Tôi từng nghĩ rằng mình rất may mắn được sinh ra và lớn lên trong một thời kì đang phát triển của đất nước. Được nhìn thấy những đổi thay và phát triển của một quốc gia, chẳng phải là điều rất đỗi hạnh phúc hay sao? Thế nhưng, sự thật là đất nước này là một quốc gia bất hạnh. Và sự bất hạnh đó xuất phát từ những con người không biết (hoặc là không muốn) cư xử cho đúng quy luật phát triển của thế giới. Mới rồi rộ lên chuyện các bạn trẻ viết những câu bậy bạ lên tấm bùa gỗ trong một lễ hội văn hóa Nhật Bản tổ chức ở Việt Nam. Càng thấm thía hơn cái gọi là cách cư xử đúng mực của người trẻ Việt.
Viết nhăng viết cuội, thậm chí là viết bậy, dường như là một nét truyền thống của người trẻ Việt Nam hiện nay. Từ nhà vệ sinh công cộng đến các hàng quán cà phê, rồi ra đến ghế đá công viên, thậm chí là trên các di tích văn hóa lịch sử, đâu đâu cũng thấy những câu chữ phản cảm và bậy bạ của những người sinh ra không muốn làm người có văn hóa. Thật sự, những người trẻ khi viết ra những câu chữ ấy có cảm thấy mình làm việc đó sẽ giúp mình hạnh phúc hơn, hay chỉ làm cho văn hóa mỹ quan xuống cấp trầm trọng. Nên nhớ, chúng ta là một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến, chúng ta không phải hạng hạ cấp của toàn nhân loại, cho nên đừng tự mình hành động như thể dân tộc ta sinh ra không có truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Thật đáng xấu hổ khi đến thời buổi văn minh như thế này mà còn có những người trẻ dốt và vô văn hóa đến mức đến Văn Miếu ở ngay trung tâm Thủ đô văn hiến để viết xằng viết bậy. Đến cả văn hóa của dân tộc cũng bị bôi nhọ thì chẳng hiểu nỗi người trẻ bao năm qua đã học gì từ nền giáo dục quốc gia? Không tôn trọng văn hóa dân tộc của nước nhà và không tôn trọng văn hóa của quốc gia khác là hai điều vô cùng cấm kỵ, thế mà người trẻ Việt Nam đã vi phạm cả hai.
Người Nhật Bản là một dân tộc tự tôn rất cao, và họ cực kỳ yêu quý truyền thống văn hóa dân tộc của họ. Thế mà những người trẻ Việt Nam vô văn hóa và vô ý thức đó đã biến một lễ hội văn hóa thành vấn đề chỉ trích, và biến chính họ thành những kẻ thấp kém trong mắt nhiều người khác. Những tấm bùa gỗ, tượng trưng cho những điều ước mà người Nhật mong ước sẽ thành hiện thực trong năm mới, và những người trẻ kia viết những câu viết nhảm nhí lên đấy. Có thể họ cho rằng những điều này vô hại, hoặc có thể ước mơ của họ cũng bậy bạ như chính bản thân họ. Cần phải nhìn rộng ra một chút về vấn đề viết, vẽ bậy này. Đó là thói quen tùy tiện của đại bộ phận người trẻ trên mạng xã hội.
Gần đây xuất hiện hiện tượng một số người quay clip và tung lên youtube với nội dung chửi đời chửi người rất phản cảm. Quan trọng hơn là trong những clip đó có sự góp mặt của những em học sinh nhỏ, thậm chí là học sinh cấp một. Nhưng clip chửi bới trên mạng xã hội như vậy mặc dù chẳng ảnh hưởng về mặt thể chất đến ai, nhưng rõ ràng đang phản ảnh một phần tối của văn hóa trẻ, và hơn nữa là ảnh hưởng về mặt tinh thần của người xem, nhất là những bạn nhỏ. Tính lan tỏa của những clip này rất cao. Youtube thậm chí sẵn sàng trả nhiều tiền cho những clip có lượng người xem lớn, vì vậy mà chẳng màn nội dung có mang tính thẩm mỹ hay không, nhiều người vẫn cố tình đăng các clip mang nội dung phản cảm, nhảm nhí để thu hút nhiều người comment chửi bới và từ đó tăng lượt xem.
Mới đây nhất, trên Facebook một cô gái trẻ đã đăng hình ảnh hỏa hoạn dữ dội tại một khu đông dân cư ở Sài Gòn kèm lời bình luận rất thiếu ý thức, cô ta ví von đám cháy đó là pháo hoa mừng năm mới. Cũng theo đó, có những status Facebook chửi cha mắng mẹ của những người trẻ chỉ vì không hài lòng một số chuyện cá nhân. Chính sự suy đồi văn hóa đến mức tưởng khó chấp nhận như vậy làm cho những ai chứng kiến phải lên tiếng. Để kết thúc bài viết này xin mượn lời của một cư dân mạng để nói lên thực trạng đáng xấu hổ này:
"Sự thiếu nghiêm túc, thiếu chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói đã khiến cho nhiều bạn trẻ có thói quen đùa cợt, nhạo báng, bàn luận vô tổ chức, thậm chí chửi rủa tục tĩu bất luận điều gì, bất chấp ở đâu. Mạng xã hội đã tiếp tay cho điều đó."
Nếu như trước đây, những kẻ “hiếu tục” chỉ có thể chọn vỉa hè, quán nước hay bờ tường khu phố để “văng” ra những thứ bậy bạ, thì nay, họ đã có thể văng mọi thứ lên mạng xã hội.
Nếu bạn tình cờ kết bạn với một nhóm “teen” trên Facebook, bạn phải choáng vì mức độ tục tĩu trong các status, comment của họ. Họ viết tục, chửi tục, bình luận tục tĩu trên đó như một cách thức để xả stress. “Lên mạng chửi nhau đê” là thú vui của không ít bạn trẻ. Lâu dần thành quen. Và trong một cộng đồng toàn những người tục tĩu nói chuyện với nhau, chẳng cần biết trời cao đất rộng là gì (chỉ biết trên là status, dưới là comment) thì sự bậy bạ có tính lây nhiễm và được nhân lên gấp bội.
Môi trường mạng xã hội đang bị nhiễm bẩn bởi sự tự do thái quá của nó. Người xưa nói rất đúng: “Ở cạnh chợ lâu không biết cá tanh”. Thói quen bừa bãi (thích gì nói đấy), nói văng mạng mà vẫn được Facebook cho lên, khiến dần dà người ta không còn biết chuẩn mực ở đâu. Còn nhớ, sau khi danh thủ Beckham sang Việt Nam, trên Fanpage của anh có đăng tải bức hình chụp một phụ nữ Việt Nam, một tay vừa lái xe máy, một tay giơ giơ điện thoại chụp Beck trong xe với vẻ mặt hớn hở… Bức ảnh đó đã gây sốt và cộng đồng mạng Việt Nam đã nhảy vào like, comment tán loạn, tranh luận, cãi chửi nhau rất vô văn hóa ngay trên “tường nhà của Beckham” (dĩ nhiên là bằng tiếng Việt), khiến cho nhiều người phải cầu mong Beckham đừng “google translate” những gì cư dân mạng “văng”. Nếu không thì nhục quốc thể.
Những lá bùa gỗ là vật linh thiêng theo quan niệm của người Nhật Bản, là nơi để mọi người suy nghĩ và thể hiện ước mơ của mình. Nó cũng là nơi ghi lại lời cầu chúc cho năm mới. Sự khác biệt văn hóa có thể khiến bạn chưa cảm nhận hết điều đó, nhưng chí ít, đó cũng là sản phẩm văn hóa được treo lên nơi công cộng, chứ không phải là bức tường Facebook đầy rác rến. Và ngay cả trên bức tường Facebook, nơi trưng ra với cả thế giới, bạn cũng cần “viết có ý thức” để khỏi làm vấy bẩn nó, và vấy bẩn cả tiếng Việt. Khi căn bệnh vô ý thức trong lời ăn, tiếng nói, trong suy nghĩ, bình luận… đã nhiễm vào quá sâu trong một bộ phận giới trẻ thì những gì thể hiện ra trên lá bùa gỗ chỉ là hậu quả tất yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét