Pages

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Giới thiệu sách: Henry A. Kissinger – On China

Cymbidium, X-Cafe giới thiệu và trích dịch

Lời giới thiệu: Cuốn “On China” của với tác giả là Henry Kissinger, một người mà tên tuổi đã gắn liền với những năm cuối cùng của VNCH, là một quyển sách về chính trị, ngoại giao rất hay. Quyển này có thể được cho là một nửa tự truyện và một nửa sách sử cận đại thế giới.

Với hơn 500 trang, tác giả đã đưa người đọc đi từ thời Thập Nhị Tứ Quân xa xưa của Trung Quốc cho đến giai đoạn bị các ngoại bang “barbarians” xâu xé chia ra Trung Quốc từng miền để khai thác đem tài nguyên về mẫu quốc, chiến tranh nha phiến (opium war) với Anh Quốc, rồi đến sự xuất hiện của Mao và diễn tiến thống nhất Trung Quốc sau đệ nhị Thế Chiến. Henry Kissinger đã nghiên cứu rất nhiều về sử Trung Quốc dưới con mắt của một chiến lược gia chính trị và ngoại giao. Vì đã đi Trung Quốc hơn 50 lần và tiếp cận với 4 thủ tướng khác nhau, Trung Quốc đã có thể đọc được những gì giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ trong đầu và đoán được đường đi nước bước của họ từ thời Chiến Tranh Lạnh. Henry Kissinger hiểu Mao, Chu Ân Lai, và tương lai của Trung Quốc hơn bất cứ người nào sống ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Henry Kissinger đã kể công Mao, Chu Ân Lai, và Đặng Tiểu Bình rất nhiều trong cuộc thống nhất và tái thiết Trung Quốc để đưa quốc gia này đến cương vị cường quốc hiện nay. Nhưng nếu đọc giả muốn biết thêm về cuộc nội chiến với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, các cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu như Trường Chinh, Bước Đại Nhảy Vọt, Trăm Hoa Đua Nở, Cách Mạng Văn Hoá, Hồng Vệ Binh, Giang Thanh thì họ sẽ thất vọng. Có lẽ vì là một chiến lược gia, Henry Kissinger đã coi nhẹ cái giá về nhân bản mà dân Trung Quốc phải trả qua 70 triệu oan hồn. Trong suốt quyển sách, Henry Kissinger tập trung vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên Xô. Điểm ngoạn mục mà Trung Quốc đã gián tiếp cho biết là nếu không nhờ vào một nước cờ của Hoa Kỳ trong thời Chiến Tranh Lạnh, quân đội Liên Xô đã tràn ngập các căn cứ quân sự của Trung Quốc và có thể thế giới đã không có một Trung Quốc như ngày nay.


Qua quyển sách, Henry Kissinger đã cho thấy một Trung Quốc vô cùng khôn ngoan và sự quyết tâm, lòng yêu nước nhiệt tình của chính quyền và dân chúng Trung Quốc . Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, ngay cả đến Mao cũng phải tự xét lại ý thức hệ Cộng Sản và tiến trình “cách mạng không ngừng” của mình.

Trích dịch chương 13: Sờ Mông Cọp

Vào tháng 4 năm 1979, sáu tuần sau khi Trung Quốc (TQ) rút quân về từ Việt Nam, Hoa Quốc Phong, lúc ấy còn làm Thủ tướng, tổng hợp kết quả của chiến tranh Việt Nam thứ ba bằng một câu với mục đích châm chọc một cách khinh bỉ vai trò của Liên Xô : “Họ đã không dám động đậy. Rốt cuộc, chúng ta vẫn có thể sờ mông cọp.”

TQ xua quân qua Việt Nam để “dạy một bài học” sau khi quân đội Việt Nam chiếm Cam Bốt để trả đũa cho các loạt đụng độ biên giới với quân Khmer Đỏ, và để theo đuổi mục tiêu cuối cùng của Hà Nội là thành lập Liên Hiệp Đông Dương. TQ làm như vậy để thách thức hiệp ước tương ứng phòng thủ giữa Hà Nội và Moscow được ký kết chưa đuợc một tháng trước đó. Cuộc chiến đã gây rất nhiều tổn thất cho quân đội TQ lúc đó vẫn chưa hoàn toàn phục hồi từ những tai hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhưng cuộc xâm lược của TQ đã hoàn tất mục tiêu nòng cốt của họ: Liên bang Xô viết đã tự chứng minh giới hạn tầm chiến lược của mình khi không có phản ứng nào. Quan điểm này có thể được cho là bước ngoặt của Chiến Tranh lạnh, mặc dù vào lúc đó ít người hoàn toàn hiểu như vậy. Chiến tranh Việt Nam thứ ba cũng là cao điểm của hợp tác chiến lược Trung-Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh.

Việt Nam: Sự Bối Rối Của Các Cường Quốc

TQ vướng vào Chiến tranh Việt Nam thứ ba bởi các yếu tố giống như những gì đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến thứ hai. Có một cái gì đó hầu như điên cuồng trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam làm các quốc gia khác mất cảm giác về kích thước và hiểu lầm động lực và khả năng của người Việt Nam. Các sử gia hiện đang cho đó chính là căn bệnh của nước Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam thứ hai (chiến tranh đầu tiên là cuộc chiến chống thực dân Pháp). Người Hoa Kỳ lúc đó không tin rằng một quốc gia trung bình đang phát triển có thể nung nấu một ý chí quyết liệt chỉ để cho chính nghĩa có tính cách giới hạn nội bộ của nó. Do đó, họ cho hành động của Việt Nam là biểu tượng của một ý đồ sâu xa hơn. Sự hiếu chiến của Hà Nội được coi là đội tiên phong của âm mưu phối hợp Trung-Xô để thống chế ít nhất là châu Á. Và Washington cũng tin rằng một khi đội tiền quân của Hà Nội bị chặn, một thỏa hiệp ngoại giao nào đó sẽ xuất hiện.

Cả hai lập luận trên đều sai. Hà Nội không phải là chư hầu của bất kỳ quốc gia nào khác. Họ chiến đấu cho tương lai độc lập của họ, và với mục đích cuối cùng là cho một Liên Hiệp Đông Dương mà nó sẽ cho họ vai chủ chốt ở Đông Nam Á như Bắc Kinh đã từng đóng ở Đông Á. Đối với một dân tộc đơn giản còn sống sót sau bao thế kỷ xung đột với TQ, thỏa hiệp là điều không thể có giữa ý tưởng độc lập của họ và quan niệm về ổn định của bất cứ người ngoài nào khác. Thảm cảnh của chiến tranh Việt Nam thứ hai ở Đông Dương là hành động tương tác giữa sự mong muốn thỏa hiệp của Hoa Kỳ và sự quyết tâm chiến thắng của Miền Bắc Việt Nam.

Trong ý nghĩa đó, sai lầm chính của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam không phải là câu hỏi chia rẽ công chúng Hoa Kỳ như chính phủ Hoa Kỳ có đủ hết lòng cho một kết quả ngoại giao không. Chính ra, điều sai lầm là họ không có khả năng đối mặt với thực tế là cái được gọi là kết quả ngoại giao mà các chính quyền nối tiếp của cả hai đảng phái chính trị Hoa Kỳ đã quá tha thiết, thậm chí tuyệt vọng theo đuổi, đòi hỏi áp lực ở mức độ làm Hà Nội thất trận hoàn toàn mà trong đó Moscow và Bắc Kinh chỉ đóng vai tạo thuận tiện chứ không phải chỉ huy.

Nói một cách hạn chế hơn, Bắc Kinh rơi vào một quan niệm sai lầm tương tự. Khi vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam bắt đầu gia tăng, Bắc Kinh giải thích sự kiện đó theo cách chơi cờ vây: đó là một ví dụ nữa về các căn cứ Hoa Kỳ bao vây TQ từ Hàn Quốc đến eo biển Đài Loan và bây giờ xuống đến Đông Dương. TQ ủng hộ chiến tranh du kích của Miền Bắc Việt Nam, một phần vì nguyên nhân ý thức hệ, một phần để giữ căn cứ Hoa Kỳ càng xa biên giới TQ càng tốt. Chu Ân Lai nói với Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng vào tháng Tư năm 1968 rằng TQ ủng hộ Miền Bắc Việt Nam để ngăn chặn chiến lược bao vây TQ, và Phạm Văn Đồng đã trả lời một cách mơ hồ – phần lớn bởi vì ngăn chặn bao vây TQ không phải là mục đích của Việt Nam và mục tiêu của Việt Nam là những gì liên quan đến quốc gia của họ:

Chu Ân Lai: Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã bao vây một nửa TQ. Hiện nay Liên Xô cũng bao vây TQ. Vòng bao vây đang khép kín ngoại trừ phần về phía Việt Nam.

Phạm văn Đồng: Tất cả chúng tôi đều quyết tâm đánh bại đế quốc Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

CÂL: Đó là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ Việt Nam.

PVĐ: Chiến thắng của chúng tôi sẽ có một tác động tích cực ở Á Châu. Nó sẽ mang lại kết quả không lường trước được.

CÂL: Ông cứ nên nghĩ như thế.

Trong việc theo đuổi chiến lược TQ mà Phạm Văn Đồng đã cẩn thận tách biệt, TQ đã gửi hơn 100.000 nhân viên quân sự không chiến đấu để hỗ trợ hạ tầng cơ sở Miền Bắc Việt Nam và hậu cần. Hoa Kỳ chống Miền Bắc Việt Nam vì cho đó là mặt trận thể hiện ý đồ Trung-Xô. TQ hỗ trợ Hà Nội vì cho rằng Hoa Kỳ có tham vọng thống trị Á Châu. Cả hai đều là sai lầm. Hà Nội đã chiến đấu chỉ cho quốc gia của họ. Sau khi chiến thắng vào năm 1975 trong cuộc chiến thứ hai, một nước Việt Nam thống nhất do Cộng sản lãnh đạo đã trở nên một mối đe dọa chiến lược rất lớn đối với TQ so với Hoa Kỳ.

Người Việt trông chừng hàng xóm phía Bắc của họ với cặp mắt nghi ngờ gần đến độ sợ sệt hoang tưởng. Trong suốt thời gian dài dưới ách đô hộ TQ, Việt Nam đã hấp thụ hệ thống Hán tự và các thể thức chính trị và văn hóa (qua bằng chứng ngoạn mục nhất là hoàng cung và các ngôi mộ tại cố đô Huế). Tuy nhiên, Việt Nam đã sử dụng các thể chế “TQ” này để xây dựng một quốc gia riêng biệt và củng cố nền độc lập riêng của họ. Vị trí địa lý đã không cho phép Việt Nam rút vào thế cô lập như Nhật Bản đã làm trong khoảng thời gian tương ứng trong lịch sử của họ. Từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ mười, không ít thì nhiều, Việt Nam nằm dưới sự cai trị của TQ, họ chỉ hoàn toàn trở nên một quốc gia độc lập sau sự sụp đổ của triều đại nhà Đường vào năm 907.

Bản sắc dân tộc Việt Nam phản ánh di sản của hai sức mạnh có phần mâu thuẫn: trên một mặt, hấp thụ văn hóa TQ, trên mặt khác, chống đối sự cai trị chính trị và quân sự của TQ. Chống cự TQ đã giúp nẩy sinh một niềm tự hào mãnh liệt về nền độc lập và một truyền thống quân sự đáng sợ của người Việt. Sự hấp thu văn hóa TQ đã cho Việt Nam một tầng lớp tinh tú theo phong cách Nho giáo TQ, họ có một phong thái cá biệt nào đó của một quốc vương trong khu vực đối với các hàng xóm của họ. Trong các cuộc chiến tranh Đông Dương ở thế kỷ thứ 20, Hà Nội đã tỏ cái ý thức quyền thụ hưởng chính trị và văn hóa của họ bằng cách tự tiện sử dụng lãnh thổ trung lập của Lào và Cam Bốt như thể đó là quyền của họ và sau chiến tranh, họ mở rộng “mối quan hệ đặc biệt” với các phong trào Cộng sản trong các quốc gia này, chẳng khác gì bị Việt Nam cai trị.

Việt Nam đối mặt với TQ bằng một thử thách về tâm lý và địa chính trị chưa từng thấy. Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã quen thuộc với nghệ thuật chiến tranh của Tôn Tử và dùng các nguyên tắc đó với một hiệu quả đáng kể đối với cả Pháp lẫn Hoa Kỳ. Ngay cả trước khi các cuộc chiến tranh Việt Nam dài kết thúc, đầu tiên với Pháp trong việc theo đuổi đòi lại thuộc địa của họ sau Thế Chiến Thứ II, và sau đó với Hoa Kỳ từ 1963 cho đến 1975, cả Bắc Kinh và Hà Nội đều bắt đầu nhận thức rằng cuộc thi thố kế tiếp sẽ là giữa họ cho vị trí thống trị ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Gần gũi văn hóa có thể giải thích cho sự vắng mặt tương đối của điều chắc chắn trong phân tích chiến lược thường được dùng để hướng dẫn chính sách của TQ trong chiến tranh Việt Nam. Trớ trêu thay, chủ ý chiến lược lâu dài của Bắc Kinh dường như tương đương với chủ ý của Washington: một viễn cảnh trong đó bốn quốc gia Đông Dương (Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, Cam Bốt, và Lào) cân bằng lẫn nhau. Điều này có thể giải thích lý do tại sao Mao, khi phác họa các kết quả hậu chiến có thể xảy ra với Edgar Snow vào năm 1965, liệt kê một giải pháp khả thi là giữ Miền Nam Việt Nam, và do đó, được xem là có thể chấp nhận được.

Trong chuyến đi Bắc Kinh bí mật vào năm 1971, CÂL giải thích mục tiêu của TQ ở Đông Dương là phi chiến lược cũng như phi ý thức hệ. Theo CÂL, chính sách của TQ ở Đông Dương hoàn toàn dựa vào món nợ lịch sử từ các triều đại xa xưa. Có thể các nhà lãnh đạo TQ giả định rằng Hoa Kỳ không thể bị đánh bại và Miền Bắc Việt Nam sẽ trở nên phụ thuộc nhiều vào viện trợ của TQ như Bắc Hàn đã từng bị phụ thuộc vào TQ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Trong khi chiến tranh tiếp diễn, có một số dấu hiệu cho thấy chính TQ đang chuẩn bị khi Hà Nội chiến thắng, mặc dù miễn cưỡng. Tin tình báo cho biết việc TQ xây đường xá ở phía bắc Lào không liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra với Hoa Kỳ nhưng nó sẽ giúp ích cho chiến lược hậu chiến để cân bằng Hà Nội hoặc thậm chí cho một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Lào. Năm 1973, sau Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, CÂL và tôi thương lượng một giải pháp hậu chiến cho Cam Bốt dựa vào liên minh giữa Norodom Sihanouk (cựu lãnh tụ của Cam Bốt đang lưu vong tại Bắc Kinh), chính phủ Nam Vang vào thời điểm đó, và Khmer Đỏ. Mục đích chính của liên minh là tạo ra một trở ngại cho cuộc xâm lăng trên toàn Đông Dương của Hà Nội. Rốt cuộc thỏa thuận bị hủy bỏ khi Quốc hội Hoa Kỳ cấm bất cứ vai trò quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, làm cho nhiệm vụ của Hoa Kỳ không còn thích hợp.

Tôi nhận ra thái độ thù địch tiềm tàng của Hà Nội với đồng minh phía bắc của họ trong một chuyến thăm Hà Nội trong tháng 2 năm 1973 để dàn xếp việc thực hiện Hiệp định Paris được ký kết hai tuần trước đó. Lê Đức Thọ đưa tôi đi thăm viện bảo tàng quốc gia ở Hà Nội với chủ yếu cho tôi xem các khu trưng bày dấu tích đấu tranh lịch sử của Việt Nam chống TQ – lúc đó vẫn chính thức là đồng minh của họ. Với sự sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975, hiềm khích lịch sử tiềm tàng đã bật lộ, đưa đến một chiến thắng địa chính trị thay vì ý thức hệ. Nó đã chứng minh rằng không phải một mình Hoa Kỳ đánh giá sai ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam. Khởi đầu khi Hoa Kỳ can thiệp, TQ xem sự kiện đó như là một cơn thở hắt cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc. Họ hầu như thường xuyên chia sẻ với Hà Nội. Họ giải thích sự can thiệp của Hoa Kỳ như là một bước nữa để bao vây TQ – y hệt như họ đã từng xem sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Hàn Quốc một thập niên trước đó.

Trớ trêu thay, từ quan điểm địa chính trị, lợi ích lâu dài của Bắc Kinh và Washington đáng lý ra phải đi đôi với nhau. Đáng nhẽ cả hai nên để nguyên tình trạng án binh bất động, nghĩa là một Đông Dương được phân chia giữa bốn quốc gia. Washington không muốn Hà Nội thống trị Đông Dương vì ý tưởng trật tự toàn cầu của Tổng Thống Wilson qua quyền tự quyết của các quốc gia hiện hữu và khái niệm về âm mưu Cộng Sản trên toàn cầu. Bắc Kinh cũng có cùng mục tiêu chung như vậy, nhưng từ quan điểm địa chính trị, vì họ muốn tránh sự thành hình của một khối Đông Nam Á ngay ranh giới phía nam của họ.

Trong một thời gian dài, Bắc Kinh dường như tin rằng ý thức hệ Cộng sản sẽ làm lu mờ một lịch sử ngàn năm chống đô hộ giặc TQ của ngưòi Việt Nam. Nếu không họ đã không nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể đi đến thất bại hoàn toàn như thế. Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Bắc Kinh đã phải đối diện với những cái khó khăn mà chính sách của chính họ đã gây ra. Và họ phải co vòi trước những nan giải này. Kết quả xảy ra ở Đông Dương đã chạm vào mối lo âu bị bao vây thường trực của TQ. Ngăn chặn một khối Đông Dương liên kết với Liên Xô đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của chính sách đối ngoại của TQ dưới thời Đặng Tiểu Bình và nó cũng trở thành một cầu liên kết tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Hà Nội, Bắc Kinh, Moscow và Washington đang là bốn tay chơi của bàn cờ wei. Những biến cố ở Cam Bốt và ở Việt Nam sẽ định đoạt ai là người bị vây và bị vô hiệu hóa: Bắc Kinh hay Hà Nội.

Cơn ác mộng của Bắc Kinh bị bao vây bởi một thế lực thù địch dường như trở thành hiện thực. Một mình Việt Nam cũng đã là một lực lượng ghê gớm. Nhưng nếu để họ thành lập Liên Hiệp Đông Dương, họ sẽ có một khối 100 triệu dân và sẽ có một vị thế tạo áp lực đáng kể đối với Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác. Trong bối cảnh này, lấy sự độc lập của Cam Bốt như là một đối trọng với Hà Nội trở thành mục tiêu chủ yếu của TQ. Sớm như tháng Tám năm 1975, ba tháng sau khi Sài Gòn thất thủ – Đặng Tiểu Bình nói với nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan đang thăm TQ: “Khi một siêu cường [Hoa Kỳ] bị bắt buộc phải rút quân khỏi Đông Dương, một siêu cường khác [Liên Xô] nắm lấy cơ hội … để thò các xúc tu ác độc của nó đến khu vực Đông Nam Á … trong nỗ lực bành trướng đến đó.” Đặng Tiểu Bình nói “Cam Bốt và TQ, cả hai … đối mặt với nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bá chủ hoàn cầu … Chúng tôi chắc chắn tin rằng … hai dân tộc của chúng ta sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa và cùng nhau diễu hành hướng tới chiến thắng mới trong cuộc đấu tranh chung.” Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ Lào Kaysone Phomvihane, Thủ tướng Hoa Quốc Phong cảnh báo về Liên Xô đại loại như: “Đặc biệt, cái siêu cường ra vẻ ‘hoà hoãn’ trong khi xoè móng vuốt khắp nơi này đang đẩy mạnh bành trướng vũ trang, sửa soạn chiến tranh, cố gắng đưa các quốc gia vào phạm vi ảnh hưởng của mình và chơi trò chúa bá quyền.”

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: