Hai tàu tuần duyên TQ (trái và phải) quây đuổi tàu Philippines tại bãi cạn Second Thomas hôm 29/3 |
Bộ hồ sơ chi tiết gồm 10 quyển với gần 4000 trang tài liệu nêu chi tiết các lập luận và chứng cứ phản bác đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông đã được Manila nộp, điều mà "Bắc Kinh có vẻ cho rằng không bao giờ có thể xảy ra," theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 3/4/2014.
Chiến lược của Philippines có tác động tới các nước có mối quan tâm tương tự, gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan và do vậy, giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện kể từ khi hồ sơ lần đầu tiên được Philippines nộp hồi tháng 1/2013.
'Cây gậy và củ cà rốt'
Trung Quốc đã gây những áp lực đáng kể nhằm khiến Manila từ bỏ tiến trình tranh tụng, kể cả việc đưa ra những mồi nhử kinh tế.
Các tường thuật nói Bắc Kinh đã chào mời những ưu đãi lớn nếu Manila chịu bỏ vụ kiện, trong đó có cả các lợi ích thương mại và việc hai bên cùng rút tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborough, là nơi mà Trung Quốc đã chiếm đóng kể từ tháng 4/2012, nhưng Philippines đã không bận tâm.
Hôm 29/3, lại có thêm va chạm giữa hai bên ở bãi cạn Second Thomas, nơi Philippines gọi là Ayungin trong khi Trung Quốc gọi là Bãi Nhân Ái, một trong những điểm nóng trên biển Đông.
Bãi cạn Second Thomas là một rặng đá chìm mà một phần của nó sẽ nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều xuống.
Nó nằm ở ngay nơi được cho là thềm lục địa của Philippines, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò chín đoạn.
Chiếc tàu rỉ sét BRP Sierra Madre được Philippines neo tại bãi cạn Second Thomas từ 1999
Hải quân Philippines đã chủ ý đặt tàu BRP Sierra Madre ở nơi này hồi 1999 nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc bành trướng thêm nữa trên biển.
Cứ vài tháng một lần trong suốt 15 năm qua, Hải quân Philippines lại gửi binh lính mới và đồ tiếp tế tới bãi cạn Second Thomas.
Hồi năm ngoái, tàu Trung Quốc bắt đầu thường xuyên tuần tra gần Second Thomas và quấy rối các tàu Philippines đến gần.
Tình hình leo thang khi hồi đầu tháng Ba, phía Trung Quốc đã đuổi một tàu chở đồ tiếp tế và được cho là chở cả vật liệu xây dựng của Philippines. Manila phản ứng bằng cách thả đồ tiếp vận cho binh lính bằng máy bay.
Hôm 29/3, Philippines gửi một tàu khác, lần này có chở theo các phóng viên quốc tế nhằm chứng kiến phản ứng của Trung Quốc.
Tàu tiếp vận này đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc, to lớn hơn, yêu cầu phải rời khỏi khu vực và liên tục chặn đầu, buộc nó phải đổi hướng nhằm tránh đâm nhau.
Cuối cùng, tàu Philippines đã vào được vùng nước nông, chuyển đồ tiếp tế và đổi lính tại Second Thomas.
Sự kiện này, theo đánh giá của CSIS, cho Philippines một bài học đáng giá sau những gì diễn ra tại bãi cạn Scarborough trước đó.
Đó là Trung Quốc không có ý nhân nhượng về đòi hỏi của mình, hay hạn chế theo giới hạn luật quốc tế, hay coi các bên khác trong cuộc tranh chấp là bình đẳng với mình.
Indonesia đổi lập trường
Những tuyên bố cùng chiến thuật hung hăng của các lực lượng trên biển của Trung Quốc đẩy các nước vào vị trí ngày càng giống Philippines.
Các quan chức Malaysia đã ngày càng lên tiếng mạnh mẽ trong các cuộc họp với những người tương nhiệm ASEAN.
Ngay cả giới chức Indonesia, quốc gia trước đây thường cố tách khỏi cuộc tranh chấp, nay cũng ngày càng quan ngại.
Trong một thay đổi chính sách to lớn, các quan chức Indonesia hôm 12/3 tuyên bố bản đồ chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông là chồng lấn vào tỉnh Riau của Indonesia, nơi có chuỗi đảo Natuna Island.
Trong hai thập niên trước đó, Indonesia đặt mình trong vị trí trung gian độc lập trong các tranh chấp ở biển Đông, giữa các thành viên khác trong khối ASEAN và Trung Quốc.
Malaysia cũng từng đụng độ với tàu tuần duyên Trung Quốc
Quan điểm trước đây của Jakarta là Indonesia và Trung Quốc không có sự chồng lấn trong tranh chấp đảo cho nên hai nước không có tranh chấp về vùng nước, theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tức quyền đối với vùng nước phát sinh theo quyền đối với đất, đảo, báo Times viết.
Các cuộc đàm phán về tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực đến nay chưa đạt được tiến bộ gì.
Không quốc gia nào có năng lực quân sự để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ thì sẽ không can thiệp quân sự trừ phi có hành động chiến tranh.
Điều đó khiến Philippines chỉ còn một con đường là theo đuổi pháp lý, bài phân tích của CSIS nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét