Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 14 kết thúc vào ngày 13/01/2016, việc Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách 4 ứng cử viên duy nhất cho 04 chức danh chủ chốt - tứ trụ. Đó là: ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư; Trần Đại Quang - Chủ tịch Nước; Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng và Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc Hội. Đây là điều có thật, song về số lượng phiếu bầu đưa ra là hoàn toàn thiếu cơ sở xác thực.
Việc đưa rò rỉ kết quả thông tin bỏ phiếu tại Hội nghị Trung ương 14 ra ngoài là việc hoàn toàn có chủ ý và nằm trong sự tính toán của một phe nào đó, trong trận chiến truyền thông giữa các phe phái trong đảng. Với mục đích nhằm định hướng cho dư luận thấy sự ủng hộ của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đối với ông Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng nhằm hạ thấp uy tín khi cho rằng sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương đối với ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 14 đã giảm sút.
Thực ra tin tức như thế, không khác gì tin tức của các cơ quan truyền thông thuộc phe đảng khi tuyên truyền rằng "Nhân dân đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 14". Đơn giản chỉ cần đặt câu hỏi: người dân biết gì về kết quả HNTW14 mà đánh giá cao là rõ.
Việc bỏ phiếu kín đề cử các ứng viên cho các chức vụ lãnh đạo chủ chốt, mới chỉ là đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 để trình 1.510 đại biểu tham gia đại hội xem xét và quyết định, trong việc bầu các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ (2016-2020), tại Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Hà nội từ ngày 21-28/01/2016. Điều này cho thấy, quyền lực quyết định cao nhất thuộc về các đại biểu dự Đại hội và cho đến trước ngày kết thúc Đại Hội 12 thì không thể có một khả năng nhân sự lãnh đạo chủ chốt nào là chắc chắn và chính xác.
Qua đó cho thấy, việc báo chí nước ngoài dự báo Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhiều khả năng sẽ không hiện diện trong ‘tứ trụ’ sau Đại hội Đảng 12 còn quá sớm, là chưa có cơ sở. Có nghĩa là, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng chưa hề chấm dứt như sự đồn đoán của dư luận trong nước và quốc tế.
Điều này đã trái hoàn toàn với những nhận định từ trước đến nay của giới bình luận trong nước và quốc tế về chính trị Việt nam trước đây. Đó là họ đều có một nhận định chung khi cho rằng: ông Nguyễn Tấn Dũng đã cầm chắc chiếc ghế Tổng Bí thư, thậm chí còn kiêm cả chức vụ Chủ tịch Nước. Trong điều kiện ông Dũng đã giành được sự ủng hộ đa số từ BCHTW từ nhiều năm gần đây. Là điều đã giải cứu ông Dũng "thoát chết" trong Hội nghị Trung ương 6 (10/2012), khi mà tập thể Bộ Chính trị thống nhất quyết định kỷ luật ông Dũng vì các sai phạm nghiêm trọng. Song nghị quyết cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương đã bác bỏ ý kiến của Bộ Chính trị.
Có rất nhiều các chỉ dấu cho thấy, đa số các Ủy viên Trung ương hiện nay không ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng. Thể hiện qua việc, trong các Hội nghị Trung ương gần đây, các nghị quyết hay quyết định của Bộ Chính trị, khi đưa ra trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đều bị phản bác và trả lại. Rõ hơn nữa đó là việc, tại Hội nghị Trung ương 13 trong danh sách Bộ Chính trị giới thiệu các ứng viên cho danh sách bầu Bộ Chính trị, thì Ban Chấp hành Trung ương bác bỏ 03 trường hợp thân cận với ông Trọng. Đó là các ông: Hồ Mẫu Ngoạt, Đào Mộng Dung, Thuận Hữu. Trong đó, ông Hồ Mẫu Ngoạt, là trợ ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hơn thế, trước Hội nghị Trung ương 14 đã có nhiều đồn đóan cho rằng, sau khi ông Trương Tấn Sang bị thất sủng, khi nhận ra bản thân mình đã bị ông Nguyễn Phú Trọng lừa nên đã có nhiều quan hệ thân thiện hơn với ông Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó sẽ tạo ra khả năng các Ủy viên Trung ương trung thành với ông Trương Tấn Sang sẽ quay sang bỏ phiếu ủng hộ cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong lúc ông Nguyễn Sinh Hùng, còn đang chờ giải trình về Hồ sơ những bằng chứng liên kết với Trung Quốc "để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ lãnh đạo Việt nam". Đó là những bằng chứng để Chính phủ ra nghị quyết khăng định cần phải "Ngăn chặn âm mưu can thiệp công việc nội bộ đất nước". Vấn đề này có phần liên quan tới ông Nguyễn Phú Trọng. Đây sẽ là ngòi nổ thứ nhất.
Trong lúc này đã xuất hiện dư luận trong cán bộ đảng viên. tố cáo sự "độc diễn'' của TBT Nguyễn Phú Trọng, theo đó họ cho rằng quyết định 244/QĐ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 về "Quy chế bầu cử trong Đảng", đã vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng và đã hạn chế đến mức tối đa quyền đề cử, ứng cử và nhận đề cử của Ban Chấp hành Trung ương, điều đã khiến tập trung quá nhiều quyền lực trong công tác bố trí nhân sự vào tay Bộ chính trị. Chắc chắn, vấn đề này sẽ là một trong những ngòi nổ thứ 2 và mang tính quyết định tại Đại hội 12.
Việc ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng khẳng định rằng "Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ T.Ư giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư" là một trong những tín hiệu cho thấy sự lật ngược của phe ông Nguyễn Tấn Dũng ở phút chót là điều hoàn toàn có thể.
Vì vậy vẫn còn có không ít người tin rằng, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo ra một bước ngoặt mang tính quyết định bằng cách lật ngược thế cờ tại Đại hội Đảng lần thứ 12, để thay đổi vào phút cuối. Như GS. GS Carl Thayer đã nhận định rằng: "Theo tôi trong nội bộ đảng cũng có đủ sự đa đảng để tôi có thể nói là có thể sẽ có sự ngạc nhiên vào cuối đại hội." . Đây là điều hoàn toàn có cơ sở.
Lý do vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đột nhiên thất thế trong Hội nghị Trung ương 14 là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục. Tuy vậy, theo báo Economist đưa ra cho rằng “Nếu ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Dũng có thể muốn tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng từ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, một động thái như vậy trong Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được cho là bất thường. Chính trường Việt Nam đến nay không có chỗ cho nhà lãnh đạo có cá tính, mà chỉ dựa trên sự đồng thuận tập thể”.
Nghĩa là, ngoài tác động của việc thao túng công tác nhân sự của Đại hội 12 từ ông Nguyễn Phú Trọng, thì cũng cho thấy cũng có một bộ phận Ủy viên Trung ương Đảng thuộc thành phần cơ hội chịu ảnh hưởng của quan niệm đó sẽ thay đổi lập trường. Từ chỗ đang ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, nay vì quyền lợi riêng của bản thân và gia đình thì họ sẽ có lựa chọn khác an toàn hơn.
Số ứng cử viên cho mỗi chức danh trong Đại hội 12 sẽ chắc chắn có số dư, và các đại biểu dự đại hội sẽ đề cử bổ xung. Đến khi đó, vấn đề yêu cầu thực hiện đúng Điều lệ Đảng theo yêu cầu trong là thư của ông Lê Đức Anh gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương trong việc ứng cử, đề cử sẽ được tranh luận một cách gay gắt. Để đi đến kết luận cuối cùng là tôn trọng Điều lệ Đảng hay chấp nhận ý kiến của một nhóm trong Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng? Trong Hội nghị Trung ương 14, phe ông Nguyễn Tấn Dùng hầu như ít đề cập tới vấn đề này bởi vì muốn điều đó sẽ trở thành yếu tố đề thực hiện cú lật kèo ngoạn mục.
Chính vì vậy, việc thắng thua của mỗi bên cho đến nay vẫn còn để ngỏ, cơ hội giành chiến thắng sẽ thuộc về phe nào nắm được sự đúng đắn trên cơ sở các nguyên tắc của Điều lệ Đảng. Tin rằng, sự ủng hộ đa số trong tổng số 1510 phiếu sẽ nghiêng về xu hướng đó.
Điều đó cho thấy, trong cuộc đua vào chức vụ Tổng Bí thư như hiện nay, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng còn nhiều khó khăn không kém gì của ông Nguyễn Tấn Dũng.
P/s: Ông Dũng nếu thua trong trận này thì sẽ mất tất cả, do vậy có thể nói đây là một trận sống mái cuối cùng. Có thông tin cho biết rằng, phe của ông Nguyễn Tấn Dũng đã tính tới 3 khả năng có thể xảy ra, đó là:
1. Thượng sách : Giành chiến thắng bằng được tại ĐH 12
2. Trung sách : Giằng co và tìm cách bỏ cho kinh tế kiệt quệ trong thời gian ông Trọng tái cử chức TBT, để nắm quyền trở lại.
3. Hạ sách : Dùng giải pháp quân sự, sẽ tiến hành đảo chính và nếu thất bại, sẽ tiến hành kháng chiến vũ trang.
Ngày 16/01/2016
© Việt Dũng
Tác giả gửi đến Dân luận
(Dân luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét