Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Hình khiêu dâm: trách nhiệm toàn dân?



Bìa đĩa ca nhạc cho trẻ em in quảng cáo khiêu dâm
Đĩa ca nhạc cho trẻ em in quảng cáo khiêu dâm thuộc trách nhiệm của địa phương?
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều băng đĩa ca nhạc cho thiếu nhi in quảng cáo khiêu dâm trên vỏ đĩa, thường ở dạng nhắn tin tới số điện thoại để tải “ảnh nóng” hoặc “bí kíp yêu đương”, và in cả ảnh phụ nữ ăn mặc hở hang.
Trả lời phỏng vấn của BBC về vấn đề trên, cục phó cục Nghệ thuật Biểu diễn, bộ Văn hóa nói, trách nhiệm thuộc đơn vị cấp phép.

“Tuy nhiên trong thời gian qua cũng có một số sản phẩm cho trẻ em không phù hợp về nội dung cũng như lứa tuổi của các em. Để khẳng định xem đây có phải là băng lậu hay không chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời một cách cụ thể sau.”
Ông Phạm Đình Thắng cho biết, cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các sản phẩm băng đĩa cho thiếu nhi là từ cấp tỉnh, địa phương, còn bộ Văn hóa chỉ cấp phép cho các chương trình do các đơn vị tổ chức trung ương, nên “chúng tôi đang tiến hành thống kê tất cả cái đó.”

Đại diện của cơ quan quản lý băng đĩa cũng nói rằng, về nguyên tắc, bất kể sản phẩm văn hóa nào cho mọi lứa tuổi mà không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì đều bị thu hồi.
“Còn nếu là sản phẩm băng đĩa lậu thì đương nhiên họ vi phạm. Quy định là phải thông qua một cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa để kiểm duyệt và cấp phép cho các sản phẩm đó.
Còn khi họ không xin mà họ tự phát hành và tung ra thị trường thì đó là họ vi phạm.”
Tuy nhiên, phía cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng các đĩa có in quảng cáo khiêu dâm là đĩa lậu.
“Tôi nghĩ những cái đĩa đó là in lậu, vì không có một quốc gia nào, một chế độ nào lại cho in những băng đĩa vi phạm thuần phong mỹ tục của cái chế độ đó.
“Chắc chắn là các sản phẩm này là vi phạm pháp luật, và phải xử lý, phải ngăn chặn, phải nghiêm trị,” ông Nguyễn Trọng An, cục phó cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nói.

Trách nhiệm của ai?

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý và xử lý thuộc về ai, địa phương hay bộ, ông Thắng nói trách nhiệm của các đơn vị:
“Nếu đơn vị nào phát hiện ra mà những sản phẩm đó của tỉnh nào cấp thì tỉnh đó chịu trách nhiệm.
"Nhưng trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn, cha mẹ các em phải hiểu được nội dung của những sản phẩm đó, và để tạo thành định hướng thẩm mỹ cho các em."

"Việc quản lý băng đĩa độc hại thì chúng tôi cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như trách nhiệm của toàn dân."
Phạm Đình Thắng, cục phó cục Nghệ thuật Biểu diễn
Ở phần cuối của cuộc phỏng vấn, cục phó cục Nghệ thuật Biểu diễn nói “các sản phẩm văn hóa dành cho lứa tuổi trẻ em, và cả phim, ảnh rồi các cái sản phẩm băng đĩa thì được toàn xã hội quan tâm chứ không chỉ riêng một mình bộ Văn hóa, và chúng tôi nhận thức rằng tất cả những cái này là vấn đề rất cấp thiết và quan trọng.”
“Việc quản lý băng đĩa độc hại thì chúng tôi cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như trách nhiệm của toàn dân.”
Ông Nguyễn Trọng An lại cho rằng, quản lý văn hóa ở Việt Nam còn lỏng lẻo, và những sản phẩm văn hóa không phù hợp có ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em.
“Cụ thể là các vụ bạo lực xâm hại trẻ em trong những năm gần đây chưa có xu hướng giảm, và trẻ em là nạn nhân của các vụ này có xu hướng gia tăng.
“Cần có sự quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh hơn các ấn phẩm có các hình ảnh khiêu dâm hoặc bạo lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý băng đĩa trên thị trường, quản lý giao dịch thông tin qua internet hoặc qua nhắn tin điện thoại.
Tuy nhiên, khi BBC hỏi việc phim ảnh đang bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, còn băng đĩa lậu thì lan tràn, và liệu có cách quản lý, kiểm soát nào hiệu quả, ông Phạm Đình Thắng nói “băng đĩa lậu trên thị trường là vấn đề rất nhức nhối của cơ quan quản lý. Chúng tôi cũng đang có rất nhiều chương trình phối hợp với các sở văn hóa và các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm duyệt, hạn chế băng đĩa lậu.”
“Còn nội dung mà do các cơ quan quản lý địa phương mà cấp phép kiểm duyệt thì tôi cho là sẽ không vi phạm vì có những quy định rất cụ thể về các sản phẩm văn hóa, băng đĩa, cụ thể là băng đĩa cho lứa tuổi trẻ em.”

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Nguyễn Trọng An phân tích, trẻ nhỏ còn nghe lời cha mẹ, hoặc cha mẹ có thể uốn nắn, song ở độ tuổi vị thành niên các em rất hiếu động, tò mò, và hay bắt chước, học theo nhau.
Vì thế cần đến bốn điều để có thể bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng của văn hóa phẩm “đồi trụy” là: giáo dục từ trong gia đình, giáo dục từ nhà trường, tuyên truyền từ xã hội, và đặc biệt là pháp luật.
“Hệ thống pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải rất đồng bộ mới quản lý được các sản phẩm văn hóa, thì ở Việt Nam chưa làm tốt việc này.”
"Chẳng hạn như cảnh báo các cảnh bạo lực trong phim để trẻ em dưới 16 tuổi hay 18 tuổi không được xem thì vấn đề này chúng ta chưa làm được, chứng tỏ là quản lý về văn hóa ở Việt Nam cần phải nâng lên."
Ông An cũng nhấn mạnh, đó là trách nhiệm của ngành mà nhà nước giao cho quản lý về vấn đề văn hóa, trong đó có văn hóa của trẻ em.
Theo truyền thông trong nước đưa, các loại đĩa cho thiếu nhi in quảng cáo phản cảm này có hai loại khác nhau, loại giá rẻ 10.000 đồng bán dạo ở các chợ hoặc bên đường, và loại giá 20.000 đồng bán cả ở các quầy hàng ở Saigon Square, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lúc chờ có câu trả lời cụ thể, Cục nghệ thuật biểu diễn khuyên các phụ huynh nên cẩn thận khi mua băng đĩa cho con, đặc biệt là không nên mua đĩa ở ngoài lề đường.

Không có nhận xét nào: