Pages

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Ký hiệp định quốc phòng với Philippines, Mỹ khẳng định chính sách xoay trục sang Châu Á

Tầu ngầm Mỹ USS Olympia tại cảng Subic Freeport, một cảng cũ của
 hải quân Hoa Kỳ, cách Manila 112.6 km về phía tây, 08/10/2012. Reuters
Đức Tâm
Sự kiện có tính biểu tượng cao trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang Châu Á -Thái Bình Dương là việc Hoa Kỳ và Philippines ký kết Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, cho phép gia tăng sự hiện diện của lính Mỹ trên quần đảo này.

 

Thỏa thuận này được đàm phán từ mùa hè năm 2013, có hiệu lực trong vòng 10 năm, bổ sung cho hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký từ năm 1951, trong trường hợp bị tấn công.
Trong nhiều thập niên của thế kỷ trước, Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự thường trực tại Philippines. Do bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực thay đổi và những bất đồng trong việc định giá thuê, các căn cứ này đã bị đóng cửa từ năm 1992. Thỏa thuận ký kết hôm nay sẽ cho phép binh sĩ, máy bay, tàu chiến Mỹ đồn trú tạm thời, luân phiên, tại Philippines. Một nguồn tin quân sự Philippines cho Reuters biết cụ thể hơn : Binh lính, tàu chiến, máy bay Mỹ có thể hiện diện tối đa là hai tuần, thời gian để quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính trong thời gian tới sẽ từng bước đưa tàu chiến, một phi đội F18s hoặc F16s cũng như các máy bay tuần tra biển tới Philippines.
Thỏa thuận cũng cho phép quân đội Mỹ lưu giữ tại Philippines các thiết bị, để phục vụ cho việc triển khai nhanh khi cần, nhất là trong trường hợp xẩy ra các thiên tai. Tuy nhiên, văn bản không cho phép Hoa Kỳ đưa vào Philippines các vũ khí nguyên tử hoặc thiết lập các căn cứ quân sự thường trực.
Trong khuôn khổ chiến lược xoay trục, tái cân bằng lực lượng ở Châu Á-Thái Bình Dương, từ giữa năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào lúc đó, ông Leon Panetta, đã cho biết, Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển 60% lực lượng hải quân sang Châu Á-Thái Bình Dương, trước năm 2020. Cùng trong thời gian đó, hải quân Mỹ điều động ngay 4 tàu cận chiến duyên hải LCS đến hoạt động tại Singapore.
Năm ngoái, hải quân Mỹ đã thực hiện 149 cuộc thăm viếng Philipines, thay vì 68 chuyến trong năm 2012. Với hiệp định vừa ký, các cuộc thăm viếng sẽ còn tăng mạnh, trong thời gian tới.
Philippines có khoảng 100 triệu dân và là một trong những quốc gia yếu kém về quân sự tại Châu Á. Một trong những mục tiêu chính của vòng công du Châu Á của Tổng thống Barack Obama là muốn khẳng định quyết tâm của Washington đứng bên cạnh các đồng minh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và có thái độ hung hăng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo.
Mặc dù đang phải bận tâm với nhiều hồ sơ như cuộc khủng hoảng Ukraina, chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng Tổng thống Obama cho biết, Hoa Kỳ sẽ không giảm cam kết tại Châu Á. Hôm qua, tại Kuala LumpurMalaysia, nguyên thủ Mỹ khẳng định : « Hoa Kỳ có trách nhiệm trên toàn thế giới và chúng tôi vui mừng đảm nhận trách nhiệm này. Chúng tôi tiếp tục tái cân bằng chính sách ngoại giao hướng tới khu vực này của thế giới ». Ông Obama nhấn mạnh : « Hoa Kỳ luôn đứng bên cạnh các đồng minh, trong những thời điểm tốt đẹp cũng như trong những lúc khó khăn ».
Theo giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc, ở Canberra, được hãng tin Blomberg trích dẫn, việc ký kết hiệp định quốc phòng mới với Philippines « rất phù hợp với cam kết của Obama tăng cường sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại Châu Á, để đối phó với cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy ». Thỏa thuận này sẽ càng làm cho Bắc Kinh nghĩ rằng « sự xoay trục của Mỹ sang Châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiềm tỏa Trung Quốc ».
Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines, ngày hôm nay, tại Manila, Tổng thống Mỹ nhắc lại : « Mục đích của chúng tôi không phải là chống lại Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào: