dân trở về từ cõi chết,” VietnamNet).

Ông đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ, Tôn Quốc Tường, trong buổi họp báo ngày 6 Tháng Giêng năm 2010 tại Hà Nội, đã nhắc nhở, khuyên răn báo chí Việt Nam:
“Không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin.” (“Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Ðông, VietnamNet)!
Ngay cả những tin tức có thể tạo ra hình ảnh không đẹp về một “nước Trung Quốc đàn anh” như thực phẩm nhiễm độc, hàng hóa độc hại, kém chất lượng, những kiểu làm ăn gian dối, lừa lọc của thương lái, các công ty Trung Quốc… Báo chí cũng chỉ đưa tin ở mức độ vừa phải.
Nhưng bây giờ, ngay trên báo chí chính thức ở Việt Nam, người ta có thể thấy tràn ngập những “thông tin không thuận lợi” về Trung Quốc, và quan hệ Việt-Trung.
Nguyên nhân do chính từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, gây hấn.
Trung Quốc ngày nay không còn che giấu tham vọng độc chiếm Biển Ðông và ý đồ vươn lên bá chủ thế giới nữa.
Riêng với Việt Nam, Trung Quốc đã và đang nuốt dần Việt Nam bằng mọi thủ đoạn, trên biển lẫn trên đất liền, đã và đang kiểm soát, khống chế Việt Nam nặng nề từ chính trị, quân sự, ngoại giao cho đến kinh tế.
Trước thực tế đó, ngoại trừ một số ít bài viết lạc lõng, tiếp tục trơ trẽn ca ngợi tình hữu nghị Việt-Trung, khẳng định sự bền vững trong mối quan hệ giữa hai đảng, hai nước, báo chí “lề phải” không thể lảng tránh trách nhiệm/chức năng báo chí của mình. Ðó là phản ánh trung thực nhất, trong giới hạn có thể được, những gì đang diễn ra.
Và bên dưới những thông tin, bài viết, người đọc có thể cảm nhận thái độ, quan điểm của những nhà báo trong khi họ vẫn bị trói bởi cái “vòng kim cô kiểm duyệt” của nhà cầm quyền, và nỗi sợ hãi phải vượt qua.
Còn báo chí “lề trái” thì thoải mái. Từ các báo, đài lớn ở hải ngoại, các diễn đàn độc lập, trang blog cá nhân, các trang mạng xã hội với hàng triệu người Việt trong và ngoài nước tham gia… tin tức, tình hình đất nước được đăng tải, cập nhật nhanh chóng, phong phú, đa chiều, được bình luận, bàn tán… từng giờ từng phút.
Người Việt, bất kể đang sống ở đâu, nhân thân, quan điểm chính kiến như thế nào, nhưng nếu còn quan tâm đến chính trị, đến đất nước, thảy đều lo lắng trước diễn biến tình hình biển Ðông ngày càng trở nên căng thẳng. Và những hành động ngày càng quyết liệt từ phía Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích bình luận chính trị lẫn người dân bình thường đã phải nghĩ đến những cuộc xung đột võ trang sẽ xảy ra, không sớm thì muộn, và những kịch bản xấu nhất, có thể, cho Việt Nam.
Cũng có người đã so sánh Việt Nam hiện nay, khi đang phải đối diện với họa bành trướng từ phương Bắc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, tình hình còn tệ hơn, nguy ngập hơn cả thời nhà Nguyễn khi đối diện với âm mưu xâm lược của Pháp.
Một số văn nghệ sĩ, nhà thơ như Trần Mạnh Hảo, Ðỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh… đã lên tiếng bày tỏ tâm tư qua những bài thơ.
Một số trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước, kể cả những đảng viên cộng sản lão thành, công thần của chế độ, các cựu tướng lĩnh trong quân đội đã lên tiếng, bằng những bài viết, thư ngỏ, kiến nghị gửi tới nhà cầm quyền.
Mới đây nhất là thư ngỏ của 71 nhân sĩ, trí thức gửi tới Quốc Hội, lãnh đạo nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam cảnh báo tình hình nguy cấp của đất nước trước hiểm họa xâm lược của Trung Quốc và kiến nghị cần phải cải cách toàn diện về chính trị.
Trong Tháng Bảy, Tháng Tám vừa qua, người dân cũng đã tự phát tổ chức những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Sài Gòn, Hà Nội. Tiếp nối những cuộc biểu tình cùng mục đích đã từng nổ ra trong những năm 2007, 2008, 2011…
* Bộ mặt thật của Bắc Kinh đã lộ rõ
Lòng người dân Việt Nam đối với giặc bành trướng bá quyền phương Bắc từ ngàn đời xưa cho đến bây giờ như thế nào cũng đã rõ ràng.
Lòng dân là sức mạnh lớn nhất cho mọi chế độ nói chung và cho nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng. Ðặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam không có đồng minh thực sự và trước một kẻ thù vừa hung hăng, tàn bạo đồng thời thâm hiểm, thủ đoạn, đổi trắng thay đen như Trung Quốc.
Nhưng ý hướng của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam thì cả nhân dân Việt Nam lẫn thế giới vẫn chưa thật hiểu rõ.
Họ có thực tâm muốn bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước? Họ sẽ làm gì?
Nhân dân Việt Nam và thế giới, cho đến tận giờ phút này, đều không thể hiểu và tin tưởng được nhà cầm quyền Việt Nam.
Nếu nhìn từ các biện pháp, chính sách cụ thể cho đến chiến thuật, chiến lược lâu dài nhằm đối phó với nguy cơ bị lệ thuộc, xâm lăng về mọi mặt, từ đường lối ngoại giao, chính trị cho đến cách hành xử đối với người dân… Có thể thấy, nhà cầm quyền Việt Nam không/chưa có gì thay đổi. Thậm chí ngày càng bạc nhược trước kẻ thù và tàn tệ với nhân dân.
Chưa bao giờ trong suốt lịch sử cầm quyền hơn 6 thế kỷ, tính chính danh, vai trò và khả năng lãnh đạo đất nước của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại bị thử thách nặng nề như lúc này.
Trong nỗi bức xúc trước sự im lặng một cách không hiểu nổi của nhà nước, người Việt nhìn sang các quốc gia khác để cay đắng nhận ra nỗi bất hạnh của Việt Nam!
So với Việt Nam, ngay cả những quốc gia nhỏ bé yếu ớt nhất hoặc hà khắc bảo thủ nhất trong khu vực cũng xử sự đúng đắn hơn với nhân dân, với nước láng giềng Trung Quốc trong những tình huống tương tự. Hoặc có những thay đổi về đường lối chính trị, ngoại giao phù hợp hơn với tình thế.
Campuchia, quốc gia nhỏ yếu hơn Việt Nam nhiều lần, lại bị kẹp bởi cả hai “ông anh” Việt Nam và Trung Quốc, nhưng từ lâu, Campuchia đã không đi theo mô hình độc đảng của Việt Nam, Trung Quốc, không nhất nhất học theo Trung Quốc như Việt Nam.
Campuchia không có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Ðông, ngược lại, chính phủ Hun Sen lại bị các đảng đối lập cáo buộc là đã để mất đất vào tay Việt Nam khi cắm mốc biên giới đường bộ.
Áp lực của các đảng đối lập cộng thêm quyền lợi kinh tế to lớn cho Campuchia từ Trung Quốc đã khiến Thủ Tướng Hun Sen chọn đứng về phía Trung Quốc tại hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 45 vào Tháng Bảy, mặc dù chế độ của ông ta thường bị cho là do Việt Nam dựng nên.
Philippines, một nước cũng yếu hơn Việt Nam về quân sự nhưng vẫn cương quyết đối đầu với Trung Quốc trong vụ xung đột quanh bãi cạn Scarborough vừa qua.
Lần lượt các nhân vật lãnh đạo cao nhất, kể cả tổng thống của Philippines, đã lên tiếng bày tỏ quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ lãnh thổ, tố cáo chính sách hung hăng bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc với thế giới. Chính phủ Phillipines còn ráo riết tranh thủ sự liên minh với Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực, tích cực mua sắm vũ khí, đòi đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế…
Còn Miến Ðiện, quốc gia hà khắc nhất trong khu vực đã thay đổi, tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc và tiến hành những cải cách chính trị để tiến gần hơn với phương Tây và thế giới.
Có nghĩa là chính phủ của các quốc gia, dù khác nhau về thể chế chính trị, dù có lúc thế này thế khác, cuối cùng vẫn đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của chế độ.
Chỉ có nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng, câu giờ và tính toán cho quyền lợi của đảng và của chính họ!
Song Chi

Không có nhận xét nào: