Được đón tiếp trọng thị trong ánh hào quang của nghi lễ hoàng gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ Anh về nước để đối mặt với một cuộc đấu đá khốc liệt trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và sự chống cự lại thẩm quyền của ông đối với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Chính phủ Anh đã đặt cược lớn vào Tập, năm nay 62 tuổi, bằng cách đón tiếp ông một cách trọng thị thông qua một chuyến thăm cấp nhà nước, đồng thời đề cập đến một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ thương mại và tình hữu nghị giữa hai nước. Độc giả báo chí và khán giả truyền hình Trung Quốc được cho xem những hình ảnh lãnh đạo của mình cùng Nữ hoàng Anh đi trong cỗ xe ngựa kéo mạ vàng của bà.
Nhưng ngày càng nhiều chứng cứ cho thấy ông Tập – người đứng đầu nhà nước, đảng và quân đội – có thể đang gặp rắc rối chính trị. Thậm chí đã có những xì xầm về một âm mưu đảo chính chống lại ông bị ngăn chặn hồi tháng Ba, dẫn đến việc ông phải hoãn chuyến thăm Pakistan.
Thông tin này xuất phát từ những người trong bộ máy có quan hệ với giới lãnh đạo cấp cao của Đảng, và được khuếch đại khi được rò rỉ cho giới truyền thông Hoa ngữ tại Hồng Kông.
Các mối đe dọa đối với uy tín của Tập nhân lên nhiều lần sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tụt dốc mạnh vào mùa hè vừa qua, nền kinh tế chậm lại và hàng ngàn cán bộ, sĩ quan quân đội ngã ngựa do chiến dịch chống tham nhũng của Tập.
Đầu tháng này, tờ Giải phóng quân báo thừa nhận sự bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng khi tố cáo “sự kháng cự đang ngăn chặn cải cách trong việc bổ nhiệm các cấp chỉ huy quân đội”. Các xì xầm về đảo chính được đưa ra sau khi Tập thanh trừng hai vị tướng hàng đầu là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng do tham nhũng. Từ chết vì ung thư trước khi phải ra tòa.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí chính trị Tiền tiêu (Qianshao) của Hồng Kông, một vị tướng về hưu nói rằng Tập không thể ngon giấc vào ban đêm tại Trung Nam Hải, khu phức hợp nằm ở khu vực thành cổ Bắc Kinh. “Ông ấy lo lắng về gì ư? Thứ nhất, về quyền lực quân sự mà sự sống còn của ông phụ thuộc vào đó”, vị tướng không được xác định danh tính nói.
Một nhóm 14 tướng, bao gồm tư lệnh tất cả bảy quân khu của Trung Quốc, trước đó đã đưa ra một lời thề trung thành công khai chưa từng có tiền lệ đối với Tập.
“Việc phải chứng minh rằng Quân giải phóng ủng hộ ông ta là một dấu hiệu của cả sức mạnh lẫn sự yếu đuối”, Roderick MacFarquhar, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Harvard, nói.
Vấn đề của Tập là 134 vị tướng của Trung Quốc được bổ nhiệm bởi hai người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cả hai người này vẫn là đối thủ của Tập và dẫn đầu các phe phái chính chống lại nhóm “Thái tử đảng”của ông, gồm các con cháu của các nhà lãnh đạo cách mạng năm 1949 vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Chiến dịch chống tham nhũng, được dẫn đầu bởi một quan chức Đảng nghiêm khắc tên là Vương Kỳ Sơn, đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt.
“Rủi ro đối với Tập là ông đang phải đối diện hàng chục gia đình, những người cảm thấy họ đã đóng góp cho việc xây dựng Trung Quốc nhưng giờ đang đối mặt với khả năng mất đi tài sản, địa vị, và vị trí của họ trong lịch sử”, MacFarquhar nói.
Nhiều công việc của chính quyền đã chậm lại hoặc dừng hẳn do các quan chức trung cấp bắt đầu lo sợ không dám ra quyết định và phẫn nộ với thực tế rằng giờ họ không thể nhận hối lộ nữa. Một số nhà phân tích tin rằng nếu chiến dịch vẫn tiếp diễn như vừa qua, tinh thần của Đảng có thể sụp đổ, kéo theo sức mạnh tổ chức của nó. Tờ Minh Kính (Mingjing) của Hồng Kông trong báo cáo mới nhất của mình về vấn đề này nói rằng: “Rủi ro lớn nhất là Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn sẽ bị giết”.
Trở về Trung Quốc ngày hôm qua, Tập phải đối mặt với một cuộc họp Đảng khó khăn vào ngày mai, nơi mà tại đó sự chia rẽ không hề dấu diếm giữa ông và Thủ tướng Lý Khắc Cường về tình hình nền kinh tế sẽ được đặt lên bàn thảo luận. Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 18 sẽ đề ra kế hoạch năm năm tiếp theo. Trong thực tế, một cuộc tranh cãi kịch liệt đã nổ ra trong dàn lãnh đạo Đảng về sự lao dốc của thị trường chứng khoán và hậu quả của nó. Hội nghị đã bị trì hoãn vì những căng thẳng này.
Trong cuộc khủng hoảng đó, Tập được cho là đã đập bàn và hét vào mặt Thủ tướng Lý là phải khắc phục được thị trường, nếu không sẽ bị “trảm” (nguyên văn: fix the market or come back with his head on a plate). Sau đó, ông ra lệnh cho nhà nước can thiệp để hỗ trợ giá cổ phiếu và bảo vệ hàng triệu các nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi mất tiền. Các quan chức đe dọa trừng phạt các hãng tài chính. Các nhà báo Trung Quốc nói rằng phe của Thủ tướng đã trả đũa bằng cách rò rỉ cho báo giới Hồng Kông rằng “cải cách kinh tế đã đi vào ngõ cụt”.
Người dân Trung Quốc đã không ai đọc được điều này trên báo chí do nhà nước kiểm soát, vốn đăng toàn tin tức về các diễn biến chuyến thăm hoành tráng của Tập ở Anh. Không tờ nào đề cập đến một thực tế là Nữ hoang đã tránh sử dụng cụm từ “kỷ nguyên vàng” trong bài diễn văn của bà tại buổi quốc yến dành cho Tập.
MacFarquhar, người có quan hệ gần gũi với Nhà Trắng, nói rằng chính phủ Mỹ đã không thể tin nổi sự trọng thị mà nước Anh dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Họ sẽ phải cân nhắc lại toàn bộ tầm nhìn của họ về nước Anh “, ông nói.
Nguồn: Michael Sheridan, “Coup whispers sour Xi’s return“, London Sunday Times, 25/10/2015.
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
(Nghiên cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét