Mùa hè vừa qua, việc chính phủ Trung Quốc can thiệp vào thị trường chứng khoán và hành động phá giá đồng nhân dân tệ nhắc nhở chúng ta rằng sự phát triển kinh tế của nước này có ảnh hưởng đến tất cả các nước. Giờ đây, Trung Quốc đang chuẩn bị có một số quyết định ảnh hưởng tới thế giới tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18.
Hai năm trước, tại Hội nghị TW 3, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết theo đuổi cải cách sâu rộng, đưa ra tuyên bố rằng thị trường phải “đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực”. Trong khi khu vực quốc doanh tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công, các nhà hoạch định chính sách sẽ “kiên định khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn sự phát triển của khu vực kinh tế phi nhà nước, và kích thích sự năng động và sáng tạo của khu vực này”.
Năm ngoái, Hội nghị TW 4 tập trung vào việc bình đẳng hóa “sân chơi kinh tế” – về mặt quyền, cơ hội, và quy định quản lý – bằng cách tăng cường nền pháp quyền và nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và tính hợp pháp trong các quyết định của chính phủ. Các cải cách cụ thể bao gồm: thiết lập các tòa án lưu động nhằm giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền địa phương đối với hệ thống pháp luật, và trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trọng trách lớn hơn nhằm đảm bảo sự tuân thủ của các cơ quan đối với Hiến pháp.
Năm nay, Đảng phải thống nhất phương hướng của Kế hoạch năm năm lần thứ 13 của Trung Quốc, vốn sẽ bắt đầu vào năm 2016 và được mong đợi sẽ giúp đất nước vượt lên trên mức thu nhập trung bình vào năm 2020. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cân bằng nhu cầu kéo dài tăng trưởng và yêu cầu cải cách, khi mà cải cách lại là điều đang cản trở các động lực tăng trưởng truyền thống?
Trung Quốc chắc chắn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế chậm lại xuống dưới 7% tại thời điểm mà phần còn lại của thế giới đang gặp phải mối đe dọa tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát gần bằng không (secular stagnation). Nợ trong nội bộ quốc gia đang tăng lên; đồng nhân dân tệ đang đứng trước sức ép tiếp tục phải phá giá; và các nhà đầu tư thì vẫn đang cân nhắc các hàm ý từ những can thiệp gần đây của chính phủ vào thị trường chứng khoán. Thêm vào đó là sự miễn cưỡng ngày càng cao của bộ máy công chức trong việc tiến hành các hành động mạnh dạn – một hậu quả không lường trước của chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vì vậy, quy mô (khổng lồ) của nhiệm vụ mà Trung Quốc đang đối mặt đang trở nên rõ ràng.
Nhưng cũng có một số tin tốt. Trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước gần đây của Tập Cận Bình tới Mỹ, ông và Tổng thống Barack Obama đã tái khẳng định quan hệ thương mại và kinh tế song phương giữa hai nước. Hơn nữa, Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến “một vành đai, một con đường” nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với các nước Trung và Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông, và cuối cùng là Châu Âu. Những nỗ lực này sẽ bổ sung cho Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương – TPP do Mỹ dẫn dắt, vốn hiện không bao gồm Trung Quốc, trong việc định hình môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu.
Thực tế, mặc dù có vài tín hiệu ngắn hạn đáng lo ngại, Trung Quốc dường như đang trong quá trình biến đổi lớn để trở thành một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng “gọn, xanh, và sạch”. Tất nhiên, quá trình này sẽ không dễ dàng, không chỉ vì sự phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn vì bản chất hội nhập toàn cầu của nó, khiến nó dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Nhưng bất chấp những khó khăn trong việc điều phối bộ máy quan liêu khổng lồ, chính phủ Trung Quốc đã có tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết bốn thách thức nghiêm trọng, bao gồm: tham nhũng, môi trường suy thoái, mức nợ ngày càng tăng của các chính quyền địa phương, và tình trạng dư thừa công suất.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã đi xa tới mức hạ bệ một ủy viên đã nghỉ hưu của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất của Trung Quốc (tức Chu Vĩnh Khang – ND). Tương tự, lượng khí thải CO2 đã giảm đáng kể từ đầu năm nay, và nhiều khả năng chính quyền sẽ đạt được mục tiêu về mức độ phát thải CO2 được đặt ra hồi năm 2010. Các cải cách về quy định quản lý cũng đang bắt đầu giúp giảm nhẹ các rủi ro từ lĩnh vực ngân hàng ngầm, và thậm chí một số “thành phố ma” (không người ở) đang được hồi sinh bởi các lực lượng thị trường.
Tại Hội nghị TW 5 sắp tới, các lãnh đạo Trung Quốc phải tiếp tục phát huy những tiến bộ này nhằm duy trì đà cải cách. Muốn thành công, như Tập đã nói, chính phủ phải “gặm cả những cục xương khó nuốt” – đó là vượt qua những nhóm lợi ích đang chống lại các thay đổi.
Đồng thời, các lãnh đạo Trung Quốc phải thừa nhận rằng cải cách có tác động giảm phát đáng kể trong ngắn hạn. Ban đầu các quan chức đã đánh giá thấp những tác động này, gây nên biến động bất ngờ trong mùa hè vừa qua. Muốn tránh bẫy nợ-giảm phát,[1] các lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện một số điều chỉnh.
Ngoài việc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn 6% mỗi năm, chính quyền phải cung cấp các hỗ trợ tài khóa và tiền tệ nhiều hơn để bù đắp sự suy giảm dự kiến về đầu tư, tiêu dùng và chi tiêu chính phủ. Đồng thời, họ còn phải đối phó với sự gián đoạn trong tiến bộ công nghệ.
Trong tình hình hiện nay, các thành phố nội địa của Trung Quốc đang được hưởng lợi đáng kể từ những cải tiến trong việc tiếp cận thị trường và phân phối hiệu quả nhờ vào sự nổi lên của thương mại điện tử. Hơn nữa, tự động hóa đang giúp khắc phục sự suy giảm lực lượng lao động (kết quả của quá trình già hóa dân số và dòng di cư chậm lại).
Ngược lại, các thành phố ven biển của Trung Quốc, nơi nơi tập trung ngành chế tạo, đang trải qua “sự hủy diệt sáng tạo” – một quá trình cần thiết nhưng đi kèm nhiều thách thức đáng kể trong ngắn hạn. Để đối phó, chính phủ phải tạo ra động lực cho các cán bộ vượt qua sự lo ngại rủi ro và trở nên chủ động trong việc quản lý sự thay đổi.
Cuối cùng, dường như các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận ra là sự gia tăng tiền lương thực tế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ngoài việc giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu bên ngoài và giúp nâng cao vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị, chi tiêu nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư. Quyết định sắp tới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ tính tài sản dự trữ của quỹ này – tức Quyền Rút vốn Đặc biệt (Special Drawing Right – SDR), điều hiện Mỹ đã đồng ý là sẽ không phản đối, sẽ nâng cao vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ hơn nữa.
Nếu có cách tiếp cận đúng, Kế hoạch năm năm lần thứ 13 có thể mang lại những cải thiện đáng kể về chất lượng cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, trách nhiệm giải trình của chính phủ, và khả năng cung cấp hàng hoá và dịch vụ công ở Trung Quốc. Và với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, đây sẽ là tin tốt cho tất cả mọi người.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào), thành viên của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông (HKSFC,) và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Xiao Geng (Tiểu Cảnh), Viện trưởng Viện IFF, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông và là nghiên cứu viên tại Viện Quốc tế Châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
—————
[1] Debt-deflation trap – chỉ tình trạng vay nợ, đầu tư quá nhiều dẫn tới các bong bóng tài sản, khi bong bóng vỡ sẽ dẫn tới nhu cầu và giá cả giảm (giảm phát), khiến suy thoái ngày càng sâu hơn – NHĐ.
Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s Economy at the Fifth Plenum
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét