Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Xử án như thế, nhân dân sẽ mất niềm tin

Sau năm ngày, dư luận đã dấy lên một làn sóng căm phẫn trước một hiện tượng xã hội đang diễn ra ở một TP Tuy Hòa (Phú Yên) vốn xưa nay yên ả.

Chưa bao giờ trên truyền thông đại chúng, trên các trang mạng lại tràn ngập những chính kiến bất bình của các nhà làm luật, các luật sư, thẩm phán, các nhà hoạt động xã hội và của tất cả người có lương tri như thế. Hàng triệu chính kiến bày tỏ sự không tán đồng với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đã đề xuất. Người ta đau đáu trông đợi một bản án công bằng hơn, phải đạo lý hơn, “tâm phục , khẩu phục hơn”.


Nhưng rồi niềm tin đã tan vỡ khi mà tòa án đã phán quyết một bản án mất lòng người, cho dù đã có thay đổi một chút. Nó không phản ánh được đúng bản chất của sự việc mà người ta phải gọi đúng tên của nó là “giết người”, giết đồng loại bởi một tập thể những người sống bằng tiền thuế của người dân.

Họ được nhân dân trao quyền lực và niềm tin để giữ gìn trật tự xã hội. Nhưng họ đã không làm được như nhân dân mong đợi mà lại kết thành một nhóm “đánh hội đồng”, sử dụng vũ khí, sức mạnh của những người trai trẻ và cái quyền của công an nhân dân để giết một người không còn khả năng tự vệ, một người chỉ còn biết van xin trong đau đớn, đói khát và tuyệt vọng.

Phải gọi đúng tên đó là hành động vô nhân tính, hành động không xứng với một con người theo nghĩa giản dị nhất của từ này.

Tôi là một người lính, từng đối mặt với những người lính ở bên kia chiến tuyến. Trước đó, trên chiến tuyến, chúng tôi đã nã đạn vào nhau, đâm lê vào bụng nhau. Nhưng khi ai đó bị sa cơ là tù binh thì chúng tôi (cả hai phía) đối xử với nhau vẫn như những con người (ít nhất là trong trường hợp của tôi và những người lính dưới quyền tôi). Còn ở đây, trong vụ án này, anh Ngô Thanh Kiều là công dân Việt Nam, là đồng bào của năm công an nhân dân. Ấy vậy mà họ lại hành động dã man, vô nhân tính đến rợn người.

Bản án mà tòa vừa tuyên chiều hôm qua (3-4) sẽ hằn sâu vào tâm thức nhân dân. Họ đang thách thức dư luận.

Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng Đảng, Chính phủ không hề muốn như thế; những vị lãnh đạo cao nhất của nước ta khi biết đến vụ án này cũng không muốn như thế. Tôi cũng có một niềm tin cộng sản là họ không đồng ý với bản án mất lòng dân như thế.

Giết người mà chịu một bản án nhẹ hều như thế chẳng khác nào một tiền lệ khuyến khích những người công an khác tin rằng cứ vô tư hành xử côn đồ với dân, cứ mạnh dạn xuống tay với dân đi, bất quá chỉ bị năm năm tù, thậm chí chỉ chịu án treo thôi.

Cách nay dăm năm, tôi đã cảnh báo rằng tội phạm đã lờn, họ nghĩ phạm tội sao cũng được, miễn là không bị tử hình, sau đó sẽ sớm ra tù. Chính vì thế, tội phạm ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Một hệ quả khác nghiêm trọng mà xã hội phải gánh chịu từ kiểu xử án như thế này là người dân mất niềm tin vào công lý, không còn tin là xã hội này có “Bao Công” thật.

Bạn có biết ở các nước phương Tây, hình ảnh của vị thần công lý trên tòa án là ai không? Đó là một người phụ nữ bịt mắt, một tay cầm cái cân, một tay cầm kiếm. Bất luận trong trường hợp nào, người cầm cán cân công lý phải là người “nhắm mắt” lại, không chịu sự chỉ đạo, chi phối, xúi bẩy của người khác, bất luận trong trường hợp nào cũng phải giữ cho được cán cân công lý thăng bằng, không bị quyền uy, tiền bạc, lợi ích chi phối. Tay luôn nắm chắc thanh kiếm để trừng trị bất kỳ kẻ nào đi ngược lại với những điều cam kết với nhân dân.

TS NGUYỄN MINH HÒA (*)

(*) TS Nguyễn Minh Hòa hiện là trưởng khoa Đô thị học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

(PLTP)

Không có nhận xét nào: