Pages

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Nhân cách cao đẹp và tiểu nhân bỉ ổi


Le Nguyen (Danlambao) - Cung cách ứng xử của những người có nhân cách cao đẹp với bọn tiểu nhân bỉ ổi có nhiều khác biệt, rõ nhất là những cá nhân có nhân cách lớn dù đối địch, dù không cùng chiến tuyến họ cũng không thể nào có những lời nói hành động đi xa hơn giới hạn đạo đức, lương tâm cho phép nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản những người “phò đảng”có tư tưởng tự do, phóng khoáng thậm chí mạnh miệng chống xấu ác không khoan nhượng bị đảng “hỏi thăm” chưa qua luật pháp xét xử đã bị các tên đã từng là đồng chí hôm trước, hôm sau trở giọng “bề” hội đồng với ngôn từ mà những người có đầu óc tỉnh táo lương thiện nghe qua “ớn lạnh”không tránh khỏi chạnh lòng, cảm thương cho họ như những dòng chữ cạn tình dưới đây:
“…Cái mà blogger đen Phạm Viết Đào đã viết thời gian qua, không phải văn chương nho nhã mà sặc mùi phản động, xuyên tạc, vu cáo chống lại chính quyền, chống lại nhân dân Việt Nam.
 
… Được những bạn “chung chí hướng” bày tỏ, được những kẻ phản động kích hoạt, hoan hô, ca tụng nên Phạm Viết Đào đã sửa lại nanh vuốt, tạo dáng “oai hùng” bước vào thế giới blog đen “chiến đấu”…
 
…Phạm Viết Đào, tên bồi bút cho những kẻ phá hoại an ninh, hòa bình, chống phá lại thành quả của nhân dân để lợi cho ai và anh sẽ được gì? Thật đáng tiếc thay! Những kẻ quá cuồng ngông, vọng tưởng… đến mức điên rồ! (1)
 
…tiếc thay đó là con đường đi vào tù đày, bại hoại tư tưởng lẫn thể xác mà những người mắc bệnh “hoang tưởng” như Đào không bao giờ nhận ra…
 
… ông thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung tuyên truyền chống đối nhà nước, xuyên tạc chủ trương, chính sách của đảng, Chính phủ, tung hỏa mù dư luận và gây mất ổn định chính trị…
 
Ông quen đem cái giọng “thanh tra” vào văn chương nhưng lại quên mất một điều quan trọng là để làm được điều này cần phải có cái đầu thật tinh tế! Nhưng ông lại không có điều đó, vậy nên nó làm cho bài viết của ông trở nên lố bịch và kịch cỡm đến mức Đông La đổi tên Đào thành “Phạm Viết Bừa, Phạm Viết Đần” còn Nguyễn Văn Minh nói Đào là “đã dốt còn nguy hiểm.(2)
 
 
Đó là những hình ảnh câu lời, câu chữ của những kẻ một thời là “đồng chí” dành cho ông Phạm Viết Đào, nguyên đảng viên đảng cộng sản từng là bộ đội chiến đấu tại mặt trận khu 4, từng công tác tại vụ điện ảnh, từng làm thanh tra, từng giữ chức trưởng phòng thanh tra của bộ văn hóa… từng là hội viên hội nhà văn, nhà báo Việt nam…
Có lẽ cư dân mạng không lạ với các bloggers Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất đã bị bắt cùng với một số chủ trang blog nổi tiếng công khai danh tính trong nước chưa bị bắt. Ai cũng biết quan điểm, lập trường của Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất thể hiện khá rõ qua các bài viết, là mang khát vọng hướng thiện chống ác, tuy có phê phán gay gắt những lạc hậu yếu kém của chủ trương chính sách nhà nước, những thói hư tật xấu, suy thoái đạo đức lối sống của lãnh đạo các cấp của đảng cộng sản nhưng cả hai đều thể hiện lòng trung thành, không thấy có mục đích lẫn động cơ chống phá, lật đổ chế độ hiện hành. Trên hết trước hết, họ chỉ muốn làm trong sạch, chỉnh đốn đảng cho tốt hơn để đảng tiếp tục lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Tội nghiệp Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào cứ tin tưởng đảng là đạo đức, là văn minh… với quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt chính kiến… có ghi trong luật pháp hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam… rằng thiện chí của mình sẽ được tiếp thu, cống hiến của mình sẽ được lắng nghe, ghi nhận nhằm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ mà họ đã từng đồng cam cộng khổ, đã từng một thời đi cùng. Thế nhưng Đào, Nhất đã lầm vì chưa hiểu hết bản chất cộng sản và chưa sẵn sàng “cam lòng” chấp nhận sự thật nham hiểm, xảo quyệt quá đỗi phũ phàng của cộng sản, vì tưởng rằng với nhiệt tình lẫn trí tuệ của mình có thể làm đòn xoay giúp cho đảng, chế độ thay đổi tốt đẹp hơn!
Thật ra không chỉ riêng Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất mà tất cả những ai tin theo, nghe theo, làm theo cộng sản đều là sai lầm chết người bởi với cộng sản không có chỗ cho những con người có khí phách đầu đội trời chân đạp đất, tất cả đều sẽ bị nghiền nát để trở nên hèn nhược trong bộ máy cường quyền phi nhân tính, phản dân tộc. Đào, Nhất cũng không phải là ngoại lệ, là phải bị nghiền nát nếu kiên cường thể hiện phẫn nộ, bất bình trước xấu ác khác ý “đồng chí” khác ý lãnh đạo và “tự phát” phẫn nộ, bất bình không theo chỉ đạo của đảng!
Có phải các ông Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân như đảng cộng sản ghán ghép?
Chắn chắn với những ai không phân biệt chính kiến, có cái đầu tỉnh táo hiểu đạo lý lẽ phải đều nói rằng không!
Tội của Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào có chăng là dám nói thẳng nói thật, dám chỉ ra thế lực phản động ăn hết phần của dân “lũ trọng phạm đang đục khoét đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ…”(3)dám biểu đạt chính kiến, dám thực hiện quyền tự do ngôn luận, đòi đảng nhà nước thực thi các quyền ghi trong hiến pháp và thi hành các cam kết với quốc tế như nội dung bài tham luận được nhà văn Phạm Viết Đào đọc tại buổi hội thảo “Tác Động Của Truyền Thông Xã Hội Lên Tác Nghiệp Báo Chí” có những đoạn chuyên chở tâm nguyện như sau:
“Chúng ta đang sống trong một đất nước, một thể chế mà ngay cả những con người bình thường nhất, ít phải chịu chức phận xã hội cũng rất hiếm cơ hội, điều kiện để bộc bạch, được chia sẻ với những người xung quanh những suy nghĩ thật lòng trên các phương tiện truyền tin đại chúng…
 
… Từ bé cho đến lớn, từ trẻ cho tới già khi bình bầu xếp loại thành viên của tổ chức bao giờ cũng có một mục, mục tự đánh giá về ý thức tổ chức, ý thức chấp hành kỷ luật của cái tổ chức mà anh tự nguyện hoặc buộc phải tham gia… trong khi đó thì ý thức chấp hành luật pháp lại không phải là thứ lúc nào cũng được đề cao, phổ cập…
 
… Việt Nam không có báo tư nhân, mỗi tờ báo kể cả báo điện tử đều là tiếng nói của một cơ quan cấp Bộ và Hội, đoàn thế có vai vế, tiếng nói, tôn chỉ mục đích đã được mặc định kể cả báo Nhân Dân có đề thêm vào tiếng nói của nhân dân cũng chỉ là để mang tính xã giao, hình thức, đãi bôi…
 
… Các hãng thông tin nước ngoài khi một tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó là thường tìm đến các blogger hơn là tìm đến những nhà báo, nhà quan sát chính trường có nhãn mác, bằng cấp và giấy phép hành nghề…
 
… Chúng ta có hệ thống hơn 800 tờ báo và Đài truyền hình trung ương đã được đầu tư từ nhiều nguồn trong đó có ngân sách nhà nước về trang thiết bị kỹ thuật… Thế nhưng có thể do những nét đặc thù của cơ chế quản lý, quản trị của hoạt động này nên chất lượng của công tác thông tin giúp cho khâu quản trị xã hội của nhà nước hiệu quả không cao, tác động vào dự luận xã hội còn hời hợt…
 
… Rất nhiều lần trực tiếp được mời lên yêu cầu giải trình các nội dung, quan điểm cũng như trách nhiệm hành chính (vì tôi là công chức) và trách nhiệm trước luật pháp về những thông tin tôi nêu về những vấn đề tôi viết ra… Tôi đã giải thích, tranh luận sòng phẳng, minh bạch rằng: những điều tôi viết ra không vi phạm 19 điều đảng viên không được làm vì tôi là đảng viên; Tôi không vi phạm luật pháp thông tin (Luật Báo chí và các văn bản có liên quan)…
 
… Các ông lập ra một trang mạng tạo cơ chế cho một diện hẹp nào đó được đọc, các ông quản lý để chúng tôi viết trình bày chính kiến của mình: Điều nào sai các ông phản bác, điều nào đúng để những người có trách nhiệm tiếp thu; chúng tôi cũng chỉ mong có thế, vì không có nơi vui vẻ tiếp nhận nên chúng tôi phải tung lên mạng, lên trời…”(4)
Qua bài tham luận nêu trên cùng với các bài viết thể hiện quan điểm trên blog Phạm Viết Đào cũng giống như blog Một Góc Nhìn Khác Trương Duy Nhất đã bị những kẻ từng là đồng chí hôm trước, hôm sau sử dụng văn ngôn hằn học, mắng mỏ mạt sát nào là “… vẽ lên nhiều bức tranh bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước… tội cho những kẻ ngông cuồng, vọng tưởng bị thất sũng… sặc mùi phản động, xuyên tạc, vu cáo chống lại chính quyền, chống lại nhân dân Việt Nam… làm bồi bút cho những kẻ phá hoại an ninh hòa bình, chống phá lại thành quả của nhân dân… làm mất ổn định chính trị, gây ra nguy cơ cho an ninh quốc gia… Thôi ngu thì ráng chịu! Ngông thì ráng chịu! Hám ô danh thì ráng chịu!…”(5)
Với cặp mắt khách quan cũng như theo công tâm phán xét thì quan điểm và phê phán của Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào thật sự cần thiết cho đảng chính trị cầm quyền chân chính của một nhà nước của dân do dân vì dân, làm tấm gương phản chiếu, làm sức bật cho đảng, nhà nước xây dựng, phát triển đất nước về hướng tiến bộ, văn minh. Thế nhưng hành động lên tiếng thẳng thắn mạnh bạo của “phản biện trung thành” Đào, Nhất lại như là “cái gai” khó chịu cho băng đảng mafia của một nhà nước man rợ và chính nhà nước man rợ này đã sản xuất ra đám người tiểu nhân bỉ ổi có cung cách ứng xử cạn tàu ráo máng, bất chấp đạo đức lương tâm đối với những con người đã từng là đồng chí, cùng đứng dưới “ảnh bác và cờ đảng”, chỉ vì không cam chịu làm thân phận cừu, làm công cụ nói theo loa đài của đảng…
Khác với nhà nước man rợ cộng sản này, Việt Nam đã từng có một nhà nước ở phía nam tổ quốc bị đảng cộng sản Việt Nam lên án là ngụy quyền, là tay sai bán nước… rất tàn ác, xấu xa phải được “giải phóng” và hôm nay lịch sử chỉ ra chế độ “tay sai bán nước” đó đã sản sinh ra những con người rất người như bản chất loài người vốn có như đại tá Hồ Ngọc Cẩn, người bị xử bắn sau cuộc chiến nói với những kẻ thắng cuộc xử bắn ông:
 
“…Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không hạ nhục các anh như các anh bôi lọ tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi…Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Các anh không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Không cần phải bịt mắt…”(6)
Lời cuối của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn “…Tôi không hạ nhục các anh như các anh bôi nhọ tôi…” có cơ sở khả tín bởi như kẻ nằm vùng phi công Nguyễn Thành Trung “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” ném bom dinh độc lập được cộng sản “tuyên xưng” anh hùng vẫn không bị chế độ, đồng đội Việt Nam Cộng Hòa trả thù hèn hạ, gia đình ông vẫn được đối xử đúng mực trong khuôn khổ luật pháp nhân bản được chính ông Nguyễn Thành Trung thố lộ trên báo lề đảng:
“…Trước khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng giải phóng để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều, nguy cơ lộ rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia đình tôi từng giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt ngay tức khắc.
 
Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị bắt, tình thế đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng việc mà tôi đã tính trước mười năm đến thời điểm này là không thể dừng.
 
Mặt khác, thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới năm tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán…”(7)
Cung cách ứng xử đó của chế độ và đồng đội Việt Nam Cộng Hòa không phải là cá biệt mà đã trở thành phổ biến trong đời sống của chế độ văn minh, nhân bản Miền Nam. Nhận xét này được củng cố qua lời nói của nguyên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói với cô bạn học của con gái ông, là con gái của ông Trương Như Tảng bộ trưởng Tư Pháp của Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam khi ông Tảng bị bắt giam:
 
“…Cháu yên tâm, ba cháu với bác là kẻ đối nghịch.. Nhưng, cháu luôn luôn được coi như là con cháu trong nhà nầy, chuyện kia không ăn nhằm gì cả…” (8) 
Chuyện ông Trương Như Tảng, người của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đối địch với Việt nam Cộng Hòa là câu chuyện dài nhiều tập, là một hình mẫu của loại mê cuồng, mù quáng bất kể chết quyết tâm theo đuổi lý tưởng cộng sản đến cùng, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, kể cả lời khuyên cụ thể của cha ông ta:
 
“…Con ơi, cha không thể nào hiểu được… Con đã bỏ tất cả gia đình êm ấm, hạnh phúc, giàu sang để theo bọn cộng sản… Rồi đây, chúng sẽ không trả lại cho con một chút gì so với những gì con đã hiến dâng… Rồi con sẽ thấy, chúng sẽ phản bội con và con sẽ đau khổ suốt đời…”(9)
Ông Trương Như Tảng cũng phải chờ đợi lâu, sau ngày cách mạng thành công, ngày Miền Nam được gọi là “giải phóng” trong một cuộc diễn binh mừng đại thắng mùa xuân trước Dinh Độc Lập (Thống Nhất), sáng 15/05/1975 ông Trương Như Tảng tìm đỏ con mắt vẫn không thấy các công trường, sư đoàn 5,7,9 …của miền đông Nam Bộ, của đồng bằng sông Cửu Long thuộc chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam nên nghiêng vai hỏi, được tướng Văn Tiến Dũng trả lời rằng: “Hả, mấy thứ đó hả… được bộ đội biên chế hết cả rồi…”(10)
Năm sau, tháng 06/1976 ông Trương Như tảng ra Hà Nội dự lễ phê chuẩn văn kiện hiệp thương thống nhất đất nước và trong buổi tiếp tân có người vỗ vai, ông Tảng quay lại thấy Trường Chinh, ông ta làm như xa lạ hỏi: “Tôi trông đồng chí có vẻ quen quen…” Dù một năm trước đó toàn bộ viên chức của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam đã được chào đón, chiêu đãi ngay chốn này có đầy đủ lãnh đạo Duẩn, Chinh, Đồng, Giáp… nhưng gặp lại họ làm như không quen biết. Không những thế ông Trường Chinh giống như tướng Văn Tiến Dũng lộ rõ bản chất đểu cáng của kẻ tiểu nhân bỉ ổi hiện lên trên khuôn mặt gian manh qua câu hỏi: “Thế à… thế tên là gì? Bây giờ đồng chí làm ở đâu?”(11)
Sự thật chiêu trò tiểu nhân bỉ ổi chỉ là một trong nhiều thói hư tật xấu chết người của những “đồng chí” trong đảng cộng sản khắp nơi trên thế giới đối đãi với nhau như trường hợp… Trương Như Tảng… Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… là rất bình thường không phải là chuyện lạ, nó đã ngấm vào tận thịt, da, máu, xương tim óc cộng sản. Có lạ chăng là tại sao chúng ta những nạn nhân của cộng sản Việt Nam lại cúi đầu cam chịu, còn chần chờ gì mà chưa chịu vùng lên làm cuộc đổi thay để những trò tiểu nhân bỉ ổi của chế độ man rợ cộng sản biến khỏi đời sống dân tộc Việt Nam cho hoa nhân cách cao đẹp nở rộ giữa lòng chế độ văn minh của đất nước Việt Nam ngày mai?
_________________________________
Chú thích:
1) Nguyentandung.org: Phạm Viết Đào Lạm Dụng Quyền Tự Do Dân Chủ Để Chống Phá Nhà Nước của Hoàng Đức Tâm.
2) Nguyen tan dung.org: PhạmViết Đào Là Ai? của Bạch Dương.
3) Blog Một Góc Nhìn Khác: Viết Sau Ba Cuộc Làm Việc Với Công An của Trương Duy Nhất.
4) Danluan: Tác Động Của Truyền Thông Xã Hội Lên Báo Chí của Phạm Viết Đào.
5) Những lời hay ý đẹp tiêu biểu của các “đồng chí” dành cho Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất.
6) Wikipedia: Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn của Việt Nam Cộng Hòa.
7) Báo Pháp Luật: Anh Hùng Nguyễn Thành Trung: Tiếc Vì Không Được Đánh Chìm 43 Tàu Địch Ở Hoàng sa của Trung Dũng – Minh Nguyễn.
8) Nguyệt San Việt Nam: Ba Cuốn Sách Không Đủ Một Nửa Sự Thật của Phan Nhật Nam.
9) Trương Như Tảng:Hồi Ký Trương Như Tảng, trang 260.
10) Trương Như Tảng: Hồi Ký Trương Như Tảng, trang 264.
11) Trương Như Tảng: Hồi Ký Trương Như Tảng, trang 286.

Không có nhận xét nào: