Võ Long Triều
Những ngày cuối năm con mèo, tình hình chính trị thế giới có phần sôi động. Dư luận sợ rằng có thể xẩy ra xung đột ở vùng Vịnh với sự đe dọa của Iran và phản ứng của thế giới tự do, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước thị trường chung Âu Châu. Thử phân tích những sự kiện và lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo hay quan chức có trách nhiệm thuộc các quốc gia đương cuộc xem lời tuyên bố của họ có giá trị khiêu khích, đe dọa, và hành động thật hay chỉ là hù dọa có mục đích răn đe cảnh cáo mà thôi. * Vùng Vịnh
Iran tiếp tục chuẩn bị chế tạo bom nguyên tử dưới chiêu bài sử dụng uranium trong mục đích hòa bình. Nhiều năm qua khi thì Iran cho phép Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (AIEA), nôm na là ủy ban kiểm soát năng lượng hạt nhân (commission conjointe de contrôle nucléaire) của Liên Hiệp Quốc xem xét hoạt động của các cơ sở hạt nhân, khi thì Iran cấm thành viên của ủy ban này không được phép tra cứu việc tinh chế uranium. Có lúc Iran khai báo thật thà về những hoạt động vô hại, có lúc họ che giấu những điều quan trọng không cho quốc tế biết. Liên Hiệp Quốc đã áp đặt 4 lần chế tài Iran về việc tinh chế uranium. Ngày 8 tháng 11 năm 2011, AIEA đã ấn hành một bản báo cáo xác nhận Iran đã thực hiện những công tác nhắm tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Pháp thúc đẩy các nước Âu Châu chấp thuận trừng phạt Iran mạnh hơn bằng cách là phong tỏa tài sản ngân hàng và cấm vận dầu xuất cảng của Iran trong kỳ họp các bộ trưởng ngoại giao và nguyên thủ quốc gia ngày 30-01-2012 tại Bruselles. Hoa Kỳ đã quyết định sẽ có biện pháp trừng phạt mọi tổ chức ngân hàng của mọi quốc gia, kể cả ngân khố Hoa Kỳ, nếu những ngân hàng nầy làm trung gian trang trải tài chánh trong việc mua dầu của Iran.
Lập tức phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Iran, ông Ramin Mehmanparast tuyên bố: “Tây phương không có khả năng loại trừ Iran khỏi việc trao đổi năng lượng trên thế giới và biện pháp trừng phạt sẽ đưa tới tổn hại của tất cả mọi bên”. Nếu cấm vận, Iran sẽ đóng eo biển Hormuz và để hỗ trợ cho sự đe dọa nầy, Iran cho bắn hỏa tiễn tầm trung “Ðịa Không” và “Ðịa Ðối Hải Ghader” tầm xa. Ðô Ðốc Mahmoud Moussavi còn khoe loại hỏa tiễn Ghader có khả năng chống mục tiêu “tàng hình”.
Phải chăng những lời hù dọa trên đây là của những người lãnh đạo Iran thấy rõ nguy cơ to lớn có thể gây tổn hại không lường đối với một quốc gia sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa như Iran. Sự hù dọa của thằng liều đứng trước thảm họa một còn một mất.
Giáp lời những hù dọa ghi trên, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ trả lời: “Hoa Kỳ sẽ không khoan nhượng việc Iran đóng eo biển Hormuz, coi đó là giới tuyến đỏ và Hoa Kỳ sẽ phản ứng”. Chủ tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Mỹ, Ðô Ðốc Dempsey nói: “Chúng tôi trông đợi Iran là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, không ngăn cấm quyền tự do hàng hải đi lại, chúng tôi kiên quyết không để họ thụ đắc một vũ khí hạt nhân”. Lại một sự hù dọa của Hoa Kỳ đáp lại sự hù dọa của Iran.
Nhưng theo Riad, một chuyên gia về vấn đề quân sự tại Dubai, thì các quốc gia trong Vùng Vịnh chuẩn bị chiến tranh, nhưng không một quốc gia nào muốn có chiến tranh.
Còn giáo sư học viện cao đẳng quốc tế ở Genève nhắc nhở rằng: “Iran đưa ra các lời tuyên bố cứng rắn như vậy có thể là để chuẩn bị cho lời yêu cầu tái lập các cuộc thương thuyết với Bruxelles để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng về chương trình nguyên tử của họ”.
Thực tế, nếu Iran đóng eo biển Hormuz thật, chắc chắn Hoa Kỳ thừa khả năng khai thông với lực lượng quân sự mạnh gấp nhiều lần hơn, đó là chưa kể Israel sẵn sàng chờ cơ hội tham gia đánh bại những kẻ thù lân cận.
Ðiều đó Iran vẫn biết rõ.
Riêng đối với Hoa Kỳ sau hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, khả năng kinh tế, quân sự vẫn còn nhưng cũng không muốn tiêu hao thêm trong tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chưa kể Hoa Kỳ còn phải đương đầu với sự vùng lên và tinh thần bành trướng của Bắc Kinh đang muốn thay Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới. Do đó ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Panetta xác định: “Quân đội Hoa Kỳ có khả năng chiến đấu trong nhiều vụ xung đột cùng một lúc và đối đầu đánh bại hơn một địch thủ cùng một lúc”. Nhưng điều chắc chắn ông Panetta phải biết là dư luận quần chúng Hoa Kỳ không sẵn lòng chấp nhận chiến tranh trong hoàn cảnh hiện tại.
* Châu Á Thái Bình Dương
Sách lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ làm cho Trung Quốc nổi giận. Ðó là những lời tuyên bố của Tổng Thống Obama: “Lực lượng quân sự của Hoa Kỳ sẵn sàng đối với các trường họp bất trắc và sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương sẽ được tăng cường”. Còn thêm những thỏa thuận ký kết với Úc Châu, Ấn Ðộ, Singapore và những sự thắt chặt với Nhật Bản, Ðại Hàn, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng là một sự bao vây, Trung Quốc biết rõ nên phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, ông Lưu Vi Dân cho rằng: “Sự tăng cường hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Châu Á là dựa trên một sự tính toán sai lầm”. Một tướng lãnh thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Trung Cộng khuyến cáo nguy cơ bị Hoa Kỳ bao vây. Nhưng trong một bài báo ông viết trên báo Quân Ðội Nhân Dân kêu gọi không nên hoảng hốt, phải thông minh đối phó với ý đồ thật sự của Washington. Tướng La Viện nhận định Hoa Kỳ muốn ngăn chận Trung Cộng phát triển. Nhưng cuối cùng viên tướng thuộc phe diều hâu của Bắc Kinh cũng phải kêu gọi có một “đối sách ngoại giao thông minh”.
Trước đây không lâu những lời tuyên bố nẩy lửa của Bắc Kinh như: “Các quốc gia chống đối sẽ nghe tiếng súng đại bác”. Tư Lệnh Không Quân Trung Quốc khoe khoang: “Không Lực Trung Cộng có khả năng đưa chiến tranh ra ngoài biên giới Trung Quốc”.
Có lẽ những sự hung hăng và hành động thô bạo cướp của trên biển Ðông của Trung Cộng có giá trị áp đảo đối với các nước nhược tiểu lân bang. Nhưng từ khi Hoa Kỳ nhận thấy có quyền lợi kinh tế và chiến lược quân sự toàn cầu của mình tại Châu Á Thái Bình Dương, nên mới quyết định trở lại và tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng nầy. Cũng từ khi đó Trung Quốc có diễu võ dương oai nhưng càng ngày càng xuống nước khi vấn đề biển Ðông được quốc tế hóa do Hoa Kỳ ủng hộ.
Tóm lại Trung Quốc thừa biết sức mạnh quân sự của họ còn kém xa Hoa Kỳ. Hải quân chưa có được một chiếc hàng không mẫu hạm trong khi Hoa Kỳ đã có hàng chục, đó là chưa kể hải quân Nhật Bản, Ấn Ðộ, Úc Châu. Cho nên những lời hù dọa sẽ nghe tiếng súng đại bác chỉ là rung cây nhát khỉ mà thôi. Chiến tranh lạnh thì có, điểm nóng chưa có khả năng xẩy ra trong thời điểm nầy, trừ khi có một tên chỉ huy nào quá khích, vô kỷ luật làm bừa thì đó là một tay nạn giới hạn chớ không thuộc chủ trương của các quốc gia đang đối đầu vì sự tồn tại như Iran hay vì tranh giành quyền lãnh đạo trật tự thế giới mới như Hoa Kỳ hay Trung Quốc.
13-01-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét