∇ Nghe Bài Này
|
Hôm 7.8, hai tổ chức Nhân quyền Quốc tế ở Paris nộp đơn khiếu kiện Ủy hội Châu Âu đã không chịu đặt vấn đề nhân quyền khi thương thảo với Hà Nội để tiến tới Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Để tìm hiểu vụ khiếu kiện này có thể đưa tới lợi ích gì cho nhân quyền Việt Nam, chúng tôi phỏng vấn bà Gaelle Dusepulchre, là người đại diện Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại Liên Âu ở Brussels.
Ombudsman
Ỷ Lan: Thưa bà Dusepulchre, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vừa khiếu kiện với Ombudsman Liên Âu về việc Ủy hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề Nhân quyền trong các cuộc thương thảo về Mậu dịch và Đầu tư với Việt Nam. Chữ Ombudsman khá lạ với nhiều người, xin bà giải thích Ombudsman là gì?
Gaelle Dusepulchre: Ombudsman là cơ cấu được Liên Âu thiết lập để thu nhận những khiếu kiện hay khiếu nại trong những trường hợp bộ phận hành chánh sai lạc tại các cơ quan Châu Âu, để bó buộc các cơ quan này phải sửa đổi. Một thủ tục cho phép mỗi người đều có quyền hồi đáp luận chứng của người khác, gặp khi không giải quyết được, Ombudsman, tức Người trung gian hoà giải của Liên Âu, sẽ viết bản phúc trình và đưa ra những khuyến nghị để chấn chỉnh sự sai lạc hành chánh tại một cơ quan có vấn đề.
Ombudsman là cơ cấu được EU thiết lập để thu nhận những khiếu kiện hay khiếu nại trong những trường hợp bộ phận hành chánh sai lạc tại các cơ quan EU, để bó buộc các cơ quan này phải sửa đổi.
-Gaelle Dusepulchre
Ỷ Lan: Mục tiêu khiếu kiện của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là gì thưa bà?
Gaelle Dusepulchre: Mục tiêu nhắm vào cuộc thương thuyết hiện đang tiếp diễn giữa Liên Âu và Việt Nam về vấn đề mậu dịch và đầu tư, để tiến tới ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch (Free Trade Agreement), là hiệp ước mang lại nhiều quyền lợi quan trọng cho Việt Nam. Từ hơn một năm qua, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thỉnh cầu Ủy hội Châu Âu mở cuộc nghiên cứu tác động nhân quyền để lượng giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam, và sự tác hưởng đối với một Hiệp ước Mậu dịch tại Châu Âu và tại Việt Nam. Nhưng Ủy hội Châu Âu từ chối. Điều này sẽ mang một hậu quả trực tiếp cho Hiệp ước Tự do Mậu dịch, khi cuộc thương thuyết hai bên thiếu thông tin để ấn định các điều phải bổ sung nhằm bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền thông qua các trao đổi mậu dịch.
Buộc mở cuộc nghiên cứu về nhân quyền
Ỷ Lan: Nhưng Ủy hội Châu Âu có bị bó buộc phải mở cuộc nghiên cứu về nhân quyền không, thưa bà?
Gaelle Dusepulchre: Đương nhiên. Luật quốc tế và luật Âu châu bắt buộc như thế. Hơn nữa, trong hai năm 2011 và 2012, Liên Âu đã thông qua “Đường lối chỉ đạo” (Guidelines) và Khung Tổng quát liên hệ đến lĩnh vực nhân quyền trong quan hệ đối ngoại, để bó buộc sử dụng nghĩa vụ này nghiên cứu tác động nhân quyền trong mọi thoả thuận mậu dịch và đầu tư.
Ỷ Lan: Trong thông cáo chung, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có mối lo lắng nghiêm trọng với tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bà có thể khai triển thêm vấn này không?
Gaelle Dusepulchre: Đương nhiên, tình hình ở Việt Nam đặt ra một số lo lắng. Trầm trọng nhất là vi phạm tự do ngôn luận và tự do lập hội, với sự kiểm duyệt khắt khe, đặc biệt đối với internet và các mạng xã hội. Tiếp đến là vấn nạn kỳ thị trầm trọng đối với các tôn giáo và dân tộc ít người, những cuộc cưỡng chiếm đất đai, quyền pháp lý của dân chúng, v.v…
EU đã thông qua “Đường lối chỉ đạo” và Khung Tổng quát liên hệ đến lĩnh vực nhân quyền trong quan hệ đối ngoại, để bó buộc sử dụng nghĩa vụ này nghiên cứu tác động nhân quyền trong mọi thoả thuận mậu dịch và đầu tư.
-Gaelle Dusepulchre
Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng một Hiệp ước Mậu dịch mà không chịu ấn định sự bảo vệ đầy đủ, nhằm ngăn chặn những vi phạm nhân quyền vốn không ngừng xẩy ra tại Việt Nam, và đâu đó, Liên Âu cũng phải mang trách nhiệm trực tiếp trong các cuộc vi phạm nhân quyền trong tương lai tại Việt Nam.
Ỷ Lan: Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam chờ đợi gì qua cuộc khiếu kiện, thưa bà?
Gaelle Dusepulchre: Chờ đợi nhiều điều. Một là, cuộc khiếu kiện sẽ thuyết phục Ủy hội Châu Âu chấp thuận việc nghiên cứu nhân quyền, và bổ sung vào Hiệp ước Mậu dịch một số điều, cũng như một số cơ chế bảo vệ. Nếu Ủy hội tiếp tục từ chối, thì Người trung gian hoà giải của Liên Âu sẽ đưa ra các khuyến nghị, mà chúng tôi sẽ sử dụng các khuyến nghị này để mở chiến dịch vận động chính trị, khiến Quốc hội Châu Âu và Hội đồng Châu Âu can thiệp, áp lực lên Ủy hội Châu Âu, bắt phải đưa vào Hiệp ước các điều khoản bảo vệ nhân quyền.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng đây là phương tiện mở đột phá khẩu nhằm cải tiến pháp quyền tại Việt Nam, bởi vì nếu Liên Âu đặt ra những quá trình giải quyết khi có vi phạm nhân quyền, thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận thôi, nhờ vậy những cải tổ có cơ tiến hành trên thực địa.
Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Gaelle Dusepulchre
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét