Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Việt Nam Tuần Qua


Cả nước Việt Nam chấn động trước tin ông Nguyễn Đức Kiên, một trùm đầu tư ngân hàng, một ông bầu đầy uy thế của bóng đá Việt Nam bị bắt giam, khởi tố.
AFP file photo
Tổng giám đốc tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên.
Sự việc bắt đầu gây xôn xao dư luận từ tối thứ Hai 20 tháng 8, nhưng mãi đến sáng thứ Ba vẫn còn trong trạng thái “nửa tin nửa ngờ”. Lý do đơn giản là không ai có thể tin ngay được khi một đại gia thuộc hàng giàu nhất Việt Nam, có quan hệ thân thiết với gia đình đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại bị công an “sờ gáy”.
Cũng như một số cơ quan truyền thông khác, Đài Á Châu Tự Do nhận được tin báo từ trong nước vào khuya ngày thứ Hai 20 tháng 8 nhưng không thể nào kiểm chứng ngay được; vì ngay cả các nhà báo trong nước cũng tỏ ra rất dè dặt trước các thông tin “nhạy cảm” này.
Chắc có lẽ rút “kinh nghiệm xương máu” từ vụ án Năm Cam trước đây, báo chí trong nước mãi đến ngày hôm sau, sau khi dòng tin về vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên được website chính phủ đăng tải, thì mới bắt đầu vào cuộc.

Về mặt chính thức, ông Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan an ninh thuộc Bộ Công An đến khám nhà và bắt tạm giam vì hành vi “kinh doanh trái phép”.
Tuy nhiên, về phần mình ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định với các nhân viên điều tra là: “Tôi luôn chấp hành pháp luật…”.

Hệ quả việc thiếu giám sát quyền lực

000_Hkg7732293-250.jpg
Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại một sự kiện bóng đá tại Hà Nội vào ngày 16 Tháng 2 năm 2012. AFP photo
Nhận định về vụ công an Việt Nam đến nhà đọc lệnh bắt giam và khởi tố nhà tài phiệt thuộc hàng giàu có và nhiều ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là hệ quả việc thiếu giám sát quyền lực trong cơ chế quản lý kinh tế tại Việt Nam.
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, một ngày sau vụ “Bầu” Kiên bị bắt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Theo tôi, kết luận rút ra chắc chắn không phải chỉ là bản án nào đó đối với ông Kiên mà kết luận quan trọng hơn rất nhiều tức là: Việt Nam cần phải cải cách thể chế một cách rất là nghiêm chỉnh, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực. Bất kỳ quyền lực ở một cấp nào cũng phải có sự giám sát và thực hiện công khai minh bạch, thực hiện quyền giám sát của người dân và thực hiện xét xử một cách độc lập theo pháp luật của các cơ quan tư pháp.
Bất kỳ quyền lực ở một cấp nào cũng phải có sự giám sát và thực hiện công khai minh bạch, thực hiện quyền giám sát của người dân và thực hiện xét xử một cách độc lập theo pháp luật của các cơ quan tư pháp.
TS Lê Đăng Doanh
Tôi nghĩ đó là những điều rất cần thiết để có thể xây dựng một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ công khai minh bạch của dân do dân vì dân và giám sát hệ thống tài chính ngân hàng.”
Quan điểm của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nhận được sự chia sẻ của cách chuyên gia kinh tế trong nước.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu phát triển IDS cho rằng:
“Việt Nam đang theo mô hình Tư bản chủ nghĩa man rợ. Vai trò nhà nước trong Chủ nghĩa tư bản phát triển ở thời gian đầu nó rất lộn xộn. Lúc đó nhà nước, công đoàn, người lao động họ đấu tranh và dần dần xảy ra như cuộc khủng hoảng vừa rồi. Tôi nghĩ nhà nước cần phải tăng cường vai trò giám sát, vai trò làm cho minh bạch như thế nào đó để không có những người có khả năng khuynh đảo như vậy.”
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, vụ “Bầu” Kiên cho thấy các hoạt động ngân hàng – đầu tư – tài chính tại Việt Nam cần phải được giám sát kỹ hơn để tránh bị lũng đoạn:
“Dù sao về danh tiếng thì ông ấy là một nhân vật chính của ACB vì vậy khi nói tới ACB thì người ta gắ n với tên tuổi của ông ấy và vì vậy khi ông ấy bị bắt có thể ảnh hưởng tới danh tiếng hoạt động của ACB và điều đó đòi hỏi một sự giám sát mạnh mẽ hơn và nhất là tính minh bạch phải cao hơn của hệ thống ngân hàng cũng như của các doanh nghiệp lớn liên quan đến ngân hàng hiện nay.”

Hoang mang cho giới đầu tư, ngân hàng

000_Hkg7734056-250.jpg
Các nhà đầu tư chứng khoán theo dõi giá cổ phiếu tại Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB) của sàn giao dịch chứng khoán tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 8 năm 2012. AFP photo.
Về ảnh hưởng nhất thời, vụ “Bầu” Kiên bị bắt đã ngay lập tức gây ra những phản ứng tiêu cực đối với thị trường đầu tư – thái chính Việt Nam.
Các chỉ số chứng khoán tại cả hai sàn giao dịch Hà Nội và Sài Gòn đã đồng loạt giảm giá, gây không khí hoang mang cho giới đầu tư cũng như những người có tiền gửi trong các hệ thống ngân hàng do “Bầu” Kiên nắm cổ phần.
Về phản ứng quốc tế, tường thuật vụ công an Việt Nam bắt giam “Bầu” Kiên, các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài cho chạy các dòng tựa lớn như “Một nhà tài phiệt tại Việt Nam bị bắt giam”, “Một đại gia ngân hàng Việt Nam bị bắt”, “Dư luận Việt Nam bị sốc trước tin công an bắt giam một nhà tài phiệt nhiều ảnh hưởng”, “Chứng khoán Việt Nam tụt dốc không phanh sau vụ công an bắt giam một nhà tài phiệt ngân hàng”, “Nền kinh tế tài chính Việt Nam đang đối diện với một khúc quanh mới”, v.v….
Các hãng thông tấn quốc tế có văn phòng tại Hà Nội đi loan tin này cũng không quên nhắn đến mối quan hệ thân thiết giữa “Bầu” Kiên với gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; theo đó ông Nguyễn Đức Kiên đã từng có lúc đề bạt những cương vị lãnh đạo quan trọng dành cho con gái của Thủ tướng Dũng là cô Nguyễn Thanh Phượng.
Vụ Bầu Kiên bị bắt giam và khởi tố mà nhiều người ví von là vụ “Năm Cam thứ 2” tại Việt Nam đã trôi qua được đúng một tuần, và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tình tiết được báo chí và dư luận khai thác, trong đó tất nhiên phải kể đến các mối quan hệ của “đại gia” này với các giới chức lãnh đạo Việt Nam.
Và cũng mới chỉ một tuần, nhưng đã có nhiều đồn đoán cho rằng, cũng như vụ Năm Cam năm nào, không thể loại trừ yếu tố chính trị nội bộ trong vụ án “Bầu” Kiên.
Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào giờ này tuần sau!

Không có nhận xét nào: