Thông tin về việc Trung quốc cản trở tàu cứu hộ Việt nam ứng cứu ngư dân của chúng ta ở vùng biển Hoàng Sa chìm ngập trong những thông tin về vụ hai cô gái đâm chết người đàn ông, vụ chuẩn bị thi hành án tử hình… và hàng loạt các stt khoe eo, khoe xe, hàng hiệu… trên facebook, phản ánh mức độ quan tâm đến các sự kiện của xã hội chúng ta.
Không biết có chủ trương gì không, nhưng hệ thống tuyên truyền của chúng ta có vẻ đã thành công trong việc hướng sự chú ý của người dân ra khỏi vấn đề tranh chấp Việt nam – Trung quốc. Những bức xúc về chủ quyền dần nguội đi. Trong các bản tin về vụ Trung quốc cản trở tàu Việt nam cứu hộ cho ngư dân của mình, có một chi tiết đáng lưu ý, là chúng ta phải viện đến Bộ Ngoại giao, phải thương lượng… có nghĩa là chúng ta đã phải xin phép họ khi cứu hộ ngư dân của mình.
Trên facebook, có bạn đã phải kinh ngạc mà rằng, tại sao có những cái nick tên Việt, mọi thứ đều Việt, mà lại bênh Trung quốc chằm chặp? Bản thân tôi, nhiều lần đề cập đến Trung quốc, cũng có những người Việt vào có những ý kiến rất ngược ngạo. Nhiều người, và cả bản thân tôi, từng đặt vấn đề liệu đó có phải người Việt, hay là người Trung quốc giả danh, hoặc bọn Việt gian, lấy danh nghĩa người Việt để ủng hộ Trung quốc, để làm lung lay tinh thần tự cường, chống Trung quốc xâm lược.
Trung quốc là một nước lớn, có lịch sử lâu đời và hào hùng, là một trong các cái nôi văn minh của nhân loại. Ngày nay, Trung quốc không chỉ là một cường quốc về dân số, mà còn là cường quốc về kinh tế. Việc một nước nhỏ như chúng ta ở bên cạnh một nước lớn như vậy lẽ ra phải là một may mắn, giống như Canada và Mexico ở bên cạnh Mỹ vậy. Tuy nhiên, Trung quốc lại luôn nuôi ý định và thực hiện những hành vi xâm chiếm chúng ta. Sống bên cạnh một kẻ tham lam như vậy, nếu chúng ta chỉ biết thán phục và khiếp sợ họ, không sớm thì muộn, chúng ta sẽ bị họ thôn tính.
Năm 1974, khi chiến tranh đang trong giai đoạn khốc liệt, tôi vào lớp 8, lớp đầu cấp III. Tôi học trường cấp III Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phú. Năm đó, sau khi Trung quốc chiếm giữ Hoàng Sa, trường đã bỏ hẳn dạy tiếng Trung cho lớp đầu cấp, trong hơn 10 lớp 8, chỉ có 2 lớp tiếng Nga, 1 lớp tiếng Pháp, còn lại, tất cả đều học tiếng Anh.
Ngay từ khi đó, các nhà quản lí đất nước của miền Bắc XHCN đã nhìn thấy tầm quan trọng của tiếng Anh. Vậy mà 41 năm sau, dù Trung quốc đang chiếm giữ Hoàng Sa và một phần Trường Sa, người ta lại chủ trương đưa tiếng Trung quốc vào tiểu học. Trong khi đó, ngay tại Trung quốc, người ta cũng phải ra sức học tiếng Anh, để tiếp cận với khoa hoc kĩ thuật hiện đại.
Các nhà quản lí giáo dục của chúng ta muốn học sinh tiểu học học tiếng Trung quốc để làm gì? Nếu để nghiên cứu nền văn minh Trung hoa rực rỡ, chắc chắn không cần phải phổ cập tiếng Trung quốc như vậy. Còn nếu để làm ăn, thì việc phổ cập một trong quá nhiều thứ tiếng của Trung quốc không thể đủ cho việc làm ăn với họ. Tác dụng duy nhất của việc phổ cập tiếng Trung quốc chỉ có thể là làm cho dễ dàng thần phục họ, chuẩn bị cho sự xâm lăng về văn hóa của họ mà thôi.
Tương tự vậy, một vị quan lớn đã từng tâm tư khi tâm lí chống Trung quốc tăng cao trong dân chúng, bây giờ lại lo lắng chuyện người dân bất mãn với cách hành xử với Trung quốc, dẫn đến bạo loạn, rồi khẳng định rằng mất Đảng, mất nước thì biển đảo cũng mất. Không biết đây có phải là nguyên nhân chính của việc sụt giảm mức độ quan tâm của người dân đối với những diễn biến nóng ở Biển Đông hay không?
Lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc ta, đặc biệt là hơn 1000 năm qua, cho thấy, nhiều triều đại, nhiều chế độ chính trị đã lãnh đạo đất nước này. Nhiệm vụ của bất cứ triều đại nào cũng là quản lí và phát triển đất nước. Đất nước này còn, lãnh thổ này còn, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc, thì chế độ còn, ngược lại thì chế độ sụp đổ, nhường chỗ cho một chế độ khác có khả năng làm được việc đó, lên lãnh đạo.
Đó mới là suy nghĩ thuận, đó mới là tư duy đúng. Chỉ có tư duy như vậy, thì mới thấy được tầm quan trọng của việc duy trì tinh thần chống Trung quốc xâm lược của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét