Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

“Khoán 10” ở Đà Nẵng


Đà Nẵng không có bí quyết gì hết. Nếu có, bí quyết đó cũng chỉ nằm trong 2 chữ “đối thoại”. Có đối thoại mới tránh được những câu chuyện buồn ở Can Lộc Hà Tĩnh, diễn ra đúng 1 ngày trước khi Đà Nẵng “tự kiểm”

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc hôm qua đã dành lời khen mết mực chân thành cho Đà Nẵng, cho ông Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng là một trong những địa phương đưa ra các sáng kiến và thực hiện những thử nghiệm đổi mới trong nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như trước đây khoán sản phẩm ra đời từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng.Tôi nghĩ sẽ không quá lời- ông Lộc nói thêm.

“Thế giới cũng như cả nước và nhất là cộng đồng doanh nghiệp đang rất muốn quan sát xem ông Thanh, ông Chiến sẽ còn tiếp tục đưa ra những sáng kiến gì ở Đà Nẵng. Người ta luôn theo dõi sát những bước đi, những sáng kiến, những đột phá của Đà Nẵng và rất hy vọng TP này sẽ tiếp tục sung sức với tư cách là một nơi thử nghiệm, nơi sáng tạo những mô hình đổi mới quản lý; tiếp tục tạo nên động lực cải cách cho cả nước, đặc biệt là trong cải cách hành chính”.
Sở dĩ phải trích dẫn dài dòng như vậy bởi vị thế của người khen tặng là rất khách quan, cho dù được phát biểu tại một hội thảo “mổ xẻ” nguyên nhân dẫn đến việc tụt hạng PCI năm 2011 của chính Thành phố này . Bởi quan trọng hơn, đó cũng là những gì người dân, không chỉ ở Đà Nẵng, suy nghĩ và kỳ vọng ở Đà Nẵng, ở Nguyễn Bá Thanh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải là cái gì quá xa vời. Nói giản dị thì PCI chính là môi trường cho kinh tế dân doanh, là sự công bằng trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai; là sự tối giản các “chi phí không chính thức”; là sự năng động, tiên phong và minh bạch từ phía quan chức chính quyền. Tất cả những điều này tạo ra một môi trường sống mà sự “đáng sống” tỷ lệ thuận với điểm số PCI.
Có một câu chuyện tưởng như “ngoài lề” liên quan đến con số các vụ khiếu tố đất đai. Trong suốt quá trình thi hành luật Đất đai 2003, gần 94.000 hộ dân phải di dời để thực hiện các dự án. Nhưng ở Đà Nẵng, chỉ có 400 vụ phải giải quyết thông qua các quyết định giải quyết khiếu tố. Số hộ di dời nhiều nhất nhì cả nước. Trong khi đó, con số 400 vụ khiếu tố chỉ bằng 1/30 so với tỉnh phải giải quyết khiếu tố nhiều nhất (12.500 vụ).
Dù Đà Nẵng còn nhiều vấn đề, chẳng hạn “tình trạng cán bộ chính quyền lợi dụng quy định riêng của địa phương để trục lợi”, hay sự nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN được tự Đà Nẵng đánh già là “còn khá phổ biến”. Hay việc DN phải trả hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Hoặc việc gia tăng tỷ lệ DN phải trả “chi phí không chính thức”…Nhưng rõ ràng, đang hiển hiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa một bên là chính quyền, một bên là DN và nhân dân.
Đà Nẵng không có bí quyết gì hết. Nếu có, bí quyết đó cũng chỉ nằm trong 2 chữ “đối thoại”, nói như ông Nguyễn Bá Thành là “Cứ thật lòng thành tâm đối thoại, lỡ có nói hớ một tí thì họ cũng đại xá”. Có đối thoại, tức là để cho người dân, DN được quyền nói, có lẽ chính quyền mới biết “DN sống chết ra sao”, mới hiểu được dân nghĩ gì, oan ức gì. Có đối thoại mới tránh được những câu chuyện buồn ở Can Lộc Hà Tĩnh, diễn ra đúng 1 ngày trước khi Đà Nẵng “tự kiểm”.

Không có nhận xét nào: