Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Thế giới quan ngại tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Ảnh: Pháp luật TP HCM
Cảnh sát bao vây ngôi nhà của Vươn sáng 5/1

RFA

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam một lần nữa lại gây chú ý cho công luận.

Ngày càng tệ hại

Ngay trong những ngày đầu năm Nhâm Thìn 2012, các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cũng như giới lập pháp Mỹ và những nhà vận động cho nhân quyền Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Việt Nam không những không có tiến bộ mà còn gia tăng các biện pháp trấn áp nhằm vào giới tranh đấu, các nhà dân chủ cũng như các tiếng nói bày tỏ chính kiến trong nước.
Các nhà lập pháp Mỹ thuộc cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ đều bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Hà Nội hãy tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân song song với việc thăng tiến các quan hệ với Hoa Kỳ.


Nếu như tại Hà Nội, các Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng nhân quyền tại Việt Nam là yếu tố then chốt trong việc thăng tiến các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, thì tại Washington, nhiều Dân biểu Mỹ đã công khai lên án chính sách đàn áp nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, hai Thượng nghị sĩ có nhiều uy tín của Hoa Kỳ là các ông John McCain và Joe Lieberman cho biết Hoa Kỳ vẫn còn nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trước khi đưa ra các quyết định gia tăng quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

us-senators-met-vn-dissidents-2012-250.jpg
Từ trái: TNS Sheldon Whitehouse, LS Nguyễn văn Đài, TNS John McCain, BS Phạm Hồng Sơn, TNS Joseph Lieberman, LS Lê Quốc Quân và TNS Kelly Ayotte. Photo courtesy of NVD.
Cụ thể, theo các Thượng nghị sĩ Mỹ, Việt Nam cần phải có tiến bộ về nhân quyền trước khi được Hoa Kỳ xem xét đến việc mua bán vũ khí.

Cũng nhân chuyến viếng thăm Việt Nam lần này, phái đoàn 4 thượng nghị sĩ Mỹ đã có cuộc gặp với các nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Việt Nam là Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Quốc Quân và Luật sư Nguyễn Văn Đài. Cùng tham dự cuộc gặp giữa các thượng nghị sĩ Mỹ và các nhà Dân chủ Việt Nam hôm 20 tháng Giêng tại khách sạn Metropole Hà Nội còn có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do sau cuộc gặp, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết:
“Theo quan điểm của tôi đó là một cuộc gặp vô cùng quan trọng. Lý do vì đây là lần đầu tiên những thượng nghị sĩ hàng đầu của thượng viện Hoa Kỳ họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền và họ quan tâm đến tình hình dân chủ ở Việt Nam; thế nên mới có lời mời tôi, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân để tìm hiểu và trao đổi những vấn đề có liên quan đến nhân quyền; cũng như họ trao đổi làm sao để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vì lợi ích chung của hai nước và người dân hai quốc gia.
Ông John McCain nói với chúng tôi một điều là trước đây ông từng hy vọng Việt Nam có cải thiện tình trạng nhân quyền; nhưng hiện nay ông rất buồn vì tình trạng nhân quyền không được cải thiện bao nhiêu mà ngược lại còn tệ hại hơn.
LS Nguyễn Văn Đài
Về thực tế nhân quyền tại Việt Nam thì chúng ta nhìn nhận một cách tổng quát; nhất là trong năm qua rất nhiều người thực hiện quyền con người về chính trị theo hiến pháp Việt Nam đã bị bắt, bị sách nhiễu, bị xử tù và đưa ra xét xử với án nhiều năm. Tình trạng nhân quyền đó có thể nhìn thấy qua số lượng cụ thể. Tình hình đó được đo bằng những con số, bằng những vụ việc sách nhiễu những người đấu tranh vì dân chủ; chứ không chỉ nói chung chung, lý thuyết. Phía chính quyền cũng thấy; các thượng nghị sĩ Mỹ cũng thấy. Ông John McCain nói với chúng tôi một điều là trước đây ông từng hy vọng Việt Nam có cải thiện tình trạng nhân quyền; nhưng hiện nay ông rất buồn vì tình trạng nhân quyền không được cải thiện bao nhiêu mà ngược lại còn tệ hại hơn.”
Cũng liên quan đến nhân quyền và bang giao Mỹ - Việt, trong cuộc điều trần tại hạ Viện Hoa Kỳ hôm 24 tháng Giêng, các Dân biểu Mỹ cho rằng cần phải đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC vì tình trạng gia tăng đàn áp tại Việt Nam.
Theo Dân biểu Chris Smith, tác giả dự luật Nhân quyền cho Việt Nam thì: “Đã tới lúc chính phủ Việt Nam nên ngừng lại tất cả những hành vi trấn áp và xử phạt những người sống vì đức tin của họ, chấm dứt việc đàn áp bịt miệng những nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ quyền con người. Trong tất cả những yêu cầu chính đáng này chính phủ Hoa Kỳ, trên mức độ tương quan ngoại giao với Việt Nam, cần giữ một vai trò tích cực hơn để khuyến cáo lưu ý và nhắc nhở Việt Nam thực thi cũng như tôn trọng nhân quyền và tôn trọng quyền lợi của người dân trong nước họ".

