Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) quá cảnh Biển Đông.@wikimedia/ U.S. Navy photo
Biển Đông phải chăng sắp sửa dậy sóng ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đang đặt ra vào lúc khẩu chiến Mỹ-Trung đang càng lúc càng gay gắt sau khi Washington liên tiếp nhắc lại quyết tâm tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển tại vùng Trường Sa, sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp trên nền các bãi đá mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam và Philippines trước đây.
Lời khẳng định quyết tâm gần đây nhất của Mỹ đến từ Đô đốc Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP hôm 22/10/2015, Đô đốc Swift khẳng định rằng Hải quân Mỹ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh « giới hoạch định chính sách » - tức là Nhà Trắng - mà thôi.
Tuyên bố của Đô đốc Swift nằm trong một chuỗi những lời khẳng định theo cùng một chiều hướng của các nhân vật cao cấp trong quân đội cũng như chính quyền Mỹ, từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Ngoại giao.
Trong một cuộc họp báo ngày 19/10 chẳng hạn, ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại tái khẳng định ý định tuần tra Biển Đông của Mỹ để thể hiện lập trường chống lại « các yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng ».
Trước những tín hiệu dồn dập đó, Trung Quốc đã có những phản ứng rất gay gắt, và như thông lệ, đã bật đèn xanh cho báo chí lớn tiếng đe dọa Mỹ và các nước chống lại tham vọng bành trướng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Giới chức ngoại giao Trung Quốc chẳng hạn, đã xác định rằng Bắc Kinh « sẽ không cho phép bất kỳ nước nào vi phạm không phận và lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Giọng điệu ngoại giao nói trên đã trái ngược hẳn với những lời đe dọa trên báo chí Trung Quốc. Tân Hoa Xã ngày 21/10, đã cho rằng Mỹ sẽ phạm phải một « sai lầm nghiêm trọng »nếu cho tàu tuần tra gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vì Trung Quốc « không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ ».
Hoàn Cầu Thời báo, nổi tiếng với lời lẽ dao to búa lớn, thì nói thẳng thừng là nếu Mỹ xâm phạm « các lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc, thì Quân đội Trung Quốc sẽ « dùng vũ lực ngăn chặn ».
Khẩu chiến bùng lên giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến nhiều chuyên gia phân tích lo ngại về khả năng sự cố nảy sinh. Theo một số chuyên gia về an ninh, được hãng tin Anh Reuters hôm 24/10 trích dẫn, thì Hải quân Trung Quốc chẳng hạn có thể cho tàu ra cản trở hoặc bao vây tàu Mỹ, làm tăng nguy cơ xung đột.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều thấy rằng, Mỹ chắc chắn sẽ xúc tiến việc cho tàu Hải quân tiến vào khu vực bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa, vấn đề là lúc nào và bao lâu mà thôi.
Một câu hỏi quan trọng không kém là có nước nào đồng ý cùng tuần tra với Mỹ hay không, vì sẽ là một nghịch lý nếu Hoa Kỳ, nước không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lại năng nổ trong việc bảo vệ quyền tự do qua lại, đa số các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép qua hành động bồi đắp đảo, xây căn cứ có thể dùng vào mục tiêu quân sự, lại có phần im hơi lặng tiếng.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine (Hoa Kỳ), vào lúc mà ý đồ nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt, với tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua, và với các hành động cụ thể của Bắc Kinh tại Trường Sa hiện nay, đã đến lúc các nước nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc, đứng đầu là Việt Nam không còn nhân nhượng được nữa, mà phải tích cực hơn trong việc hậu thuẫn cho các hoạt động của Mỹ.
Mỹ đã cố thuyết phục, nhưng Trung Quốc vẫn thách thức
RFI : Tại sao Mỹ vào lúc này lại có thái độ cứng rắn hơn trong việc đưa tàu Hải quân tiến vào vùng bên trong khu vực 12 hải lý bao quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa ?
Ngô Vĩnh Long : Tại vì Mỹ đã cố gắng hết sức, gián tiếp và trực tiếp trong vài năm qua, trong việc thuyết phục Trung Quốc nên bớt hung hăng ở Biển Đông. Cùng với các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc thi hành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc đã ký, làm nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời Mỹ cũng đã cùng nhiều nước kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Nhưng Trung Quốc càng ngày càng đe doạ các nước láng giềng và thách thức Mỹ.
Một ví dụ cụ thể : Trước khi Tập Cận Bình sang thăm Mỹ cuối tháng 9/2015, Tổng thống Obama đã tuyên bố là một trong những vấn đề quan trọng hai vị lãnh đạo này sẽ bàn với nhau là hồ sơ Biển Đông và đòi hỏi là Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo chung của hai lãnh đạo ngày 25/09 tại Vườn Hoa hồng (Rose Garden) của Nhà Trắng, Tập Cận Bình đã tuyên bố thẳng thừng rằng những hòn đảo ở Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc tự ngàn xưa. Do đó Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền hạn và quyền lợi hợp pháp của mình trên các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Bộ Quốc Phòng Mỹ và Lầu Năm Góc đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc và đã đưa ra chính sách rõ rệt trước chuyến thăm của Tập Cận Bình.
Một ví dụ cụ thể là trong một buổi nói chuyện tại Aspen, bang Colorado ngày 24/07/2015, Chỉ huy trưởng Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (Commander of U.S. Pacific Command), Đô đốc Harry Harris, cho nhiều chi tiết về những xây dựng của Trung Quốc ở vùng Trường Sa để đi đến kết luận rằng Trung Quốc rõ ràng có ý định sử dụng các đảo nhân tạo như những căn cứ quân sự để áp đảo và tấn công các nước lân cận. Đô đốc Harris nói thêm là Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân lực để bảo vệ quyền lợi của Mỹ cũng như để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực nếu bị đe doạ từ các đảo nhân tạo ấy.
Ví dụ thứ hai là cuối tháng 08/2015, Lầu Năm Góc đã đưa ra tài liệu « Chiến lược An ninh Biển ở Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Maritime Security Strategy) », trong đó có nói là nếu Trung Quốc sử dụng những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo để cản trở thông thương hàng hải hay tự do đối với các phi vụ trên không, thì đó là việc gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ và của thế giới, cho nên Mỹ sẽ phải có những hành động cụ thể.
Tạo sức ép từ từ hay là thị uy cho thích đáng
RFI : Mỹ có thể chọn những « đảo » nào để ra uy ? Các đảo vốn dĩ là nửa chìm nửa nổi – Low tide elevations -, như Xu Bi (Subi) hay Vành Khăn (Mischief) hay là các bãi đá vốn nổi hoàn toàn – Rocks – như Gạc Ma (South Johnson) hay Chữ Thập (Fiery Cross) ?
Ngô Vĩnh Long : Tổng thống Obama đã tuyên bố trong cuộc họp báo chung với ông Tập Cận Bình ngày 25 tháng 9 năm 2015 là quân đội Mỹ sẽ tuần tra trên biển và trên không bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Do đó, tàu và máy bay của Mỹ có thể đi qua những đảo và bãi đá đề cập trên từng cái một hay tất cả cùng một lúc. Việc này còn tuỳ thuộc quyết định là muốn tạo sức ép từ từ hay là thị uy cho thích đáng.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các đá ngầm xây thành đảo nhân tạo không bao giờ là lãnh thổ với lãnh hải (territorial sea). Đá ngầm chỉ được có 500 thước xung quanh để cho các tầu đi qua giữ được an toàn mà thôi. Chỉ có đảo hay đá nổi mởi có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Mỹ và các nước chỉ phải tôn trọng 12 hải lý lãnh hải chung quanh đá hay đảo nổi, nhưng vẫn có thể đi qua vô hại (innocent passage access), tức là không có ý tấn công nước khác bằng vũ lực hay dừng lại để đánh cá, phóng uế, v.v.
Nhưng đó là trường hợp đảo nổi hay đá này dưới chủ quyền của một nước một cách rõ ràng. Còn trong trường hợp các đảo vừa đề cập đến, thì tại vì Trung Quốc đã dùng sức mạnh và võ lực để chiếm lấy, thì Trung Quốc về mặt pháp lý, không có quyền hạn gì hết.
Nhưng mà dẫu có quyền hạn, thì vào tháng 8 năm nay (2015), Trung Quốc đã cho chiến thuyền của họ đi vào lãnh hải dưới 12 hải lý của Mỹ ở đảo Aleutian (bang Alaska) trong khi Tổng thống Obama đang viếng thăm bang này. Rõ ràng đây là trò thách thức, nhưng chính phủ và quần chúng Mỹ tỉnh bơ xem như không có gì, bởi vì xem đó là hành động trong quyền« innocent passage », nghĩa là chỉ đi qua thôi.
Cho nên, nếu Mỹ cho tàu đi qua vùng Trường Sa mà không có ý định chiếm lại các đảo mà Trung Quốc đã chiếm, thì Trung Quốc không có lý do gì để phản đối.
Dùng sức mạnh mềm để cho Trung Quốc một bài học
RFI : Trung Quốc đe dọa sẽ có phản ứng « thích hợp và dứt khoát ». Đây là hù dọa hay có thể làm thật ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi không biết khi Trung Quốc nói sẽ có phản ứng « thích hợp và dứt khoát », thì điều đó nghĩa là gì. Theo tôi, thích hợp và dứt khoát theo luật lệ quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, là :
(1) trả lại các đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ;
(2) dứt khoát ngưng ngay các hoạt động bồi đắp và xây dựng các căn cứ cho dù không phải là quân sự đi nữa vì những xây cất này rõ ràng là cố ý để hợp thức hoá việc chiếm đóng – tất nhiên là phi pháp ;
(3) dứt khoát cùng các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Còn nếu « thích hợp và dứt khoát » là dùng vũ lực để đe doạ thì Mỹ và các nước trong khu vực nên cho Trung Quốc một bài học thích đáng. Có thể không cần dùng đường lối quân sự mà ban đầu chỉ cần sử dụng những sức mạnh mềm như trong lãnh vực tài chính, mậu dịch, đầu tư, v.v., thì Trung Quốc cũng sẽ phải nhũn bớt đi rồi.
Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ Mỹ thậm chí cùng tuần tra
RFI : Các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines, hoặc là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc có nên tháp tùng tàu Mỹ hay không, dù chỉ tượng trưng ?
Ngô Vĩnh Long : Có thể lúc đầu các nước như Ấn Độ và Úc chưa thấy cần thiết nên tháp tùng hay ủng hộ các hành động cụ thể của Mỹ một cách triệt để, vì hai nước này ở xa, và dân chúng của họ chưa thấy rõ lợi ích cụ thể, nhưng Việt Nam, Nhật Bản, Philippines và Malaysia nếu không tháp tùng được thì cũng nên lên tiếng một cách rõ ràng ủng hộ hoạt động của Mỹ trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh khu vực.
Thái độ của Philippines thì đã rõ từ lâu, ít nhất là từ lúc kiện Trung Quốc. Thái độ của Malaysia cũng càng ngày càng rõ. Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, ông Zulkefli Mohd Zin, trong ngày cuối cùng (ngày 18 tháng 10 năm 2015) của Diễn đàn An ninh - Quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh đã lên án hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông là « khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận » được.
Việt Nam là nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông và bị Trung Quốc đe doạ nhiều nhất chắc cũng nên có những hành động thích hợp và dứt khoát hơn chăng ?
Dẫu sao Mỹ và các nước trên thế giới cần có sự ủng hộ rõ ràng của các nước trong khu vực để quần chúng tại nước họ cho phép có những hành động cụ thể để bảo vệ an ninh và quyền lợi chung.
Đó là lúc đầu. Sau này, nếu Mỹ đi tuần tra thường hơn, thì tôi nghĩ những nước trong khu vực cũng nên tháp tùng đi tuần tra với Mỹ, bởi vì nếu chỉ một nước riêng rẽ như Việt Nam chẳng hạn, mà cho thuyền ra, thì lẽ dĩ nhiên Trung Quốc sẽ dùng tàu của họ và đụng chìm tàu của Việt Nam, như đã dùng tàu ngư chính để đâm chìm các tàu cá của Việt Nam. Cho nên đi tuần tra cùng với Mỹ và các nước khác trong khu vực là vấn đề có ích lợi chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét