Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tổ chức cho Việt kiều thăm Trường Sa

Kỷ niệm trận Gạc Ma 1988
Một cuộc tuần hành tưởng niệm trận Gạc Ma 1988 ở Hà Nội
Chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức cho một đoàn đại biểu người Việt ở hải ngoại ra thăm Trường Sa vào cuối tháng Tư này.
Được biết đây là chuyến thăm Trường Sa lần thứ ba của người Việt ở nước ngoài, theo dự kiến bắt đầu từ 16/4 và kéo dài tới 28/4.


Có khoảng 70 Việt kiều tham gia chuyến đi này, theo giới chức trong nước. Tuy nhiên, không có cơ quan báo chí nước ngoài nào được tham gia, ngoại trừ mốt số nhà báo người Việt ở hải ngoại.
Trong khuôn khổ chuyến đi, sẽ có một lễ cầu siêu cho các liệt sỹ của cả miền Bắc lẫn Việt Nam Cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Trường Sa-Hoàng Sa.
Trong hai sự kiện lớn là hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, hàng chục quân nhân Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Việt Nam đã hy sinh để giữ đảo.
Quần đảo Hoàng Sa, tuy Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nay đã hoàn toàn nằm dưới kiểm soát của Trung Quốc.

Xóa bỏ hận thù?

Chuyến đi của Việt kiều do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài tổ chức.
Người đứng đầu ủy ban này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, vừa có chuyến công du để tiếp xúc, vận động Việt kiều ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Canada từ 9/3-29/3.
Trong một phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, ông Sơn nói: "Chuyến đi này chúng tôi đã vận động, mời về một số nhà báo, một số người xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan.... để họ đến với Trường Sa nhằm chứng minh những việc chúng ta đang làm".
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông thứ trưởng đã có phát biểu gây tranh cãi trong cộng đồng Việt ở hải ngoại.
"Chuyến đi này chúng tôi đã vận động, mời về một số nhà báo, một số người xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan.... để họ đến với Trường Sa nhằm chứng minh những việc chúng ta đang làm."
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn
Ông nói: “Chúng ta cũng tưởng nhớ và thương tiếc những người dân Việt Nam vô tội đã ra đi và bị chết trong cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980. Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, vậy thì hãy cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát trên vùng biển quê nhà".
Những người chỉ trích ông Nguyễn Thanh Sơn nói rằng thuyền nhân Việt Nam "không phải nạn nhân chiến tranh, mà là nạn nhân của chế độ Cộng sản trong nước".
Họ cũng cho rằng Việt Nam cần công nhận liệt sỹ cho các binh lính Việt Nam Cộng hòa đã bảo vệ biển đảo.
Quần đảo Trường Sa là đơn vị hành chính cấp huyện ở Việt Nam. Về nguyên tắc, đây không phải khu vực cấm, nhưng vì xa xôi cách trở, chỉ có thể tiếp cận bằng tàu thủy hoặc máy bay nên các chuyến đi tới Trường Sa phải được hỗ trợ của chính quyền.
Các đoàn Việt kiều đã ra thăm Trường Sa hai lần, và cũng đã có chuyến đi dự định nhưng bị hủy bỏ trong quá khứ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng tuyên bố kế hoạch tổ chức chuyến thăm của người Việt ở nước ngoài tới quần đảo Trường Sa là hoạt động 'bình thường'.
"Việc người Việt Nam đi thăm các địa danh của đất nước, trong đó có các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là việc làm bình thường".
Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei đều tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa.
Với 23 đảo và bãi cạn, Việt Nam nắm trong tay con số đảo lớn nhất ở nơi này.

Không có nhận xét nào: