Việt Nam dự định sửa đổi quy chế liên quan việc từ chức của lãnh đạo trong bối cảnh dư luận trong nước đòi hỏi xem xét trách nhiệm của quan chức.
Bộ Nội vụ Việt Nam đang lấy ý kiến đến hết ngày 18/6 cho một dự thảo nghị định “về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý”.
Nhưng truyền thông trong nước nói điểm mới của dự thảo nghị định là quy định rõ quy trình xem xét cho từ chức.Quy chế từ chức đã có trong nhiều văn bản của chính phủ Việt Nam.
Trong quy trình này, người xin từ chức phải làm đơn trình bày lý do, nguyện vọng, sau đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho từ chức,” theo báo Người Lao Động.
Dự thảo này đặt ra bốn trường hợp để quan chức nhà nước làm đơn từ chức.
- Nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.
- Chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý
- Nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao
- Vì các lý do cá nhân khác
Báo Pháp luật TP. HCM cho biết thêm có hai trường hợp, theo dự thảo, mà quan chức không được từ chức.
Đó là người đang đảm nhận nhiệm vụ “quốc phòng, an ninh quốc gia, đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do người đó thực hiện”.
Ngoài ra là người “đang trong quá trình bị thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc bị xem xét kỷ luật về đảng, chính quyền”.
"Việc gì cũng phải có lúc bắt đầu, nếu có vài trường hợp dũng cảm đi đầu (từ chức) sẽ tạo được hành động văn hóa này."
Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trả lời báo Người Lao Động về nghị định này, ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định rằng ở Việt Nam ‘chưa có thói quen từ chức’.
“Lâu nay, việc cán bộ xin từ chức vì mất uy tín ở nước ta rất hãn hữu. Phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, về quê… Còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp là gần như không có,” ông Tiến được dẫn lời nói.
“Việc gì cũng phải có lúc bắt đầu, nếu có vài trường hợp dũng cảm đi đầu sẽ tạo được hành động văn hóa này,” ông nói thêm.
Bi kịch của quan chức?
Tuy nhiên, trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị từ trong nước, nói rằng nghị định này là ‘nực cười và lố bịch’.
“Từ chức là quyền hiển nhiên của bất kể một ai,” ông giải thích, “Làm không tốt việc gì thì vì lòng tự trọng mình phải rút lui.”
“Người ta luôn nghĩ rằng tôi phải làm việc đó vì sự phân công của Đảng. Đó là lối suy nghĩ hết sức vớ vẩn để che đấy việc cố bám lấy quyền chức của họ mà thôi,” ông nói thêm.
"Họ (các quan chức Việt Nam) không còn là chính họ nữa mà trở thành đinh ốc của một bộ máy được ai đó tổ chức, lắp đặt vào."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Khi được hỏi việc từ chức đột ngột có thể ảnh hưởng đến chức trách, Tiến sỹ A nói rằng ‘cấp trên có thể cân nhắc tạm thời chưa cho anh từ chức hay là để anh từ chức sau một thời gian nhất định nào đấy’.
Về việc một quan chức nào đó ở Việt Nam có thể từ chức hay không khi điều này còn tùy thuộc vào quyết định của Đảng, ông Quang A cho rằng đó là ‘bi kịch của quan chức nhà nước trong chế độ Đảng Cộng sản’.
“Họ (các quan chức Việt Nam) không còn là chính họ nữa mà trở thành đinh ốc của một bộ máy được ai đó tổ chức, lắp đặt vào,” ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét