Ryszard Kapuscinski - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tất cả các chế độ độc tài đều lợi dụng tầng lớp ngồi không thừa thải này. Họ thậm chí không cần duy trì đội quân cảnh sát toàn thời gian tốn kém. Chế độ chỉ cần biểu lộ sự quan tâm đến những con người này mà đang tìm kiếm ý nghĩa nào đấy trong cuộc đời. Hãy cho họ cảm giác họ có thể có ích, có người đang cần họ giúp đỡ việc gì đấy, họ đã được chú ý đến, họ có mục đích...
*
Tôi dậy sớm để đi vào trung tâm thành phố mà khá xa. Tôi đang ở khách sạn tại Zamalek, khu dân cư giàu có trên một hòn đảo trên sông Nile khu vực một thời chủ yếu của người nước ngoài nhưng giờ đây những người Ai Cập giàu có cũng sống ở đấy. Biết rằng va li của mình sẽ bị lục lọi ngay khi tôi rời khách sạn, tôi nghĩ nên lấy ra vỏ chai bia Tiệp Khắc tôi đã nhét trong va li để trên đường đi tống khứ nó (vào thời ấy Nasser ¹, một người Hồi giáo nhiệt tâm, đang mở chiến dịch bài trừ rượu). Tôi giấu vỏ chai trong bao giấy xám và cầm nó bước ra đường. Chưa đến trưa mà trời đã oi bức và ngột ngạt.
Tôi nhìn quanh tìm thùng rác. Nhưng khi nhìn quanh, tôi bất ngờ thấy người bảo vệ ngồi trên chiếc ghế đẩu ở lối vào khách sạn nơi tôi vừa bước ra nhìn tôi đăm đăm. Ông ta đang theo dõi tôi. Thôi, tôi nghĩ, tôi sẽ chẳng ném chai trước mặt ông, vì sau này ông sẽ bới thùng rác, tìm thấy nó, rồi tố cáo tôi với cảnh sát khách sạn. Tôi đi tiếp một lát thì phát hiện một cái thùng trống rỗng. Tôi sắp sửa ném chai vào thùng thì tôi nhận thấy hai người mặc áo choàng trắng dài. Họ đang đứng nói chuyện nhưng mắt vẫn nhìn tôi. Không, tôi không thể vất chai ở đây: chắc chắn họ sẽ nhìn thấy, và vả lại cái thùng ấy cũng không phải để đựng rác. Tôi tiếp tục đi cho tới khi tôi nhận thấy một thùng rác khác - nhưng gần đấy, ở lối vào một tòa nhà, một người Ả rập đang ngồi nhìn tôi đăm đăm chăm chú. Không, không, tôi nhủ lòng, ta không thể nào liều được, hắn đang nhìn ta với ánh mắt rất ngờ vực. Vì vậy, nắm chặt bao và chai, tôi thản nhiên thong thả bước đi tiếp.
Đằng trước là ngã tư, nơi viên cảnh sát cầm gậy và còi đứng giữa đường - và ở một góc ngã tư một người đàn ông ngồi trên ghế đẩu nhìn tôi. Tôi nhận thấy y chỉ có một con mắt, nhưng con mắt này nhìn tôi chòng chọc không dứt với vẻ rất khó chịu khiến tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn sợ rằng y sẽ ra lệnh tôi đưa cho y coi rõ ràng đích xác cái gì tôi đang cầm trên tay. Tôi bước nhanh để thoát ra khỏi tầm nhìn của y, càng bước nhanh hơn và háo hức hơn vì từ đằng xa trước mặt tôi một thùng rác hiện ra lấp loáng như ảo ảnh. Không may, không xa thùng rác ấy, dưới bóng râm của một cây nhỏ và khẳng khiu một ông già ngồi nhìn tôi chăm chú.
Con đường bây giờ rẽ sang hướng khác, nhưng qua khúc rẽ mọi thứ vẫn y như trước. Tôi không thể ném chai ở bất kỳ nơi đâu, vì cho dù tôi định ném ở đâu chăng nữa, tôi đều bất chợt thấy ai đấy quay đầu lại nhìn đăm đăm về hướng mình. Xe hơi chạy trên đường, xe lừa thồ hàng, đàn lạc đà dăm con đi qua, dáng cứng đờ lêu khêu, nhưng tất cả cảnh này tưởng như diễn ra ở đằng sau, ở cảnh đời nào đấy khác với cảnh đời tôi đang đi và bị lọt vào tầm ngắm của những người hoàn toàn xa lạ, những kẻ đi, đứng, nói, phần lớn ngồi, nhưng trong lúc ấy vẫn nhìn đăm đăm coi tôi đang làm gì. Tôi càng lúc càng sợ, bao giấy trong tay tôi ướt sũng vì tôi bắt đầu toát mồ hôi rất nhiều. Tôi sợ chai rơi tuột ra khỏi bao rồi vỡ tan trên vỉa hè, càng khiến đường phố tò mò hơn. Tôi thực sự chẳng biết nên làm gì nữa, vì vậy tôi đành phải trở về khách sạn và nhét chai lại vào va li.
Mãi tới tối tôi mới cầm nó đi ra ngoài trở lại. Đêm xuống hành sự dễ dàng hơn. Tôi bỏ chai vào thùng rác, quay trở về, và lòng nhẹ nhõm nằm xuống ngủ.
Bây giờ, đi dạo quanh thành phố, tôi bắt đầu quan sát phố xá kỹ càng hơn. Tất cả đường phố đều có tai mắt. Đây người gác cửa, kia người bảo vệ, nọ một nhân vật ngồi bất động trên ghế xép, xa hơn một chút ai đấy đứng không, chỉ đưa mắt nhìn. Đa phần những người này đều không làm gì cụ thể, tuy nhiên khi gộp lại nhiều góc nhìn của họ tạo ra mạng lưới theo dõi chằng chịt, đan kín, bao trùm, bao phủ toàn bộ không gian đường phố nơi không có gì có thể xảy ra mà chẳng ai biết. Biết để tố cáo.
Đây là chủ đề thú vị: những kẻ vô tích sự phục vụ bạo quyền. Xã hội có tổ chức, ổn định, phát triển là cộng đồng của những vai trò được xác định và được vạch ra rõ ràng, điều mà người ta không thể nào nói về đa số các thành phố thuộc thế giới thứ ba. Dân số ở những nơi này đa phần là thành phần thô lỗ, trôi giạt, chẳng thuộc tầng lớp nào rõ ràng, lại không có địa vị, vị trí hay mục đích. Bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do nào, những người mà chẳng ai lưu tâm đến, không ai cần đến này, có thể tụ họp lại thành đám đông, quần chúng, lũ côn đồ mà có ý kiến về mọi chuyện, có thời gian cho mọi sự, và muốn tham dự vào chuyện gì đấy thật quan trọng.
Tất cả các chế độ độc tài đều lợi dụng tầng lớp ngồi không thừa thải này. Họ thậm chí không cần duy trì đội quân cảnh sát toàn thời gian tốn kém. Chế độ chỉ cần biểu lộ sự quan tâm đến những con người này mà đang tìm kiếm ý nghĩa nào đấy trong cuộc đời. Hãy cho họ cảm giác họ có thể có ích, có người đang cần họ giúp đỡ việc gì đấy, họ đã được chú ý đến, họ có mục đích.
Hai bên đều nhận được những lợi ích từ mối quan hệ này. Dân hè phố, phục vụ chế độ độc tài, bắt đầu cảm thấy tâm đầu ý hợp với nhà cầm quyền, cảm thấy mình quan trọng và có ý nghĩa, và hơn nữa vì hắn thường cảm thấy có tội do nhiều lần ăn cắp vặt, ẩu đả, và lường gạt nên giờ đây hắn có cảm giác an lòng là được miễn tội. Trong khi ấy, chính quyền độc tài dùng hắn như mật thám chân rết rẻ tiền-thật ra làm không công - nhưng nhiệt tình và có mặt ở khắp mọi nơi. Đôi khi thật khó mà gọi hắn là mật thám; hắn chỉ là kẻ muốn được khen ngợi, kẻ mưu cầu tiếng tăm, tìm cách nhắc nhà cầm quyền nhớ đến sự tồn tại của hắn, kẻ lúc nào cũng luôn luôn khao khát được phục vụ.
Bản tiếng Việt:
Trần Quốc Việt
___________________________________
Chú thích của người dịch:
¹ Gamal Abdel Nasser (1918-1970) là tổng thống Ai Cập từ năm 1956 đến lúc qua đời.
Ryszard Kapuscinski (1932-2007) là nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu. Trước khi CNN ra đời, ông đã đến tận những nơi heo hút của Thế giới Thứ Ba để cảm nghiệm và ghi chép. Từ đấy một loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời như Shah của Shahs, Hoàng đế, hay Chiến tranh Túc Cầu.
Nguồn:
Trích dịch từ hồi ký của Ryszard Kapuscinski tựa đề tiếng Anh "Problem, No Problem" đăng trong tạp chí The Paris Review, Mùa Xuân 2007, số 180, trang 14-16. Nguyên tác tiếng Ba Lan, bản dịch tiếng Anh của Klara Glowczewska. Tựa đề của người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét