Pages

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Việt Nam-Trung Quốc: Sẽ bùng nổ xung đột vào tháng 7?

Phan Nguyễn Việt Đăng, viết riêng cho RFA từ Saigon
2011-06-27
Hạ tuần tháng 7.2011 là thời điểm căng thẳng nhất trong mối quan hệ Việt-Trung, kể từ sau cuộc chiến 1979.

AFP PHOTO
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong nghi thức chào đón tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2010.


Cuộc đối thoại và giằng co về biển Đông đã đến điểm gút cuối cùng, được sự theo dõi của mọi giới từ trong nước đến ngoài nước. Số phận của dân tộc Việt Nam có được một bước ngoặc mới hay không cũng là phụ thuộc vào bàn cờ Việt-Trung lúc này.


Người ta có thể nhìn thấy sự dè dặt của Hà Nội trong cuộc đối thoại này, do Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chịu trách nhiệm, bằng cách công an, báo chí đã đổi một thái độ khác trước sự giận dữ của người dân Việt Nam về chuyện lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông.


Sáng 26 tháng 6.2011, Saigon chịu một áp lực kinh khủng của ngành an ninh. Một nhân viên an ninh giấu tên cho biết rằng "lệnh cấp trên là triệt để không để bất kỳ một người biểu tình nào được xuất hiện, dù là cầm cò đỏ sao vàng hay hình Hồ Chí Minh cũng vậy".


Ngay tại Hà Nội, áp lực đó đè nặng đến mức chỉ có khoảng trên dưới 50 người đi bộ, mệt mỏi và sợ hãi và kết thúc trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, thậm chí cũng đã có thanh niên bị áp giải về đồn khi biểu hiện có vẻ kích động và kêu gọi người khác tham gia tuần hành.


Là bạn hay là thù?

Nhiệm vụ của Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng lúc này là thuyết phục Trung Quốc hãy hòa hoãn hơn nữa về việc vươn vai, thẳng cân trên biển Đông. Người dự đoán rằng Việt Nam sẽ thuyết phục Bắc Kinh kéo dài thêm thời gian lấn biển, hoặc chấp nhận cùng Việt Nam chia sẻ khai thác tài nguyên trên biển.


Hoặc là cuộc thương thuyết không thành, sẽ là một cuộc trở mặt của Việt Nam, chấp nhận cho trò diễn đi dây mới, nhưng lần này sẽ nghiêng về phương Tây nhiều hơn.


Ve vuốt Bắc Kinh, cũng trong thời gian này, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạm thời im tiếng. Thay vào đó, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, "chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam" tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.



Và cuộc gặp này được đánh giá chung là kết thúc với nụ cười hể hả, khẳng định phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.


Trò 2 mặt của Trung Quốc vẫn diễn ra. một mặt thì vẫn xúc tiến thương thảo ngoại giao, nhưng một mặt thì vẫn có những ngôn ngữ hết sức chính thống, kiểu như tướng Trung Quốc Bành Quang Kiêm, phó tổng thư ký Ủy ban chính sách an ninh quốc gia, tuyên bố sẽ dạy thêm cho Việt Nam một bài học. Một cuộc hội luận ngày 22/6/2011 trên Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc, với những bình luận gia tên tuổi, cũng nói rằng hiện dân Trung Quốc có đến 85% đang "nóng lòng" muốn "đập" Việt Nam một trận cho hả.



Tàu Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông trước đây. AFP PHOTO.



Cuộc di chuyển các quân cờ hết sức khéo léo của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong việc dành lại quyền lực và uy tín đã rơi vào một tình thế độc đáo cho nước Việt Nam. Hãy chú ý rằng suốt trong quá trình từ vụ tàu Bình Minh 2 bị cắt dây cáp - được Hà Nội bật đèn xanh cho lên tiếng - Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng nhảy vào vị trí của người hô hào yêu nước vào bảo vệ chủ quyền, là mờ hẳn cả vụ tai tiếng Vinashin.


Những người theo dõi thời sự ở Việt Nam đều nhìn thấy rõ cuộc trở cờ của ông Trương Tấn Sang, sau khi bí mật tổ chức tin tức cho báo chí tấn công mạnh mẽ vào thủ tướng qua vụ Vinashin, đã sớm nhận ra rằng phải đổi phe, mới có thể tồn tại. Và cuối cùng Nguyễn Phú Trọng, lại cô đơn hơn nữa.


Trọng là người được cho rằng là nhân vật thân Trung Quốc trong bộ ba Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh, đã im lặng không nó một lời nào trong đợt phản ứng của cả nước về vụ xâm lấn của Trung Quốc. Nay lại phải đảm nhiệm vai trò báo cáo tình hình nội bộ và thương thuyết về số phận của Việt Nam - Trung Quốc, cũng như số phận của chính ông.


Là bạn hay sẽ là thù, tiếp tục là chư hầu hay sẽ là đối đầu, kết quả này sẽ phải được bộc lộ trong tháng 7 này.


Số phận Trường Sa?

Nếu thất bại trong cuộc thương thuyết đầy tính hoãn binh và hứa hẹn việc cùng chia sẻ quyền lợi khai thác biển Đông, chắc chắn, một cuộc đột kích vào Trường Sa trong tháng 7 này từ phía Trung Quốc rất có thể xảy ra.


Vì sao là tháng 7? Theo nhận định của nhiều người, đó là giai đoạn mà Việt Nam vẫn còn lập lờ chưa bắt tay hẳn với Mỹ để có thể có được một vai trò là đồng minh chiến lược và được bảo vệ. Và tháng 7, là tháng mà nội bộ của Hà Nội chưa kịp xếp đặt để thanh lọc các thành phần cấp cao thân Trung Quốc, trước khi súng nổ trên biển.


Người ta vẫn nhớ câu chuyện tranh chấp đảo Falkland giữa Anh và Argentina vào tháng 4 năm 1982. Cuộc chiến chớp nhoáng kéo dài 74 ngày đó đã biến hòn đảo này thuộc quyền của Anh cho đến nay. Bắc Kinh đang giở lại lịch sử và ngấu nghiến bài học này với nỗi thèm khát dược nuốt chửng Trường Sa.


Nếu có một cuộc chiến diễn ra, người ta dự đoán là khả năng chiếm đóng của Trung Quốc trong khoảng 1 tuần. Dĩ nhiên, chưa bàn đến là nỗ lực đánh trả có thật sự hết sức mình của hải quân Việt Nam, trong bối cảnh có quá nhiều quan chức cao cấp Việt Nam đang phụ thuộc quyền lợi và quyền lực vào Bắc kinh lúc này.




Hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật tại Trường Sa, tháng 6-2011. AFP PHOTO.



3 tấc lưỡi của ông Nguyễn Phú Trọng, theo nhận định, là rất khó thành công. Vì chưa lúc nào, Trung Quốc phải lấy biển Đông như lúc này. Đây là lúc mà "bàn thắng vàng" hết sức dễ đạt được, một khi cái lối lấp lửng của Hà Nội về việc song phương và đa phương, tiếp tục là lợi thế của Bắc Kinh.


Tuy nhiên, mất Trường Sa như một cuộc chiến sòng phẳng và vạch mặt rõ kẻ thù, vẫn là đáng để xảy ra, hơn là để mất đảo, mất biển trong sự thỏa hiệp giả trá của những người cầm quyền Việt Nam trước Bắc Kinh. Đó sẽ là điều tồi tệ hơn tất cả, là một âm mưu lịch sử đầu độc, giết chết và bán rẻ một dân tộc.


Người yêu nước sẽ ra sao?

Chưa bao giờ người yêu nước, dù là những người tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản cũng như những người chủ trương một chế độ tự do, đang rơi vào tình thế cheo leo nhất.


Những người yêu nước, vốn tự phát bằng bản năng của tổ tiên và lương tâm, đang bị Hà Nội lợi dụng và điều khiển vào việc họ muốn mặc cả với Bắc Kinh trong việc được và mất quyền lợi và quyền lực của riêng Đảng Cộng sản Việt Nam.


Việc sử dụng người yêu nước như một con cờ, lúc thì dọa dẫm Trung Quốc, lúc thì chà đạp và trấn áp khi Bắc Kinh ra lệnh, đang làm cho người dân Việt Nam mỗi lúc một tức giận, chỉ trích chính quyền Cộng sản Việt Nam nhiều hơn. Gần đây, người ta đang bắt gặp lại những từ ngữ rất quen thuộc trên các trang mạng như "Việt gian", "Ngụy quyền CSVN"... đang áp dụng cho chính chế độ hiện tại.


Trong một bản tin phát đi, như ngầm báo động, báo Dân Trí ngày 25 tháng 6.2011, cho biết rằng Trung Quốc đang mở hàng loạt các trường tình báo, nhằm tung đại trà vào các cộng đồng. Chắc chắn Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài tầm ngắm.


Năm 2007, khi Việt Nam có những cuộc biểu tình chống trung Quốc đầu tiên, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng Việt Nam đã làm dịu cơn giận của Bắc Kinh bằng cách trao chính thức các danh sách những người biểu tình bị bắt giữ hay tình nghi.


Điều này được chứng minh là sau đó, khi Trung Quốc tổ chức Olympic vào tháng 8-2008. Rất nhiều người Việt cho biết họ bị ngăn cấm hoặc làm khó không cho đến Trung Quốc vì sợ sẽ tham gia biểu tình chống Olympic. Đó là những người từng bị an ninh Việt Nam bắt, thẩm vấn, sách nhiễu vì tham gia biểu tình vào tháng 12.2007.


Khi ông Võ Văn Kiệt còn sống, những người thân cận của ông nói rằng ông đã từng bác bỏ việc Trung Quốc đòi phải cho chi bộ tình báo người Hoa ở Việt Nam được quyền trang bị vũ khí và quyền bắt người trước khi thông báo cho an ninh Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có thể đã bị phá bỏ, sau cái chết bí ẩn của ông Kiệt.


Nếu mất Trường Sa, và mất cả chủ quyền, liệu những người yêu nước sẽ còn được không gian sống an toàn ở ngay trên đất nước mình?


Phan Nguyễn Việt Đăng (Sài Gòn 27-06-2011)



Nguồn RFA.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

quá ngớ ngẩn và không có lòng tư trong. hoc thứ quá kém.