Tiếp tay cho nạn buôn người


sosvn4-250.jpg
Công nhân lao động VN biểu tình ở Sarna- Sweden (3)-Ảnh do Ô.Văn Vũ cung cấp.
Cũng tại buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ đầu tuần này, ngoài tình trạng vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, đàn áp các tiếng nói dân chủ, giới bloggers, những người bày tỏ chính kiến trên mạng internet, v.v… Việt Nam còn bị tố cáo tiếp tay cho nạn buôn người qua hình thức lao động xuất cảng.

Hiện diện tại buổi điều trần với tư cách nhân chứng, cô Vũ Phương Anh – một cựu công nhân xuất cảng Việt Nam nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ rằng cô đã bị tấn công và làm việc như một nô lệ ở Jordan. Cô nói với Đài Á Châu Tự Do: “Em muốn hôm nay em sẽ đại diện cho những người trong nhóm của em và còn ở Việt Nam, những người không có quyền được nói, thì em thay mặt họ nói lên thế nào để cho chính quyền Việt Nam trả lại những tự do, nhân quyền. Điều quan trọng nhất em muốn nói lên là tình trạng buôn lao động tại Việt Nam".
Cô Vũ Phương Anh cho biết thêm rằng việc ra làm chứng trước quốc hội Mỹ có thể gây ra nguy hiểm cho cô và gia đình, nhưng cô phải mang nạn buôn người có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam ra ánh sáng để sẽ không còn ai khác là nạn nhân như cô về sau.

Công an ngày càng lộng hành


condau-giaodanbidanh-170.jpg
Một người dân tham dự đám tang ở Cồn Dầu bị công an đánh bất tỉnh. RFA files
Cũng ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn, trong lúc quốc tế tiếp tục lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân, thì ngay trong nước, tình trạng công an bắt bớ, đánh đập người dân vẫn diễn ra khắp nơi.

Mới nhất, tại Bắc Giang công an đã đánh đến chết một người tham gia biểu tình chống trưng thu đất.
Người thiệt mạng tên là Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ tại xóm 2 thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Gia đình ông trình bày, trong lần cưỡng chế đầu tiên, xót của, ông Hùng xông ra ngăn cản chính quyền và bị đánh. Một người dân nơi đây cho biết: “Anh Hùng đã nhào ra giữ ruộng thì bị nhiều người vào đánh đập đến hộc máu mồm. Tất cả chúng tôi đều trông thấy”.
Không riêng gì trường hợp ông Hùng, theo người dân địa phương thì trong đợt cưỡng chế hồi cuối năm rồi, công an đã đánh đập rất nhiều người dân: “Họ dồn hết dân vào, ai chống cự thì bị đánh. Họ xé ảnh, xé cờ. Họ thả chó săn đuổi dân. Vừa công an, vừa dân quân tự vệ…”
Anh Hùng đã nhào ra giữ ruộng thì bị nhiều người vào đánh đập đến hộc máu mồm. Tất cả chúng tôi đều trông thấy.
Một người dân Bắc Giang
Và thưa quý vị, trong lúc dư luận còn chưa hết bàn tán về các hành xử của chính quyền trong vụ tranh chấp đất đai dẫn đến nổ súng ở Hải Phòng, thì tin tức từ gia đình ông Đoàn Văn Vươn cho biết, từ ngày bị bắt giam tới nay ông Vươn đã nhiều lần bị đánh đập, nhục mạ trong tù.
Tin do một người tù cùng trại với ông Vươn tiết lộ cho em dâu của ông biết. Bà Hiền nói với phóng viên Quỳnh Chi của RFA: “Chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại với người đó. Anh này cũng kể là bị quản giáo đánh”.
Người kể chuyện nói tiếp là quản giáo thóa mạ nạn nhân và đòi giết, đòi đánh gãy tay nạn nhân.
Trước tình cảnh này, lo lắng cho tính mạng của ông Đoàn Văn Vươn trong tù, gia đình nạn nhân cho biết sẽ làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.

tien-lang-3-phapluat-250.jpg
Công an, cảnh sát cơ động mang cả chó bao vây nhà của gia đình Ông Đoàn Văn Vươn, ảnh chụp hôm 05-01-2012. Source phapluat.vn.
Vì hơn ai hết, chính bà Nguyễn Thị Thương, vợ của ông Đoàn Văn Vươn là người đã nếm trải những đòn tra tấn của công an ngay trong những ngày đầu bà cùng bị bắt với những người trong gia đình:

“Họ đánh, họ tra tấn, họ ép cung, họ bảo là “Chồng mày làm thì mày phải biết. Chồng mày làm mà mày không biết thì mày làm cái gì trong cái nhà đấy?” Họ đánh bọn em rất là đau. Đến khi bọn em khai là “Chúng tôi biết nhưng mà chúng tôi không làm” thì họ quy chúng em cái tội là “tổ chức để chống lại người thi hành công vụ”. Họ nói như thế ạ. Họ khép chúng em vào cái tội như vậy.
Họ đánh rất là đau. Họ dùng những gậy sắt họ đánh vào chân, vào đầu, vào bụng. Họ thúc vào bụng. Mọi người xung quanh kêu lên là em đang có bầu; Thế nhưng mà họ vẫn cứ đánh. Họ đánh ở ngoài đường, trước tất cả mọi người chứng kiến đấy ạ”.
Những gì đang xảy ra ở Bắc Giang, Tiến Lãng; cùng với cái chết của nhiều người khác ở Hà Nội, Vinh, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, vân, vân … khi bị công an giam giữ, khiến cho dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi là tại sao bây giờ tình trạng công an đánh người lại phổ biến nhiều đến như vậy?

Không có nhận xét nào: