Pages

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Giới Luật sư phản đối Thông tư của Bộ Công an

Giới Luật sư phản đối Thông tư của Bộ Công an
Luật sư chuẩn bị tranh tụng tại tòa. Ảnh minh họa

(PLO) - Vừa qua, sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2014/TT-BCA (ngày 7/7/2014), nhiều luật sư (LS) đã phản ánh đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) về sự thiếu bình đẳng, có khả năng dẫn đến nhận thức không đúng, lạm quyền trong quá trình xử lý vi phạm của người bào chữa trong giai đoạn điều  tra từ qui định tại Điều 38 văn bản này. 

PLVN đã trao đổi với LS Phan Trung Hoài - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS (LĐLSVN)- để rõ hơn những vấn đề liên quan.

 LĐLSVN có Công văn 176/LĐLSVN đề nghị sửa đổi nội dung điều 38 Thông tư 28/2014 của Bộ Công an liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự, trợ giúp viên pháp lý. Ông có thể cho biết căn cứ để Liên đoàn có đề nghị này?



- Trước hết, là đầu mối được LĐLSVN phân công tiếp nhận, xử lý và tham mưu giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi LS của các thành viên LS và Đoàn LS địa phương, chúng tôi nhận thấy: Từ khi LĐLSVN được thành lập (tháng 5/2009) đến nay, mối quan hệ phối hợp, nâng cao trách nhiệm, bảo đảm thực thi quyền hành nghề hợp pháp của LS đã được LĐLSVN và Lãnh đạo Bộ Công an thật sự quan tâm, phối hợp trao đổi ý kiến trong quá trình dự thảo và ban hành Thông tư số 70 ngày 10/10/2011 về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. 

Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo kiểm tra 30 trường hợp khiếu nại của các LS liên quan đến các vướng mắc, cản trở quyền hành nghề hợp pháp trong năm 2013, đánh giá, xử lý nghiêm túc, có báo cáo trả lời rõ ràng đến LĐLSVN. Bộ Công an  cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các địa phương, các đầu mối cơ quan điều tra, nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc lực lượng Công an nhân dân yêu cầu chấn chỉnh công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và quyền hành nghề của LS. Mới đây, LĐLSVN cũng đã tiếp tục chuyển đến Lãnh đạo Bộ Công an xem xét, kiểm tra 33 trường hợp LS khiếu nại, bị cản trở trong quá trình tham gia trong các giai đoạn tố tụng hình sự, hiện đang được kiểm tra và xem xét giải quyết.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến phản ánh của các Đoàn LS và nhiều LS thành viên cũng như kết quả buổi làm việc ngày 01/8 của Chủ tịch nước với LĐLSVN, có đại diện Bộ Công an tham dự và ngày 7/8 giữa LĐLSVN với Vụ Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp của Bộ Công an, LĐLSVN nhận thấy: Điều 38 Thông tư 28/2014 của Bộ Công an mới được ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 cần được xem xét sửa đổi vì có nhiều điểm mở rộng giới hạn phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của điều tra viên (ĐTV) so với các qui định hiện hành, dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy thuộc vào nhận định chủ quan của ĐTV, ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, có thể dẫn đến việc tùy tiện trong nhận định và áp dụng, hạn chế đến quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa.

Như LĐLSVN nhận định, Điều 38 Thông tư 28 chưa thể hiện đầy đủ vị thế bình đẳng giữa người bào chữa với ĐTV. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này và những ảnh hưởng của nó đến quá trình bảo đảm công lý trong giai đoạn điều tra và việc hành nghề hợp pháp của người bào chữa?
 

- Về phần mình, LĐLSVN nhận thức sự bất bình đẳng trong quan hệ tố tụng giữa ĐTV với người bào chữa thể hiện ngay từ tên gọi của Điều 38 Thông tư 28 về “trách nhiệm của ĐTV trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền  lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý”. Nội dung Khoản 1 điều 38 cũng quy định ĐTV có quyền đánh giá và xác định dấu hiệu và căn cứ cho rằng người bào chữa có hành vi “ngăn cản việc khai báo”, “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác”… nhưng lại không được định lượng một cách rõ ràng, tùy thuộc hoàn toàn vào nhận định, suy diễn chủ quan của ĐTV.

LS Phan Trung Hoài

Người bào chữa là chủ thể thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự. Người bào chữa hoạt động theo các nguyên tắc và trên cơ sở tôn trọng pháp luật, đương nhiên có sự khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận đánh giá bản chất vụ án và hành vi của những người có liên quan. Do đó, không thể đồng nhất quan điểm, kết luận của Cơ quan điều tra, ĐTV với quan điểm của người bào chữa, nếu điều đó đi ngược lại với bản chất vụ án và sự thật khách quan. Theo qui định pháp  luật, cả ĐTV và người bào chữa đều có quyền phát hiện, báo cáo, kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động của ĐTV, người bào chữa nói riêng. Vì thế, trong quan hệ thực hiện chức năng tố tụng, không nên quy định tạo lợi thế cho một bên.

Bên cạnh đó, hoạt động tố tụng phải được tiến hành công khai, phù hợp với các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) và các biện pháp áp dụng trong hoạt động tố tụng phải là các biện pháp hợp pháp, nhưng điều 38 Thông tư 28 lại dành cho ĐTV quyền “ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ” là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời, qui định tạo lợi thế cho ĐTV này cũng là sự bất bình đẳng giữa ĐTV với người bào chữa, bởi theo Quy chế của các nhà tạm giữ, trại tạm giam của Bộ Công an quản lý đều có những qui định nghiêm cấm người bào chữa được mang hoặc sử dụng điện thoại, máy chụp ảnh, máy tính, thiết bị ghi âm trong khi làm việc hoặc tham dự hỏi cung.

Vậy theo LĐLSVN, hướng xử lý đối với qui định này như thế nào cho phù hợp?

- Điều đáng mừng là trên tinh thần trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng, sau khi có ý kiến trực tiếp từ phía LĐLSVN, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đã đến làm việc với Lãnh đạo LĐLSVN. Ông Nguyễn Ngọc Anh đã giải thích rõ, quy định tại điều 38 chỉ là sự cụ thể hóa những quy định của pháp luật được quy định tại Điều 58 BLTTHS, điều 9 Luật LS và các quy định dưới luật. Ông cũng khẳng định nội dung điều 38 liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của ĐTV, chỉ áp dụng đối với những LS, người bào chữa có dấu hiệu vi phạm trong quá trình tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra. 

Về phía Bộ Công an sẽ bảo đảm và hướng dẫn cụ thể, tập huấn kỹ lưỡng trong toàn ngành để thống nhất về nhận thức, làm rõ phạm vi trách nhiệm để việc thực thi Điều 38 TT28 đúng theo quy định của pháp luật, kiểm tra, theo dõi và rút kinh nghiệm trong từng giai đoạn để có thể sửa đổi, bổ sung, trước mắt sẽ sơ kết việc thực hiện Thông tư 70 để sửa đổi, bổ sung kịp thời, cùng với quá trình hoàn thiện BLTTHS sửa đổi sắp tới.
Tuy nhiên, với trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các LS thành viên, Chủ tịch LĐLSVN đã có văn bản chính thức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét để có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi ngay những nội dung không phù hợp như đã nêu trên. Hướng đề nghị sửa từ tên gọi của Điều 38 nên là “trách nhiệm của ĐTV trong việc phối hợp, thực hiện chức năng tố tụng hình sự đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý”.

Về nội dung, Điều 38 có thể sửa đổi: “Trong quá trình thực hiện trách  nhiệm, quyền hạn của ĐTV theo qui định tại Điều 35 BLTTHS, ĐTV phải tạo điều kiện cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý thực hiện các  quyền và nghĩa vụ của họ theo qui định của pháp luật, nếu phát hiện những hành vi của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi vi  phạm nghĩa vụ, trách nhiệm theo qui định tại Điều 58 BLTTHS, Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, ĐTV có trách nhiệm nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hoặc đề nghị giám thị nhà tạm giữ, trại tạm giam chứng kiến việc lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng CQĐT xem xét ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo qui định của pháp luật.  
Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có quyền yêu cầu chấm dứt hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi trái pháp luật của ĐTV và các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT theo qui định của pháp luật”.

Chúng tôi mong rằng, với những kiến nghị của LĐLSVN, Bộ Công an sẽ xem xét, kiểm tra và sửa đổi nội dung Điều 38 Thông tư 28 để đảm bảo cho hoạt động điều tra và hoạt động của người bào chữa được thực thi nghiêm túc, thuận lợi, đúng pháp luật trên tinh thần cùng hợp tác, phối hợp trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm sự bình đẳng và khả năng tiếp cận với công lý, tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang


( Pháp Luật )

Không có nhận xét nào: