Nguyễn Lễ
BBC Vietnamese.com
Ai là ngôi sao đang lên trên bầu trời chính trị Việt Nam khi mà Đại hội Đảng chỉ còn cách chưa đầy hai năm?
Nhìn sang Trung Quốc, thế hệ lãnh đạo thứ năm vừa lên cầm quyền đã thấy thấp thoáng thế hệ thứ sáu mặc dù tám năm nữa mới đến kỳ bàn giao.
Còn ở Việt Nam, ngoài ông Nguyễn Bá Thanh được người dân Đà Nẵng ca ngợi nhưng đã mắc cạn ở Ba Đình thì tìm đỏ mắt cũng không thấy nhân vật triển vọng nào có thành tích nổi trội.Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa đã đi lên từ một địa bàn khó khăn phức tạp trong khi phó Thủ tướng Uông Dương chứng tỏ năng lực điều hành một trong những tỉnh năng động và giàu có nhất.
Luồng gió mới?
Chẳng lẽ Việt Nam đang lâm vào cảnh ‘nhân tài như lá mùa thu’?
Vẫn có mấy chiếc ‘lá xanh’ đang chờ đến lượt trong kỳ hội Đảng sắp tới: có thể kể đến các ông Nguyễn Thanh Nghị, phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Nguyễn Xuân Anh, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, và trong chừng mực nào đó là Lê Trương Hải Hiếu, phó chủ tịch Quận 1.
Tuy nhiên có khác Trung Quốc một chút là thành tích của các ông Nghị, Anh và Hiếu không mấy người biết nhưng cha các ông là ai thì ai cũng biết.
Điều khích lệ là cả ba ông đều còn rất trẻ, dưới 40, và đều có thời gian du học ở nước ngoài.
Ít nhất đây cũng là luồng gió mới thổi vào ban lãnh đạo Việt Nam vốn lâu nay vẫn trưởng thành dưới gầm trời của chủ nghĩa Mác-Lenin.
Tôi hiểu đây là nỗ lực của Đảng muốn nâng cấp cán bộ của mình lên để không còn bị hụt hơi khi bước ra trường quốc tế.
Hai ông Nghị và Anh gần như chắc chắn sẽ chính thức vào Trung ương khi chỉ mới 40 tuổi. Khi đã vào rồi thì hãn hữu lắm mới ra và một khi đã bám rễ sâu ở Trung ương thì chẳng lẽ lại không vào được Bộ Chính trị? Cũng không loại trừ khả năng nằm trong ‘tứ trụ triều đình’.
Trong khi đó Lê Trương Hải Hiếu chỉ mới 33, vẫn còn ngày rộng tháng dài để bắt kịp hai vị kia .
Đảng đã chọn mặt để gửi vàng thì chắc chắn có cái lý của Đảng. Tiếc là người dân không biết cái lý đó nên trong mắt họ chỉ thấy toàn ‘con ông cháu cha’.
Nếu các ông Nghị, Anh, Hiếu hoàn toàn là do khả năng của mình mà được thì quả thật các ông phải chịu oan ức vì gia thế của mình.
Cơ chế tai hại
Dẫu sao đi nữa nền chính trị con ông cháu cha không bao giờ là tốt.
Thứ nhất nó cho thấy một cơ chế đặc quyền đặc lợi mà đại đa số người dân bị gạt ra bên lề.
Thứ hai nó loại bỏ nhân tài của đất nước vì lẽ không phải tất cả người tài đều là con ông cháu cha.
Thứ ba nó để lọt vào hệ thống không ít người bất tài nhưng cơ hội vì lẽ người tài thì họ không muốn dựa hơi ông cha mà muốn đi lên bằng sức phấn đấu của mình.
Cuối cùng nó nuôi dưỡng sự bất mãn xã hội khi nhiều người phấn đấu cả đời cũng không với tới những gì mà người khác nghiễm nhiên có được.
Chưa kể nó còn tạo ra tâm lý buông xuôi nơi giới trẻ vì có cố gắng cách mấy cũng vậy mà thôi.
Nếu quả thật các ông Nghị, Anh và Hiếu tài năng xuất chúng thì sẽ là cái may cho Đảng và phước cho đất nước.
Nhưng cái cách mà các ông lên nắm những địa bàn mà thân phụ các ông có ảnh hưởng to lớn như thế thì liệu có chắc là không có sự tác động của ông cha?
Với lại, liệu có chắc rằng xã hội ngoài kia không có ai hoặc có rất ít người cùng trang lứa có tài năng và đức độ bằng hoặc hơn các vị này?
Không thuyết phục
Hơn nữa, trường hợp thăng tiến của các vị này lại có những chỗ không thuyết phục.
Làm sao một người mới về kinh nghiệm giảng dạy chưa bao nhiêu như ông Nghị đùng một cái trở thành hiệu phó một trường đại học? Làm sao một phóng viên như ông Anh bỗng chốc nhảy lên làm phó trung tâm xúc tiến đầu tư một thành phố lớn?
Nên nhớ là ông Nghị cũng từng đột phá vào Trung ương Đảng với tư cách ủy viên dự khuyết dù không được đề cử từ cơ sở mà được đưa vào danh sách bầu cử ngay tại Đại hội Đảng hồi năm 2011.
Nếu Đại hội thấy ông Nghị là người có tài nổi bật thì tại sao cơ sở Đảng vốn nắm rõ về ông nhất lại không biết hoặc không đề bạt? Còn nếu ông Nghị không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương như quyết định từ cơ sở thì tại sao Đại hội lại chọn?
Rõ ràng có cái gì đó không bình thường.
Còn ông Hiếu được chọn đi học nước ngoài bằng tiền của Nhà nước trong một chương trình của thành phố mà cha ông đang là lãnh đạo.
Điều này vi phạm một nguyên tắc tối kỵ là ‘xung đột lợi ích’.
Chẳng hạn ai đó làm giám đốc công ty này, công ty nọ trong một môi trường mà cha ông của họ chi phối hoàn toàn các chính sách và lợi ích kinh tế thì liệu họ có tận dụng những lợi thế đó hay không?
Ở Việt Nam hiện nay không ít những doanh nhân như thế. Họ có những thành tích kinh doanh siêu đẳng mà ai cũng phải ghen tỵ.
Để so sánh, hồi bà Hillary Clinton lên làm ngoại trưởng bên Mỹ thì chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton phải cam kết chấm dứt mọi hoạt động quyên tiền từ thiện.
Nói như thế để thấy rằng ở một đất nước dễ dãi như Việt Nam thì có khó gì chuyện ông cha dùng quyền lực để trải đường con cháu mình?
Quy hoạch
Mà hệ thống Việt Nam không chỉ dễ bị lợi dụng mà chính hệ thống đó còn tạo điều kiện cho tình trạng ‘con ông cháu cha’ ngay từ đầu.
Công tác cán bộ Việt Nam bắt đầu từ ‘quy hoạch’, tức là chuẩn bị nguồn cán bộ từ những người mới toanh chưa có thành tích hay kinh nghiệm gì nhiều.
Quy hoạch như thế thì liệu có lọt khỏi tay kiểu ‘con anh Sáu cháu chị Ba’? Tự thân những người chỉ có tài mà không có gốc thì liệu có cửa vào diện quy hoạch?
Nói gì thì nói khó mà phủ nhận gốc gác có vai trò quan trọng như thế nào trong việc xét người ở Việt Nam.
Mẫu xin việc vào các cơ quan nhà nước có bán đầy ở Việt Nam lúc nào cũng có một phần hỏi bản thân ứng viên và gia đình, gồm cả cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, làm gì trước và sau năm 1975 trong khi chỗ trình bày về khả năng và kinh nghiệm thì không có.
‘Làm gì trước và sau 1975’ có liên quan gì đến năng lực trong khi đất nước đã thống nhất được gần 40 năm?
Xét người như thế thì lý lịch anh nào càng đỏ thì cơ hội càng cao.
Điều này khác hoàn toàn người Mỹ. Đối với họ, những gì thấy được, đánh giá được mới tính.
Thế nhưng người Mỹ chẳng phải cũng có con ông cháu cha? Chẳng phải có Tổng thống Bush cha rồi Tổng thống Bush con?
Đành rằng sinh ra trong một gia đình có bề dày thì con cái cũng hưởng được sự giáo dục chuyên biệt và được ‘nhờ bóng’ uy tín của ông cha.
Nhưng không phải Bush cha muốn thì sẽ đặt được Bush con vào Nhà Trắng. Cựu Thống đốc Florida Jeb Bush, một thời là chính khách đang lên, có theo được gót cha và anh vào Nhà Trắng đâu?
Bản thân Tổng thống Bush con cũng phải trải qua hết các giai đoạn bầu cử khốc liệt mà ông phải vận dụng hết khả năng của mình để chiến thắng.
Phân tầng giai cấp
Ngày xưa Đảng đấu tranh để phá bỏ ‘xã hội phân chia giai cấp’ để mọi người, dù thấp cổ bé họng đến đâu, cũng đều bình đẳng.
Điều trớ trêu là cái xã hội mà Đảng dựng lên đó lại còn chẳng phân chia giai cấp gấp mấy lần cái xã hội mà Đảng đã phá bỏ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng đã từng nói trong Đảng ngày nay cũng có phân biệt giàu nghèo, rồi liệu cán bộ giàu có hiểu dân nghèo không?
Người đứng đầu Đảng nhận xét tình hình Đảng như thế thì chắc không sai. Xã hội hình thành một thượng tầng phần lớn là gia đình các cán bộ có quyền có thế.
Cuộc sống sung túc, ăn trắng mặc trơn, nhà lầu xe hơi, của chìm của nổi. Con cái đi học nước ngoài hoặc bằng tiền của gia đình hoặc bằng tiền thuế của dân. Khi về nước thì làm giám đốc công ty này công ty nọ đem về không biết bao nhiêu lợi nhuận hoặc nối gót ông cha ra làm quan ở những vị trí tốt để đảm bảo cơ nghiệp gia đình đời đời bền vững.
Người tài dù có giỏi đến đâu, có cố đến đâu cũng khó mà tạo dựng cho mình một chỗ đứng xứng đáng trong thượng tầng xã hội đó vì đơn giản cơ hội không dành cho họ. Trong khi đó người dân lao động cày bừa cả đời cũng không ngóc đầu lên nổi.
Đành rằng bất cứ nước nào, kể cả Mỹ, đều có kẻ giàu người nghèo. Nhưng ở các nước có tự do cạnh tranh, cơ hội trong chừng mực nào đó là bình đẳng với tất cả mọi người.
Cho nên mới có những câu chuyện về ‘giấc mơ Mỹ’, về những người tạo nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, từ rách rưới trở nên giàu có hay từ con số không trở thành người thành đạt.
Cho nên mới có một người da đen như ông Barack Obama không hề dựa vào của cải hay ảnh hưởng của ông cha mà chỉ bằng tài năng và sự phấn đấu của mình đã trở thành tổng thống.
Còn nhớ câu chuyện ông Philipp Roesler bên Đức, mặc dù ông rất tài giỏi nhưng nếu ở Việt Nam thì liệu một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa như ông có thể trở thành phó thủ tuớng được không?
Cơ chế như thế không chỉ làm lãng phí không biết bao nhiêu nhân tài của đất nước mà còn đưa vào hệ thống không ít kẻ ăn hại.
Mà một đất nước dù nghèo khổ đến đâu, dù thiệt thòi đến đâu, dù bị tàn phá đến đâu chỉ cần có người tài thì đất nước đó sẽ có tương lai.
Đó chính là lý do tạo nên nước Mỹ hùng cường như hiện nay khi mà người tài khắp thế giới tìm đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét