Pages

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Có nên hợp pháp hoá nghề “buôn phấn bán hương”?

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
Theo: Báo CAND
“Mại dâm gắn bó mật thiết với việc uống rượu, giải trí, cờ bạc, khiêu vũ và các loại tội phạm nhất là tội phạm có tổ chức. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã cho phép hợp pháp hoá mại dâm như một nghề nhưng đó có phải là giải pháp?”
Có thể mại dâm được bắt nguồn từ hành dâm với mục đích hiến tế hoặc tôn giáo trong thời cổ đại ở nhiều nước Trung Cận Đông bao gồm Ai Cập, Cannaan, Phoenicia, Babylone, Assyria, Lydia và Ba Tư, ở Ấn Độ, Numidia và Tây Phi. Hành dâm trong đền thờ thịnh hành ở Judah dưới thời Vua Manasseh (năm 692 – 638 trước Công nguyên).
Kể từ khi loài người coi quan hệ tình dục giữa hai giới nam và nữ như một thứ hàng hóa trao đổi thì người ta không thể loại trừ khía cạnh kinh tế ra khỏi mục đích của tệ mại dâm, thậm chí trong những thời điểm nhất định và ở những nơi nhất định, nó còn được… coi trọng. Mại dâm tồn tại và phát triển vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên. Tại Babylone, dấu tích mại dâm thể hiện rõ trong các đền thờ. Hành dâm hiến tế đã xâm nhập vào Hy Lạp và nổi tiếng nhất là đền thờ Thần Vệ Nữ ở Corinth, nơi các nữ tu tế phục vụ như gái điếm.

Mại dâm tiếng Latinh là prostituere có nghĩa là “bày ra để bán”, chỉ việc bán thân một cách tùy tiện, không thích thú. Trong Xã hội học và Tội phạm học, theo nghĩa rộng, mại dâm có thể được định nghĩa như việc trao đổi sự thỏa mãn tình dục lấy tiền hoặc bất cứ một giá trị vật chất nào.
Mại dâm là một công việc kinh doanh nhằm cung cấp sự thỏa mãn tình dục cho cá nhân ngoài phạm vi vợ chồng. Mại dâm là một hiện tượng xã hội, biểu hiện của sự sai lệch về chuẩn mực xã hội; bởi vậy theo nhà bác học Pháp nổi tiếng E.D.Kheim thì tệ nạn mại dâm cũng giống như nạn tự sát, là dấu hiệu của một xã hội loạn kỷ cương.
Xã hội loài người phát triển, mại dâm cũng len lỏi “phát triển” theo và rồi trở thành tệ nạn mà nhiều nước phải nghiêm cấm.
Phong trào xóa bỏ mại dâm đã thành công ở Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch. Ngăn chặn và kiểm soát mại dâm là mục đích và cố gắng của cộng đồng quốc tế, của Hội Quốc Liên trước đây và Liên Hiệp Quốc hiện nay.
Ở Anh, luật chống tội phạm tập trung vào các chủ chứa mại dâm, ma cô và bọn dắt mối. Đạo luật về tội phạm đường phố năm 1959 lần đầu tiên cấm mọi hình thức gạ gẫm và lang thang trên phố của gái mại dâm. Bản thân mại dâm không bị coi là tội phạm nếu gái mại dâm sống một mình, phòng của cô ta không phải là nhà chứa (được định nghĩa là có ít nhất hai phụ nữ với mục đích mại dâm).
Ở Hoa Kỳ, đạo luật liên bang Mann (đạo luật buôn bán nô lệ trắng năm 1910) cấm việc chuyên chở phụ nữ giữa các bang với mục đích vô đạo đức, luật chống làm tiền ban hành năm 1961 cũng có hiệu lực của lệnh cấm này. ở tất cả các bang của Hoa Kỳ, mại dâm đều bị coi là bất hợp pháp.
Tuy đã có một số biện pháp ngăn chặn, tệ nạn mại dâm ở một số quốc gia vẫn chưa giảm. Mại dâm phổ biến rộng rãi ở Thái Lan. Ở Băng Cốc có tới 60.000 gái mại dâm và 350 quán rượu trá hình, 130 hiệu massage và 100 vũ trường cộng với các khách sạn giải trí hộp đêm và nơi trình diễn thoát y. Ủy ban quốc tế của các luật gia thống kê tổng số gái mại dâm của Thái Lan vào những năm đầu thế kỷ XXI là gần 1 triệu người.
Một thống kê của Bộ Lao động Philippines cho biết, số gái mại dâm phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch là 150.000 người.
Ở Nhật Bản, trong một cuộc khảo sát vào cuối tháng 10-2003, Cảnh sát Nhật Bản đã thống kê được 1.707 nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ với các phòng ngủ nhỏ, 795 hiệu massage, 839 câu lạc bộ hẹn hò và ngân hàng người yêu, 341 rạp thoát y và hiệu ảnh khỏa thân, 327 rạp xem qua ống nhòm (peep shows). Còn số những cửa hàng bán đồ ăn và đồ uống vi phạm luật quản lý các ngành kinh doanh ảnh hưởng tới đạo đức công cộng là gần 100.000.
Ở CHLB Đức, con số gái mại dâm được thống kê là 60.000 người và những gái mại dâm không chuyên như người nội trợ, phụ nữ đang làm việc và sinh viên cạnh tranh với những phụ nữ trong cái gọi là những ngôi nhà của Thần Eros.
Theo quan điểm của nhiều nhà Luật học, Xã hội học thế giới, mại dâm là vấn đề đã và chắc chắn không thể giải quyết được tận gốc. Về mặt đạo đức, mại dâm là xấu. Đối với gái mại dâm cũng như với khách hàng của họ, ai cũng biết rằng “việc những người trưởng thành thỏa thuận làm tình riêng với nhau không ảnh hưởng gì tới luật pháp”, và mại dâm dĩ nhiên đã triệt để lợi dụng điều này để tồn tại và phát triển.
Vì vậy, ở một số nước đã cho phép gái mại dâm hoạt động ở các mức độ, quy mô khác nhau. Có nước coi mại dâm là một nghề hợp pháp được kinh doanh như những nghề khác.
Hợp pháp hóa mại dâm chưa phải là lời giải tối ưu
Trước thực trạng mại dâm và hướng giải quyết vấn đề này còn khác nhau nhưng chính phủ một số nước thường quyết định chọn một trong hai hướng giải quyết sau đây:
Hướng thứ nhất là cấm tuyệt đối mại dâm dưới mọi hình thức.
Ngày 31/12/2004, tại Hội nghị của Chính phủ về phòng chống AIDS tổ chức tại Tp.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và tổng kết các kinh nghiệm đấu tranh trong nước để tìm ra các phương thức kiểm soát nạn mại dâm có hiệu quả ở nước ta trong tình hình hiện nay.
Theo hướng này có các nước theo đạo Hồi truyền thống, các nước XHCN như Việt Nam, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên. Tổng cộng trên thế giới có gần 10 nước. Chế độ Taliban ở Afghanistan trước đây dùng hình thức ném đá đến chết đối với những phụ nữ mại dâm vì vậy mọi người khiếp sợ và tránh xa mại dâm.
Tuy nhiên, nếu việc cấm đoán mại dâm này không thể thực hiện được thì hậu quả của nó là hướng tội phạm mại dâm đi vào bí mật và khiến cho những tổ chức tội phạm dễ dàng kiểm soát và lợi dụng nó để cưỡng bức và tống tiền. Sự cấm đoán tạo điều kiện dẫn đến sự phạm tội thông qua lợi dụng tình dục.
Hướng giải quyết thứ hai đối với mại dâm là kiểm soát bằng cách hạn chế hay cấp môn bài cho gái mại dâm hoặc nhà chứa.
Trên thế giới có nhiều nước quản lý mại dâm theo phương thức này, kể cả Liên bang Nga, các nước SNG và các nước Đông Âu trước đây đã tồn tại chế độ XHCN. Điều này cho phép công khai hóa và tập trung gái mại dâm lại để quản lý, kiểm soát, bảo vệ sức khỏe chung, đặc biệt là việc đề phòng bệnh hoa liễu, bệnh HIV/AIDS bằng sự kiểm tra thường xuyên và việc loại trừ những phần tử phạm tội có tổ chức luôn dùng các “bàn tay đen” để kiểm soát mại dâm.
Việc cấp môn bài cho gái mại dâm và các nhà chứa tạo ra ấn tượng là xã hội chấp nhận kinh doanh tình dục. Tuy nhiên, theo quan điểm của những nhà Luật học và Xã hội học nước ngoài, luật pháp không định kiến với vấn đề đạo đức và chừng nào còn có quan điểm rằng mại dâm làm mất phẩm cách của phụ nữ và xúc phạm đến sự thiêng liêng của bản chất tình dục tự nhiên của con người nhưng không tạo nên những giá trị chung của xã hội thì người phụ nữ có thể tự do kiếm tiền bằng thân xác của mình nếu người ấy thật sự muốn thế.
Chính phủ Hà Lan trước đây xóa bỏ mại dâm, nay đã lựa chọn cách thứ hai để giải quyết vấn đề ở nước mình. Hà Lan là nước hiện nay được cả thế giới coi là có chính sách mở cửa đến lo ngại: nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mại dâm… Khu đèn đỏ ở thủ đô Amsterdam là trung tâm của thế giới sex Hà Lan.
Trên thế giới không chỉ có Hà Lan tổ chức các “khu đèn đỏ” kiểu này. Chỉ cần đi dạo quanh các khu phố Băng Cốc (Thái Lan), Phnôm Pênh (Campuchia) chúng ta cũng gặp nhiều khu phố tương tự.
Chính phủ Hà Lan và nhiều nước tổ chức các dịch vụ này chủ yếu nhằm mục đích kinh tế. Bên cạnh đó, việc quản lý và cho phép mại dâm công khai như vậy sẽ tránh được mại dâm bất hợp pháp, ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Các nhà chứa phải đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, y tế, an ninh. Tất cả các nhà cho thuê, cửa hàng kinh doanh sex phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, được sắp xếp quy củ.
Các cô gái, chàng trai hành nghề mại dâm phải đăng ký hành nghề, khám chữa bệnh định kỳ, nộp thuế cho Nhà nước. Khi đã là một nghề được xã hội và luật pháp thừa nhận thì cả người bán dâm và người mua dâm đều được pháp luật và cảnh sát bảo vệ, tránh được sự xâm hại của bọn “xã hội đen”.
Ở Campuchia với quan niệm cho hợp pháp hóa mại dâm để kiểm soát, ở các khách sạn lớn, các khu giải trí, các vùng du lịch đều có các “dịch vụ hộ tống” như các nước tư bản. Khách xa đến Phnôm Pênh hay bất cứ tỉnh, thành phố nào nếu cần có thể gọi điện thoại tìm một người bạn tâm tình hoặc bạn tình.
Tại các khu giải trí đều xây dựng các phòng chờ lớn dạng tủ kính, trong đó có hàng trăm cô gái thuộc đủ các loại quốc tịch ăn mặc váy đỏ (riêng các cô gái châu Âu thường mặc váy đen để tôn làn da trắng) rất “thoáng”, đeo số ngồi chờ khách đến giải trí gọi đến tên mình.
Mại dâm – nỗi lo của nhiều quốc gia.
Những ai đến Campuchia và thấy các dịch vụ tình dục đều buồn bã và bức xúc vì thấy có quá nhiều các cô gái trẻ chờ đợi phục vụ khách. Tiếng là các dịch vụ này do nhà nước quản lý, chị em được khám sức khỏe, có bảo hiểm y tế, nhưng thực tế đằng sau các dịch vụ tình dục là các thế lực “xã hội đen”.
Chúng thực sự mới là những người kiểm soát các dịch vụ tình dục không chỉ ở Campuchia mà ở khắp thế giới. Phải tiếp khách suốt ngày và với giá cả tương đối cao nhưng số tiền thực sự chị em nhận được rất ít. Phần lớn số tiền thu được từ các khách làng chơi được chi để đóng thuế cho nhà nước, cho các ông chủ dịch vụ, cho các thế lực “xã hội đen” đứng bảo kê đằng sau.
Các đồng nghiệp cảnh sát quốc tế khi trao đổi với chúng tôi cho biết, mặc dù chính phủ nhiều nước đã lựa chọn các phương pháp quản lý mại dâm như trên nhưng trong xã hội cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng phương pháp này có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội và đạo đức.
Dĩ nhiên, mỗi nước đều có quyền đưa ra và quyết định phương pháp giải quyết vấn đề mại dâm ở nước mình, nhưng việc hợp pháp hóa “nghề mại dâm” chưa phải là bài toán tối ưu để giải quyết vấn đề xã hội muôn thuở này ở các nước phương Đông trong thời mở cửa.

Không có nhận xét nào: